Âm mưu sát hại Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser của tình báo Anh

Thứ Bảy, 07/11/2009, 08:45
Gamal Abdel Nasser là một chính trị gia tiếng tăm ở Trung Đông trong nửa cuối thế kỷ XX. ông trở thành Tổng thống Ai Cập vào năm 1954. Nasser nổi tiếng là một nhân vật cứng rắn trong quan hệ với các quốc gia phương tây, nhất là đối với Anh, quốc gia từng đô hộ Ai Cập trong suốt một thời gian dài. chính điều này khiến ông trở thành mục tiêu ám sát nhiều lần của tình báo anh.

Sự kiện gây phản ứng quyết liệt giữa Nasser và quân đội Anh đóng quân dọc theo Kênh đào Suez là cuộc chạm trán bằng vũ lực giữa Cảnh sát Ai Cập và quân đội Anh tại thủ đô Cairo vào ngày 25/1/1952 làm chết 40 nhân viên cảnh sát người Ai Cập.

Ngày 26/1/1952, hàng chục ngàn người dân đã đổ xuống đường tại Cairo tấn công người nước ngoài và các quyền lợi của Anh làm chết 76 người, trong đó có 9 người Anh. Chính phủ Anh đã buộc tội Nasser, lúc đó đang đứng đầu Hiệp hội các sĩ quan tự do, một tổ chức được thành lập vào năm 1949, tập trung các sĩ quan trẻ của quân đội Ai Cập đấu tranh đòi quân đội Anh phải rút hết khỏi Ai Cập, đã xúi giục cuộc bạo loạn đẫm máu và ra lệnh cho Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6) tìm mọi cách trừ khử Nasser.

Đích thân Thủ tướng Anh Anthony Eden đã chủ trì một cuộc họp quan trọng, có sự tham gia của hầu hết các chỉ huy tình báo cao cấp của Anh như  John Alexander Sinclair, Giám đốc MI-6, Richard Hollis, Giám đốc Cơ quan Phản gián quốc gia (MI-5) để bàn về cái gọi là "Giải pháp về vấn đề Nasser" mà thực chất là tìm cách sát hại nhà lãnh đạo Ai Cập này.

Tuy nhiên phải đợi đến cuối tháng 10/1954, chỉ hai tháng sau khi Nasser trở thành Tổng thống Ai Cập, MI-6 mới quyết định hành động. Trước đó, từ tháng 6/1954, Gordon Thomas, chỉ huy nhánh hành động của MI-6 từ thủ đô London đến thủ đô Cairo để gặp Nigel Weird, chỉ huy MI-6 tại Ai Cập, bàn việc tổ chức sát hại Nasser. Và giải pháp được cả Thomas và Weird lựa chọn là mua chuộc một số thành viên ly khai của tổ chức Hồi giáo quá khích “Những người anh em Hồi giáo” từng hậu thuẫn cho Nasser tiến hành đảo chính quân sự vào tháng 9/1952, lên kế hoạch ám sát Nasser.

Mohammed Latif.

Ngày 26/10/1954, một thành viên ly khai của tổ chức “Những người anh em Hồi giáo” tên Mohammed Latif trà trộn vào đám đông quần chúng đang lắng nghe Tổng thống Nasser diễn thuyết tại thành phố Alexandria, khi còn cách Nasser chừng 7m, Latif rút súng ngắn mang theo bắn 7 phát vào Nasser nhưng không trúng. Lập tức đám đông liền bắt giữ Latif giải giao cho cảnh sát.

Sau thất bại này, MI-6 lại tiếp tục tìm cách trừ khử Nasser, nhất là sau khi Nasser quyết định quốc hữu hóa không chỉ Kênh đào Suez mà cả đối với những quyền lợi của Anh tại Ai Cập.

Đến năm 1957, Frank Quinn, chỉ huy bộ phận kỹ thuật của MI-6 cùng với một nhóm nhân viên kỹ thuật đã soạn thảo một kế hoạch ám sát Nasser dày đến 88 trang. Sau khi được thông qua, nhóm của Quinn liền đến căn cứ Porton Down, chuyên nghiên cứu chế tạo vũ khí hóa sinh của quân đội Anh, để phối hợp với nhóm các nhà khoa học của Giáo sư Michael Ledell, còn có biệt danh “Thầy phù thủy”, để nghiên cứu chế tạo một số vũ khí dùng để giết hại Nasser.

Theo điều tra của Quinn, Nasser rất thích ăn loại bánh chocolat dân gian Ai Cập có tên gọi Knopje. Một điệp viên MI-6 nằm vùng tại Cairo đã mua hàng chục hộp bánh Knopje rồi gửi về Anh cho nhóm của Quinn nghiên cứu cùng với nhóm của Giáo sư Ledell để chế tạo một loại chất độc cực mạnh rồi tẩm vào bên trong lớp vỏ bánh. Nhóm của Quinn đã chế tạo được 20 hộp bánh Knopje có tẩm thuốc độc, gửi đến Cairo để các điệp viên MI-6 nằm vùng tại đây tìm cách hạ độc Nasser nhưng không thành.

Sau thất bại này, nhóm của Quinn còn tìm cách mua chuộc một chuyên viên bảo trì hệ thống thông gió trong phòng làm việc và phòng ngủ của Nasser, sau đó tiến hành phun khí độc vào hệ thống thông gió để giết hại Nasser nhưng kế hoạch không thành công. Nhóm của Quinn và nhóm của Ledell còn nghiên cứu chế tạo một số mũi tên có tẩm thuốc độc được thiết kế bên trong các hộp đựng loại thuốc lá mà Nasser thích hút. Khi mở hộp thuốc lá ra, mũi tên có tẩm thuốc độc sẽ phóng vào tay người mở  và gây tử vong tức thì.

Trong khi mọi nỗ lực để sát hại Nasser  của MI-6 đều gặp thất bại thì đến trưa ngày 28/9/1970, Nasser đột ngột qua đời sau một cơn đột quị đầy nghi vấn. Những nghi vấn về cái chết của Nasser đã cuốn hút sự quan tâm của dư luận đến nỗi đã trở thành đề tài điều tra không chỉ của các cơ quan tình báo mà cả của các sử gia, các phương tiện thông tin đại chúng.

Một tiết lộ từ báo The Times của Anh vào tháng 9/2000, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Nasser qua đời, cho biết cái chết của Nasser là do bị đầu độc mà thủ phạm chính là MI-6. Tổng thống lên thay thế là Anwar Sadat do muốn giữ bí mật về cái chết đầy nghi vấn của Nasser đã nghiêm cấm tất cả  các phương tiện thông tin đại chúng ở Ai Cập bàn thảo về cái chết của Nasser và khẳng định rằng Nasser đã tử vong vì đột quị tim.

Một nghi vấn khác lại cho rằng Nasser khi bị đột quị vẫn chưa chết nhưng do một số người cố tình kéo dài việc cấp cứu Nasser nên đã dẫn đến cái chết của Nasser. Cho đến nay, cái chết của Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser vẫn còn là một nghi vấn đối với lịch sử

V.H (theo Times Online)
.
.