Vụ bê bối tham nhũng của một cựu Nghị sĩ Cộng hòa Séc:

Ăn tiền hối lộ, chi tiền thế thân

Thứ Hai, 24/09/2012, 15:50

Ngày 22/8/2012, Tòa án huyện Praha-vychod quyết định mức tiền bảo lãnh cho cựu Nghị sĩ David Rath đang bị tống giam vì tội tham nhũng hối lộ số tiền lên tới 14 triệu korun (700.000 USD). Đây được coi là món tiền thế thân lớn thứ 5 trong lịch sử hình sự Cộng hòa Séc.

Dư luận đồn đoán David Rath là thành viên Hạ viện đầu tiên có nguy cơ phải ngồi tù kể từ năm 1998. Ông liên tục phủ nhận cáo buộc tội trạng và đã từng công khai rằng đây là “một sự trả thù đê tiện trong chính phủ, một trái bom hủy diệt chính trị mà nhà nước đang chơi thử vì lỡ tuyên bố sẽ chiến đấu với tham nhũng tới cùng”. Nếu như không gom đủ số tiền thế thân, chính trị gia này sẽ nhận mức án tối thiểu 12 năm tù, cùng với quyết định khai trừ khỏi đảng CSSD, chính thức kết thúc sự nghiệp chính trị tại đây.

Biến rượu thành tiền

Ngày 14/5/012, Cảnh sát chống tham nhũng Cộng hòa Séc đã bắt David Rath khi nhận tiền hối lộ và ra quyết định khởi tố. Rath đã bị các thám tử theo dõi gần nửa năm và có tới hơn 100 cảnh sát đã tham gia vào chiến dịch này. Tất cả quá trình điều tra và thực hiện vây bắt nghi can đều thực hiện dưới sự giám sát của công tố viên nhà nước thuộc Viện Công tố tỉnh Usti-labem, Lenka Bradackova, người được mệnh danh là "Thanh tra Catani mặc váy" của Séc.

Rath bị cảnh sát bắt trong khi đang vận chuyển 7 triệu korun (355.000 USD) chứa bên trong một hộp rượu được ngài tỉnh trưởng nói là… của đồng nghiệp tặng. Rath bị khởi tố với tội danh làm tổn hại đến quyền lợi của EU, tham nhũng tài trợ cho Bệnh viện Kladno và thành cổ Bustehrad với số tiền 1.400 triệu korun. Rath đã từng bị chỉ trích là đầu tư trang bị vào đó quá tốn kém, chi phí cho công trình bị vượt qua con số 800 triệu. Chưa hết, cùng với 7 nhân vật khác, Rath bị cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và tham gia một đường dây chuyển tiền bí mật sau khi cảnh sát phát hiện hơn 30 triệu korun được cất tại tầng hầm nhà riêng.

Rath và một nhân vật có liên quan tới vụ bê bối chiếm đoạt tiền tài trợ cho bệnh viện Kladno và thành cổ Bustehrad.

Trong thông cáo tới truyền thông, Rath cho biết mình đã bị sập bẫy của giới chính khách đảng đối lập OSD. "Đây là cuộc hành hình một nhà hoạt động chính trị đã có chuẩn bị từ trước và được thực hiện tập thể. Trong chuyến đi công tác, tôi đã nhận được một món quà là hộp rượu vang được đóng gói kỹ càng. Tự nhiên sau đó bất ngờ lực lượng cảnh sát dã chiến ập đến và tôi hết sức bất ngờ là trong hộp đó có đầy tiền thay vào chỗ chai rượu vang".

Rath cho rằng, ông ta là nạn nhân của “chính sách hủy diệt chính trị” khi bị cảnh sát gài bẫy dưới sự chỉ đạo của các chính khách ở đảng đối lập. Họ muốn dùng uy quyền, thuê tay sai và tiêu diệt những nhân vật uy quyền nhất để hoạt động tự do, cũng như thâu tóm chính quyền nhà nước. Rath tiết lộ ông bị cảnh sát bắt giam và thực hiện những hành vi tra tấn kiểu giết người.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ivan Langer phản bác mọi thông tin Rath đưa ra là bịa đặt: "David Rath đang bị truy tố hình sự, đang bị tạm giam và ông ta có quyền nói mọi điều, kể cả nói dối". Theo đó, Rath đã phải từ chức Tỉnh trưởng tỉnh Trung Séc và rời vị trí trong đảng Dân chủ xã hội CSSD đầy ấm ức. Là người có học, thông minh, sắc sảo và phản ứng rất nhanh trước từng biến động chính trị, sự ra đi của Rath sẽ để lại khoảng trống rất lớn khó lấp đầy bên trong CSSD.

Cảnh sát áp giải David Rath tới toà.

Khi Rath đang ngồi trong tù chờ được bảo lãnh thì lại xuất hiện thêm một nhân vật đứng ra tố cáo Rath tham nhũng của ông ta. Vaclav Kovanda, được cho là thuộc "băng Rath", chính là trung gian vận chuyển các đơn hàng và chuyển tiền về cho Rath, là tay chân thân tín nhất của chính trị gia này. Rath khóc trước báo giới và nói, điều quan trọng nhất là tìm ra sự thật và những người đứng phía sau, trong khi đảng OSD tỏ ra rất vui mừng khi đã làm CSSD suy yếu phần nào trước sự ra đi của Rath.

Bị "cách ly" vì tham nhũng

Các thành viên CSSD nhanh chóng tránh xa David Rath kể từ sau vụ bê bối. Trong khi đó, dư luận tỏ ra ngán ngẩm trước mọi động thái của chính phủ và hoàn toàn mất niềm tin vào chiến dịch chống tham nhũng ở Séc. Họ truyền tai nhau những mẩu chuyện phiếm về việc David Rath có sức mạnh siêu nhiên, biến rượu thành tiền… Thậm chí, một công ty cá cược còn đặt tỉ lệ thắng 4 ăn 1 nếu ít nhất 25 triệu USD sẽ được tiếp tục tìm thấy tại các nơi Rath từng đến. David Rath đang ở trong thời kỳ đen tối nhất cuộc đời khi trang blog cá nhân của ông đăng tải những lời nhục mạ của dư luận về hành vi làm ô uế Chính phủ Séc.

Có lẽ vào thời điểm này khi đang đối diện với án phạt lên tới 12 năm tù, David Rath mới thấm thía bài học nhân quả vì dám phạm thượng. Khi mà Vaclav Klaus chẳng còn chút gì lưu luyến với một chính trị gia có dính líu tới tham nhũng, ông cũng sẽ chẳng mặn mà giúp Rath giảm án. David Rath đặt lãi suất tài chính của Liên minh châu Âu vào thế nguy hiểm, vậy nên Klaus nghiễm nhiên phải từ bỏ mối quan hệ khăng khít và có lợi này để tránh liên lụy.

David Rath bị bắt khi đang vận chuyển 7 triệu Korun được... biến ra từ rượu đồng nghiệp gửi tặng.

Ngày 16/5/2012, Klaus phát đi một tuyên bố trên Truyền hình quốc gia, ngợi khen cảnh sát đã hành động không khoan nhượng với hành vi sai trái của Rath. Ông cũng bày tỏ quan ngại vụ David Rath sẽ gây ra làn sóng ảnh hưởng không chỉ tại Séc mà lan ra khắp các nước láng giềng. Klaus gọi Rath là "vận đen" của quốc gia, với những toan tính yếu kém và bừa bãi, cùng sự lăng mạ chính bản thân ông khiến Klaus im lặng, để mặc Rath "muốn tới đâu thì tới".

Ủy ban châu Âu (EC) cũng rất quan tâm đến vụ án David Rath sau khi được Klaus cung cấp thông tin. Theo đó, David Rath vốn luôn hoài nghi về tương lai của đồng euro và muốn tạo ra làn sóng thắt chặt vốn EU để làm suy yếu cả khu vực này, mà điểm bắt đầu chính là Cộng hòa Séc.

Hiện tại, David Rath vẫn là thành viên Chính phủ Séc. Theo luật, một nghị sĩ chỉ có thể bị bắt và tước bỏ quyền miễn nhiễm khi Hội đồng ủy thác Séc thuộc Hạ viện đồng loạt bỏ phiếu thuận. Điều này đồng nghĩa với việc Rath hoàn toàn có thể được "cứu vớt" nếu số phiếu không quá 2/3, và khi ấy vụ án sẽ được xử kín (!?). Thêm một yếu tố thuận lợi nữa là David Rath hoàn toàn có thể thoát tội nếu chịu "đầu tư" tiền thế thân.

Cứu mạng bằng tiền?

Trước khi diễn ra phiên tòa kín ngày 20/8 vừa qua, gia đình David Rath đã đưa ra đề nghị khoản tiền bảo lãnh 1 triệu korun, tuy nhiên Tòa án Đông Praha không chấp nhận vì khả năng tài chính của bị cáo và đã đưa ra mức cao gấp 14 lần. Quan tòa Jiri Wazik bình luận rằng, mức tiền bảo lãnh này là phù hợp. "Đó là những lý do cụ thể và dựa trên các cơ sở xác minh được mà tòa án đã có trong hồ sơ. Những lý do cụ thể đó tôi sẽ không tiết lộ vào thời điểm này, bởi sự vụ vẫn trong quá trình điều tra".

Mức tiền thế thân 14 triệu korun phản ánh tính nghiêm trọng của tội phạm đã gây ra. Và đó không chỉ về mức thiệt hại, mà trong trường hợp cụ thể này là cương vị mà Rath đang nắm giữ trong thời điểm đó. Theo đó, nếu cựu Tỉnh trưởng Trung Séc muốn được hưởng quy chế điều tra tại ngoại, thì phải đóng khoản tiền thế thân bảo lãnh lên tới 700.000 USD. Và nếu như thực hiện đầy đủ những điều kiện nghiêm ngặt để được tại ngoại, thì sẽ nhận lại được một phần khoản tiền bảo lãnh. Nhưng nếu như lẩn trốn hay tiếp tục phạm pháp, thì nhà nước sẽ tịch thu hết toàn bộ số tiền bảo lãnh, còn Rath thì vẫn bị quy án 12 năm tù giam!

Vừa qua, công tố viên giám sát Petr Jirat đã phát đơn phản đối quyết định cho phép Rath đóng tiền bảo lãnh. "Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với việc cho đặt tiền bảo lãnh. David Rath sẽ phải ở lại trại tạm giam kể cả khi đã "gom" đủ 14 triệu korun". Các luật sư của Rath cũng không có nguyên cớ gì để khiếu nại quyết định trên, mặc dù họ không đồng ý với mức tiền bảo lãnh quá cao như vậy. Họ còn sợ rằng, nếu khiếu nại quyết định đó, thì tòa cấp cao hơn có thể sẽ hủy bỏ cả quyết định cho bảo lãnh hoặc số tiền bảo lãnh sẽ tăng lên nữa.

Mục đích của tiền bảo lãnh thế thân

Tiền bảo lãnh sẽ về tay nhà nước trong trường hợp bị cáo bỏ trốn hay tái diễn phạm tội. Ở giai đoạn hậu kỳ của thủ tục tố tụng, tòa án sẽ quyết định hoàn lại tiền bảo lãnh, nếu nghi can có phán quyết vô tội. Nếu bị cáo lĩnh án tù, thì tiền bảo lãnh có thể sử dụng để bồi thường thiệt hại hay thanh toán chi phí liên quan tới thủ tục tố tụng hình sự. Tiền bảo lãnh được đặt trong tài khoản đặc biệt của Ngân hàng Quốc gia Séc, bị phong tỏa cho đến khi kết thúc thủ tục truy tố.

Trong trường hợp được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh, nghi can phải tuân thủ những điều kiện nghiêm ngặt. Bất kỳ lúc nào cũng phải sẵn sàng có mặt phục vụ công tác điều tra, không được lẩn tránh thủ tục điều tra tố tụng.

Sau quyết định của tòa án, các luật sư cho rằng, gia đình David Rath sẽ không có được khoản tiền lớn như vậy, nhưng vẫn để ngỏ khả năng thời hạn 3 tuần để bàn bạc với thân chủ, xem liệu có chấp nhận quyết định của tòa hay không. Tuy nhiên, thực tế là David Rath không thể tự nộp tiền bảo lãnh vì toàn bộ tài sản đã bị cảnh sát đề nghị phong tỏa. Các luật sư của Rath nhận định các cơ quan tố tụng hình sự cố tình hành động như vậy để Rath không thể tự bảo lãnh được chính mình.

Tiền đặt cọc bảo lãnh tại ngoại phải có trước ngày 3/9, nhưng hơn 30 người đã lên tiếng bảo lãnh cho Rath lại chẳng dám hứa sẽ chi tiền "chuộc" ông về. Vài nghị sĩ, yếu nhân chỉ giúp Rath trên phương diện đạo đức, thực chất là bỏ rơi "tội đồ" của đảng CSSD. Trong khi đó, ông bố của Rath cứ kêu gào đòi lại 10 triệu korun thu từ két của con trai vì ông cho rằng đó là tiền dành dụm để mua nhà sống gần Rath.

Mức bảo lãnh 14 triệu korun đang treo lơ lửng trên đầu David Rath được xếp vào hàng cao thứ 5 trong nấc thang các mức tiền bảo lãnh đã được đưa ra trong lịch sử hình sự Cộng hòa Séc. Trong bậc thang này, cao nhất là liên quan tới trường hợp doanh nhân Radovan Krejcr đang đào tẩu, khi vào năm 2004 đã tự đưa ra đề nghị khoản tiền bảo lãnh thế thân 40 triệu korun nhưng không được chấp thuận. Năm 2010, tỉ phú Tomas Pitr còn bị đề nghị số tiền 69 triệu korun, nhưng cuối cùng thì ông được tại ngoại với "giá rẻ" hơn là 15 triệu korun.

Vì chưa có đủ tiền bảo lãnh nên David Rath quyết định xin đeo một chiếc vòng điện tử theo dõi tù nhân. "Tôi không thể bỏ những đứa con và người bố 81 tuổi của mình để chạy trốn. Đối với nhà tù cũng tương tự như vậy, tôi không được ở gần họ và như đã trở thành người suốt đời lang thang vô gia cư. Bởi vậy tôi đưa ra sự bảo lãnh, trả lại hộ chiếu, trình diện hàng ngày, đeo vòng theo dõi và bất cứ điều gì".  Trải qua một giai đoạn chấn thương tinh thần, Rath đã xác nhận rằng trong nhà tù ông đang viết một cuốn sách. "Có thể tôi sẽ thành công trong bộ phim chính trị kinh dị từ các sự kiện thực tế vừa qua. Tiêu đề của nó là "Quá trình vô lý", đơn giản vì tôi bị án quá vô lý…"

Lâm Anh - Thùy Dương (tổng hợp)
.
.