Các chuyên gia tâm lý học trợ giúp CIA tra tấn tù nhân?

Thứ Ba, 21/07/2015, 21:45
Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), tổ chức nghiên cứu khoa học lớn nhất của các nhà tâm lý học Mỹ và Canada, đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất sau khi một báo cáo được tiết lộ mới đây cho thấy các thành viên của tổ chức này dính líu sâu vào chương trình tra tấn tù nhân gây tranh cãi dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush sau ngày 11/9/2001.

Báo cáo dày 542 trang vạch trần sự dối trá kéo dài nhiều năm trời của các chuyên gia tâm lý học về nghi vấn hợp tác giữa họ với Cục Tình báo trung ương (CIA) và Lầu Năm Góc. Tiết lộ này đã dẫn đến quyết định sa thải một số quan chức APA đồng thời bộc lộ nguy cơ nhiều thành viên khác sẽ bị tước giấy phép hành nghề cũng như khả năng bị truy tố trước tòa án.

Báo cáo là kết quả cuộc điều tra kéo dài 7 tháng dưới sự lãnh đạo của David Hofman - luật sư Hãng luật Sidley Austin - theo yêu cầu từ Ban giám đốc APA.

Trong hơn một thập niên, APA - trụ sở tại Washington DC. - tuyên bố luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức một cách nghiêm ngặt khi cấm hơn 130.000 thành viên của mình dính líu đến những cuộc tra tấn tù nhân của quân đội và cơ quan tình báo. Giới chức APA cũng lên tiếng bác bỏ cáo buộc của giới truyền thông cho rằng các thành viên của tổ chức này có liên quan đến chương trình tra tấn tăng cường của CIA sau ngày 11/9.

Nhưng báo cáo của David Hoffman lại kết luận: Một số quan chức hàng đầu của APA làm việc với giới chức Lầu Năm Góc để "tìm kiếm sự dung hòa giữa chính sách đạo đức của tổ chức và chính sách về tra tấn của Bộ Quốc phòng".

Giám đốc phụ trách đạo đức APA Stephen Behnke.

Theo báo cáo, Giám đốc phụ trách đạo đức APA Stephen Behnke đã bí mật nhận được hợp đồng trợ giúp các chuyên gia thẩm vấn tù nhân từ Lầu Năm Góc. Stephen Behnke là Giám đốc APA từ tháng 11/2000 và lợi dụng vị trí của mình để kiềm chế những người bất đồng chính kiến.

Chủ tịch APA Nadine Kaslow cho biết, Behnke không còn làm việc cho APA sau ngày 8/7 khi tổ chức này nhận được báo cáo của David Hoffman. Tuy nhiên, bà Kaslow không tiết lộ Behnke tự nguyện từ chức hay bị sa thải.

Sau khi báo cáo của David Hoffman được công bố hôm 10/7 vừa qua, APA đã chính thức phát đi lời xin lỗi. Bà Nadine Kaslow dự báo trong thời gian tới sẽ có những thay đổi diễn ra tại APA.

Theo bà Nadine Kaslow: "Những hành động, chính sách và sự thiếu độc lập trước ảnh hưởng từ chính quyền được mô tả trong báo cáo của David Hoffman đã bộc lộ sự thất bại trong việc tuân thủ những giá trị cốt lõi của chúng tôi. Chúng tôi hối tiếc một cách sâu sắc và xin lỗi vì hành vi và những hậu quả đã xảy ra".

Trụ sở APA ở Washington DC.

APA cũng đang xem xét những đề xuất cấm các nhà tâm lý học tham gia vào các cuộc thẩm vấn và thay đổi các chính sách về đạo đức cũng như một số thay đổi khác. Sự dính líu của giới chuyên gia tâm lý học trong các chương trình thẩm vấn là đề tài gây tranh cãi sôi nổi trong nhiều năm dài. Một báo cáo khác, do những người chỉ trích APA được công bố hồi tháng 4 vừa qua, cũng có những kết luận tương tự. Tuy nhiên, báo cáo của David Hoffman mô tả chi tiết hơn về vai trò của giới chuyên gia APA trong chương trình thẩm vấn tù nhân.

Dưới thời chính quyền George W. Bush, CIA tiến hành những cuộc tra tấn hết sức tàn bạo gọi là "tăng cường" bao gồm kỹ thuật giội nước "waterboarding" bị lên án mạnh mẽ. Những cuộc tra tấn dã man được tiến hành trong những nhà tù bí mật của CIA trên khắp thế giới.

Sự bất đồng quan điểm nổ ra bên trong CIA không bao lâu sau khi chương trình tra tấn tù nhân bắt đầu tiến hành. Vào khoảng cuối năm 2002, lãnh đạo Văn phòng Dịch vụ Y tế (OMS) của CIA Terrence DeMay lên tiếng phản đối sự tham gia của James Mitchell vào chương trình thẩm vấn của họ. James Mitchell - nhà tâm lý học và là huấn luyện viên tham gia chương trình của Không quân Mỹ gọi là SERE (tồn tại, lẩn trốn, đối đầu và đào thoát) - nghĩa là chương trình đào tạo khả năng sinh tồn cho binh sĩ, tránh bị kẻ địch bắt giữ cũng như đối phó với cuộc thẩm vấn. Mitchell cũng là cố vấn trong ban cố vấn CIA trong đó bao gồm 2 cựu chủ tịch APA.

Báo cáo của David Hoffman.

Theo báo cáo của Hoffman, chính phản ứng của DeMay đã dẫn đến cuộc tranh cãi ầm ĩ trong nội bộ CIA về việc liệu sự tham gia của các nhà tâm lý học vào chương trình thẩm vấn tù nhân có vi phạm đạo đức hay không. Tháng 3/2004, một số chuyên gia y khoa CIA - bao gồm bác sĩ tâm thần Charles Morgan và nhà tâm lý học Kirk Hubbard đã gửi email đến APA bày tỏ mối lo ngại của họ về sự tham gia chương trình thẩm vấn của các nhà tâm lý học có thể vi phạm chuẩn mực đạo đức của tổ chức này. 

Susan McDaniel, thành viên ủy ban đặc biệt được APA thành lập để đánh giá báo cáo điều tra của David Hoffman, cho rằng: "Báo cáo Hoffman chứa đựng những phát hiện chưa từng biết đến trước đây về những trường hợp câu kết vi phạm đạo đức". Một người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết nơi đây đang đánh giá báo cáo Hoffman và chưa thể đưa ra bình luận gì.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.