Ai đã cứu Israel trong cuộc chiến trên bán đảo Sinai?

Thứ Sáu, 16/09/2016, 10:15
Ông được đánh giá là điệp viên tốt nhất mà Cơ quan tình báo Israel MOSSAD từng có. Ông được giới nghiên cứu lịch sử về Israel và Trung Đông đánh giá là người đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973.

Nhưng những thông tin do ông cung cấp đã không được Cơ quan tình báo Israel MOSSAD chú ý, kể cả tình báo Mỹ, mặc dù ông cũng được cho là từng cộng tác với họ. Câu chuyện gián điệp của ông đã được cựu điệp viên MOSSAD Uri Bar-Joseph kể lại một cách chi tiết trong quyển sách mới xuất bản đầu tháng 8-2016, "The Angel: The Egyptian spy who saved Israel".

Điệp viên đa mang Ashraf Marwan.

Sinh năm 1944 tại Ai Cập, Ashraf Marwan được giới nghiên cứu lịch sử đánh giá là điệp viên đa mang nhất thế kỷ XX. Là con rể của Tổng thống Ai Cập Gama Abdel Nasser, Marwan có một cuộc sống xa hoa, phóng túng đến nỗi gây nợ nần, nhiều tai tiếng khiến Tổng thống Nasser phẫn nộ và ra lệnh ông phải trở về Ai Cập, vứt bỏ việc học cao học tại London. Về Ai Cập, Marwan được cha vợ giao cho trọng trách quản lý Văn phòng Tổng thống, và công việc "nhàm chán" này kéo dài trong 8 năm.

Tháng 9-1970, Tổng thống Nasser qua đời, người lên thay là Tổng thống Anwar Sadat tiếp tục trọng dụng Marwan. Với vai trò là cố vấn thân cận cho Tổng thống Sadat, hầu như không có chuyện gì diễn ra trong Dinh Tổng thống mà Marwan không biết, kể cả các chiến lược hệ trọng của quốc gia. Những cuộc họp cấp cao cơ mật, không có người nào khác ngoài Marwan được phép dự họp cùng với Tổng thống Sadat.

Năm 1970, Marwan bắt đầu liên hệ với Đại sứ quán Israel tại London để đề nghị cộng tác. Thời điểm này, Ai Cập cũng đang chuẩn bị kế hoạch tiến hành một cuộc chiến nhằm mục tiêu lấy lại bán đảo Sinai đang bị Israel chiếm giữ sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967. MOSSAD như bắt được vàng, bởi khi đó Marwan đang có lợi thế không ai có thể có được: Với tư cách là phụ tá thân cận của Tổng thống Sadat, Marwan được tiếp cận những bí mật quan trọng nhất của quốc gia. Đích thân Giám đốc MOSSAD Zvi Zamir đã thường xuyên bí mật gặp trực tiếp Marwan để nghe ông báo cáo thông tin tình báo.

Khi được MOSSAD tuyển mộ làm điệp viên, Marwan mang mật danh là "Angel", và mật mã ngôn ngữ giao tiếp giữa ông với các sĩ quan tình báo MOSSAD về cuộc chiến mà Ai Cập chuẩn bị tiến hành là "chất hóa học" (chemical).

Tháng 5-1971, Marwan tiếp tục thăng tiến như diều sau khi lập thành tích dập tắt một âm mưu đảo chính lật đổ Tổng thống Sadat (mang bí danh Cách mạng Chỉnh đốn, nhờ đó ông được đề bạt lên chức vụ quan trọng nhất trong chính phủ Ai Cập: Đặc sứ của Tổng thống Sadat phụ trách quan hệ với Arập Xêút và Libya.

Trong các tài liệu mà Marwan cung cấp cho Israel có cả bản kế hoạch chiến tranh đầy đủ, các mô tả chi tiết về các cuộc tập trận quân sự, các văn bản, giấy tờ liên quan đến các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Ai Cập với Liên Xô và các nước khác, chỉ thị chiến tranh của quân đội Ai Cập, biên bản họp các chỉ huy cao cấp quân đội Ai Cập, và cả những ghi chép các cuộc nói chuyện riêng giữa Tổng thống Sadat với lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev ở Moskva với các lãnh đạo Arập. Một cựu điệp viên MOSSAD đánh giá Marwan đã "moi hết ruột gan" thông tin của Ai Cập cung cấp cho Israel.

Xác xe tăng Israel trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973.

Các thông tin Marwan cung cấp đã được chuyển đến bàn làm việc của Thủ tướng Israel Golda Meir, Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan và Tổng tư lệnh Các lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) dưới dạng tài liệu thô.

Từ năm 1972, Angel (tức Marwan) đã báo cho MOSSAD biết về việc Tổng thống Sadat quyết tâm tiến hành chiến tranh vì Israel không có thiện chí ngoại giao để giải quyết việc trao trả bán đảo Sinai. Tháng 8-1973, Angel báo với Zamir rằng ông Sadat đã đến Arập Xêút để gặp Vua Faisal. Tại cuộc họp chỉ có mặt Vua Faisal, Tổng thống Sadat và Marwan, Tổng thống Sadat nói với Vua Faisal rằng ông sẽ tấn công Israel, với sự phối hợp của Syria vào mùa thu năm đó. Vua Faisal hứa sẽ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ nếu Mỹ tái cung cấp khí tài cho Israel.

Theo Bar-Joseph, tình báo Israel đã chia sẻ thông tin này với chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Henry Kissinger đã bỏ qua lời cảnh báo này. Và đó là lý do vì sao Mỹ chịu tổn thất nặng nề trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Trong khi đó, các tướng lĩnh Israel cũng bảo thủ quan điểm.

Khi mây đen chiến tranh ùn ùn kéo đến vào tháng 10-1973, DMI vẫn khẳng định "không có gì phải lo lắng", và thuyết phục Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan rằng không có dấu hiệu rõ rệt về chiến tranh. Ngay cả khi Liên Xô bắt đầu khẩn trương di tản các cố vấn dân sự ra khỏi Ai Cập và Syria, Giám đốc DMI Eli Zeira nói rằng không có lý do để tin là có chiến tranh.

Hai hôm trước cuộc tấn công đầu tiên của Ai Cập, điệp viên Angel gấp rút gọi ông Zamir sang London để cảnh báo ông này về cuộc tấn công sắp diễn ra vào ngày 6-10-1973. Thực ra, khi gọi điện cho đại diện MOSSAD để yêu cầu gặp Zamir, Marwan chưa biết được chính xác thời điểm diễn ra cuộc tấn công, và ông chỉ biết được khi đến London vào sáng ngày 6-10. Nhờ lời cảnh báo của Marwan mà quân đội Israel kịp thời động binh ngay trong sáng 6-10, chỉ vài giờ trước cuộc tấn công.

Dù được đưa ra vào giờ chót, nhưng lời cảnh báo của Marwan đã làm mất đi phần nào yếu tố bất ngờ của cuộc tấn công. Theo giới sử gia, nếu không có lời cảnh báo của Marwan, Israel đã thua trắng tay, mất cả Cao nguyên Golan lẫn bán đảo Sinai cùng lúc, chưa kể thiệt hại về người là rất lớn.

Sau cuộc chiến Yom Kippur, ở Israel nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt về vai trò của điệp viên Angel trong cuộc chiến Yom Kippur và những lợi, hại mà ông ta mang đến cho Israel. Những người ủng hộ quan điểm xem Angel là "tài sản" tốt nhất của tình báo Israel cáo buộc ban lãnh đạo Israel đã quá chủ quan, phớt lờ những lời cảnh báo mang tính chiến lược của điệp viên Angel, và rằng chính Angel là người đã có công cứu Israel khỏi thảm bại trước Ai Cập và Syria.

Ở phía ngược lại cho rằng, Angel thật ra là điệp viên hai mang của Ai Cập, và cáo buộc chính Angel đã mớm cho tình báo Israel những thông tin giả, sai lệch để gây bất lợi cho Israel, tạo lợi thế cho Ai Cập trong cuộc chiến. Cáo buộc này có vẻ hợp lý bởi sau này, bà Mona Nasser (vợ Marwan) kể lại rằng lúc còn làm gián điệp cho Israel, có lần ông đã thú nhận với bà rằng ông cam chịu làm gián điệp cho Israel chẳng qua cũng vì lợi ích quốc gia.

Chưa hết, người ta được biết Angel không chỉ làm việc cho MOSSAD và tình báo Ai Cập mà còn làm việc cho cả tình báo Anh, Mỹ, Italia và đặc biệt là Arập Xêút. MOSSAD đã trả cho Angel số tiền khá lớn, hơn 1 triệu USD, đủ để ông có một cuộc sống giàu sang, nhưng tình báo Arập Xêút còn trả cho ông số tiền nhiều hơn thế.

Cuộc tranh cãi ở Israel được cho là nguồn gốc phát sinh ý định và kế hoạch giết chết điệp viên Angel, và MOSSAD bị quy trách nhiệm là thủ phạm, dù các nhà điều tra Anh không tìm được bằng chứng xác thực nào để khẳng định điều này.

Điều nghiệt ngã là, trong khi đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc về cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, nhà nghiên cứu sử học Ahron Bregman đã liên lạc với tướng Eli Zeira, Giám đốc DMI trong cuộc chiến Yom Kippur, và chính ông này đã tiết lộ với Bregman về việc Marwan chính là điệp viên Angel của MOSSAD. Tháng 12-2002, thông tin về thân phận thật của điệp viên Angel được tung lên báo chí. Đó chính là lúc thần chết dẫn đường cho các sát thủ bí mật từ Israel sang London, đến căn hộ ở khu Carlton House Terrace.

Các nhân chứng ở các tòa nhà xung quanh nhìn thấy Marwan ngã từ ban công căn hộ của mình ở tầng 5 tòa nhà xuống đất. Sau đó, có hai người đàn ông mang nét người vùng Địa Trung Hải thò đầu ra ban công nhìn xuống cái xác của Marwan rồi quay vào, biến mất. Hôm đó là ngày 27-6-2007.

Nguyên Khang (theo National Interest)
.
.