Ai đã sát hại danh họa Vincent Van Gogh?

Thứ Bảy, 31/08/2013, 22:35

Người ta vẫn giả định rằng họa sĩ tài hoa này tự tử ở Pháp, cho đến khi Steven Naifeh và Gregory White Smith xuất bản cuốn tiểu sử chi tiết về cuộc đời Vincent van Gogh thì những tranh luận xung quanh nguyên nhân cái chết của danh họa Hà Lan ngày càng làm “nóng” không khí hội họa thế giới.

Danh họa Van Gogh chết do bị bắn…

Trong tác phẩm “Van Gogh - Cuộc đời”, hai nhà văn Mỹ Steven Naifeh và Gregory White Smith đã tiết lộ một giả thuyết gây choáng váng: Một học sinh nam 16 tuổi, có tên là René Secrétan đã bắn chết Van Gogh! Dù cố ý hay vô tình, giả thuyết đó đều gây tranh cãi. Các tác giả nêu ra quan điểm của họ: danh họa Van Gogh đã "chào đón thần chết" sau 2 ngày, Secrétan thoát tội vì người ta nghĩ đó là một vụ tự sát.

Trong cuốn sách “Van Gogh - Cuộc đời” dày 960 trang, Naifeh và Smith viết: một hành động có ảnh hưởng sâu rộng và ai ai cũng biết đến, nhưng ngạc nhiên thay chẳng mấy ai biết về biến cố dẫn đến sự ra đi của Van Gogh ở tuổi 37. Ông ấy đã chết sau 2 ngày vật vã chịu những cơn đau từ vết thương vì bị bắn vào ngày 27/7/1890, ở đâu đó thuộc Auvers-sur-Oise”.

Naifeh và Smith đã tiến hành điều tra dựa vào cuộc phỏng vấn Secrétan năm 1957 mà ít ai biết đến, không lâu trước khi "nghi can" này qua đời. Theo cuộc phỏng vấn đó, Secrétan kể lại rằng anh ta có một khẩu súng lục thường dùng để bắn sóc. Anh ta và anh trai Gaston quen biết Van Gogh và không ít lần trêu chọc họa sĩ này.

René Secrétan khẳng định: họa sĩ Van Gogh đã ăn trộm khẩu súng của anh ta nhưng không khai nhận gì về vụ nổ súng. Naifeh và Smith đã diễn giải cuộc phỏng vấn như lời trăng trối của Van Gogh trên giường bệnh và sau đó sử gia nghệ thuật John Rewald cũng kể lại tin đồn ở Auvers: "Những thằng nhóc đã vô tình bắn chết Vincent". Tình tiết câu chuyện này đã che chở cho Secrétan và Gaston thoát khỏi tội giết người hoặc ngộ sát.

Naifeh và Smith tập trung vào tính chất của vết thương để đi đến kết luận: khẩu súng đã nhả đạn "nhắm vào cơ thể ai đó từ một khoảng khá xa", với viên đạn đi vào cơ thể "từ một góc xiên, bất thường". Bằng chứng này do các bác sĩ điều trị cho Van Gogh gồm Paul Gachet (bạn của danh họa Van Gogh) và Jean Mazery cung cấp.

Hiện tại, Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan) đã tham gia cuộc tranh luận bằng một bài viết được tạp chí Burlington phát hành vào tháng 7 vừa qua. Louis van Tiborgh và Teio Meedendorp, hai chuyên gia công tác tại tạp chí Burlington đã có đánh giá chi tiết về cuốn tiểu sử “Van Gogh - Cuộc đời”, họ khẳng định Van Gogh chết do tự tử.

Tranh của Van Gogh.

Sau khi xem xét các bằng chứng, Van Tiborgh và Meedendorp nhất mực quả quyết: Van Gogh tự sát. Bài viết của họ nêu lên lập luận cuộc phỏng vấn Secrétan không chứng minh được giả thuyết về một vụ giết người hoặc ngộ sát một chút nào.

…hay nỗi buồn đau, cô đơn cùng cực khiến ông tự tử?

Van Tiborgh và Meedendorp trích tư liệu mới nhất trong một cuốn sách xuất bản năm ngoái của tác giả Alain Rohan. Bác sĩ Gachet nhớ lại: vết thương có màu nâu và có vết bầm tím. Vết thương bầm tím hình nhẫn do tác dụng lực của viên đạn, nhưng một vết thương như vậy có thể sinh ra do bị bỏng thuốc súng. Có không ít bằng chứng cho biết Van Gogh giấu súng sau lớp áo sơ mi, sát ngực. Điều này gần như chắc chắn Van Gogh tự kết liễu đời mình.

Rohan cũng đưa ra bằng chứng mới có liên quan đến vũ khí. Trong những năm 50 thế kỷ trước, một khẩu súng han gỉ được người ta tìm thấy trong khu vườn phía sau lâu đài Château d'Auvers, địa điểm được cho là nơi Van Gogh đã tự dùng súng bắn mình. Một cuộc kiểm tra cho thấy khẩu súng nằm sâu dưới lòng đất khoảng 60-80 năm. Khẩu súng này đã "ngủ vùi" hàng chục năm ròng gần Chemin des Berthelées quanh khu lâu đài Château d'Auvers, con trai bác sĩ Gachet từng đến vẽ một bức tranh có tên gọi Auvers vào năm 1904, nơi này được cho là nơi Van Gogh tự vẫn. 

Bài viết đăng trên tạp chí Burlington cũng tập trung vào những tuần cuối đời của Van Gogh, nhằm chống lại một giả thuyết khó có thể công nhận: Van Gogh thật sự chán nản do mất nguồn hỗ trợ tài chính từ anh trai Theo. Van Tilborgh và Meedendorp tin chắc Van Gogh ngày càng tuyệt vọng vì anh trai Theo "dồn Van Gogh" vào bước đường cùng của cuộc sống, Theo đã có mâu thuẫn lớn với ông chủ của mình, nhà sưu tập hội họa Boussod Valadon, anh trai của Van Gogh sau khi nghỉ việc đã quyết định làm ăn riêng. Theo mở phòng tranh, nhưng phớt lờ và tỏ thái độ lạnh nhạt với những ý kiến đóng góp từ em trai, do đó Van Gogh cảm thấy ngày càng cô đơn, buồn tủi.

Van Tilborgh và Meedendorp cùng đưa ra kết luận: “Vụ tự sát đó không phải là một hành động nông nổi, bốc đồng mà là một quyết định được suy xét cẩn thận". Mặc dù hành vi của Theo đóng một vai trò nào đó, nhưng nguyên nhân chính vẫn là "nỗi đau đớn tinh thần khiến tâm trạng lo lắng về những tác phẩm hội họa của mình đã đẩy Van Gogh đến hư không và kéo ông ngã nhào vào vực thẳm rối loạn tâm tưởng".

Hai vị học giả bảo tàng Van Tilborgh - Meedendorp đã xem xét bằng chứng nỗi đau này trong những tuần cuối đời của Van Gogh, họ cùng chỉ ra bằng chứng Van Gogh  viết "huyết thư" vĩnh biệt, lén nhét vào túi áo anh trai Theo trước khi bước đến một cánh đồng lúa mì…

Trong kiệt tác hội họa cuối cùng của mình mang tên “Cánh đồng lúa mì với những con bò” được sáng tác vào ngày 10/7/1890, hơn hai tuần trước khi về thế giới bên kia, Van Gogh đã đau đớn tự bạch: "Hỡi những cánh đồng lúa mì trải dài bao la bát ngát dưới bầu trời đầy mây gió, tôi đã vẽ để gắng bộc bạch nỗi buồn và sự cô đơn cùng cực". Rồi Van Gogh cầm súng lên… Mây, gió và những bông lúa mì rũ xuống tiễn biệt danh họa tài hoa mà bạc mệnh…

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.