Anh chủ trương chấm dứt chia sẻ tình báo với Mỹ

Thứ Sáu, 01/12/2006, 08:30

Theo Tờ Daily Mail của Anh ngày 22/10, tới đây Quốc hội Anh sẽ thông qua một nghị quyết cấm các cơ quan tình báo Anh cung cấp và chia sẻ thông tin tình báo "một cách vô tư" như trước đây với Mỹ.

Dư luận Anh cho rằng với động thái này, nước Anh cũng học Mỹ, sẽ giữ lại các thông tin tình báo quan trọng. Vậy nguyên do gì mà nước Anh làm như vậy?  

Nguyên do việc nước Anh muốn làm như vậy đã được Nghị sĩ John Laiyase  của Hạ viện Anh, đồng thời là thành viên của Ủy ban Tình báo Quốc hội giải thích rõ trong buổi trả lời báo giới vào ngày 4/10 vừa qua.

John Laiyase nói rằng, sau khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra, nước Anh với danh nghĩa đồng minh đã tham gia rất tích cực vào cuộc chiến do Mỹ phát động và đã phải trả cái giá quá đắt. Trong cuộc chiến tranh đó, hầu như tất cả tin tức tình báo mà các cơ quan tình báo Anh thu thập được đều cung cấp cho Mỹ một cách vô tư, không tính toán, những tin tức này được lưu trữ trong hệ thống bảo mật có tên là SIPRNET. Nhưng thật bất ngờ, ngay sau đó Mỹ đã cho ghi các quy định không cho phép người nước khác được tiếp xúc, sử dụng khi chưa được phép ở trên hệ thống này, đương nhiên điều này làm cho phía quân Anh ở Iraq không thể truy cập và sử dụng bất cứ thông tin nào của hệ thống.

John Laiyase thậm chí còn cho biết trong các hành động tác chiến khẩn cấp, các phi công Anh lái máy bay chiến đấu của Mỹ, cũng gặp phải những tình huống khó xử tương tự. Người Mỹ cũng lấy lý do tương tự để từ chối cho phi công Anh tiếp xúc với các dữ liệu và sổ tay điện tử liên quan đến các chuyến bay.

John Laiyase đã phải thốt lên rằng người Mỹ chỉ biết nhận thông tin do người khác cung cấp, chứ không hề muốn chia sẻ bất cứ thông tin gì với người khác, kể cả là đồng minh thân cận nhất, điều này không thể chấp nhận được.

John Laiyase cũng khẳng định hành động này không chỉ gây khó khăn cho các hoạt động tác chiến của quân Anh tại Iraq, mà còn thể hiện sự coi thường và phân biệt với đồng minh của Mỹ trong chiến tranh.

Như đổ dầu thêm vào lửa khi phóng viên Bob Woodward, của tờ Washington Post, người từng tiết lộ vụ Watergate nổi tiếng của Mỹ, đã viết trong cuốn sách mới phát hành tháng 10 vừa qua về việc người Mỹ luôn từ chối chia sẻ thông tin tình báo với Anh.

Sau khi các thông tin trên được tiết lộ, Thủ tướng Tony Blair rất tức giận và đã trách cứ Tổng thống Bush là không giữ lời hứa. Được biết, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này năm 2004, ông Bush từng bảo đảm với ông  Tony Blair rằng, nước Mỹ sẽ thực hiện cơ chế trao đổi và chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến an ninh cùng với Anh, để phối hợp chặt chẽ với nhau hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng sau đó, Lầu Năm Góc đã cương quyết thay đổi hệ thống bảo mật thông tin tình báo mới, điều này buộc người Anh phải đứng ngoài cuộc trong việc chia sẻ thông tin tình báo với quân Mỹ.

Dù Anh là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, nhưng trong suốt thời gian qua, đáp lại sự chia sẻ thông tin tình báo “một cách vô tư" của người Anh, thì người Mỹ lại tìm mọi cách từ chối chia sẻ thông tin tình báo với Anh.

Theo nguồn tin, sắp tới Quốc hội Anh sẽ tiến hành biểu quyết luật này trong thời gian gần nhất và nếu được thông qua, nước Mỹ sẽ không thể hưởng ưu đãi được cung cấp, chia sẻ các tin tức tình báo từ phía Anh như trước đây.

Theo nguồn tin, không chỉ có Anh, mà các đồng minh khác cũng rất không hài lòng với cách làm của Mỹ vì họ chỉ muốn nhận, chứ không muốn chia sẻ thông tin tình báo với các nước khác.

Một quan chức của Australia từng kêu ca rằng trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh ở Iraq, những người thuộc quân đội Anh và người Australia làm việc trong các trung tâm chỉ huy của liên quân đều không được phép tiếp xúc với các tin tức tình báo, mặc dù đó là điều cần thiết và bắt buộc phải có trong khi họ triển khai công việc.

Hơn nữa, khi quân Mỹ tiến hành thảo luận các tin tức tình báo có được, thì các quan chức lực lượng Không quân Hoàng gia Anh và Australia đều bị yêu cầu rời khỏi phòng đó, dù có không ít tin tức tình báo nói trên là do tình báo liên quân cung cấp. Sau khi thảo luận, chỉnh lý, phía Mỹ lưu trữ thông tin vào hệ thống SIPRNET và dán dấu bảo mật không cho phép các quan chức liên quân tiếp xúc những thông tin đó.

Tại các trung tâm chỉ huy rất dễ nhận thấy ai là quan chức Anh hoặc Australia, vì khi họ thao tác trên máy tính, bên cạnh họ luôn có một người Mỹ và khi họ cần tìm một số tư liệu gì buộc phải nhờ sự giúp đỡ của phía Mỹ.

Không những vậy, khi Mỹ chủ đạo việc hợp tác nghiên cứu, chế tạo loại máy bay chiến đấu kiểu mới nhất F-35 với các nước liên quan, cũng xuất hiện tình trạng như trên. Mặc dù chịu áp lực từ các nước đồng minh, nhưng Mỹ vẫn từ chối chia sẻ mật mã gốc về lập trình của hệ thống kiểm soát, chỉ huy trên máy bay F-35 cho các đối tác phía Anh và Australia. Mỹ có ý đồ nắm giữ một mình công nghệ kỹ thuật F-35 để giành quyền kiểm soát cuối cùng đối với máy bay này, thông qua đó cũng gián tiếp kiểm soát được sức mạnh của Không quân Anh và Australia

Thanh Trung (Theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.