Vụ mất tích máy bay bí ẩn nhất thế giới:

Số phận long đong của chiếc Boeing 727-223 (kỳ 1)

Chủ Nhật, 17/07/2016, 15:10
6 giờ chiều ngày 25-5-2003, phi công người Mỹ Ben Charles Padilla cùng kỹ sư cơ khí người Congo là John Mikel Mutantu bước vào buồng lái chiếc máy bay Boeing 727-223, số đuôi N844AA - lúc ấy đang đậu tại sân bay quốc tế Quatro de Fevereiro, thủ đô Luanda, Angola rồi khởi động máy trong khi theo nguyên tắc, để điều khiển loại máy bay này cần phải có một hoa tiêu dẫn đường.

Chẳng những thế, phi công Ben còn tắt đèn hiệu ở đuôi và cánh lái, cũng như tắt hẳn hệ thống thông tin liên lạc với trạm kiểm soát không lưu sân bay.

Vài phút sau, máy bay cất cánh hướng về phía tây nam rồi ra Đại Tây Dương. Kể từ đó, không ai còn liên lạc được với chiếc Boeing này nữa. Vụ việc đã khiến tất cả các cơ quan an ninh, tình báo của Mỹ, Anh, Pháp… nháo nhào bởi lẽ ngoài lượng nhiên liệu phục vụ cho 3 động cơ phản lực, trong khoang của chiếc Boeing còn có 10 thùng dầu diesel, tổng cộng 22.500 lít, đủ để lập lại tấn thảm kịch của vụ khủng bố tòa tháp đôi Trung tâm thương mại New York ngày 11-9-2001…

Chiếc máy bay không có ghế trong khoang hành khách

Sự việc bắt đầu vào năm 2000, khi Keith Irwin, 57 tuổi, một doanh nhân người Nam Phi thành lập một hãng hàng không du lịch - nhưng thực chất là để cung cấp xăng dầu, thực phẩm cho các nhà khai thác kim cương tại một số mỏ ở Angola - nơi mà cuộc nội chiến vẫn đang kéo dài khiến việc vận tải bằng đường bộ hầu như không thể.

Nhân viên kỹ thuật tiếp nhiên liệu cho chiếc Boeing 727-223 tại một sân bay ở khu mỏ khai thác kim cương, miền bắc Angola.

Thoạt tiên, Keith Irwin liên doanh với Công ty vận chuyển hàng không Nam Phi Air Cargo để thuê một máy bay phản lực Boeing 727 với điều kiện tất cả các hàng ghế trong khoang hành khách đều phải được tháo bỏ hết. Trong liên doanh ấy, Irwin góp vốn 450.000USD, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động bay, sắp xếp việc cung ứng xăng dầu, thực phẩm. Tuy nhiên, khi Irwin sang Luanda, thủ đô Angola và khi đã chuẩn bị xong những thùng đựng dầu diesel và hơn chục tấn gạo thì Công ty Air Cargo lại không điều đến một chiếc máy bay nào cả.

Liên doanh tan vỡ, Irwin rút vốn ra. Tháng 2-2002, nghe tin Công ty môi giới mua bán và thuê mướn máy bay Aerospace ở Miami, bang Florida, Mỹ, rao bán 3 chiếc Boeing 727-223 mà trước kia nó thuộc sở hữu của Hãng hàng không American Airlines thì Irwin lập tức đi Florida. Tiến hành thương thảo với Maury Joseph, chủ tịch Aerospace, Irwin đồng ý mua chiếc Boeing 727-223, số đuôi N844AA với giá 1 triệu USD trong tình trạng hoàn hảo, có thể khởi hành bất cứ lúc nào.

Theo hợp đồng, Irwin đặt cọc 125.000USD, số còn lại sẽ thanh toán hết trong vòng 30 ngày, vùng đăng ký là Nam Phi nhưng Irwin phải để cho một kỹ sư của Aerospace là Mike Gabriel đi theo cho đến lúc Aerospace nhận được đủ tiền. Còn nếu không, Mike Gabriel sẽ đem máy bay về lại Mỹ.

Cũng như với Công ty vận chuyển hàng không Nam Phi Air Cargo, Irwin yêu cầu Aerospace tháo bỏ tất cả các ghế trong khoang hành khách để lấy chỗ đựng 22.500 lít dầu diesel cùng 1 tấn lương thực. Bên cạnh đó, Irwin còn gặp 6 phi công, hoa tiêu, thợ máy của Hãng Hàng không American Airlines, lúc ấy đang thất nghiệp sau vụ các phần tử khủng bố Al Qaeda lao máy bay vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại New York. Irwin nói với họ: "Hãy nhìn xem, tôi đã có máy bay còn các bạn thì lại có cơ hội cất cánh".

Ngày 28-2-2002, chiếc Boeing 727-223 vẫn giữ nguyên nước sơn của Hãng Hàng không American Airlines với một đường kẻ lớn màu xanh, kéo dài từ mũi đến sát động cơ đặt ở cuối thân cùng logo trên cánh đuôi là 2 chữ AA, khởi hành đi Angola.

Trước đó, Irwin đã liên hệ với Kuwachi Dundo, giám đốc một công ty dịch vụ hàng không ở thủ đô Luanda, Angola, để nhờ ông này xin giấy phép hạ cánh xuống sân bay quốc tế Quatro de Fevereiro. Thế nhưng, đáng lẽ Kuwachi Dundo phải trả cho Bộ Giao thông Angola 220.000USD để lấy giấy phép nhưng Dundo chỉ đưa có 80.000USD, dẫn đến việc tổ bay của chiếc Boeing 727-223 phải xin quá cảnh ở một số nước. Cuối cùng, Irwin đành bấm bụng chi thêm một mớ nữa thì mới được phép đáp xuống.

Ngày 14-3-2002, chiếc Boeing 727-223 tiến vào bãi đậu trong sân bay Quatro de Fevereiro. Theo lệnh của Kuwachi Dundo, tất cả các thành viên trong phi hành đoàn đều phải giao nộp hộ chiếu cho ông ta với lý do để làm giấy tờ, cho phép họ bay trong không phận Angola.

Ngoại trừ Irwin và Gabriel thuê một căn hộ đầy đủ tiện nghi của một viên tướng không quân Angola, còn thì phi công, thợ máy, hoa tiêu trên chiếc Boeing 727-223 đều phải ở trong một ngôi nhà không có điện, nước máy không uống trực tiếp được, còn ăn thì phải đi bộ đến các hàng quán bên ngoài hoặc tự túc nấu nướng. Đôi lúc ra phố chơi, họ bị lính Angola làm khó dễ để đòi tiền hối lộ.

Powell, kỹ sư cơ khí trên chiếc Boeing 727-223 kể lại: "Tôi đã từng có thời gian làm việc 1 năm ở Nairobi, Kenya nhưng hai nơi này hoàn toàn khác nhau. Đám lính Angola với những khẩu AK chĩa vào ngực, yêu cầu tôi xuất trình hộ chiếu khiến tôi sợ muốn chết. Nếu không kịp móc tiền ra, tôi sẽ bị bắn với lý do nhập cảnh bất hợp pháp".

Tình hình căng thẳng đến mức một số thành viên phi hành đoàn đã bàn tính với nhau kế hoạch lấy cắp máy bay, bay sang Nam Phi, thậm chí là bay về Mỹ. Chỉ tới khi họ buộc Irwin phải đưa họ vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Luanda, Angola để phản ánh tình hình thì hộ chiếu của họ mới được trả lại.

Trước sự dao động tinh thần, đòi hủy hợp đồng bay, đòi về nhà của phi hành đoàn, Irwin dự định dùng chiếc chiếc Boeing 727-223 để đưa một số sang Nam Phi rồi từ đó, mua vé máy bay của một hãng hàng không nào đó cho họ quay lại Mỹ. Thế nhưng, theo quy định của Angola, máy bay lúc này lại thuộc quyền kiểm soát của những công ty khai thác kim cương - là nơi đã thuê Irwin vận chuyển dầu mỡ hàng hóa nên nó không được phép bay sang một quốc gia khác. Cuối cùng, 2 trong số 6 thành viên phi hành đoàn đi Nam Phi bằng máy bay thương mại của Hãng Air France. Cả hai cho biết Irwin nợ họ 17.000USD tiền lương. Riêng 4 người còn lại vẫn hy vọng vào số thù lao khá lớn mà Irwin hứa sẽ trả cho họ nên họ cam chịu ở lại.

Bay như bay chiến đấu

Đến cuối tháng 3, mặc dù Irwin đã tiêu tốn 250.000 USD nhưng vẫn chưa có được giấy phép cất, hạ cánh tại các sân bay nằm trong lãnh thổ Angola vì theo lý lịch, số đăng ký N844AA do Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới cấp cho chiếc Boeing 727-223 là của Hãng Hàng không American Airlines, và vùng hoạt động căn cứ vào hợp đồng mua bán với Công ty Aerospace là ở Nam Phi.

Sân bay quốc tế Quatro de Fevereiro, Luanda, Angola, nơi chiếc Boeing 727-223 bị bỏ lại.

May mắn thay, qua một vài trung gian, Irwin gặp được một quan chức làm việc trong hệ thống vận tải hàng không Angola. Nhân vật này đã dàn xếp để Irwin có thể giao hàng cho các đối tác.

Một phi công lái chiếc Boeing ấy, xin được giấu tên vì lo ngại cho sự nghiệp tương lai của mình, đã kể với phóng viên Tim Wright của tạp chí hàng không Air&Space: "Đó là những chuyến bay nguy hiểm nhất thế giới. Nó chẳng khác gì đi vào vùng chiến sự với những tay súng của phe nổi dậy lúc nào cũng chực chờ để bắn lên máy bay. Mỗi khi gần đến sân bay, chúng tôi thường giữ nguyên độ cao rồi hạ thấp bằng cách đột ngột lao xuống theo hình xoắn ốc. Chỉ tới khi nhìn thấy đầu đường băng, tôi mới giảm tốc độ nên máy bay tiếp đất rất nặng nề, chẳng khác gì nó tự rơi xuống. Đã vậy, điều lạ lùng nhất đối với những phi công Mỹ là nhiều đường băng dành cho máy bay phản lực thương mại lại không được trải nhựa và có đường băng khi bạn vừa tiếp đất, bạn phải tăng ga để lên dốc, giảm ga để xuống dốc rồi lại tăng ga lên dốc thêm một lần nữa trước khi máy bay dừng hẳn".

Suốt tháng 4, những thành viên còn lại của chiếc Boeing 727-223 đã thực hiện 17 phi vụ chở hàng cho các mỏ khai thác kim cương. Trong một chuyến bay đến Calai, nằm sát với biên giới giữa Angola và Namibia, họ đã chứng kiến một chiếc Boeing 727 của một công ty bay thuê khác - lúc đáp xuống đã trượt khỏi đường băng, một bên cánh văng ra xa cả trăm mét. Và mặc dù tổ lái không ai bị thương tích gì nhưng nhiều người dân địa phương đã thiệt mạng vì họ tò mò ra sát đường băng để xem máy bay hạ cánh.

Vẫn viên phi công trên của chiếc Boeing 727-223 kể: "Chúng tôi cho tổ lái của chiếc máy bay gặp nạn mượn một cái thang, giúp họ thoát ra, và đó cũng là lúc tôi quyết định phải về nhà, chấm dứt những chuyến bay liều mạng. Điều an ủi duy nhất là khi tôi báo với Irwin để xin nghỉ việc với lý do mẹ tôi ốm nặng, một "ông lớn châu Phi" xuất hiện với một chiếc cặp da căng phồng toàn đôla Mỹ. Đó là tiền lương trả cho phi công, trả lệ phí sân bay và tiền mua nhiên liệu…".

Cuối tháng 4, tất cả các thành viên phi hành đoàn người Mỹ còn lại trên chiếc Boeing 727-223 tiến hành thanh lý hợp đồng rồi về Mỹ. Ở lại Luanda chỉ còn Irwin và Gabriel, đại diện Công ty Aerospace. Đến lúc này, Irwin vẫn chưa trả hết số tiền mua máy bay cho Maury Joseph, chủ tịch Aerospace. Bằng cách thuê một nhóm phi công, thợ máy người Angola và Nam Phi, Irwin tiếp tục cung cấp dầu diesel, lương thực cho các mỏ khai thác kim cương với hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm nợ nần.

Ông nói: "Họa vô đơn chí, đến tháng 6, cuộc nội chiến ở Angola vừa chấm dứt thì ngay lập tức, những công ty ôtô vận tải ồ ạt xuất hiện, tạo ra một sự cạnh tranh gay gắt giữa đường bộ và đường hàng không. Mà đã cạnh tranh thì việc đầu tiên là phải tìm cách loại trừ đối thủ".

Một đêm, lúc đang thiu thiu ngủ, Irwin nghe thấy ai đó mở cửa phòng mình. Hốt hoảng, ông hét lớn khiến kẻ mở cửa bỏ chạy. Ông nói tiếp: "Đến sáng, qua hỏi han, tôi được biết nhân viên trực đêm khách sạn đã nhận tiền của Antonio - một người Angola - để đưa chìa khóa dự phòng cho hắn ta. Chính Antonio là kẻ làm việc cho một công ty vận tải đường bộ đang cạnh tranh trực tiếp với tôi. Y đã từng theo dõi tôi nhiều lần".

Sợ đến vãi linh hồn, hôm sau Irwin rời khỏi Luanda, bỏ của chạy lấy người và không bao giờ quay lại nữa, mặc cho Maury Joseph, Chủ tịch Công ty Aerospace ra sức thuyết phục, kể cả hứa sẽ gửi sang Angola một phi hành đoàn mới. Irwin kể: "Lo ngại mất máy bay, ông ấy gây sức ép với tôi bằng cách nhắc lại số tiền 875.000USD mà tôi còn nợ khi ký hợp đồng mua chiếc Boeing. Đáp lại, tôi trả lời rằng theo hợp đồng, nếu tôi không trả được tiền thì Gabriel có quyền đưa máy bay về nên giờ thì ông ấy cứ làm theo ý của ông ấy".

Lẽ dĩ nhiên Maury Joseph không thể đưa chiếc Boeing 727-223 từ Luanda về Mỹ bởi lẽ nó còn bị ràng buộc bởi bản hợp đồng đã ký giữa Irwin và các công ty khai thác kim cương trong việc cung cấp cho những nơi này dầu diesel và thực phẩm.

Từ đó, chiếc Boeing 727-223 bị bỏ xó ở sân bay Luanda. Mưa nắng khiến thân máy bay trở nên nham nhở nhưng cả 3 động cơ đều vẫn còn tốt. Cuối cùng, vào tháng 10-2002, Maury Joseph  tìm được người đồng ý mua chiếc Boeing. Đó là Jeff Swain, giám đốc một công ty môi giới và cho thuê máy bay, địa điểm giao nhận ở Johannesburg, Nam Phi. Vấn đề còn lại là làm cách nào mang nó ra khỏi Angola trong tình trạng vẫn còn bay được.

(Còn tiếp)

Cao Trí (Theo Air&Space Magazine)
.
.