Ai Cập: Tổng tư lệnh quân đội sẽ tranh cử tổng thống

Chủ Nhật, 23/03/2014, 16:30

Tuy chưa chính thức tuyên bố, nhưng Thống chế Abdel Fatah el-Sisi - Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập, chắc chắn sẽ ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

Dấu hiệu rõ nhất về ý định ra tranh cử tổng thống của Thống chế Abdel Fatah el-Sisi là phát biểu của ông tại Học viện Quân sự Cairo hôm 5/3. Ông Sisi đã phát biểu rằng, ông "không thể quay lưng lại với yêu cầu, sự mong đợi của công chúng".

Sisi nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm cao của một lãnh đạo tối cao của quân đội Ai Cập đứng trước yêu cầu, đòi hỏi từ dân chúng Ai Cập về việc ra ứng cử tổng thống để lên lãnh đạo đất nước, để đưa đất nước Ai Cập thoát khỏi những khó khăn, bất ổn về kinh tế, chính trị như hiện nay.

Thực tế là nhiều người tin chắc rằng, chiếc ghế tổng thống Ai Cập không thể dành cho ai khác ngoài ông Sisi. Ngay bây giờ, dù chưa phải là tổng thống, nhưng quyền lực của Sisi còn hơn cả tổng thống: Ông đang nắm trong tay quyền lực và sức mạnh tột cùng của một Thống chế nắm binh lực trong tay.

Từ sau màn đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, và sau đó là chiến dịch rầm rộ triệt hạ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, với hàng ngàn người bị bắt giam, gần 2.000 người chết trong các cuộc biểu tình, Sisi đã nổi lên như một nhân vật quyền lực mới sau thời ông Hosni Mubarak. Đường lối cứng rắn, chính sách mạnh tay chống lại sự trỗi dậy của tổ chức Hồi giáo đã giúp cho Sisi được khá nhiều người Ai Cập ủng hộ, thậm chí là tôn sùng như thần tượng.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sisi được ca ngợi như “một vị anh hùng cứu tinh” của Ai Cập. Người ta sáng tác những bài hát để ca ngợi Sisi và quân đội, và cho phát trên sóng phát thanh lưu truyền rộng rãi trong dân chúng Ai Cập. Người ta tôn vinh những tính cách đáng ngưỡng mộ của Sisi; hình ảnh của Sisi được treo, dán khắp nơi trên các áp-phích, băng-rôn, pa-nô lớn nhỏ. Đi đâu, làm việc gì người ta cũng trao đổi với nhau về ông.

Người ủng hộ Sisi bắt đầu so sánh ông với nhà lãnh đạo huyền thoại Gamal Abdel-Nasser, người đã lãnh đạo Ai Cập trong các thập niên 50-60 thế kỷ XX.

Thống chế Abdel Fatah el-Sisi.

Thời gian gần đây, người ta quan sát thấy ông Sisi có cách hành xử mang dáng vấp của một nguyên thủ quốc gia - đó là khi ông thực hiện chuyến công du đến Nga vào trung tuần tháng 2 vừa qua, hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và được Tổng thống Putin tuyên bố ủng hộ ông tranh cử tổng thống Ai Cập.

Tổng thống Putin bảo rằng, Sisi "rất có trách nhiệm khi quyết định đảm nhận sứ mệnh vì vận mệnh của nhân dân Ai Cập…", và "chúc may mắn" Sisi. Tổng thống Putin còn tặng Sisi một chiếc áo khoác màu đen có thêu ngôi sao màu đỏ như một biểu tượng của sự may mắn. Sự khích lệ này từ nhà lãnh đạo Nga không chỉ mang ý nghĩa về mối quan tâm địa chính trị của một cường quốc đối với một đất nước đã có nhiều quan hệ sâu sắc trong chiều dài lịch sử, mà nó còn là "con dấu" chính thức được đóng lên "tấm vé" tranh cử để ông Sisi tự tin hơn, đàng hoàng bước vào cuộc đua một cách danh chính ngôn thuận.

Abdel Fatah el-Sisi năm nay 60 tuổi (sinh tháng 11/1954), sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, có cha làm thợ thủ công mỹ nghệ ở quận Gamaleya, một trong những khu phố cổ nhất của Cairo, nơi có khu chợ cổ nổi tiếng Khan al-Khalili. Sisi tham gia quân ngũ ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự vào năm 1977; đó cũng là năm Tổng thống Anwar Sadat ký hòa ước với Thủ tướng Israel Menachem Begin, chấm dứt chiến tranh Israel - Ai Cập kéo dài hàng chục năm; và vì thế Sisi chưa hề biết mùi cầm súng chiến đấu là gì.

Giới bình luận quốc tế đánh giá về Sisi như một hình mẫu đầy mâu thuẫn: Một vị tướng quân đội do Mỹ đào tạo, nhào nặn nên, nhưng lại mang phong cách, dáng dấp phương Đông. Chưa từng cầm súng chiến đấu, Sisi đã leo lên các bậc cao trong quân đội Ai Cập thời bình, khi nước này dần dần xa rời vòng ảnh hưởng của Liên Xô (sau này là Nga) để thiên hẳn về phía phương Tây, làm đồng minh với Mỹ, nhất là thời kỳ ông Hosni Mubrarak lãnh đạo đất nước.

Nhìn vào hiện trạng các khí tài của quân đội Ai Cập cũng có thể thấy rõ điều đó: hơn một nửa số máy bay chiến đấu, gần 2/3 xe tăng là do Mỹ sản xuất; do đó lệ thuộc nặng nề vào kỹ thuật của Mỹ để bảo trì, thay thế, và mỗi năm phải nhận viện trợ quân sự của Mỹ 1,3 tỉ USD, chiếm 80% chi tiêu quốc phòng. Một trong các chương trình hợp tác Mỹ-Ai Cập là việc Mỹ giúp Ai Cập đào tạo sĩ quan quân đội cao cấp. Năm 2006, Sisi được tuyển chọn đưa đi học khóa cao học một năm tại Trường cao đẳng Chiến tranh của quân đội Mỹ…

Ali Awad, cố vấn pháp lý của Tổng thống tạm quyền Ai Cập, nói rằng, một điều khoản trong luật bầu cử mới quy định nếu chỉ có một ứng cử viên ra ứng cử tổng thống thì cuộc bầu cử sẽ trở thành cuộc trưng cầu dân ý về ứng cử viên đó. Một điều khoản khác cũng cho phép khiếu nại kết quả bầu cử trong vòng một tuần lễ sau khi công bố. Và các điều khoản luật mới này hiện đang được thảo luận trong nội các lâm thời. Nếu các điều khoản này được phê chuẩn, cuộc bầu cử "một ứng cử viên" sẽ lặp lại như thời kỳ Tổng thống Mubarak trước đây.

Nhưng hơn ai hết, Sisi cũng ý thức được một điều rằng, sẽ rất không hay nếu vội vã lên nắm quyền trong khi dân tình chưa hoàn toàn đồng thuận, đất nước còn nhiều bất ổn, chia rẽ, còn một bộ phận khá đông người phản đối việc cầm quyền của mình.

Sisi cho biết, ông chưa thể chính thức đăng ký ứng cử “như mong mỏi của nhiều người dân Ai Cập”, vì hiện tại ông vẫn còn nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng và không muốn gây ra sự xáo trộn nào trong tình hình đất nước đang còn nhiều bất ổn hiện nay. Vì thế ông chọn cách đưa ra những dấu hiệu cụ thể, rõ rệt nhất để trấn an những người ủng hộ ông

An Châu (tổng hợp)
.
.