Amir Mirzai Hekmati - gián điệp Mỹ tại Iran sẽ bị tử hình?

Chủ Nhật, 08/01/2012, 03:45

Buổi điều trần đầu tiên trên tại tòa án Tehran đối với Amir Mirzai Hekmati, kẻ bị bắt giữ trước đó với tội danh hoạt động gián điệp cho người Mỹ, đã được chính thức bắt đầu vào ngày 27/12/2011. Theo nhiều thông tin, với những lời thú nhận trước đó trong quá trình điều tra, nhiều khả năng tay gián điệp này của Mỹ sẽ phải nhận bản án trừng phạt cao nhất là tử hình. Về phần mình, Chính phủ Mỹ vẫn khẳng định Hekmati là nạn nhân vô tội, đồng thời yêu cầu phải trả lại tự do cho anh ta ngay lập tức.

Còn nhớ Amir Mirzai Hekmati (28 tuổi) đã bị bắt giữ hồi tháng 8 vừa qua tại Iran khi đang về thăm bà và một số người họ hàng khác. Vốn là một cựu lính thủy đánh bộ, sinh ra tại Mỹ trong một gia đình nhập cư Iran, Hekmati có khả năng nói thành thạo tiếng Farsi và tiếng Anh. Trong một thời gian dài sau đó, mọi thông tin về nhân vật này đều được giữ kín. Ngay cả Đại sứ quán Thụy Sĩ, cơ quan đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại Iran, cũng không được quyền tiếp cận với anh ta.

Đến giữa tháng 12 vừa rồi, Hekmati mới chính thức xuất hiện trên truyền hình Iran, thừa nhận mình là một điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) được giao nhiệm vụ xâm nhập vào Bộ Tình báo của Iran. Tình báo Iran cho biết, Hekmati đã bị lộ mặt nhờ các điệp viên của Iran, những người đã từng gặp anh ta tại căn cứ quân sự Bagram của Mỹ tại Afghanistan.

Phiên tòa xét xử Hekmati lại được mở đúng vào giai đoạn căng thẳng cao trào trong quan hệ Washington-Tehran. Mỹ đang đi đầu trong hàng ngũ các đồng minh phương Tây triển khai các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Ngay trên mặt trận tình báo, cả hai bên cũng có những đối đầu gay gắt, tố cáo về những chiến dịch bí mật nhằm chống phá lẫn nhau.

Đầu tiên là việc Mỹ tung ra thông tin gây sốc khẳng định, mật vụ Iran đã chuẩn bị một âm mưu nhằm ám sát Đại sứ Arập Xêút tại Washington. Để trả đũa, Tehran "khoe" trước cả thế giới về một kỳ công của mình - vô hiệu hóa và bắt giữ gần như nguyên vẹn một chiếc máy bay do thám tàng hình siêu bí mật của Mỹ.

Trong quá khứ, Iran cũng không ít lần tuyên bố về việc bắt giữ những kẻ tình nghi làm gián điệp cho Mỹ. Gần đây nhất vào đầu tháng 12 là vụ 15 người bị truy tố vì tội hoạt động gián điệp cho Mỹ và Israel. Trước đó vào tháng 5/2011, Bộ Tình báo Iran đã tuyên bố về việc bắt giữ 30 gián điệp CIA có dính líu tới các hoạt động do thám và phá hoại.

Do không được xét xử công khai, nên mọi thông tin liên quan đến phiên tòa đều chỉ được biết đến thông qua các nhà chức trách Iran. Theo công tố viên,  Hekmati bị cáo buộc hợp tác "với chính quyền thù địch Mỹ và các bộ phận gián điệp của CIA". Công dân Mỹ gốc Iran này thừa nhận đã tìm cách xâm nhập vào cơ quan tình báo của Iran để hoạt động cho CIA. Cụ thể là anh ta đã được CIA phỏng vấn lần đầu tiên vào năm 2009, được huấn luyện trong 5 tháng trước khi được cử tới Iraq để tập huấn thêm 9 tháng nữa.

Sau Iraq, Hekmati còn có mặt tại Afghanistan với nhiệm vụ xử lý các tài liệu mật được tình báo Mỹ thu thập. Hekmati đã được người Mỹ thuê với giá 500 ngàn USD để xâm nhập vào Iran. Những điều tra chi tiết mới nhất cho biết, Hekmati từng làm việc tại Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng cao cấp (DAPRA) trong giai đoạn 2005-2007. Sau đó, anh ta còn lần lượt chuyển tới Kuma Games (một công ty chuyên sản xuất game máy tính do CIA tài trợ nhằm mục đích tuyên truyền "định hướng" công luận), Cubic (đảm trách các nhiệm vụ tình báo) và cuối cùng tới Tập đoàn quốc phòng BAE Systems của Anh.

Giấy tờ chứng minh Hekmati từng phục vụ cho lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.

"Tôi đã bị tình báo Mỹ đánh lừa. Ngay cả khi tôi đã vào Iran với sứ mệnh xâm nhập vào các cơ quan tình báo để trở thành một nguồn tin của CIA, bản thân tôi cũng không muốn làm tổn hại đến nước này, do tôi đã có dự định tới sống tại Iran và không quay trở về Mỹ" - đó là một phần thừa nhận của Hekmati được các nhà chức trách Iran tiết lộ.

Thẩm phán Abolghasem Salavti chủ tọa phiên tòa cho biết, ông sẽ ra phán quyết cuối cùng sau khi nghe phần thuyết trình của phía luật sư bào chữa. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, số phận của Hekmati gần như đã được định đoạt. Những bị cáo bị phán quyết tội danh hoạt động gián điệp theo luật pháp sẽ phải nhận bản án cao nhất là tử hình.

Phản ứng trước vụ việc này, chính quyền Mỹ khẳng định Hekmati đã bị buộc tội một cách sai lầm, đồng thời yêu cầu phải trả tự do ngay lập tức cho công dân của mình. "Chúng tôi được biết trên báo chí về phiên tòa xét xử đằng sau những cánh cửa đóng kín đối với Hekmati - phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu trước các phóng viên - Chúng tôi đã từng gặp kịch bản như thế này trước đây, khi chế độ cầm quyền tại Iran cố tình truy tố sai nhiều người nước ngoài vì tội hoạt động gián điệp, sau đó giam giữ những bị cáo vô tội này vì những lý do chính trị".

Truyền thông Mỹ trích dẫn lời của gia đình Hekmati nói rằng, anh ta đã từng phục vụ cho lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ (trong thời gian từ năm 2001 đến 2005) với tư cách một biên dịch viên tiếng Arập, tới Iran từ vài tháng trước để thăm người thân đang sinh sống tại đây.

"Con trai tôi không phải là gián điệp" - người cha Ali Hekmati của bị cáo, vốn là một giáo viên tại bang Michigan (Mỹ) khẳng định với phóng viên kênh truyền hình ABC

Thái Quân (tổng hợp)
.
.