Báo cáo Tình báo Anh về quả bom hạt nhân của Iran

Thứ Bảy, 04/08/2012, 06:45

Tại một diễn đàn công khai bất thường mới đây, lãnh đạo Cơ quan phản gián MI-6 của Anh - Sir John Sawers - dự đoán Iran rất có thể sẽ chế tạo thành công quả bom hạt nhân vào năm 2014 và nghiễm nhiên trở thành một "nhà nước hạt nhân" mới. Tờ Daily Telegraph của Anh dẫn lời của Sir John Sawers cho biết: người Iran đang tìm mọi cách để làm chủ mọi phương diện của vũ khí hạt nhân, mọi công nghệ mà họ cần.

Theo tờ Daily Telegraph, đây là lần đầu tiên Sir John Sawers đánh giá công khai về tham vọng hạt nhân của Iran kể từ khi ông được bổ nhiệm lãnh đạo Cơ quan Phản gián MI-6 vào năm 2009. Năm 2007, cộng đồng tình báo Mỹ từng đánh giá rằng, Iran đã tạm ngưng nghiên cứu phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân vào năm 2003 và không có quyết định thực hiện những bước cuối cùng để chế tạo một quả bom hạt nhân.

Chính quyền Anh cũng xác nhận những chiến dịch bí mật của tình báo nước này đã ngăn chặn được ý đồ sở hữu công nghệ vũ khí hạt nhân của Iran ngay từ năm 2008. Nhưng Israel luôn nghi ngờ Tehran không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Về phần mình, chính quyền Iran luôn khẳng định nước này không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân và thường xuyên lớn tiếng tuyên bố chương trình hạt nhân của mình được thiết kế vì mục đích hòa bình. Giờ đây Sir John Sawers lại khiến cho thế giới lo ngại khi dự đoán Iran sẽ sở hữu quả bom hạt nhân trong vòng 2 năm nữa, sau khi nhấn mạnh, nếu không có những nỗ lực của tình báo Anh thì có lẽ Iran đã trở thành "nhà nước vũ trang hạt nhân" từ năm 2008.

Sau những nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Tehran từ bỏ chương trình làm giàu uranium bị thất bại, Sir John Sawers yêu cầu điệp viên Anh cố gắng kiềm chế Iran khi các chính khách đang chuẩn bị có quyết định xem có nên chấp nhận một nhà nước Iran vũ trang hạt nhân - một điều mà Thủ tướng Israel và Tổng thống Mỹ khó chấp nhận được - hay phải tấn công nước này.

Sir John Sawers còn tuyên bố MI-6 đã "tiến hành một loạt các chiến dịch tình báo để bảo đảm những biện pháp trừng phạt của quốc tế được thực hiện đầy đủ". Dự đoán của John Sawers phát đi vào lúc Mỹ đang tăng cường những biện pháp trừng phạt chống các công ty bình phong bị nghi ngờ cung cấp chất liệu hạt nhân cho Iran. Cảnh báo của  Sir John Sawers về một nhà nước Iran vũ trang hạt nhân vào năm 2014 có thể đẩy khối Liên minh cầm quyền vào tình trạng rối bời ngay trước khi cuộc bầu cử sắp diễn ra.

Biểu tình ở Tehran phản đối vụ ám sát nhà khoa học Mostafa Ahmadi-Roshan ngày 13/1/2012.

Đảng Dân chủ Tự do Anh (LPD) không ủng hộ bất cứ hành động quân sự nào chống Iran. Trong khi phe Bảo thủ tin rằng, vấn đề cuối cùng có thể gây chia rẽ Khối Liên minh khi mà nước Anh buộc phải ủng hộ bất cứ hành động nào của Mỹ. Tháng 3/2012, Sir John Sawers có cuộc nói chuyện trước hơn 20 bộ trưởng về những thông tin tình báo mới nhất trong bầu không khí lo sợ Israel sẵn sàng tấn công phủ đầu chống Iran bất cứ lúc nào. Tính chất bí mật của vụ việc được thể hiện rõ trong phiên họp nội các của Chính phủ Anh bằng cách cấm các bộ trưởng sử dụng điện thoại di động.

Lãnh đạo MI-6 cũng lo ngại về mối đe dọa tiềm tàng đối với nước Anh khi có cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông sau khi Ngoại trưởng William Hague cảnh báo tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran đe dọa làm bùng nổ cuộc "chiến tranh lạnh mới". Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Daily Telegraph, Ngoại trưởng William Hague phát biểu, Iran đang đe dọa tạo ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở khu vực Trung Đông có thể nguy hiểm hơn cuộc Chiến tranh lạnh trong quá khứ giữa Đông và Tây.

Ảnh chụp vệ tinh cơ sở làm giàu uranium Fordo của Iran năm 2009.

Trong những năm gần đây, một số nhà khoa học hạt nhân Iran đã bị ám sát trên đường phố Tehran và virus máy tính gọi là Stuxnet đã gây thiệt hại cho các hệ thống máy tính trong các cơ sở hạt nhân của Iran. Qua đó, chính quyền Tehran buộc tội tình báo Mỹ, Israel và Anh đã tiến hành nhiều chiến dịch bí mật chống lại Iran.

Trong cuốn sách mới xuất bản tựa đề "Các điệp viên chống Ngày tận thế: Những cuộc chiến tranh bí mật bên trong Israel", hai tác giả Dan Raviv và Yossi Melman lập luận rằng, điệp viên Mossad của Israel đứng đằng sau những vụ ám sát các nhà khoa học Iran. Nhưng liệu điều đó có đủ hiệu quả để ngăn chặn tham vọng sở hữu quả bom hạt nhân của Iran? Có lẽ những vụ ám sát được giao cho một đơn vị gián điệp đặc biệt chuyên thực hiện những sứ mạng cực kỳ nhạy cảm - một tổ chức kiểu như Mossad bên trong Mossad gọi là "Kidon" (nghĩa là Lưỡi lê).

Bìa cuốn sách "Các điệp viên chống Ngày tận thế: Những cuộc chiến bí mật bên trong Israel”.

Điệp viên Kidon được đánh giá là những người thông minh, can đảm và mạnh khỏe hơn nhân viên nam và nữ của Mossad. Họ nổi tiếng hoàn thành sứ mạng mà không để lại bất cứ dấu vết nào. Tuy nhiên, chính quyền Israel chưa bao giờ thừa nhận về sự tồn tại của “Kidon” hay các hoạt động của đơn vị tuyệt mật này. Trong nhiều năm qua, một số câu chuyện về kỹ năng tuyệt vời của điệp viên “Kidon” đã rò rỉ ra công chúng - họ được coi là đồng nghĩa với những vụ ám sát bí mật. Những vụ ám sát các nhà khoa học vật lý và hạt nhân Iran được người Israel gọi là những điệp vụ "xanh và trắng" - ám chỉ đến màu cờ của Israel.

Mặc dù Iran không có quan hệ ngoại giao với Israel đồng thời cấm bất cứ người Israel nào bước vào Iran, song dường như điệp viên Mossad dễ dàng ra vào nước Cộng hòa Hồi giáo này như chỗ không người, bất chấp mọi sự kiểm tra nghiêm ngặt ở biên giới. Sự thật dễ thấy là hai quốc gia Azerbaijan và Turkmenistan là "bệ phóng" lý tưởng cho điệp viên Mossad xâm nhập vào lãnh thổ Iran. Meir Dagan - Giám đốc Mossad từ năm 2002 đến 2010 - rất hài lòng với thành công ngoài sức tưởng tượng của điệp viên Israel và tuyên dương họ đã hành động “sạch sẽ”: không để lại bằng chứng, không dấu tay, thậm chí không để lại một chiếc môtô nào đằng sau.

Nhưng bất chấp những thành công về chiến thuật ở Iran, Tamir Pardo - tân Giám đốc của Mossad - và Thủ tướng Benjamin Netanyahu đều biết rằng toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của Iran sẽ không bị phá hủy bằng những vụ ám sát các nhà khoa học hay các sĩ quan quân đội của nước Cộng hòa Hồi giáo

Duy Minh (tổng hợp)
.
.