Ai chủ mưu sát hại mục sư Martin Luther King?

Thứ Ba, 16/04/2013, 07:45

Bà Coretta Scott King (1927-2006), quả phụ của mục sư Luther King, từng viết trong cuốn sách có tựa đề "Cuộc sống của tôi với M. L. King" xuất bản năm 1969, cho biết khi hay tin Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát, King đã nói với bà: "Điều này rồi sẽ xảy đến với anh". "Điều này" là gì? Thật khó giải thích, một linh cảm tương tự như ở cố Tổng thống Abraham Lincoln (1809-1865) hay ở chính J. F. Kennedy, nôm na là thứ "giác quan thứ 6" thường có ở các vĩ nhân.

Vào mùa xuân năm 1968, phong trào đòi bình quyền của người da đen tại Mỹ đang sôi sục, với "đỉnh điểm" là ở Memphis - đô thị lớn nhất tiểu bang Tennessee thuộc phía nam Hoa Kỳ. Khi biết giới lao động da màu cũng như người nghèo da trắng tại đây định tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ vào ngày 22/4/1968, King quyết định tới đó để hưởng ứng; và những kẻ cực đoan phân biệt chủng tộc cũng "soạn bẫy" chờ ông.

Nhưng tại phi cảng Atlanta (tiểu bang Georgia), chuyến bay đi Memphis của King phải hoãn lại, vì có cú điện thoại nặc danh "bất chợt" cho biết phi cơ bị gài bom. Các nhân viên an ninh của Hãng Hàng không Western Airlines rà soát mọi chỗ mà không thấy gì cả.

Mãi sau này người ta mới hay rằng, chuyến đi tới Memphis của lãnh tụ người da đen ở Mỹ đã được đích thân Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) John Edgar Hoover (1895-1972) ra lệnh cho thuộc hạ phải "bám sát gót và không được rời mắt" - ngay từ khi ông mới đặt chân đến Memphis ngày đầu tiên (vụ "lỡ chuyến bay" nói trên dĩ nhiên thuộc một mưu đồ nhằm xác định rõ ngày giờ di chuyển của King).

Người ta cũng cố tình gây cản trở không cho King được nhận phòng đặt trước ở khách sạn ngay giữa trung tâm thành phố, khiến ông phải chuyển qua ngụ tại khách sạn Lorraine Motel - thuận tiện cho những kẻ mưu sát King. Đối diện với Lorraine Motel là một nhà trọ bình dân.

Cũng hôm đó (4/4/1968) có một kẻ tóc sẫm, vận bộ cánh hào nhoáng với cái tên tự xưng John Willard. Hắn chìa ra tờ 20 USD cáu cạnh và tha hồ được quyền "chọn lựa". Cuối cùng J. Willard chọn căn phòng có cửa sổ hướng sang Lorraine Motel… Ở phía đối diện, Luther King đang bàn về kế hoạch hành động của cuộc diễu hành vào đầu tuần tới, mặc dù bị giới hữu trách da trắng địa phương "chính thức ngăn cấm".

Mọi người cũng dự kiến cả các mối nguy về sự an toàn cho mục sư, nhưng King một mực đòi được "dấn thân" vì sự nghiệp tranh đấu cho đồng bào cùng màu da. Họp xong, ông sửa soạn đi xuống cơ sở. Đúng lúc King đang cúi trên thành ban công nói với người lái xe bên dưới, thì có tiếng súng nổ từ cửa sổ ngôi nhà đối diện. Phát súng duy nhất đã hất ông về phía tường ban công, viên đạn đi xuyên giữa cằm và cổ ông…

King trút hơi thở cuối cùng trên đường tới bệnh viện cấp cứu. Martin Luther King là người thứ 12 trong danh sách các lãnh tụ chính trị ở Mỹ bị ám sát trong khoảng 5 năm liên tiếp (1963-1968).

Hung thủ đã kịp tẩu thoát cùng chiếc xe hiệu Ford Mustang màu trắng, bỏ lại giữa phố súng, ống nhòm cùng tư trang… Qua dấu vân tay, cảnh sát xác định được đó chính là James Earl Ray 40 tuổi, kẻ đã đào thoát khỏi nhà tù ở Jefferson City thuộc tiểu bang Missouri, nơi hắn thụ án 20 năm tù vì tội đánh cướp các cửa tiệm. Cảnh sát cả 5 tiểu bang kề cận Tennessee đều được thông báo kịp thời, nhưng kẻ sát nhân vẫn mất dạng…

Cái chết của Martin Luther King làm rung chuyển cả nước Mỹ. Các cuộc bạo động của người da đen nổi lên ở 62 thành phố lớn khắp nước Mỹ, khiến hơn 20 người biểu tình bị thiệt mạng. Nhiều nơi chính quyền phải thiết quân luật và cầu cứu lực lượng Vệ binh Cộng hòa từ thủ đô Washington D.C. tới nhằm ổn định lại trật tự.

Địa điểm tưởng niệm vĩnh cửu Luther King tại Lorraine Motel, nơi mục sư bị sát hại.

Lệnh truy nã kẻ ám sát M. L.King được sự phối hợp của cả cảnh sát 2 quốc gia có chung đường biên giới với Hoa Kỳ là Mexico và Canada, cũng như đặc vụ Scotland Yard của Anh và Cơ quan Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), với giải thưởng 100.000 USD cho ai cung cấp nguồn tin giúp bắt được hắn. Nhưng suốt gần 2 tháng ròng, hầu như không có kết quả gì.

Bất ngờ ngày 8/6/1968 tại phi cảng Heathrow ở London, an ninh cửa khẩu Anh tình nghi một người mang hộ chiếu Canada từ Lisbon (Bồ Đào Nha) tới dưới cái tên Ramon George Sneyd. Sau khi đối chiếu với vân tay lưu trữ thì… đó chính là kẻ tội phạm. Trong người hắn có giấu 1 khẩu súng lục và quyển hộ chiếu Canada thứ 2 mang tên Eric Starvo Galt.

Sau khi được dẫn độ về Mỹ, J. Ray bị kết án 99 năm tù mà không cần đưa ra xét xử. Bởi theo luật Mỹ lúc bấy giờ, một khi đương sự đã thú nhận tội lỗi rồi thì không cần mở phiên tòa nữa, cứ chiếu theo các tội danh cùng khung hình phạt đã phạm mà làm án. Từ đó J. Ray nhiều lần đề nghị tư pháp Mỹ xem xét lại nhằm giảm mức án cho hắn; thậm chí J. Ray còn nói là hắn có cả những bằng chứng về âm mưu giết mục sư Luther King và những kẻ "đứng đằng sau" đó nữa…

Gần 10 năm sau, vào đầu năm 1978 tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ New York Times cho biết: Sau khi vượt ngục ở Jefferson City, J. Ray cùng với hai em trai hắn là Jerry và John đã rủ nhau đi "nhập nha" mấy lần nhưng đều bất thành. Jerry Ray đồng thời cũng là chủ một tiệm rượu ở Saint Louis (tiểu bang Missouri).

Khoảng cuối năm 1966 đầu năm 1967, 2 nhân vật khét tiếng trong tổ chức cực hữu của thành phố này - kỹ nghệ gia John Koffmann và luật sư John Sunderland đã có cuộc gặp trong quán của Jerry Gay với Robert Baiers - một chủ xưởng gốc Đức, cùng lời đề nghị trả 50.000 USD cho ai tổ chức giết được Luther King.

R. Baiers chính là người cung cấp tin này cho tờ New York Times sau khi đã về "định cư yên ổn" tại châu Âu dưới một cái tên khác, đã cự tuyệt "lời đề nghị hấp dẫn" ấy, nhưng tin đồn cứ loang mãi và tới tận tai J. Ray khi ấy đang nằm ấp.

Cảnh sát mật còng tay dẫn độ J. Ray lên máy bay từ Anh về Mỹ.

Điều khó hiểu nữa là FBI nắm được tin tức về âm mưu đó, nhưng không hiểu sao tài liệu về vụ này đột nhiên… "không cánh mà bay"; rồi lại được "tình cờ tìm ra" mãi về sau trong năm 1974, khi mục sư M. L. King đã bị sát hại và 2 kẻ diều hâu kia cũng đã ra "người thiên cổ"(?!).

Giữa năm 1978 kết thúc công việc của Ủy ban đặc biệt do Quốc hội Mỹ lập ra vào đầu năm 1976, sau hơn 2 năm dày công điều tra mọi việc xoay quanh vụ ám sát M. L. King cùng khoản kinh phí hơn 5 triệu USD, đi đến kết luận rằng "J. Ray đã can dự vào âm mưu được xếp đặt trước nhằm giết M. L. King".

Tháng 11/1978, Alexander Murto, một cựu nhân viên FBI đã nghỉ hưu và dĩ nhiên cũng dưới tên giả (vì lý do an toàn bản thân) cho ủy ban trên biết thêm: "Trong vòng 8 năm (từ 1960-1968) FBI Mỹ đã thường xuyên theo dõi mọi hoạt động của mục sư King và Giám đốc E. Hoover lại hạ lệnh cho những người "từng chống đối King kịch liệt" đích thân tham gia vào công cuộc điều tra về cái chết của ông"(!).

Còn có thêm điều trái khoáy nữa, như A. Murto kể: "J. E. Hoover rất thù ghét Luther King và ngày đêm mong mỏi đến mất ăn mất ngủ cho ông ta mau… chết đi!". Hiển nhiên là Martin Luther King, vĩ nhân đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964, người từng lên tiếng trước đám đông hơn 200.000 người trong "Cuộc Thập tự chinh mới" đổ về Washington D.C. vào tháng 8/1963 đòi bình quyền màu da, luôn khiến những kẻ hung hăng theo thuyết phân biệt chủng tộc vô cùng tức tối.

Sau khi bị kết án, J. Ray cố vượt ngục mấy lần nhưng bất thành. Tháng 6/1977, hắn cùng 6 tù nhân khác đào thoát khỏi nhà tù Brass Mountain (tiểu bang Tennessee), nhưng bị bắt lại 2 ngày sau, do cảnh sát dùng chó nghiệp vụ truy lùng khắp các vùng quanh đó.

Tháng 6/1981, J. Ray bị đâm trộm 22 nhát dao trong tù lúc ngủ, nhưng vẫn sống. Rõ ràng là có âm mưu nào đó nhằm loại trừ hắn vốn là một nhân chứng bất đắc dĩ, do J. Ray cứ một mực đòi xét lại bản án của mình.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của ký giả đặc biệt thuộc Đài Truyền hình CBS, từng lặn lội vào tận xà lim cấm cố "thăm" hắn vào cuối năm 1996, J. Ray vẫn tiếp tục khăng khăng bảo lưu những đòi hỏi trước đây của mình, rồi lại còn đưa thêm lời khẳng định là: "FBI đã trực tiếp nhúng tay vào âm mưu ám sát Martin Luther King! Tôi chỉ là nạn nhân, là kẻ vô tội".

Hơn 4 thập niên đã trôi qua, nhưng những bí ẩn xung quanh vụ sát hại người đứng đầu phong trào da đen ở Mỹ vẫn chưa được phanh phui, và có lẽ sẽ mãi mãi như vậy chăng?

Thu Hường (theo Historia)
.
.