Ấn Độ với các cơ quan tình báo nước ngoài

Thứ Sáu, 31/07/2020, 15:37
Ấn Độ có một lịch sử hợp tác lâu dài với tình báo một số quốc gia Khối thịnh vượng chung, cũng như với Liên Xô cũ và các quốc gia khác ở Đông Âu.

Đặc biệt, mối quan hệ với Nga phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực tình báo tín hiệu (SIGINT) và tình báo điện tử. Riêng hợp tác tình báo tích cực và hiệu quả với Mỹ bắt đầu từ đầu thập niên 1950, trong thời kỳ ông Jawaharlal Nehru làm Thủ tướng và mối quan hệ này càng gia tăng sau Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962.

Ấn Độ và “Five Eyes”

Nhiều sĩ quan tình báo cao cấp của Ấn Độ trước thập niên 1990 trải qua khóa đào tạo tình báo ở Anh hoặc Mỹ. Thủ tướng Indira Gandhi đa dạng hóa sự hợp tác này bằng cách mở rộng đến các cơ quan tình báo châu Âu. 

Trong khi hợp tác tình báo giữa Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand (gọi là “Five Eyes”) kéo dài hàng thập niên, thì riêng Ấn Độ được mời tham gia mạng lưới tình báo chung gọi là “14 Eyes” năm 2008 sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Mumbai. Mỹ cho rằng sự tham gia chia sẻ thông tin tình báo đa phương sẽ giúp các cơ quan SIGINT của Ấn Độ hoạt động hiệu quả hơn.

David Coleman Headley, một người Mỹ gốc Pakistan, còn được gọi là Daood Gilani, có liên quan đến vụ lên kế hoạch tấn công khủng bố Mumbai.

Kết quả của sự hợp tác cuối cùng đã cho ra trái ngọt. Tháng 6/2010, Ấn Độ nhận được một hành động hợp tác chưa từng có từ cộng đồng tình báo Mỹ. Một nhóm từ Cơ quan Điều tra Quốc gia Ấn Độ (NIA) mới thành lập được phép thẩm vấn David Coleman Headley, một người Mỹ gốc Pakistan còn được gọi là Daood Gilani, có liên quan đến vụ lên kế hoạch tấn công Mumbai. 

Giới chức an ninh Mỹ nhận thấy sự tham gia của Headley trong mạng lưới buôn lậu ma túy, nhưng vào một số thời điểm hắn còn hợp tác với tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba (LeT) hoạt động ở Pakistan. Headley đến Ấn Độ khoảng 8 hoặc 9 lần, không chỉ từ Mỹ mà còn vượt qua biên giới đất liền giữa Ấn Độ và Pakistan. Việc thẩm vấn Headley tiết lộ cách hắn được LeT sử dụng để quan sát và chuẩn bị các đoạn phim video về loạt mục tiêu ở Mumbai. Headley chuyển giao những thứ này cho LeT và cả cấp trên của hắn trong tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Abdul Rehman Makki.

Báo cáo thẩm vấn phơi bày cách mà Hafiz Mohammed Saeed và Abdul Rehman Makki – hai thủ lĩnh nổi tiếng của LeT – huấn luyện tấn công khủng bố cho Ajmal Kasab và những chiến binh khác trong quá trình đào tạo tại các trại LeT bên trong Pakistan. Phiên tòa xét xử Headley tại Mỹ liên tục nhắc đến một “Thiếu tá Iqbal” bí ẩn và Đại tá Shah – người được cho là có nhiệm vụ tuyển mộ chiến binh cho IS. 

Một đối tượng khủng bố quan trọng khác là Zakiur Rehman Lakhvi bị bắt năm 2009, nhưng được tự do tại ngoại và tiếp tục chỉ đạo các hoạt động của LeT, bên trong bang Jammu & Kashmir miền bắc Ấn Độ.

Các đồng minh Nam Á với tình báo Ấn Độ

Khi tình báo Ấn Độ bắt đầu phát triển mạnh sau khi giành độc lập, nước này nhanh chóng đã tìm cách thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Nam Á. Ấn Độ đã tiến hành một cuộc chiến dài chống lại chủ nghĩa khủng bố kể từ khi giành được độc lập. 

Cơ quan tình báo của Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng kể từ năm 1947 trong việc ổn định quốc gia, cũng như đối mặt với các đối thủ. Ấn Độ luôn tìm kiếm cơ hội để xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế về các vấn đề an ninh và chiến lược với đối tác nước ngoài. 

Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli (phải), chào mừng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Kathmandu. Tình báo Nepal là đồng minh quan trọng của Ấn Độ trong nỗ lực chống khủng bố.

Đương nhiên, Nam Á nổi lên như là trọng tâm chính của cộng đồng tình báo Ấn Độ và những mối quan hệ được thiết lập trong khu vực đã dẫn đến nhiều thành công mặc dù khó thể tránh khỏi những hạn chế không mong muốn. Ấn Độ ký kết thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo liên tục với Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Myanmar, Nepal và Sri Lanka.

Trong quá khứ, biên giới Ấn Độ-Nepal được sử dụng cho việc di chuyển không giới hạn của phiến quân Kashmir và Hồi giáo, cũng như để vận chuyển tiền giả. 

Tháng 4 năm 2001, chất nổ và tiền giả bị Cảnh sát Nepal thu giữ từ nhà của Arshad Cheema, nhà ngoại giao Đại sứ quán Pakistan tại Kathmandu. Sự trao đổi thông tin tình báo kịp thời và thường xuyên giữa hai nước giúp giảm các hoạt động bất hợp pháp tương tự. Trước đó, bọn tội phạm và những kẻ buôn lậu thường xuyên di chuyển qua Ấn Độ, biên giới phía đông giữa bang Tây Bengal và Bangladesh trong nhiều năm.

Hợp tác chặt chẽ về tình báo được phát triển trong những năm gần đây giúp Ấn Độ chống lại hoạt động của một số tổ chức khủng bố như Jagrato Muslim Janata Bangladesh (JMJB) và Jamaat-ul-Mujahideen của Bangladesh (JMB). 

Trong một nỗ lực lớn cho hợp tác an ninh song phương, Bangladesh chuyển giao Anup Chetia, lãnh đạo Mặt trận Thống nhất Giải phóng (ULFA), cho Ấn Độ - 18 năm sau khi người này bị bắt giữ tại thủ đô Dhaka của Bangladesh vì tội xâm phạm biên giới. Chetia, thành viên sáng lập ULFA, trốn sang Bangladesh và sau đó bị bắt giữ vào tháng 12/1997. Khi ra khỏi tù, Chetia tham gia các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa chính phủ Ấn Độ và ULFA do Arabinda Rajkhowa lãnh đạo.

Tháng 12/2003 và tháng 1/2004, Quân đội Hoàng gia Bhutan phá hủy các trại ULFA tại các khu vực đồi núi miền nam nước này sau khi trao đổi thông tin chính xác về vị trí của chúng cũng như mọi sự di chuyển của nhóm. Hợp tác tình báo Ấn Độ - Bhutan hoạt động hiệu quả từ rất sớm. 

Khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, mọi lãnh đạo cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ đều thực hiện cuộc gọi liên lạc đầu tiên của mình với Quốc vương Bhutan. Thông tin được trao đổi với chính quyền Bhutan về các chiến binh từ Mặt trận dân chủ quốc gia Bodoland (NDFB – nhánh Songbijit), hoạt động dọc theo một phần biên giới giữa bang Assam ở đông bắc Ấn Độ và Bhutan.

Giới chức tình báo Ấn Độ cũng trao đổi thông tin tình báo với đối tác Afghanistan để ngăn chặn kịp thời những cuộc tấn công khủng bố lớn tiềm tàng ở cả hai nước. 

Trước đây, sự hợp tác không phải lúc nào cũng thành công, như đã được chứng minh trong vụ tấn công bi thảm vào Đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul vào tháng 7/2008, trong đó một nhà ngoại giao cấp cao của Ấn Độ và một tùy viên quốc phòng đã bị giết. 

Tuy nhiên, âm mưu tấn công khủng bố của LeT nhằm vào lãnh sự quán Ấn Độ ở Jalalabad và Herat của LeT đã bị thất bại. Và một kế hoạch của Jaish-e-Mohammed (JeM), một nhóm thánh chiến có trụ sở tại Pakistan muốn tách Kashmir khỏi Ấn Độ, tiến hành một loạt các vụ đánh bom ở New Delhi đã được ngăn chặn kịp thời vào năm 2016.

Cộng đồng tình báo Ấn Độ và Myanmar cũng thường xuyên trao đổi thông tin về sự di chuyển của các nhóm chiến binh thù địch như ULFA cũng như các nhóm phiến quân Kachin và Karen ở Myanmar. Trong khi đó, hợp tác tình báo giữa Ấn Độ và Sri Lanka diễn ra dưới cái bóng của sự nghi ngờ lẫn nhau trong cuộc nổi dậy của Những con Hổ giải phóng Tamil Eelam (LTTE). 

Sự bất đồng giữa các nhánh trong LTTE không được tình báo Ấn Độ và Sri Lanka theo dõi đầy đủ. Chính quyền Sri Lanka hoặc không tìm hiểu về âm mưu ám sát một cựu thủ tướng Ấn Độ hoặc bất kỳ thông tin nào như vậy không được chia sẻ kịp thời với Ấn Độ. 

Zabiuddin Ansari (còn được gọi là Abu Jundal) - người được tin là có mặt trong “phòng điều khiển” của LeT ở Karachi trong suốt cuộc tấn công khủng bố năm 2008 ở Mumbai.

Tuy nhiên, bên cạnh thất bại cũng có những thành công. Ví dụ vụ bắt giữ Zabiuddin Ansari (còn được gọi là Abu Jundal) - người được tin là có mặt trong “phòng điều khiển” của LeT ở Karachi trong suốt cuộc tấn công khủng bố năm 2008 ở Mumbai. Hay vụ bắt giữ Yasin Bhatkal, Tehseen Akhtar (bí danh Monu) và Zia ur Rehman, từ nhóm khủng bố Mujahideen Ấn Độ (IM), được tạo điều kiện bởi sự giúp đỡ từ các tổ chức an ninh ở Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nepal.

Ngoài khu vực, tình báo Ấn Độ cũng bắt đầu thiết lập sự hợp tác với các nước khác, trong đó Israel nổi lên như một đối tác đặc biệt. Tình báo Ấn Độ và Israel chia sẻ những đánh giá tình báo chung về chống khủng bố và hai cơ quan phát triển hợp tác chặt chẽ trong vài thập kỷ qua. 

Khách du lịch Israel đến thăm Goa và Kashmir  thường xuyên phải đối mặt với các âm mưu bắt cóc họ bởi các nhóm phiến quân Hồi giáo từ Pakistan. Kinh nghiệm của Israel trong việc đối phó với sự xâm nhập và khủng bố xuyên biên giới đã giúp Ấn Độ cải thiện đáng kể năng lực quản lý dọc biên giới đất nước với Pakistan thông qua việc Nhà nước Do Thái cung cấp các cảm biến mặt đất tiên tiến cũng như thiết bị giám sát tinh vi khác.

Một nhóm làm việc chung về khủng bố giữa Ấn Độ và Israel được thành lập sau vụ tấn công khủng bố Mumbai vào tháng 11-2008 (cũng được gọi là vụ tấn công khủng bố liên hoàn ngày 26/11). Hợp tác về an ninh mạng và TECHINT – tình báo kỹ thuật thông qua đánh chặn điện tử và tín hiệu - cũng đang dần mở rộng giữa Ấn Độ và Israel.

Hợp tác để giảm thiểu rủi ro

Mặc dù một số quốc gia có được SIGINT và tình báo kỹ thuật tiên tiến để thu thập thông tin hiệu quả về sự di chuyển của các chiến binh hoạt động xuyên biên giới từ một quốc gia, song họ thường chia sẻ thông tin một cách miễn cưỡng hoặc chỉ một phần do sợ làm tổn hại tài sản tình báo của mình. Điều này đã gây cản trở cho nỗ lực phân tích đánh giá thông tin để từ đó phổ biến kịp thời đến các cơ quan mặt đất nhằm đưa ra các biện pháp an ninh thích hợp.

Ngay từ đầu, Ấn Độ đã nhận ra rằng hợp tác chia sẻ thông tin tình báo có thể chứng tỏ là con dao hai lưỡi. Nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia bằng cách tạo điều kiện cho các nỗ lực thâm nhập của các cơ quan nước ngoài. Việc tạo ra thông tin giả có thể xảy ra từ những sĩ quan tình báo muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ giới lãnh đạo chính trị.

Thật không may, những dự cảm này đã trở thành sự thật. Ví dụ trường hợp xảy ra tháng 5/2004, khi đó Rabinder Singh – sĩ quan cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ thuộc Cục phân tích và nghiên cứu (RAW) biến mất bất ngờ. Sau khi bị nghi ngờ về việc sao chụp tài liệu với số lượng lớn ngay trong văn phòng của mình, Singh bị đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt. 

Singh nhận ra được điều này và nhanh chóng bỏ trốn sang Mỹ qua ngõ Nepal. Chức năng chính của RAW là thu thập thông tin tình báo nước ngoài, chống khủng bố, chống phổ biến, tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ và thúc đẩy lợi ích chiến lược đối ngoại của Ấn Độ. Nhiều chương trình hạt nhân của Ấn Độ cũng được RAW bảo mật.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.