Africa De Las Eras, nữ điệp viên lão luyện của tình báo đối ngoại Xô Viết

Thứ Hai, 18/12/2006, 10:00

Trong đội ngũ quan chức hàng đầu tại Tổng cục I của KGB, Africa chỉ được biết đến với mật danh "Patria" dịch từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Tổ quốc". Trong cuộc đời hoạt động của mình, bà đã từng được Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô trao tặng huân chương Lênin vì những công lao đặc biệt đối với Tổ quốc.

Bà là người gốc Tây Ban Nha, nhưng Liên Xô từ lâu đã trở thành Tổ quốc thứ hai của bà. Tính ra, nữ điệp viên lão thành này đã phục vụ cho tình báo Xôviết hơn 45 năm trong các điều kiện của một điệp viên hoạt động bí mật và đơn lẻ...

Cô con gái của viên sĩ quan bị thất sủng

Africa de Las Eras sinh ngày 26/4/1909 tại thành phố Seute của Morocco (khi đó đang là thuộc địa của Tây Ban Nha). Cha của Africa là sĩ quan quân đội bị thất sủng đồng thời là em của viên tướng nổi tiếng của Tây Ban Nha thời đó Manuel de Las Eras – đã từng bị đày sang Morocco vì có những quan điểm đối lập với chế độ của Primo de Rivere.

Cái tên khác thường Africa của bà cũng là do cha đặt để bày tỏ lòng biết ơn đối với châu Phi đã trở thành nơi nương náu cho ông và gia đình.

Cái chết bất ngờ của người cha vào tháng 1/1933 đã khiến cho Africa phải bước vào một cuộc sống tự lập hoàn toàn. Từ giữa năm 1933, bà chuyển về Tây Ban Nha và tìm được công việc tại một nhà máy dệt ở Madrid.

Africa đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản tại đây và tham gia vào việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa của những công nhân mỏ tại tỉnh Asturia. Bà xung phong đảm trách những nhiệm vụ nguy hiểm nhất như phân phát vũ khí và làm liên lạc giữa các nhóm khởi nghĩa với nhau.

Lãnh tụ Santiago Karilo của những người Cộng sản Tây Ban Nha (từng tham gia vào các sự kiện tại Asturia) về sau vẫn nhớ về Africa như một “cô gái đẹp và dũng cảm có nước da ngăm đen”. Khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra vào năm 1936, Africa xung phong ra mặt trận và chiến đấu trong hàng ngũ những chiến sĩ Cộng hòa, trở thành đại biểu của Đảng Cộng sản trong chính phủ của Mặt trận nhân dân.

Tham gia cuộc chiến bảo vệ Đất nước Xô Viết

Từ năm 1937, Africa đã bắt đầu hợp tác với Cơ quan Tình báo đối ngoại Xôviết, đảm nhận nhiều nhiệm vụ đặc biệt tại các quốc gia khác nhau. Cũng chính từ giai đoạn này, bà đã ký tên bằng mật danh “Patria” trong các thư từ liên lạc bí mật.

Africa khi đó hoạt động dưới quyền của Aleksander Orlov, người lãnh đạo bộ phận tình báo Xôviết tại Tây Ban Nha. Những thông tin được bà chuyển về Moskva trong giai đoạn này đã được đánh giá rất cao bởi tính chất quan trọng của chúng.

Theo Trung tướng Sudoplatov, “Patria” từng được cài cắm vào ban thư ký của tên phản bội Troski trong thời gian hắn còn ở tại Na Uy. Tất cả những thông tin quan trọng của bà liên quan đến nhân vật này đều được báo cáo trực tiếp lên cho Stalin. 

Tháng 7/1938, trung tâm đã quyết định triệu hồi Africa về Moskva do có nguy cơ bị bại lộ sau vụ đào tẩu của Orlov. Tại đây, bà được nhận quốc tịch Liên Xô và vào làm việc trong ngành công nghiệp dệt. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc, bà đã tìm mọi cách để được quay trở lại mặt trận dưới dự chỉ huy của anh hùng Liên Xô Medvedev.

Mặt trận thầm lặng ở Tây bán cầu

Mùa hè năm 1944, Africa lại có mặt tại Moskva, lần này để nhận nhiệm vụ làm điệp viên cho Cơ quan Tình báo đối ngoại. Từ thời điểm này, bà được yêu cầu phải cắt đứt tất cả những quan hệ trước kia với các đồng đội cũ người Tây Ban Nha, cũng như tất cả họ hàng và người thân tại đây.

Tháng 1/1946, Africa được đưa từ Berlin tới Paris, nơi bà đã tạo vỏ bọc ban đầu thành công với vai một nữ công dân chạy nạn vượt qua biên giới Tây Ban Nha - Pháp từ cuối năm 1945.

Năm 1947, trung tâm quyết định cử “Patria” sang hoạt động tình báo ở Argentina. Tại đây, Africa đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thu thập và gửi về trung tâm nhiều thông tin quan trọng. Bà là nữ điệp viên Xôviết đầu tiên tại khu vực này đã thiết lập và duy trì được đường dây liên lạc song phương bằng điện đài với trung tâm.

 Tháng 5/1956 (tức là sau 8 năm dài hoạt động tại châu Mỹ Latinh), Africa nhận được một bức điện của trung tâm, trong đó thông báo sẽ cử một “đồng chí người Italia” tới để phối hợp hoạt động. “Patria” tới một thủ đô quốc gia láng giềng để tìm cách bắt liên lạc. Suốt vài ngày, bà lang thang khắp đại lộ trung tâm thành phố, tay trái cầm một cuốn sách có bìa vàng, vai phải là một túi xách trong có thò ra một chiếc khăn tay màu xanh – tất cả đều là dấu hiệu quy ước từ trước để hai người nhận ra nhau.

Chẳng bao lâu, theo kịch bản của trung tâm, hai người cần phải trở thành vợ chồng trên danh nghĩa. Mối quan hệ vợ chồng “theo chỉ thị” này đã nhanh chóng phát triển thành một tình cảm thực sự, khiến cả hai quyết định gắn kết cuộc đời với nhau. 

Hai vợ chồng Bertoni và Africa.

Cần phải nói qua về người đồng chí, cũng là bạn đời của Africa. Giovanni Antonio Bertoni (mật danh là Marko) sinh ngày 27/4/1906 tại một thị trấn nhỏ phía bắc Italia. Năm 1922, ông đã gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Italia, trước khi trở thành một đảng viên Cộng sản.

Tháng 4/1925, sau khi tham gia tiêu diệt một tên thủ lĩnh phát xít, Bertoni buộc phải chuyển sang hoạt động bí mật và sau đó tới Liên Xô. Từ tháng 5/1936, Bertoni là một nhân viên trong bộ máy của Quốc tế Cộng sản, trước khi chuyển sang làm việc cho tình báo Xôviết.

Tháng 6/1944, Marko được tung sang hoạt động tại Nam Tư và Italia. Ông đã xây dựng được một mạng lưới tình báo rất hiệu quả tại đây. Tuy nhiên, đến đầu năm 1949, Marko buộc phải quay trở về Liên Xô sau khi bị cơ quan phản gián địa phương theo dõi.

Từ năm 1956, Marko bắt đầu lãnh đạo mạng lưới tình báo bí mật tại Mỹ Latinh đã được Africa xây dựng và điều hành trước đó.

Đến năm 1958 (tức là chỉ sau hai năm), trung tâm đã có điện khen ngợi cả hai vợ chồng Bertoni, trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi cho rằng, anh cùng với Patria trong hai năm qua đã làm được rất nhiều việc quan trọng: hợp thức hóa vỏ bọc; thiết lập được đường dây liên lạc bằng điện đài; hoàn thành một loạt các nhiệm vụ quan trọng khác của trung tâm (các chuyến công tác tới những quốc gia láng giềng, thu thập thông tin về các vấn đề cụ thể); tạo dựng được những mối quan hệ có ích cho công việc”.  

Tính ra, hai vợ chồng Bertoni đã có tất cả 8 năm chung sống hạnh phúc và hoạt động rất hiệu quả. Ngày 1/9/1964, Đại tá tình báo Xôviết Giovanni Bertoni đã bất ngờ qua đời trong khi đang thực thi nhiệm vụ. Chôn cất chồng ngay tại nơi đất khách quê người, Africa vẫn tiếp tục hoạt động thêm 3 năm nữa.

Tháng 11/1964, bà thông báo về trung tâm: “Tình hình tại đây đang rất căng thẳng, không thể tránh khỏi một cuộc đảo chính quân sự. Tôi đang có khả năng để phát triển những mối quan hệ có ích trước đây. Tôi cho rằng, mình vẫn có thể hoạt động tình báo hiệu quả”.

Mùa thu năm 1967, vì lý do sức khỏe theo chỉ thị của trên, Africa đã trở về Moskva sau hơn 20 năm hoạt động thầm lặng tại Mỹ Latinh. Việc quay về Liên Xô không có nghĩa là cuộc đời hoạt động tình báo bí mật của bà đã kết thúc.

Africa còn tham gia ba chuyến công tác nước ngoài nữa để thực hiện những nhiệm vụ hết sức quan trọng mà trung tâm không thể giao phó cho bất cứ ai ngoài bà. Từ năm 1971, Africa bắt đầu tham gia vào việc huấn luyện những thế hệ điệp viên mật trẻ tuổi, truyền đạt cho họ những kinh nghiệm vô giá trước đây của mình.

Tháng 3/1976, Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô, Đại tá tình báo Africa de Las Eras được tặng thưởng Huân chương Lênin vì những công lao đặc biệt đối với Tổ quốc. Điệp viên lão thành Africa vẫn tiếp tục đóng góp công sức của mình cho Cơ quan Tình báo Xôviết đến khi nghỉ hưu vào năm 1985. Lúc đó, bà đã 76 tuổi. Africa de Las Eras  qua đời vào ngày 8/3/1988

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.