Anh - Canada: Mọi giao dịch điện tử đều bị giám sát

Thứ Hai, 01/07/2013, 09:05

Sau khi thông tin về chương trình nghe lén, đọc trộm khổng lồ PRISM của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị cựu điệp viên CIA Edward Snowden "thổi còi", dư luận còn được biết thêm những cơ quan tình báo nước ngoài có liên kết chia sẻ thông tin tình báo với NSA cũng thu thập thông tin, dữ liệu từ chương trình PRISM, như Canada, Đức, và đặc biệt là Cơ quan tình báo tín hiệu GCHQ của Anh.

Từ PRISM đến TEMPORA

Theo tờ báo Guardian, trong thông tin tiết lộ về chương trình nghe lén đọc trộm PRISM của Mỹ (được tung ra dưới dạng các slide đèn chiếu hồi tháng 4/2013) có những thông tin chi tiết về các cơ quan tình báo đồng minh của Mỹ cũng hưởng lợi từ chương trình này.

Ngoài tình báo Đức, tình báo Canada, cơ quan tình báo Anh GCHQ cũng tham gia chia sẻ khá nhiều thông tin, dữ liệu với NSA thông qua chương trình PRISM. Cụ thể, thông tin tiết lộ cho biết, GCHQ đã thu thập được 197 báo cáo tình báo từ PRISM trong vòng 1 năm từ tháng 6/2011 đến tháng 5/2012, tăng 137% so với năm trước đó, và tổng thời gian GCHQ thu thập dữ liệu từ PRISM là 3 năm. Nhưng đây được xem chỉ là phần nổi của tảng băng, vì thực tế mức độ sử dụng thông tin từ PRISM của GCHQ không được tiết lộ đầy đủ.

Các chương trình của PRISM dành riêng cho GCHQ luôn được "gia công" một cách đặc biệt, có trọng tâm nhằm phục vụ tốt các mối bận tâm đặc thù của nước Anh. GCHQ không phủ nhận việc mình được chia sẻ thông tin tình báo từ chương trình PRISM, nhưng cam đoan rằng việc chia sẻ thông tin đó được thực hiện đúng luật và bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định nghiêm ngặt trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo. Do giữa 2 Chính phủ Anh và Mỹ đã có ký kết hiệp định tương trợ pháp lý, GCHQ hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu hỗ trợ dữ liệu, thông tin tình báo trong chương trình PRISM một cách hợp pháp thông qua sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp Mỹ.

Các yêu cầu chia sẻ thông tin, dữ liệu tình báo này có khi lên đến trên 3.000 yêu cầu mỗi năm đối với chỉ riêng thông tin từ Google, còn nếu tính chung dữ liệu từ tất cả các công ty, trang Web tham gia chương trình PRISM thì số lượng yêu cầu thông tin, dữ liệu phải có đến hàng chục ngàn. Nếu tuân thủ đúng quy trình thủ tục pháp lý thì GCHQ không thể có đủ thời gian để thực hiện hết các yêu cầu của mình. Vì vậy, GCHQ được hỗ trợ bằng cách bỏ qua quy trình thủ tục của Bộ Tư pháp Mỹ.

Tuy nhiên, khi những yêu cầu chia sẻ thông tin, dữ liệu từ phía NSA của Mỹ được đưa ra thì Cơ quan tình báo GCHQ của Anh tỏ ra lúng túng và không đáp ứng kịp thời. Trong một bức thông điệp nội bộ được tiết lộ trên tờ Guardian, ban lãnh đạo GCHQ đã đặt ra yêu cầu cấp bách cho các chuyên gia công nghệ GCHQ là phải làm sao tìm kiếm những sáng kiến mới để tăng cường năng lực thu thập dữ liệu giao dịch trên Internet, điện thoại di động.

Trụ sở GCHQ ở Cheltenham.

Trước tình hình gián điệp và tội phạm mạng ngày càng tăng, yêu cầu thu thập thông tin tình báo trên mạng ngày càng trở nên bức thiết. Và đó cũng là vấn đề ưu tiên số một trong bản Kiểm điểm chiến lược quốc phòng và an ninh năm 2010. Bản Kiểm điểm cũng cho biết, Chính phủ Anh đã dành ngân sách bổ sung khoảng 650 triệu bảng (khoảng 1 tỉ USD) để chi cho hoạt động an ninh mạng, hơn một nửa con số đó đã được dành riêng cho GCHQ để phục vụ yêu cầu thu thập thông tình báo trực tuyến.

Theo các tài liệu được tiết lộ trên tờ báo Guardian, từ đầu năm 2007, tức trước khi chương trình PRISM được triển khai, Chính phủ Anh đã cho ra đời một dự án bí mật có tên gọi là Làm chủ mạng Internet (MTI), trong đó, TEMPORA là một trong những chương trình cốt lõi của dự án. MTI, hay TEMPORA được xây dựng với dự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Cơ quan tình báo NSA của Mỹ, vì vậy chương trình này còn có mật danh là TINT, còn giới chức tình báo NSA và GCHQ thì thường gọi nó là "Sáng kiến hợp tác chung".

Hệ thống đấu nối mạng internet cáp quang.

Một năm sau khi MTI được triển khai, TEMPORA bắt đầu được thử nghiệm tại một căn cứ tiền tiêu của GCHQ ở Cornwall, mục tiêu là thiết lập các phương án sử dụng cái gọi là "bộ nhớ đệm Internet" nhằm sử dụng vào việc thu thập và lưu trữ các lưu lượng trao đổi qua Internet, như e-mail, chat,… "Bộ nhớ đệm" đầu tiên phục vụ cho chương trình TEMPORA chính là Trung tâm Xử lý dữ liệu Cheltenham (CPC) của GCHQ.

Tháng 3/2010, các chuyên gia phân tích của NSA đã có thể truy cập vào chương trình, lúc này đã bắt đầu hoạt động có hiệu quả. Giới chức tình báo GCHQ mô tả quy mô rộng lớn của chương trình và khả năng thâm nhập vào các luồng dữ liệu truyền thông trên Internet và thu thập những thông tin vỏ bọc cũng như nội dung giao dịch cần thiết. TEMPORA có thể cho phép các nhà phân tích dữ liệu GCHQ nắm được lưu lượng người dùng trên Facebook, lưu lượng giao dịch điện thoại hoặc chat trực tuyến ra vào nước Anh.

Năm 2011, sau một năm đi vào hoạt động, một báo cáo kiểm điểm trong nội bộ GCHQ kết luận TEMPORA "có năng lực hoạt động rất ấn tượng", và "chúng ta bắt đầu làm chủ mạng Internet". Theo báo cáo, Dự án MTI đã tạo ra bước ngoặt lớn, xây dựng nên một cơ sỡ dữ liệu khổng lồ để lưu trữ và xử lý dung lượng dữ liệu, thông tin truyền thông lớn hơn bất cứ mạng lưới nghe lén nào trên thế giới hiện nay, kể cả PRISM của Mỹ. GCHQ tự hào báo cáo rằng TEMPORA có thể lưu trữ và xử lý đến 39 tỉ sự kiện giao dịch trên mạng trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ.

CSEC - Trung tâm theo dõi công dân của Canada

Cơ quan An ninh truyền thông Canada (CSEC) - đối tác quan trọng lâu đời của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) - tập trung gián điệp và thu thập dữ liệu về những cuộc giao tiếp điện tử của người dân trong nước ít nhất từ năm 2005 - theo tiết lộ mới đây của Tổng cố vấn pháp luật Canada Wayne Easter với hai tờ Toronto Star và The Globe and Mail. Cả hai tổ chức tình báo điện tử NSA và CSEC thường xuyên cung cấp cho nhau mọi thông tin liên quan đến người dân của hai nước.

Với vai trò của mình, Wayne Easter chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của Cục An ninh Tình báo Canada (CSIS) và Cảnh sát kị mã Hoàng gia Canada (RCMP). Chiến dịch gián điệp của CSEC nhận được sự ủng hộ của các đảng phái đối lập, đặc biệt là đảng Dân chủ Mới.

Tờ Globe and Mail của Canada tiết lộ, vào ngày 21/11/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Peter MacKay ký mật lệnh cho phép CSEC nâng cấp chương trình gián điệp điện tử và tiếp tục khai thác siêu dữ liệu từ những cuộc giao tiếp của người dân trên Internet và điện thoại. Thực ra, chương trình của CSEC đã được Bộ trưởng Quốc phòng Bill Graham thời Thủ tướng Paul Martin phê duyệt vào năm 2005.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada, Peter MacKay.

Một báo cáo của CSEC gửi đến ông MacKay năm 2011 tuyên bố "siêu dữ liệu là thông tin về số điện thoại, các cuộc gọi điện thoại - thời lượng, địa điểm thực hiện cuộc gọi… chứ không chỉ là nội dung của chúng". Nhưng, trên thực tế, nỗ lực thu thập và phân tích siêu dữ liệu giúp cho tình báo Mỹ và Canada nhanh chóng thiết lập bản đồ dữ liệu chi tiết về các cá nhân hay nhóm người mục tiêu, bao gồm các mối quan hệ bạn bè của họ, nơi làm việc cũng như ngân hàng và cửa hàng nào mà họ thường lui tới hoặc những trang web thường truy cập.

Cũng theo tờ Globe and Mail, năm 2008 thanh tra CSEC lúc đó - người giám sát do nhà nước chỉ định chịu trách nhiệm bảo đảm CSEC không vi phạm pháp luật - đã từng lên tiếng cảnh báo về chương trình khai thác siêu dữ liệu có khả năng vi phạm các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp Canada cho nên chương trình đã bị tạm ngưng trong hơn 1 năm. Nhưng các nguồn giấu tên bên trong chính quyền và CSEC cho rằng thật ra chỉ có một phần nhỏ của chương trình này bị tạm ngưng.

Trụ sở CSEC hiện nay ở trung tâm Ottawa.

Trong một e-mail gửi đến tờ Toronto Star, Ryan Foreman - người phát ngôn cho Robert Decary, thanh tra CSEC hiện nay - nhấn mạnh: "Thanh tra chưa bao giờ nghi ngờ về tính hợp pháp của các hoạt động thu thập siêu dữ liệu của CSEC". Ông MacKay và chính quyền cũng cố gắng tìm cách bao che cho những hoạt động của CSEC trước sự dò xét của công chúng bằng sự nhấn mạnh rằng cơ quan tình báo tín hiệu chỉ chuyên chú thu thập thông tin tình báo nước ngoài và đặc biệt bị cấm do thám thông tin riêng tư của người dân Canada.

 CSEC - tương tự như Trung tâm Kiểm soát viễn thông Anh (GCHQ) - là đối tác thân thiết chia sẻ thông tin tình báo hàng ngày với NSA trong hơn 6 thập niên qua. Đồng thời cũng giống như Anh, Canada là thành viên của "Five Eyes" - cơ cấu chia sẻ tình báo được thành lập trong thập niên 40 thế kỷ trước bao gồm 5 quốc gia sử dụng tiếng Anh là Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand để thực hiện nhiệm vụ chung là phối hợp giám sát điện tử toàn cầu.

Theo các chuyên gia, do người Canada cũng sử dụng các dịch vụ Internet đặt trụ sở tại Mỹ như Facebook, Google hay Gmail cho nên họ cũng trở thành “mục tiêu” và đương nhiên thông tin cá nhân dễ bị tình báo Mỹ thu thập. Chỉ trong thời gian gần đây người Canada mới nghe nói đến sự tồn tại của CSEC và hiện thời họ có rất ít thông tin về Cơ quan Tình báo tín hiệu (SIGINT) tuyệt mật này của Canada.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, nhân lực của CSEC được tăng cường gấp đôi, đồng thời quyền hạn cũng được mở rộng thêm rất nhiều. Luật chống khủng bố của Canada, thông qua vào cuối năm 2001, cho phép CSEC nghe lén những cuộc giao tiếp điện tử mà trong đó một nửa là gửi hay nhận từ Canada.

Theo người phát ngôn Ryan Foreman, số lượng nhân viên của CSEC xấp xỉ 2.000 người và có ngân sách hàng năm khoảng 400 triệu USD. Trách nhiệm chính của CSEC là cung cấp sự hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ cho Cơ quan Tình báo An ninh Canada và Cảnh sát Liên bang. Chương trình an ninh IT (công nghệ thông tin) của CSEC được cộng đồng tình báo phương Tây đánh giá cao và cũng nổi tiếng về chuyên môn kỹ thuật.

Ngay sau khi giữ chức Giám đốc CSEC, John Adams đã đề ra kế hoạch xây dựng khu trụ sở mới trị giá 880 triệu USD ở  Ottawa. Đây là khu phức hợp văn phòng mới - bắt đầu xây dựng năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015 - cực kỳ hiện đại và được trang bị những thiết bị tiên tiến nhất phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ phức tạp ngày nay

Thục Miên - Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.