Australia: Hành trình tìm lại “thế hệ bị đánh cắp”

Thứ Hai, 15/04/2013, 10:55

Ngày 21/3 vừa qua là ngày rất được mong chờ ở Australia. Thủ tướng Julia Gillard đã thay mặt chính phủ chính thức gửi lời xin lỗi tới những ông bố, bà mẹ, những đứa trẻ liên quan đến chính sách nhận con nuôi được áp dụng từ thập niên 50 đến thập niên 70 của thế kỷ trước. Chính sách này đã tạo ra một "thế hệ bị đánh cắp" cùng với những hậu quả xã hội nặng nề không thể khắc phục trong ngày một ngày hai.

Từ quấn băng thít ngực ngưng tiết sữa đến uống thuốc an thần

"Tôi được đưa vào một căn phòng tối, kín bưng và chỉ có một cái cửa hẹp để ra vào. Họ trói chân và tay của tôi vào giường, tôi đau đớn và gào thét nhưng không có ai bận tâm đến điều đó. 5h sáng, tôi hỏi cô y tá là con trai của tôi đâu. Cô ấy quay lại nhìn tôi và nói: "Con trai của chị đã được cha mẹ nuôi của nó đón đi rồi". Sau đó là sự im lặng kéo dài đến khủng khiếp. Không ai biết có một đứa bé trai vừa mới được sinh ra và tôi chính là mẹ của nó. Chỉ mình tôi biết với sự đau đớn tột cùng".

Bà mẹ Trish Large nhớ lại giây phút mất đứa con tại một phòng sinh cô lập thuộc Bệnh viện Hoàng gia Brisbane, Australia. Lúc đó Trish chỉ mới 20 tuổi, hoàn toàn không có người thân bên cạnh giúp đỡ. Người ta chuyển cô đến khu dành cho những bà mẹ chưa lập gia đình của bệnh viện.

Người mẹ mất con rơi vào trạng thái đau đớn tột cùng cả về thể chất lẫn tinh thần: "Ngày hôm sau, sữa từ hai bầu ngực tôi tuôn ra. Thấy vậy, bác sĩ trong bệnh viện bắt tôi phải quấn chặt một miếng băng co dãn để che phủ toàn bộ phần từ ngực đến hông của tôi. Nó chật đến mức tôi cảm thấy ngạt thở. Họ còn cho tôi uống một thứ thuốc mà sau này tôi mới biết là để làm ngưng quá trình tiết sữa và khiến tinh thần tôi trở nên trầm tĩnh, không muốn phản ứng nữa".

Ngay buổi sáng ngày hôm sau, có một người đến và yêu cầu Trish ký vào biên bản cho con đi. Khi cô từ chối, bà ta nói rằng nếu không ký thì Trish không bao giờ có cơ hội được gặp lại con trai của mình. Những ngày sau, mọi chuyện vẫn tiếp diễn như vậy. Cuối cùng, người đó có vẻ tức giận và nói rằng Trish có thể ký vào một biên bản ra viện và đón con trai về nhà.

"Tôi mừng rỡ và nghĩ mình đã chiến thắng những người kia ngay trong trò chơi do chính họ đặt ra. Tôi đã ký vào những biên bản đó rồi chờ đợi họ mang con trai đến cho tôi. Nhưng tôi phát hiện ra mình đã bị lừa và thực sự mất con từ lúc đó", Trish nói trong nước mắt.

Vẫn chưa mất hết hy vọng, Trish đến Sở Công tác trẻ em để tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng lời thỉnh cầu của cô bị lờ đi. Trish lại đến đồn cảnh sát và tố cáo những người đã đánh cắp đứa con của cô. Cảnh sát cần có một số giấy tờ chứng minh là cô đã sinh ra một đứa con nhưng cô không có bất cứ một giấy tờ nào của bệnh viện.

Trish Large chỉ là một trong số 250.000 người mẹ Australia bị ép phải cho con đi ngay sau khi sinh theo chính sách nhận con nuôi của chính phủ. Người ta gọi những đứa trẻ bị tách khỏi mẹ và bị chuyển đến cho các cặp vợ chồng vô sinh nuôi dưỡng một cách trái phép này là "thế hệ bị đánh cắp". Những người mẹ mất con là những phụ nữ chưa lập gia đình nhưng lại có con, người di cư hoặc người mồ côi cha mẹ. Họ đều có điểm chung là mang thai và không được sự bảo vệ, hỗ trợ và bị xã hội kỳ thị.

Chính sách nhận con nuôi được coi là một yếu tố xã hội đặc thù ở Australia trong những năm 50-70 thế kỷ XX với hai đặc điểm cơ bản: áp dụng "lý thuyết tách rời vĩnh viễn" và "quy trình nhận con nuôi khép kín". "Lý thuyết tách rời vĩnh viễn" liên quan đến việc cách ly đứa con khỏi người mẹ ngay sau khi được sinh ra. Điều này xuất phát từ sự kỳ thị đối với những bà mẹ chưa lập gia đình và sinh con ngoài giá thú.

Hai bà mẹ Trish Large (phải) và Margaret Hamilton lưu giữ bản sao thư xin lỗi của Bệnh viện Hoàng gia Brisbane vì những điều họ đã gây ra.

Còn "quy trình nhận con nuôi khép kín" là việc đem những đứa trẻ vừa tách khỏi mẹ bí mật giao cho những cặp vợ chồng đã kết hôn nhưng hiếm muộn hoặc vô sinh để họ tránh được cái nhìn ác cảm của xã hội. Cả mẹ đẻ cũng như bố mẹ nuôi của đứa bé sẽ vĩnh viễn không biết danh tính, địa chỉ của nhau. Và như thế người mẹ sẽ không bao giờ tìm được đứa con mà mình sinh ra cũng như những đứa trẻ sẽ không bao giờ biết được nguồn gốc thực sự của mình.

Vì vậy, ở thời kỳ đó, việc nhận con nuôi được cho là một giải pháp xã hội cho tất cả các bên: người cho con đi sẽ tránh được tiếng xấu "không chồng mà chửa" để tiếp tục xây dựng cuộc sống riêng, bên nhận con sẽ có con như ý muốn và đứa trẻ vẫn được sống trong tình yêu thương chăm sóc của bố mẹ.

Tuy nhiên, những hệ lụy từ việc áp dụng chính sách này đã gây nhức nhối trong lòng xã hội Australia, làm tổn thương ghê gớm đến những người mẹ bị ép buộc phải cho con đi. Những người phụ nữ mất con bị rơi vào trạng thái trầm uất kéo dài, luôn cảm thấy tội lỗi, buồn đau và hối hận.

Đến những năm 80, việc áp dụng chính sách nhận con nuôi đã giảm rõ rệt. Sự thay đổi này do những tác động tất yếu của nhận thức xã hội. Sự kỳ thị đối với những người phụ nữ sinh con ngoài giá thú cũng như những cặp vợ chồng vô sinh đã mờ dần và người ta nhận ra rằng, đã đến lúc phải dừng việc áp dụng chính sách đó vì hậu quả xã hội mà nó gây ra quá nặng nề.

Khát khao đoàn tụ

Vào thời điểm Trish mất đứa con thì hai năm trước đó, Margaret Hamilton - giờ đã 64 tuổi - sinh con trai tại Bệnh viện Hoàng gia Brisbane. Ngày đó Hamilton mới 19 tuổi, đã đính hôn và đang mang bầu nhưng chồng sắp cưới của cô hủy đám cưới, cô trở thành một người mẹ đơn thân. Cô được chuyển đến sống trong một khu nhà cùng với 50 bà mẹ đơn thân khác đang chờ ngày sinh nở.

Cho đến tận bây giờ, Hamilton vẫn mơ hồ về quá khứ: "Tôi nhớ là mình được đưa tới bệnh viện vào ngày 11/5/1966 nhưng lại không hề nhớ về việc mình đã sinh con ra như thế nào. Có thể tôi đã bị chuốc thuốc mê".

Giống như bà mẹ Trish Large, Hamilton đã bị ép ký vào một biên bản cho con đi nhưng khác ở chỗ là cô đã kịp trông thấy con trai của mình. "Tôi thấy thằng bé qua cửa sổ, nhưng tôi không được phép bế, thậm chí là chạm vào nó dù chỉ một lần. Sau đó tôi được họ yêu cầu trở về nhà, quay lại với công việc của mình và không bao giờ nói về chuyện này nữa. Nhưng làm sao tôi có thể quên được, tôi đau đớn, suy sụp và đã nhiều lần định tìm đến cái chết. Dù vậy, tôi nghĩ là tôi phải sống để tìm lại con mình". Hamilton buộc phải rời vùng đất Brisbane đau buồn để chuyển đến sống ở Melbourne, những mong thoát khỏi ám ảnh của quá khứ.

Thủ tướng Julia Gillard gặp các nạn nhân của chính sách nhận con nuôi trước khi phát biểu xin lỗi tại hội trường lớn Tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Canberra.

Và cũng giống như bà mẹ Trish Large, Hamilton tham gia vào ALAS Queensland - một tổ chức được thành lập vào năm 1989 nhằm hỗ trợ những người mẹ bị mất con do chính sách nhận con nuôi tìm lại con mình. Năm 1991, sau 25 năm đằng đẵng, Hamilton tìm lại được con trai. "Nó không còn là một đứa trẻ nữa, nó đã là một chàng thanh niên 25 tuổi. Tôi nhận ra con qua dáng đi. Ôi! Nó có dáng đi đặc trưng của gia đình tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được ôm con trai vào lòng", bà mẹ mất con xúc động nhớ lại.

Margaret và Trish nằm trong số rất ít những bà mẹ may mắn đã được đoàn tụ với con của mình. Còn có rất nhiều trường hợp khác vẫn chưa tìm được con và đó là bản án chung thân dai dẳng suốt cuộc đời người mẹ.

Trish bộc bạch: "Chúng tôi muốn những đứa con của mình biết rằng, những người mẹ đã không từ bỏ chúng. Chúng tôi yêu thương và mong nhớ chúng đến nhường nào. Chúng tôi không cần sự bù đắp về mặt vật chất, mà muốn những vết thương lòng được hàn gắn".

Còn bà mẹ Christine Cole mất con từ năm 1969 thì lên tiếng yêu cầu chính phủ cần phải có những biện pháp hữu hiệu để giúp những đứa trẻ được đoàn tụ với mẹ đẻ của chúng thông qua cơ sở dữ liệu ADN. Bởi nếu không sẽ rất khó để tìm ra những đứa trẻ đã bị cho đi khi chúng ở cùng với cha mẹ nuôi từ nhỏ.

Lời xin lỗi muộn màng

“Quốc hội Australia thừa nhận trách nhiệm và xin lỗi về những chính sách và hành động cưỡng bức làm con cái phải chia ly với người mẹ và gây nên đau khổ suốt đời cho họ. Chúng tôi xin lỗi về những ảnh hưởng sâu sắc của các chính sách, hành động nói trên với những bậc làm cha mẹ. Chúng tôi nhận thức được những thương tổn do các hành động nói trên để lại cho anh chị em, ông bà và các thành viên khác trong gia đình...

Chúng tôi lấy làm tiếc vì đã hành động một cách đáng chê trách, khi đã từ chối các bạn - những người mẹ - đáng được hưởng quyền và trách nhiệm cơ bản nhất là được yêu thương và chăm sóc con cái của mình…

Xin lỗi những người con - những người không được xã hội và luật pháp cho nhận mẹ, để rồi bị tước đoạt mọi sự chăm sóc và hỗ trợ… Quý vị đã phải chịu đựng việc cưỡng chế tàn bạo và hoàn toàn vô đạo đức, dối trá và trong nhiều trường hợp là bất hợp pháp” - trích lời xin lỗi của Thủ tướng Julia Gillard.

Để có một lời xin lỗi chính thức của Thủ tướng Julia Gillard hôm 21/3 vừa qua thì trước đó đã diễn ra những cuộc tranh luận kéo dài về việc nhìn nhận lại sai lầm và hướng khắc phục. Chính sách này đã tạo ra “cả một thế hệ bị lừa gạt” luôn sống trong ảo giác bố mẹ nuôi chính là người cùng huyết thống với mình. Có rất nhiều đứa con không phù hợp với hoàn cảnh sống, tính cách và sự giáo dục của bố mẹ nuôi, và không phải ông bố bà mẹ nuôi nào cũng quên đi gốc gác của chúng để coi chúng như con đẻ.

Ngày 19/10/2010, Tây Australia đã trở thành bang đầu tiên lên tiếng xin lỗi vì đã thực hiện chính sách buộc các bà mẹ phải cho con đi ngay sau khi sinh. Ngày 18/7/2012, Nam Australia đã trở thành bang thứ hai thực hiện việc này.

"Thế hệ bị đánh cắp" đã, đang và sẽ còn ám ảnh những người đang sống bởi những nỗi đau, sự cách chia và cả những bài học kinh nghiệm, những cố gắng khắc phục hậu quả… Chính vì vậy lời xin lỗi của chính phủ và những động thái sửa sai dù là muộn màng nhưng cũng là một dấu mốc đáng ghi nhận sau quãng thời gian vụ việc bị chìm lấp. Có đến hơn 800 người bị ảnh hưởng đã tụ họp ở hội trường lớn Tòa nhà Quốc hội thuộc thủ đô Canberra để nghe lời xin lỗi từ chính phủ.

Trong buổi lễ, Thủ tướng Gillard đã nhấn mạnh rằng, lời xin lỗi là một dấu hiệu của sự sẵn sàng đối mặt với sai lầm trong quá khứ và quyết tâm khắc phục hậu quả của chính phủ nước này. Đây là một ngày không thể nào quên và Chính phủ Australia đã nhận được bài học đắt giá từ thực tiễn trong quá khứ.

Bà Julia Gillard cũng đã công bố sẽ thành lập quỹ 5 triệu USD để phục vụ cho các hoạt động lập hồ sơ kết nối tìm người thân và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho những người bị ảnh hưởng từ chính sách nhận con nuôi.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia Australia cũng được chính phủ hỗ trợ 1,5 triệu USD để có kế hoạch khởi động các trang web nhân kỷ niệm một năm lời xin lỗi chính thức của chính phủ vào năm 2014 và mở triển lãm đặc biệt nhân dịp kỷ niệm thứ 2 vào năm 2015. Kế hoạch kỷ niệm còn bao gồm cả việc mở các tour du lịch quốc gia về chủ đề "Thế hệ bị đánh cắp".

Ông David Fricker, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia chia sẻ: "Đây không chỉ là dịp để những người trong cuộc nói lên tiếng nói của mình mà qua đó, cộng đồng sẽ nhận ra những tác động xã hội sâu sắc đến từng cá nhân họ. Và những điều này đánh dấu một phần lịch sử xã hội đất nước Australia"

Huyền Châm - Phương Hiếu (tổng hợp)
.
.