Anh: Công bố hồ sơ theo dõi vua hề Charlie Chaplin

Thứ Sáu, 02/03/2012, 16:40

Cục Lưu trữ quốc gia Anh hôm 17/2 vừa cho giải mật một hồ sơ quan trọng về vua hề Charlie Chaplin. Nguồn gốc của hồ sơ này bắt nguồn từ những năm 50 thế kỷ trước, khi Cơ quan Phản gián MI-5 của Anh theo yêu cầu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tổ chức theo dõi diễn viên hài nổi tiếng này, do người Mỹ nghi ngờ ông có quan hệ với những người cộng sản. Cho dù không tìm ra được những bằng chứng rõ ràng về sự hợp tác này, nhưng quá trình theo dõi và điều tra của mật vụ Anh đã giúp làm sáng tỏ không ít chi tiết hấp dẫn khác…

Vua hài Charlie Chaplin công bằng mà nói, chưa bao giờ là một nhân vật được yêu thích qua các đời chính quyền Mỹ, cũng như cộng đồng theo quan điểm bảo thủ tại quốc gia này. Với đặc thù nghề nghiệp, ông đã không ít lần "gây thù chuốc oán" vì những vai diễn trào phúng của mình - qua đó khán giả có thể nhận thấy không ít nhân vật tai to mặt lớn vào thời điểm đó.

Có lẽ cũng chính vì thế, sau khi rời khỏi Anh tới Mỹ sống trong suốt 40 năm, Chaplin cũng chưa bao giờ có được quốc tịch Mỹ. Ông bị bới móc bằng những chi tiết không rõ ràng trong cuộc sống riêng tư, chẳng hạn như ham thích những cô gái vị thành niên (Chaplin đã hai lần cưới vợ 16 tuổi).

Tuy nhiên, điều Washington lo ngại nhất lại bắt nguồn từ quan điểm chính trị của danh hài này: phe bảo thủ tại Mỹ vẫn gọi Chaplin là "tay sai của Cộng sản".  Ngay từ cuối những năm 40, khi tại Mỹ bắt đầu lan rộng làn sóng chủ nghĩa McCarthyism (mang tư tưởng chống Cộng quyết liệt), số phận tiếp theo của Chaplin đã được định đoạt từ trước. FBI khi đó đã có trong tay tới 2.000 trang tài liệu về cá nhân ông. 

Năm 1952, Chaplin tới London tham dự lễ công chiếu bộ phim "Limelight" của mình, nhưng sau đó đã không thể về Mỹ do cơ quan nhập cư dưới sức ép của FBI đã không cho ông nhập cảnh. Sau đó, Chaplin đã phải sang Thụy Sĩ và sống tại đó cho đến khi qua đời vào năm 1977. Trong quãng thời gian này, chỉ có duy nhất một lần ông được quay trở lại Mỹ để nhận giải Oscar vào năm 1972.

Theo những hồ sơ giải mật mới được công bố, các cơ quan mật vụ của cả Mỹ và Anh đã rất tích cực hợp tác với nhau trong việc săn lùng những thông tin nhạy cảm về Chaplin. Giới lãnh đạo FBI trong khi tìm kiếm những lý do để cấm ông nhập cảnh, vẫn yêu cầu các đồng nghiệp Anh điều tra những mối quan hệ của Chaplin với các đảng viên Cộng sản trong thời gian ở Anh.

Mùa thu năm 1952, một điệp viên MI-5 đã chuyển giao cho các đồng nghiệp Mỹ những lời phát biểu của Chaplin hồi 10 năm về trước tại một cuộc họp của Hiệp hội Hữu nghị Mỹ - Xô: "Trong chủ nghĩa cộng sản có nhiều điểm tốt. Chúng ta có thể đón nhận những cái tốt...".

Đoạn trích dẫn trên chỉ là một trong rất nhiều những hồ sơ chính trị nhạy cảm của "tay Bolsheviks từ Hollywood" (FBI vẫn gọi Chaplin như vậy): những câu phát biểu tình cờ, những mối quan hệ sơ giao, thái độ thiện cảm từ phía báo chí cánh tả v.v… Trong hồ sơ còn lưu một số báo của tờ The Daily Worker, trong đó có phản hồi tích cực về tác phẩm sáng tạo của Chaplin, cho rằng nó có tác dụng "thúc đẩy dân thường đứng lên chống lại những kẻ giàu có".

Ivor Montagu.

Nhưng có lẽ chi tiết đáng chú ý nhất trong hồ sơ của Chaplin chính là việc ông có quen biết với Ivor Montagu, một nhà phê bình điện ảnh, đồng thời cũng là chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Bóng bàn quốc tế. Montagu còn là một điệp viên của Cơ quan Tình báo quân đội Xôviết (GRU) với mật danh "Trí thức".

Còn phải kể tới một bức điện gửi Chaplin mà MI-5 đã thu được, trong đó Montagu bày tỏ sự tiếc nuối do không thể gặp gỡ danh hài này khi tới London. Chi tiết này có lẽ là nguyên nhân chính để người Mỹ lấy cớ cấm Chaplin nhập cảnh.

Trong kết luận cuối cùng, MI-5 thừa nhận Chaplin không phải là mối đe dọa đối với an ninh đất nước. Dù vậy, những thông tin thu được trong quá trình điều tra Chaplin không phải là không có ý nghĩa, khi chúng giúp hé lộ nhiều chi tiết thú vị trong cuộc đời của danh hài này. Đáng chú ý nhất là những mâu thuẫn về nguồn gốc xuất thân thực sự của Chaplin.

Theo giả thuyết chính thức, Charlie Chaplin sinh ngày 16/4/1889 tại London trong gia đình của những nghệ sĩ nhạc kịch. Năm 1910, ông tới Mỹ lần đầu tiên với hy vọng có thể thoát khỏi cảnh nghèo khó. Hai năm sau, Chaplin quay về Anh, rồi nhanh chóng trở lại định cư tại Mỹ trong một thời gian dài.

Phải nói là thông tin về những năm đầu đời của Chaplin dù không có nhiều, nhưng lại có không ít chi tiết mâu thuẫn nhau. Như vào năm 2011, trong kho lưu trữ riêng của ông đã phát hiện ra một bức thư, theo đó diễn viên hài nổi tiếng trong tương lai đã chào đời trong một khu trại của người Digan gần Birmingham.

FBI cũng nghi ngờ giả thuyết chính thức về xuất thân của Chaplin nên đề nghị các đồng nghiệp MI-5 kiểm tra lại. Họ cho rằng, Chaplin trước đây còn nổi tiếng với cái tên Israel Thornstein. Người Anh sau khi đào bới các kho lưu trữ đã không thể tìm thấy bất kỳ một giấy tờ khai sinh nào có tên Charles Spencer Chaplin (tên chính thức trên giấy tờ của danh hài). "Rất có thể Chaplin hoặc không sinh ra trên đất nước chúng ta, hoặc khi chào đời được đăng ký dưới một cái tên khác" - báo cáo của Cảnh sát Anh gửi cho MI-5 đã kết luận như vậy.

Điều thú vị là mật vụ Anh còn tìm kiếm khả năng Chaplin có xuất thân từ nước Nga chỉ sau một câu nói tình cờ về dự định "trở về nước Nga" của ông.

Những kết quả điều tra của MI-5 cuối cùng chỉ cho thấy, Chaplin rất có thể có cảm tình với những người Cộng sản, nhưng chỉ dừng ở mức độ này. Nhân chuyện này, tờ The Times đã nhận xét rằng, câu chuyện của danh hài vĩ đại rất có thể là một minh họa rõ ràng về việc, cuộc chiến chống lại Liên Xô chẳng khác gì một "cơn hoang tưởng chống Cộng" đối với nước Mỹ

Linh Nga (tổng hợp)
.
.