Điệp viên đặc biệt của Cuba tại Mỹ: Ngôi sao vụt tắt
Nhưng FBI chắc hẳn đã không thể lật tẩy và bắt được Ana Montes nếu bà đề cao cảnh giác, không để lộ nhiều sơ hở chết người giúp cho các đặc vụ Mỹ tìm thấy những manh mối, chứng cứ chứng minh hoạt động gián điệp của bà.
Ngôi sao sáng của DIA
Hoạt động tình báo của Ana Montes trong giai đoạn thập niên 90 thế kỷ XX diễn ra suôn sẻ, không một mảy may nghi ngờ nào từ phía cơ quan tình báo DIA đối với bà. Montes đã mạo hiểm đi gặp trực tiếp các điệp viên Cuba tại Mỹ.
Cứ vài tuần một lần, bà lại đi ăn tối cùng người quản lý của mình tại các nhà hàng trong khu phố Tàu ở Washington DC. Trong lúc ăn uống, trao đổi trò chuyện, Montes bí mật tuồn phía dưới đĩa thức ăn những chiếc đĩa mềm chứa thông tin mật cho điệp viên quản lý. Montes cũng tận dụng những chuyến đi nghỉ tại các hòn đảo du lịch trong vùng Caribbe để chuyển tài liệu mật cho tình báo Cuba.
Ana Montes khi bị bắt. |
Thậm chí Montes còn thực hiện 4 chuyến đi Cuba trong thập niên 90 để họp với các lãnh đạo cấp cao tình báo Cuba. Trong những lần như thế, 2 lần bà sử dụng hộ chiếu giả và cải trang để không bị phát hiện, 2 lần còn lại bà xin phép đi Cuba với lý do nghiên cứu thực tế và được Bộ Quốc phòng chấp thuận. Khi đến Cuba, ban ngày Ana họp và làm việc tại Khu Lợi ích nước Mỹ (nay là Đại sứ quán Mỹ tại La Habana), nhưng ban đêm bà lại lẻn đi ra ngoài để gặp gỡ các lãnh đạo tình báo Cuba.
Năm 1998 xảy ra một sự cố nghiêm trọng cho tình báo Cuba: Mạng lưới tình báo Cuba ở Mỹ bị phá sập. Mạng lưới này hoạt động chủ yếu ở bang Florida mang biệt danh Ong Bắp Cày (Wasp Network) gồm khoảng 12 điệp viên Cuba, thực hiện nhiệm vụ xâm nhập vào các tổ chức người Cuba lưu vong, đồng thời tìm cách chui vào các cơ sở quân sự của Mỹ, nhất là Bộ Chỉ huy phương Nam (SouthCom) ở căn cứ Doral.
Ngay sau vụ việc này, các liên lạc viên tình báo Cuba bỗng dưng bặt tăm, cắt liên lạc hoàn toàn. Họ từ chối liên lạc với Ana trong vài tháng vì phải đánh giá những thiệt hại do vụ Wasp Network gây ra. Điều đó khiến Ana hoảng loạn và lo lắng đến mất ngủ. Ana bắt đầu có biểu hiện của một người mắc chứng rối loạn trầm cảm khiến bà phải tìm đến bác sĩ tâm thần để điều trị.
Mặc dù trải qua sự cố như thế, nhưng trong công việc tại DIA, Ana vẫn là một ngôi sao về phân tích tình báo, một chuyên gia về Cuba, và không ai nghi ngờ gì về bà. Bà bây giờ báo cáo tình báo trực tiếp cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Hội đồng An ninh Quốc gia về năng lực quân sự của Cuba. Bà gúp Lầu Năm Góc soạn thảo một báo cáo trong đó nói rằng Cuba "không có nhiều khả năng" gây hại cho nước Mỹ và việc Cuba gây nguy hiểm cho công dân Mỹ được đánh giá là "chỉ trong một số trường hợp".
Và Ana đang chuẩn bị được thăng tiến thêm, lần này bà tham gia với tư cách thành viên Hội đồng Tình báo Quốc gia (NIC). Là cơ quan cố vấn cho Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA), cho nên văn phòng làm việc của NIC cũng nằm bên trong trụ sở CIA ở Langley. Ana đứng trước cơ hội lớn được tiếp cận "kho báu" thông tin mật có giá trị cao.
Lọt vào tầm ngắm của "thợ săn gián điệp"
Sự nghiệp của Ana Montes có lẽ sẽ còn thăng tiến nếu như không vì sự soi mói, tọc mạch của một đồng nghiệp "chiếu dưới" tên là Scott Carmichael. Một gã đàn ông với khuôn mặt bầu tròn, xuất thân là cảnh sát viên ở bang Wisconsin, Carmichael trông không giống điệp viên chuyên nghiệp chút nào nhưng lại được đánh giá là tay săn gián điệp có hạng trong làng tình báo, và đã giúp DIA săn được khá nhiều gián điệp.
Tháng 9-2000, Carmichael vớ được một phi vụ "nóng". Một nữ điệp viên đã tìm đến gặp ông Chris Simmons, một chuyên gia phân tích tình báo lão làng của DIA, để thông tin một việc quan trọng là trong hai năm qua FBI đã cất công vô ích truy tìm một nhân viên chính phủ bị nghi làm gián điệp cho Cuba.
Đó là một "UNSUB", nghĩa là "đối tượng không xác định". FBI cung cấp một số thông tin đầu mối như UNSUB có quyền tiếp cận thông tin tình báo về Cuba ở cấp độ mật cao, đã mua và sử dụng một chiếc laptop hiệu Toshiba để liên lạc với tình báo Cuba, đã từng đi đến Cuba vài lần và một số chi tiết khác. Nhưng do thiếu nhiều tình tiết quan trọng nên FBI chưa thể tìm ra UNSUB.
Câu chuyện "chạm máu nghề" của Carmichael, và anh ta xắn tay áo, cùng một đồng nghiệp là Karl "Gatos" James bắt đầu lục soát hệ thống dữ liệu nhân viên ngành an ninh nước Mỹ để "săn mồi". Để có được tư cách an ninh, các nhân viên DIA buộc phải khai báo một số thông tin cá nhân như thông tin về tài chính cá nhân, lịch sử bệnh lý, lịch trình đi lại. Máy tính cho ra kết quả hơn 100 nhân viên đáp ứng các tiêu chí đó. Sau khi sàng lọc khoảng 20 đối tượng theo tiêu chí cuối cùng, cái tên Ana Belen Montes hiện ra trên màn hình.
Tòa nhà số 3039, nơi có căn hộ Ana Montes sinh sống. |
Bốn năm trước, một đồng nghiệp của Montes ở DIA đã phản ứng với Ana do thỉnh thoảng bà lại quá ham muốn truy cập vào các thông tin nhạy cảm. Carmichael cũng đã "phỏng vấn" Ana và biết bà đã nói dối khiến sự nghi ngờ của anh ta càng nhiều thêm. Thế nhưng, mối nghi ngờ của Carmichael đã không thuyết phục được FBI. Lãnh đạo đặc vụ FBI Steve McCoy đã vạch ra những kẽ hở và bác lập luận của Carmichael. Chưa chịu bỏ cuộc, Carmichael và đồng nghiệp tiếp tục, biết rằng mình đã đi đúng hướng.
Thế là Carmichael âm thầm xây dựng hồ sơ về Ana Montes, đồng thời liên tục nhồi nhét McCoy với những dữ kiện thực tế, những sự kiện trùng hợp mà anh ta thu thập được. Anh ta kiếm đủ cớ, lý do để ghé qua phòng làm việc của McCoy để nói chuyện về Montes và sửa chữa những sai sót trong lập luận lần trước. Carmichael cứ chờn vờn xung quanh McCoy với câu chuyện về Montes. Dần dần sau gần 3 tháng như thế, McCoy bắt đầu chấp nhận lập luận của Carmichael và thuyết phục Tổng hành dinh FBI cho mở cuộc điều tra.
Khi cuộc điều tra được quyết định chính thức và được Tòa án Giám sát Tình báo đối ngoại (FISC) cho phép, một lực lượng gồm 50 đặc vụ được phái đi lục soát các địa điểm khác nhau: nơi ở, nơi làm việc, và cả xe ôtô của Montes. Pete Lapp, đồng nghiệp của Carmichael sử dụng cả đặc quyền an ninh để kiểm tra thông tin tín dụng của Montes và phát hiện vào năm 1996 bà từng vay tín dụng để mua một chiếc laptop nhãn hiệu Toshiba, đúng như mô tả UNSUB của FBI.
Tuy vậy, không ai có thể chứng minh được Montes đã gặp người Cuba, đánh máy các mẩu tin nhắn mã hóa tại nơi làm việc hay ghi chép thông tin mật vào quyển sổ tay của mình. Rất cần bằng chứng cụ thể để chứng minh Montes là gián điệp, nhưng Lapp cũng không thể "bứt dây động rừng" bằng một cuộc khám xét rầm rộ nơi ở của Montes theo đúng quy trình. Thời gian đang rất cấp bách, vì Montes đang chuẩn bị thăng tiến lên cấp cao hơn, vào Hội đồng Cố vấn tình báo CIA.
Carmichael quyết tâm phải chặn đường thăng tiến của Montes. Anh ta cùng với các đồng nghiệp Lapp và "Gatos" James vạch ra một kế hoạch, với sự trợ giúp của Giám đốc DIA Thomas Wilson. Theo kế hoạch, tại cuộc họp toàn thể cơ quan sau đó, một người trong nhóm Carmichael nêu vấn đề rằng "có nhiều nhân viên DIA đang nhận lương của các cơ quan bên ngoài".
Ông Wilson sẽ vin vào lời phản ánh đó "đùng đùng nổi giận" và thông báo dừng hoàn toàn việc bổ nhiệm ra bên ngoài, có nghĩa là Montes sẽ không được vào làm trong Hội đồng cố vấn CIA nữa. Kế hoạch đã được thực hiện bài bản, và Montes không hề biết kịch bản cuộc họp đó được vạch ra chỉ nhắm vào bà.
Một sai lầm nghiêm trọng xuất phát chuyện tình cảm, nó làm cho bà nhất thời mất cảnh giác, không còn tập trung vào sự nghiệp mình theo đuổi bấy lâu, mà bắt đầu sao nhãng, nghĩ đến việc lập gia đình, hưởng cuộc sống an phận. Montes nảy sinh tình cảm yêu đương với Roger Cornerretto, một sĩ quan phụ trách chương trình tình báo Cuba tại SouthCom, nơi mạng lưới Wasp Network từng nỗ lực xâm nhập nhưng đã thất bại.
Cornerretto hơn Montes 8 tuổi, bị cuốn hút bởi ngoại hình hấp dẫn và trí thông minh cộng với hoài bão lớn của Montes. Họ yêu nhau say đắm giữa lúc FBI đang đẩy nhanh tiến độ cuộc điều tra nhắm vào Montes. Sau này, các chuyên gia CIA đánh giá Montes yêu Cornerretto thật lòng, không vì vụ lợi để moi thông tin tình báo.
Nhưng chính Montes lại bị thiệt trong cuộc tình ngắn ngủi. Hai người thường xuyên đưa nhau đi chơi đây đó, và Montes bắt đầu có dấu hiệu sao nhãng nhiệm vụ với tình báo Cuba. Ngày 25-5-2000, trong lúc Montes cùng người yêu đi ra ngoại ô vui chơi, một toán đặc vụ FBI đã lén đột nhập vào căn hộ của bà và lục soát tất cả mọi ngóc ngách trong đó.
Trong phòng ngủ của bà, các chuyên viên kỹ thuật của toán điều tra phát hiện chiếc thùng các-tông bên trong có chiếc máy vô tuyến điện Montes thường dùng để liên lạc với tình báo Cuba. Kế đến, họ phát hiện chiếc laptop hiệu Toshiba đúng như mô tả của FBI. Toàn bộ ổ đĩa cứng của chiếc máy laptop chứa những nội dung thông tin liên lạc mà Montes chưa kịp xóa hết đã bị các chuyên viên kỹ thuật của FBI sao chép đầy đủ.
Vài ngày sau, một trạm tiền tiêu của FBI gửi về bản dịch nội dung ổ đĩa cứng đã được sao chép. Nó cung cấp nội dung một cuộc trao đổi thông tin giữa Montes và sếp tình báo Cuba của bà và một sĩ quan tình báo hai mang ở Mỹ. Nhưng FBI muốn có thêm bằng chứng thuyết phục hơn nữa nhằm có đủ chứng lý buộc tội Montes. Họ cần những mật mã mà chắc chắn Montes cất giấu trong chiếc ví đầm mang theo người.
Carmichael lại bày mưu, dàn dựng một sự cố công nghệ giả và một cuộc họp giả nhằm dụ Montes rời khỏi bàn làm việc cách đó một khoảng không xa để Montes không cần phải mang theo chiếc ví đầm trong khoảng thời gian dài đến sau bữa ăn trưa.
Ngay khi Montes vừa rời đi, ngay lập tức các đặc vụ FBI - trong đó có McCoy - đóng giả kỹ thuật viên khắc phục sự cố đến buồng làm việc của Montes và lục chiếc ví, lấy quyển sổ tay và mang đi sao chép lại tất cả nội dung ghi trong đó. Trong chiếc ví đầm còn có chiếc máy nhắn tin trong đó còn lưu lại số máy điện thoại mà sau đó FBI đã truy ra được là của tình báo Cuba.
Ngày 21-9-2001, Văn phòng Tổng thanh tra nội bộ DIA cho triệu tập Montes đến để đối chứng những việc mà Carmichael và các đồng nghiệp đã thu thập được về hoạt động gián điệp của bà. Họ những mong Montes sẽ chạy tội và xin tha thứ. Thế nhưng, Montes đã can đảm đối mặt với việc mình đã bị bại lộ, chấp nhận sự thật và yêu cầu mời luật sư bảo vệ mình. McCoy chính thức đọc lệnh bắt Montes. Lục soát nơi ở của Montes suốt ngày hôm đó, FBI mới tìm được bảng mật mã Montes thường dùng để mã hóa và giải mã thông tin liên lạc với tình báo Cuba. Năm 2002, Montes bị tuyên án tù 25 năm.
Tại Cuba, cuối tháng 9-2016, đã diễn ra một sự kiện công cộng ở trung tâm thủ đô La Habana nhằm mục đích kêu gọi chính quyền Mỹ trả tự do cho Ana Montes. Manuel David Orrio, một cựu sĩ quan trong Tổng cục Tình báo Cuba (DGI) cho biết, phong trào kêu gọi trả tự do cho Montes đã được phát động ở Cuba từ lâu và đang lan rộng sang Thụy Điển, Pháp, Puerto Rico và Cộng hòa Dominica.
Có một luồng dư luận cho rằng sau khi Mỹ và Cuba nối lại quan hệ ngoại giao, trao đổi một số tù nhân, rất có thể Montes cũng sẽ được trao trả cho Cuba để đổi lấy việc Cuba cho dẫn độ một phạm nhân mà chính quyền Mỹ mong muốn.