Australia: Nặng nề hậu quả thử bom hạt nhân của Anh

Thứ Tư, 05/06/2019, 13:52
Phải mất gần ba thập niên cho đến khi nguyên nhân của sương mù đen được công nhận là vụ thử bom hạt nhân Totem I. đó là một trong những cuộc thử nghiệm hạt nhân được thực hiện trong hai thập niên 1950 và 1960 - không phải bởi chính phủ Australia, mà bởi nước Anh.


Quả bom “sấm sét” của Anh

Yami Lester được 12 tuổi khi sương mù đen bao trùm Walatinna, một vùng hẻo lánh Nam Australia rộng lớn. Sáng sớm ngày 15-10-1953, Lester nghe thấy một “tiếng nổ lớn” từ xa.

Tiếp theo đó là một đám mây đen trôi thấp trên mặt đất như một cơn bão bụi di chuyển chậm, mang theo mùi khó chịu. Người bản địa có một lịch sử lâu dài trong khu vực, bao gồm cả bộ tộc của Lester.

Một người đàn ông mặc quần áo bảo hộ tại Maralinga với máy ảnh cũng được bảo vệ bởi vỏ nhựa.

Khi đám mây đen vần vũ trên Walatinna, những người lớn tuổi trong bộ tộc đã cố gắng xua đuổi nó, nghĩ rằng đó là một linh hồn độc ác. Có lẽ họ đã đúng. Về sau, người dân bản địa nói với các nhà điều tra rằng sương mù màu đen khiến mắt họ đau nhói và lớp da bị nổi mẩn ngứa. Những người khác bị nôn mửa và bị tiêu chảy.

Ngày nay, hơn 60 năm sau cuộc thử nghiệm Totem I, các hiệu ứng vẫn đang được cảm nhận ở nam Australia và hơn thế nữa. Australia không phải là lựa chọn đầu tiên của Anh về địa điểm thử nghiệm hạt nhân.

Các nhà khoa học Anh tham gia sâu vào Dự án Manhattan trong Chiến tranh Thế giới lần 2, và hoàn toàn mong đợi có thể theo Mỹ để thử vũ khí hạt nhân của riêng họ trên đất Mỹ. Tuy nhiên, sau khi các điệp viên Liên Xô xâm nhập vào chương trình nguyên tử của Mỹ, Washington đã thông qua Đạo luật McMahon, trong đó hạn chế nghiêm ngặt việc chia sẻ thông tin hạt nhân với các quốc gia khác và yêu cầu London tìm địa điểm mới để tiến hành thử nghiệm.

Elizabeth Tynan, nữ tác giả cuốn “Sấm sét Hạt nhân: Câu chuyện Maralinga”, cuốn sách về các cuộc thử nghiệm hạt nhân, nói: “Cuối cùng, họ chọn Australia, nơi có nhiều lợi ích”.

Vào tháng 9-1950, Thủ tướng Anh Clement Attlee gửi cho Thủ tướng Australia Robert Menzies một tin nhắn bí mật hỏi liệu vũ khí nguyên tử đầu tiên của Anh có được phép thử nghiệm trên lãnh thổ Australia hay không?

Theo một cuộc điều tra của Ủy ban Hoàng gia Australia (ARC) sau đó, Menzies “ngay lập tức đồng ý với đề xuất” mà không hỏi ý kiến bất kỳ thành viên Nội các nào của ông hoặc Quốc hội Australia.

Thật vậy, cho đến vài tuần trước khi cuộc thử nghiệm đầu tiên được thực hiện, chỉ có 3 bộ trưởng chính phủ biết về nó. Sự nhiệt tình của Menzies đối với quả bom “sấm sét” Anh có lẽ “không hoàn toàn là sự bợ đỡ các ông chủ thực dân ngày xưa”, Tynan nhận định, mặc dù đây chắc chắn là một yếu tố.

Nhà lãnh đạo Australia cũng nhìn thấy thời đại nguyên tử là một lợi thế cho đất nước mình, nơi cũng có trữ lượng lớn uranium. Quả bom nguyên tử đầu tiên của Anh đã phát nổ ở vùng biển ngoài khơi Montebello, một quần đảo nhỏ ở phía tây bắc Australia và từ đó chính thức biến London thành thành viên thứ 3 của Câu lạc bộ hạt nhân, sau Mỹ và Liên Xô.

Mặc dù quần đảo Montebello được sử dụng cho thử nghiệm đầu tiên, giới chính khách Anh vẫn không bao giờ hoàn toàn hài lòng với vị trí này, và ngay cả trước khi quả bom nổ, họ bắt đầu tìm kiếm một địa điểm khác trên lục địa Australia, nơi họ có thể được giữ bí mật và tự chủ hơn.

Họ chọn một vị trí trong Sa mạc Great Victoria, cách khoảng 480km (300 dặm) từ thị trấn gần nhất, Woomera, và đặt tên là “Emu Field” (bãi thử Đà điểu sa mạc Australia).

Các kế hoạch sớm được đưa ra cho cuộc thử nghiệm thứ hai và vào ngày 15-10-1953, thiết bị đầu tiên của Totem được kích nổ. Không giống như thử nghiệm Montebello, đã diễn ra phần lớn theo kế hoạch, Totem I 9,1 kiloton đẩy một đám mây mảnh vụn và khói cao khoảng 4.500m lên không trung, sau đó tiếp tục lan rộng ra xa hơn dự kiến ban đầu.

Sau đó ARC phát hiện thử nghiệm được thực hiện trong điều kiện gió không phù hợp và không có sự quan tâm đúng mức đối với những người dân sống gần đó – một yếu tố cho thấy sự thiếu cẩn thận đáng kinh ngạc của các quan chức Anh giám sát chương trình hạt nhân, những người thường xuyên phớt lờ hoặc không bận tâm tìm kiếm thông tin quan trọng về tác động tiềm tàng của các thử nghiệm của họ đối với nước sở tại.

 “Sương mù đen”

Các tác động tàn phá nhất đã tấn công 2 nhóm: các binh sĩ Australia và Anh làm việc trong cuộc thử nghiệm hạt nhân, và dân bản địa địa phương. Một “sĩ quan tuần tra bản địa” duy nhất được giao nhiệm vụ thông báo cho cư dân bản địa về những nguy cơ tiềm ẩn trong khu vực rộng 100.000km².

Một bảng cấm nhìn thấy gần khu thử nghiệm hạt nhân Maralinga, năm 1974.

Trong khi người Anh không quan tâm lắm. Một thành viên nổi bật của nhóm thử nghiệm, Sir Ernest Titterton, sau đó nói rằng nếu người bản địa có vấn đề với chính phủ, họ nên bỏ phiếu, nhưng lại không biết rằng người Australia bản địa không có quyền chính trị đầy đủ cho đến năm 1967.

Một quan chức cấp cao khác, trong một lá thư gửi cấp trên của mình, đã phàn nàn rằng W.B. MacDougall - người đàn ông có nhiệm vụ cố gắng bảo vệ người dân bản địa địa phương - đã “đặt lợi ích của người bản địa lên trên những người thuộc Liên hiệp Anh”.

Nữ tác giả Tynan bình luận “Tác hại gây ra cho thổ dân là một trong những khía cạnh đáng xấu hổ nhất (trong các cuộc thử nghiệm hạt nhân). Không dòng nào trong các hồ sơ báo cáo của Anh có dấu hiệu cho thấy mối quan tâm dù là nhỏ nhất đối với thổ dân”.

Sự thiếu quan tâm này có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi thảm tại Walatinna. Khoảng 40 thổ dân có mặt khi vụ nổ Totem I đẩy những đám mây bức xạ vào bầu trời. “Nó ầm ầm, mặt đất rung chuyển, thật đáng sợ”, Lalli Lennon nói với các nhà điều tra.

Một thời gian sau, một đám mây đen lớn trôi là đà trong khu định cư. Stan, chồng của Lalli, mô tả nó là “loại mơ hồ, giống như sương mù hoặc một cái gì đó”. Lalli và các con của cô bị sốt, đau đầu, nôn mửa và tiêu chảy, và hai đứa trong số đó bị phát ban và đau mắt do khói độc.

Nhưng, chính quyền Anh và Australia không hề quan tâm đến điều này - cũng giống như họ đã ít chú ý đến lợi ích của người bản địa trước khi thử nghiệm hạt nhân. Trong khi đó dư luận Australia - mà theo như Tynan nói - vẫn ủng hộ rộng rãi những cuộc thử nghiệm hạt nhân cho đến những năm 1970 và 1980.

Sự thay đổi bắt đầu khi một báo cáo của Bộ Quốc phòng Australia bị rò rỉ với báo chí, cảnh báo rằng một lượng lớn plutonium còn lại tại Maralinga có thể có khả năng là mục tiêu của những kẻ khủng bố. Điều này đã đi ngược lại với một báo cáo năm 1968 được chuẩn bị bởi quan chức người Anh Noah Pearce đảm bảo với Chính phủ Australia rằng plutonium đã được chôn cất đúng cách và không có rủi ro đáng kể.

Thật vậy, trong cùng năm, người dân Australia đã đồng ý giải phóng Anh khỏi gần như tất cả “trách nhiệm” liên quan đến các cuộc thử nghiệm hạt nhân, với niềm tin người Anh đã “hoàn thành việc khử nhiễm và giải phóng mảnh vỡ ... với sự hài lòng của Chính phủ Australia”.

Khi cuối cùng Canberra thực hiện chương trình khảo sát riêng về địa điểm này, các nhà khoa học đã bị sốc bởi những gì họ tìm thấy. Tynan, người đã phỏng vấn một số thanh tra viên, cho biết: “Họ vẫn nghĩ rằng Báo cáo Pearce là chính xác cho đến khi bộ đếm geiger của họ phản ứng mạnh. Họ không mặc đồ bảo hộ (và) thậm chí còn đá chân mang ủng của họ vào những hòn đá phủ plutonium”.

Báo cáo của ARC cho biết sau đó có khoảng “25.000 đến 50.000 mảnh bị nhiễm plutonium trong khu vực (Maralinga), mặc dù con số có thể tăng gấp đôi nếu bao gồm các mảnh vỡ và số bị chôn vùi”.

Emu Field và quần đảo Montebello cũng được phát hiện nguy hiểm hơn dự kiến. Theo báo cáo của Viện Tội phạm học Australia (AIC): “Ngoài các nhân viên khoa học và quân sự của Anh, hàng ngàn người Australia đã bị phơi nhiễm phóng xạ do các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Những người này không chỉ bao gồm đội ngũ tham gia hỗ trợ chương trình thử nghiệm của Anh, mà cả những thổ dân sống ở khu vực thử nghiệm và những người Australia khác ở xa hơn đã tiếp xúc với phóng xạ trong không khí”.

Những khoản tiền bồi thường và bí mật vẫn bao trùm

Mặc dù nhiều rối loạn khó liên kết trực tiếp với các thử nghiệm hạt nhân, các cựu chiến binh của chương trình đã phàn nàn về nhiều bệnh ung thư, bệnh tự miễn và các bệnh khác - bao gồm cả ở trẻ em của họ -  do họ không mặc quần áo bảo hộ và các biện pháp phòng ngừa khác tại thời điểm nguy hiểm.

Cây cối, động vật và chim đã bị hủy diệt trong các vụ nổ nguyên tử.

Năm 2018, Chính phủ Australia bắt đầu mở rộng chương trình chăm sóc y tế cho các thành viên của chương trình thử nghiệm hạt nhân, nhưng hầu hết hiện đang ở độ tuổi cuối thập niên 80 và một người nói với báo chí rằng hành động này là “quá muộn”. Tác hại đối với người bản địa cũng đã được ghi nhận trong nhiều thập niên, bao gồm cả “sương mù đen” – trong khi đó một quan chức Anh từng nói rằng việc điều tra sẽ là “lãng phí hoàn toàn tiền bạc và thời gian”.

Năm 1993, người Anh đồng ý chi trả cho Chính phủ Australia và các chủ sở hữu truyền thống của vùng đất Maralinga khoảng 46 triệu AUD (30 triệu USD). Chính quyền Australia cũng đã trả cho các cộng đồng Maralinga bản địa một khoản tiền 13,5 triệu AUD (9 triệu USD). Nữ tác giả Tynan nói thêm rằng vấn đề vốn đã thống trị truyền thông Australia và sự chú ý của công chúng trong nhiều năm, nhưng sau đó dần dần biến mất rồi trở thành một “bí mật lớn của Australia”.

Ngày nay, Tynan cho biết bà thường gặp những người Australia trẻ tuổi - những người không biết về các cuộc thử nghiệm hạt nhân - chỉ có ý tưởng mơ hồ về các vấn đề. Các cựu chiến binh và người bản địa tiếp tục chịu hậu quả về sức khỏe và bị rút ngắn tuổi thọ do tiếp xúc với bức xạ. Yami Lester qua đời vào ngày 21-7-2017.

Ông được Thủ tướng Malcolm Turnbull nhớ đến trong quốc hội khi còn là “người đàn ông có trí thông minh tuyệt vời và sự sáng suốt, là một người có địa vị cao và là một nhà vô địch về quyền và phẩm giá của thổ dân”.

Turnbull nói thêm: “Ông sẽ được tôn kính vì đã vươn lên từ bi kịch cá nhân để phục vụ cộng đồng của mình, lãnh đạo người dân và để đảm bảo rằng họ đã được công nhận và những vấn đề của họ đã được giải quyết”.

Nhưng như Tynan và những người khác đã chỉ ra, những vấn đề thực ra vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Các vấn đề sức khỏe bắt nguồn từ các thử nghiệm hạt nhân của Anh vẫn tiếp tục đối với những người còn sống và trong khi tính xác thực của Lester và câu chuyện của các nạn nhân khác đã được thừa nhận, thì chính xác những gì xảy ra với họ vẫn chưa rõ ràng, các chi tiết về thử nghiệm hạt nhân vẫn được giữ bí mật.

Tynan bình luận: “Cho đến nay chúng ta không biết gì nhiều về Totem I. Những hồ sơ đó vẫn được người Anh phân loại. Nó vẫn là một trong những bí ẩn lớn”.

Mặc dù tổn hại với cộng đồng thổ dân đã được thừa nhận, nhưng phần lớn thông tin về vụ thử hạt nhân Totem I và các vụ thử khác ở Maralinga và về sau ở Emu Field đều được giữ bí mật.

Theo Hãng tin CNN, có một điều đáng lưu ý là hàng chục tài liệu về các vụ thử hạt nhân nói trên đã bị rút khỏi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Australia mà không một lời giải thích. Động thái không thông báo trên khiến nhiều nhà nghiên cứu và sử gia sốc vì họ phải dựa vào các tài liệu này trong công việc. Họ đã vận động từ lâu để một số tài liệu được giải mật. Việc rút các tài liệu lần đầu được phát hiện ra cuối tháng 12-2018. Trong năm 2019, số tài liệu vẫn không được tiếp cận.

Nữ tác giả Tynan nói: “Các vụ thử hạt nhân của Anh ở Australia đã gây ra tổn hại to lớn với dân bản địa, quân đội, các nhân sự khác cũng như nhiều khu vực lãnh thổ rộng lớn của Australia. Bí ẩn về các vụ thử hạt nhân của Anh ở Australia vẫn còn đó và những bí ẩn này đã trở nên khó bị đưa ra ánh sáng hơn khi Chính phủ Anh cố chặn quyền tiếp cận các tài liệu”.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.