Ba trung tâm tình báo ở châu Âu thời chiến tranh lạnh

Chủ Nhật, 24/12/2006, 08:31
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, vào thời điểm hoạt động sôi động nhất, số lượng điệp viên các nước ở Vienna khoảng hơn 20.000. "Ít ỏi" hơn, số lượng các điệp viên của KGB hoạt động hàng ngày tại Berlin chỉ là hơn 300 người...

Ngày 13/4/1945, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng thủ đô Vienna của Áo. Nhưng do Áo cũng tham gia vào cuộc chiến xâm lược của phát xít Đức, nên toàn bộ lãnh thổ nước Áo khi đó gồm cả thủ đô Vienna đã bị 4 nước Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô chia thành các khu vực để chiếm đóng, cai quản. Tình trạng này kéo dài đến 10 năm và mãi đến năm 1955, Áo mới phục hồi chủ quyền quốc gia.

Vienna - “thiên đường” nghe trộm của điệp viên Mỹ và Anh

Vienna đã trở thành trung tâm của cuộc chiến tình báo giữa hai mặt trận Đông và Tây Âu. Các cơ quan tình báo hàng đầu thế giới như KGB của Liên Xô, CIA của Mỹ, Cục Tình báo Anh (MI-6) liên tục thành lập các phân trạm tình báo tại Vienna.

Theo nhiều nguồn tin, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, vào thời điểm hoạt động sôi động nhất, số lượng điệp viên các nước ở Vienna khoảng hơn 20.000, vì vậy Vienna trở thành “kinh đô” tình báo, gián điệp lớn nhất ở châu Âu lúc bấy giờ.

Berlin - nơi lý tưởng nhất hoạt động phản tình báo của Liên Xô đối với Mỹ

Sau bài diễn thuyết cứng rắn của Thủ tướng Anh Churchill, Berlin thủ đô của nước Đức, đã trở thành “trạm tiền tiêu” của cuộc chiến tranh lạnh giữa các nước Đông và Tây Âu và các tổ chức tình báo các nước.

Mỹ và Liên Xô đã tiến hành cuộc chiến tình báo quyết liệt tại đây. KGB đặt trụ sở chỉ huy tình báo Liên Xô tại Karshoste Lane, ngoại ô Berlin để chuyên tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp nhằm vào Tây Đức và các nước phương Tây khác. Số lượng các điệp viên của KGB hoạt động hàng ngày tại đây lên đến trên 300 người.

Còn Tây Berlin là nơi thành công nhất của KGB trong hành động phản tình báo nhằm mua chuộc, móc lại các nhân viên quân sự và điệp viên của Mỹ. Năm 1949, Robert Lee Johnson, một điệp viên của Mỹ đã bị KGB móc lại trong hành động phản tình báo mang tên “George” và điệp viên này  trở thành nguồn tin tình báo rất quan trọng qua đó, quân đội Liên Xô  nắm về các động thái của quân Mỹ tại châu Âu.

Hai năm sau, Johnson còn cung cấp cho Liên Xô khoảng 1.600 trang tài liệu mật liên quan đến hệ thống bảng mật mã hàng ngày của quân Mỹ, kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu, tài liệu liên quan đến việc sản xuất vũ khí hạt nhân của Mỹ, các vị trí bố trí của các loại vũ khí hạt nhân nhằm vào Liên Xô. Những tin tức tình báo này sau khi kết hợp lại, đã giúp Liên Xô nắm rõ và sâu về tình hình quân Mỹ tại châu Âu.

Điệp viên hai mang Kepaciji từng làm việc cho phát xít Đức và tình báo Mỹ cũng đã được KGB tuyển ở Berlin năm 1949 và đem lại thành công rất lớn cho tình báo Liên Xô trong việc phá mạng lưới  gián điệp của Mỹ tại thủ đô này. Hai năm sau, điệp viên này đã cung cấp cho Liên Xô tình hình cụ thể của mạng lưới gián điệp của Mỹ tại Berlin và còn trực tiếp bắt điệp viên CIA là Kiwi đưa đến trụ sở KGB tại Đông Berlin.

Budapest - nơi diễn ra trận chiến tình báo liên quan đến vận mệnh Hungary

Trong thời  kỳ chiến tranh lạnh, do ảnh hưởng của nhiều nhân tố trong và ngoài, chính quyền Hungary không được vững chắc trong hệ thống các nước ở Đông Âu. Đây là thời cơ để các thế lực phương Tây thâm nhập và chuyển hóa. Chính vì vậy, nhiều điệp viên của Mỹ đã bí mật xâm nhập vào thủ đô Budapest, Hungary với ý đồ tiến hành hoạt động tình báo và tạo dựng lực lượng đối lập nhằm lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của  Hungary. 

Mùa hè năm 1956, trạm tình báo CIA tại Vienna thông qua một phóng viên Mỹ ở nước ngoài tên là Higgins, đã biết Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Dân chủ Đức có lập trường khác với Liên Xô, đặc biệt là tại Budapest rất có khả năng xảy ra bạo động. Ngay lập tức, CIA đã đề ra kế hoạch bí mật mang tên “red socks-label” do Cục trưởng Cục Kế hoạch của CIA là Viesner vạch ra.

Theo đó, CIA sẽ sử dụng các đơn vị quân sự bí mật của CIA ở khu vực để ủng hộ và chi viện cho hành động bạo động tại Budapest và nếu Liên Xô xuất binh đàn áp thì sẽ trực tiếp chống lại. Nhưng kế hoạch này đã không thực hiện được và toàn bộ bản kế hoạch đã rơi vào tay KGB.

Lý do là lúc đầu CIA muốn hợp tác cùng Cơ quan Tình báo Tây Đức để thực hiện kế hoạch, vì thế, điệp viên của Cơ quan Tình báo Tây Đức tên là Xidete Heinz đã được Viesner mời đến Mỹ để bàn biện pháp hành động. Nhưng CIA không thể ngờ rằng Xidete Heinz chính là một điệp viên của Liên Xô và sau khi nắm được kế hoạch trên của CIA, điệp viên này đã lập tức báo cáo với KGB.

Vì vậy, KGB đã quyết định hành động sớm. Đầu tháng 10 năm đó, chính Chủ tịch KGB khi đó là Serov đã trực tiếp bay đến Budapest để chủ trì công tác tình báo ở đây. Tại Budapest, Serov đã lựa chọn được 20 điệp viên cốt cán để tiến hành thu thập các tin tức tình báo và chỉ đạo các điệp viên này thường xuyên báo cáo tình hình về Moskva và khi cần thiết có thể gây ra một số hành động khiêu khích, nhằm tạo có cớ can thiệp quân sự. Đồng thời, Liên Xô cũng đã điều 20 vạn quân và 2.500 xe tăng để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với khả năng bạo động xảy ra tại Budapest.

Ngày 23/10/1956, quả nhiên thủ đô Budapest xảy ra bạo loạn và CIA đã liên kết với Cơ quan Tình báo Tây Đức bí mật chi viện vũ khí và tham mưu cho các hành động bạo loạn của các phần tử chống đối tại đây. Nhưng khi bạo loạn vừa mới nổ ra, quân đội Liên Xô đã nhanh chóng ra tay và kiểm soát ổn định được tình hình Budapest.

Ngày 4/11, dưới sự chi viện của Liên Xô, chính quyền Cách mạng công nông của Hungary đã được thành lập và bạo loạn bị dập tắt. Cuộc chiến tình báo này cuối cùng đã kết thúc bằng sự thắng lợi của Liên Xô

Thanh Trung (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.