Ai đã tổ chức đánh bom Sứ quán Israel tại Argentina năm 1992?

Thứ Bảy, 04/07/2009, 20:35
Trưa ngày 17/3/1992, một kẻ đánh bom liều chết điều khiển một chiếc xe thùng nhỏ chứa chất nổ lao vào cửa hông Sứ quán Israel nằm ở góc đường Arroyo và Suipacha của thủ đô Buenos Aires - Argentina và phát nổ dữ dội, gây hư hỏng trụ sở sứ quán, một nhà thờ Thiên Chúa giáo cùng một trường học gần đó.

Vụ nổ đã giết hại 29 người và làm bị thương 242 người khác. Đặc biệt là không có công dân hay nhân viên sứ quán người Israel nào bị thiệt mạng mà chỉ có 8 nhân viên sứ quán bị thương. Điều tra của cảnh sát cho biết chất nổ sử dụng để khủng bố là loại C-4 cực mạnh nhưng không xác định được thủ phạm gây ra vụ đánh bom là ai, thuộc tổ chức nào?

Thế nhưng, Israel và cả Mỹ đều lên tiếng buộc tội thủ phạm không ai khác hơn là phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Trung Đông, vốn được cả Syrie và Iran hỗ trợ. Lập tức Israel liền ra tay trả đũa. Ngày 19/3/1992, không quân Israel đã tấn công phá hủy một chiếc xe trên có chở Abbas al-Musawi, chỉ huy nhánh hải ngoại của phong trào Hezbollah. Bị tấn công bất ngờ, Musawi cùng một cận vệ và viên tài xế thiệt mạng.

Trong khi đó, Chính phủ Argentina, trước sức ép từ phía Mỹ cũng đã lên án vụ đánh bom khủng bố vào Sứ quán Israel tại thủ đô Buenos Aires và chỉ trích cả Syrie và Iran có liên quan đến vụ việc. Trong một động thái tích cực, Tổng thống Argentina Carlos Menem tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán bán tên lửa đất đối đất Condor II và ngừng việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân cho Syrie.

Ngoài ra, Tổng thống Menem còn đình chỉ việc cung ứng uranium làm giàu cho chương trình nghiên cứu hạt nhân của Iran. Động thái này của người đứng đầu Chính phủ Argentina không chỉ làm hài lòng Isarel mà cả Mỹ nhưng lại khiến Iran và Syrie phản đối kịch liệt khi khẳng định không liên quan trực tiếp hay gián tiếp với vụ đánh bom khủng bố.

Tuy nhiên, có một người vẫn tin rằng vụ đánh bom Sứ quán Israel không phải là do Hezbollah, Syrie hay Iran gây ra. Đó là Norberto Ceresole, một nhà báo, nhà văn và là một nhà hoạt động chính trị  tiếng tăm ở Nam Mỹ. Ceresole từng là cố vấn về chính trị của Tổng thống Salvador Alliende của Chilé và Juan Velazco Alvarado của Peru. Ông đã trực tiếp phỏng vấn nhiều nhân chứng, trong đó có nhiều người dân Argentina bị thương tật từ vụ đánh bom, trò chuyện với những nhân viên cảnh sát từng tham gia cuộc điều tra và trao đổi với các chuyên gia chống khủng bố.

Đến tháng 12/2002, những tiết lộ về kết quả cuộc điều tra độc lập mà Ceresole thực hiện trong suốt 10 năm  liền về vụ đánh bom khủng bố Sứ quán Israel tại thủ đô Buenos Aires vào năm 1992 đã khiến dư luận phải sửng sốt.

Theo Ceresole, nguyên nhân sâu xa của vụ đánh bom xuất phát từ những năm cuối thập niên 80 khi Tổng thống Menem không chỉ hỗ trợ Syrie và Iran phát triển chương trình hạt nhân mà còn đe dọa trực tiếp đến an ninh của Israel thông qua việc bán nhiều vũ khí hiện đại cho Syrie, trong đó có loại tên lửa đất đối đất Condor II.

Cho dù đã nhiều lần, Mỹ và Israel đã khuyến cáo Argentina nên chấm dứt các quan hệ được cho là đặc biệt nguy hiểm này với Syrie và Iran nhưng Chính phủ Argentina vẫn phớt lờ. Không lay chuyển được chính quyền Argentina, Israel quay sang tố cáo Tổng thống Menem muốn giúp Syrie phát triển chương trình hạt nhân và bán vũ khí hiện đại cho quốc gia Trung Đông này vì có gốc gác Syrie (Tổng thống Menem sinh trưởng trong một gia đình người Syrie đến định cư tại Argentina vào thập niên 20), đồng thời nhận 10 triệu USD của Iran để chi phí cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông vào năm 1989. Tuy nhiên, những tố cáo này vẫn không mang lại kết quả. Argentina vẫn tiếp tục đàm phán với Syrie để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân và bán tên lửa Condor II.

Ngoài ra, vào năm 1990, Argentina còn ký thỏa thuận cung ứng uranium đã làm giàu cho chương trình nghiên cứu hạt nhân của Iran. Vì vậy, chỉ có một cách để phá vỡ các mối quan hệ được cho là nguy hại đến an ninh của Israel này là  sử dụng “khổ nhục kế” rồi đổ tội cho Syrie và Iran.

Theo kịch bản được Yaakov Peri, Chỉ huy Cơ quan An ninh Israel (Shin Beth), trình cho Thủ tướng Israel Yitzhak Shamir, Shin Beth sẽ chọn phương án đánh bom xe tự sát (là cách mà các tổ chức vũ trang Hồi giáo ở Trung Đông như Hezbollah hay Hamas thường thực hiện) nhắm vào trụ sở Sứ quán Israel.

Shin Beth chọn thời điểm tiến hành đánh bom là vào buổi sáng khi có nhiều người dân qua lại trên đường và học sinh đang đến ngôi trường sát cạnh Sứ quán Israel. Để tránh gây thiệt hại về nhân mạng cho nhân viên sứ quán, mọi người đều được lệnh không đi ra ngoài, chỉ trừ một số nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ.

Chiếc xe hòm nhỏ chứa chất nổ cũng được điều khiển đâm sầm vào góc trái của sứ quán để chỉ gây thiệt hại cho tầng trệt của sứ quán mà không phá hủy toàn bộ trụ sở. Đây chính là lý do chỉ có 8 nhân viên bảo vệ người Israel bị thương trong tổng số 271 người bị chết và bị thương do vụ đánh bom khủng bố gây ra. Hầu hết các nạn nhân đều là dân thường, trong đó có nhiều học sinh. Vụ khủng bố làm rung động thủ đô Buenos Aires liền phát huy hiệu quả tức thì.

Tiết lộ của Ceresole về việc chính Shin Beth đã gây ra vụ đánh bom khủng bố Sứ quán Israel vào năm 1992 tại thủ đô Buenos Aires, với những chứng cứ hết sức thuyết phục, đã khiến dư luận quan tâm và yêu cầu chính phủ của Tổng thống Eduardo Duhalde phải tổ chức điều tra lại vụ việc.

Tuy nhiên, Ceresole đã phải trả giá cho những tiết lộ động trời của mình. Vào tháng 5/2003, Ceresole đã tử nạn trong một tai nạn giao thông khó hiểu trên một xa lộ ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires

Văn Hòa (theo Time Archives)
.
.