Anh: Công bố hồi ký của điệp viên Anthony Blunt

Thứ Năm, 13/08/2009, 16:10
25 năm sau cái chết của Anthony Blunt - nhà quý tộc Anh có họ hàng xa với Nữ hoàng từng cung cấp nhiều thông tin bí mật cho tình báo Xôviết, London mới chính thức cho công bố những trang hồi ký của ông. Theo khẳng định của người Anh, Blunt đã khẳng định việc nhận lời làm việc cho Moskva là "sai lầm chủ yếu trong đời mình".

Thừa nhận của Blunt đã gây ra những thắc mắc khác nhau về tính chân thực của nó. Vấn đề là ngay trong những bản viết tay của hồi ký được lưu trữ trong Thư viện quốc gia Anh, Blunt không hề khai báo bất cứ một điệp viên Xôviết nào mà người Anh có thể biết đến. Ông cũng không tiết lộ một dòng nào về nội dung gần 2.000 tài liệu mật đã từng chuyển giao cho Moskva...

Blunt bắt đầu viết hồi ký vào năm 1979, ngay sau khi Thủ tướng Margaret Thatcher đã công khai gọi ông là gián điệp Xôviết ngay tại Quốc hội. Bốn năm sau, chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật xuất sắc này - từng được phong tước hiệp sĩ và là nhà phục chế những bộ sưu tập tranh của hoàng gia - đã trút hơi thở cuối cùng. Trước khi mất, ông còn kịp đề nghị gửi những trang hồi ký của mình (gồm những trang viết tay khoảng 30 ngàn từ) vào Thư viện quốc gia Anh và không được công bố chúng trước thời hạn 25 năm.

Giờ đây, hồi ký của Blunt đã đến hạn có thể chính thức ra mắt độc giả. Phản ứng trước sự kiện này, báo chí Anh đã tập trung tìm hiểu trong cuốn hồi ký để có thể làm rõ câu hỏi: Vì sao không chỉ có Blunt mà còn cả Kim Philby, Guy Burgess, Donald Maclean và John Cairncross (bộ ngũ nổi tiếng trong lịch sử tình báo thế giới) đã quyết định trở thành điệp viên của Liên Xô để chống lại đất nước mình?

Nếu như phân tích từ những đoạn trích trong cuốn hồi ký, nguyên nhân có thể rút ra chính là bầu không khí hâm mộ chủ nghĩa Marx từng bao trùm rất nhiều sinh viên và cả giáo viên Trường Cambridge hồi giữa những năm 30 của thế kỷ trước. Blunt - khi đó là thành viên trong Hội đồng trường Trinity của các quý tộc, là nơi thường tranh luận những chủ đề nóng - đã chịu tác động rất nhiều của học thuyết chủ nghĩa Marx. Chính ông cũng thừa nhận trong cuốn sách rằng, đã từng rất mong mỏi được gia nhập đảng Cộng sản Anh.

Blunt và Nữ hoàng Elizabeth II (ảnh chụp năm 1959). 

Nhưng người bạn cùng trường đại học Guy Burgess (được Moskva tuyển mộ từ trước đó) đã khuyên Blunt không nên vào đảng. Theo ý kiến của Burgess, Blunt có thể đem lại nhiều lợi ích cho "sự nghiệp chung" hơn nếu là người không đảng phái, cụ thể là trở thành một nguồn tin cho tình báo Xôviết. Trong hồi ký có thể nhận ra được một phần câu trả lời cho thắc mắc của nhiều nhà nghiên cứu Anh cho tới bây giờ. "Sự nghiệp chung" mà Burgess nhắc tới ở trên chính là cuộc đấu tranh chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít. Trong khi nhiều chính trị gia tại London đang cố tìm kiếm một chính sách hòa hoãn với Hitler, nhiều giáo viên cũng như sinh viên lại nhìn nhận Liên Xô là một rào cản hàng đầu chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa phát xít.

Bất chấp những cảnh báo của Churchill về nguy cơ tái vũ trang của phát xít Đức, Neville Chamberlain cùng nhiều thành viên lãnh đạo khác trong Chính phủ Anh đã cố tình làm ngơ. Trong khi những chính sách của chính phủ Stalin khi đó đã thuyết phục được hàng ngũ trí thức thiên tả tại châu Âu về mối đe dọa thực sự của chủ nghĩa phát xít.

Blunt bắt đầu làm việc cho tình báo Xôviết vào năm 1937 với người liên lạc và chỉ đạo là Arnold Deich, một thành viên Quốc tế Cộng sản và là điệp viên Xôviết. Nhiệm vụ ban đầu của Blunt chỉ là lựa chọn những ứng cử viên tiềm tàng có thể tuyển mộ làm điệp viên tại các trường đại học. Chính Blunt đã lôi kéo thêm được vào mạng lưới tình báo của mình John Cairncross (về sau trở thành nhân vật thứ 5 trong nhóm Bộ ngũ Cambridge) và công dân Mỹ Michael Straight, người sau chiến tranh đã khai báo với chính quyền về thân phận thực sự của mình.

Năm 1939, Blunt vào phục vụ cho Cơ quan phản gián MI-5 của Anh, sau đó trở thành trợ lý của một trong những quan chức chỉ huy tình báo chuyên về đảm bảo an ninh cho quân đội và khối công nghiệp quốc phòng. Bắt đầu từ năm 1942 cho đến cuối chiến tranh, chuyên gia về hội họa này thường xuyên gặp gỡ với các điệp viên Xôviết tại nhiều địa điểm khác nhau ở London, chủ yếu là tại các khu công viên.

Theo người chép tiểu sử của Blunt, ông này đã trao cho phía Liên Xô tổng cộng 1.771 tài liệu. Nếu như nhiều quan chức Anh gọi đó là sự phản bội, thì cũng có những quan điểm cho rằng, Anh và Liên Xô vào thời điểm đó đang là đồng minh của nhau. Những hành động của Blunt đã góp phần quan trọng giúp đánh bại kẻ thù chung là nước Đức phát xít.

Sau chiến tranh, Anthony Blunt trở thành một sử gia nghệ thuật, đồng thời là cố vấn của Vua George. Đến khi nhận được tước hiệu hiệp sĩ, ông gần như đã đoạn tuyệt với quá khứ tình báo của mình. Nhưng một loạt những sự kiện bất lợi đã xảy ra. Đầu tiên là Burgess và Maclean trước nguy cơ bị phát hiện đã phải chạy sang Liên Xô, rồi tiếp sau là Kim Philby. Cuối cùng nhờ những lời khai của Michael Straight, mật vụ Anh đã biết chắc chắn về mối quan hệ của Blunt với tình báo Xôviết.

Sau khi bị thẩm vấn, chuyên gia về kho sưu tập tranh của hoàng gia đã đồng ý khai báo lại tất cả để đổi lại điều kiện được miễn truy tố hình sự. London đã tuân thủ những thỏa thuận trên, nên Blunt không những không bị bắt giam mà còn tiếp tục được nghiên cứu về nghệ thuật.

Một thời gian dài, công chúng không biết được về quá khứ điệp viên của Blunt. Mãi tới khi một tác giả người Anh nhờ những mối quan hệ của mình trong cộng đồng tình báo đã điều tra và công bố chuyện động trời này trong một cuốn sách của mình. Chính phủ lúc đó không còn cách nào khác là phải phá vỡ quy ước giữ im lặng từ nhiều năm trước.

Blunt trước những tiết lộ trên được khẳng định đã từng có ý định tự sát, nhưng ông đã kịp suy nghĩ lại. Ông quyết định bắt tay vào việc viết hồi ký, coi đó là cách thích hợp nhất để giải thích với công chúng Anh về quyết định và hành động của mình. Có điều là ông chỉ muốn hậu thế đưa ra những phán xét sau khi đã mất được 1/4 thế kỷ

Thái Quân (tổng hợp)
.
.