Báo cáo tình báo Mỹ về tình hình Afghanistan

Thứ Bảy, 04/02/2012, 04:20

Trong báo cáo mới được giữ bí mật, cộng đồng tình báo Mỹ nhận định cuộc chiến ở Afghanistan đã đẩy nước Mỹ vào tình huống bế tắc, đồng thời cảnh báo rằng những thành tựu an ninh đạt được ở quốc gia này có nguy cơ tiêu tan do tình trạng tham nhũng tràn lan, sự lãnh đạo yếu kém và chiến binh Taliban đang hoạt động mạnh từ nước Pakistan láng giềng.

Báo cáo đánh giá mật tình báo quốc gia (NIE) hoàn thành trong tháng 12/2011 và chuyển giao cho Nhà Trắng - đã mâu thuẫn với những nhận xét lạc quan mới đây của giới quan chức Nhà Trắng và gây chia rẽ sâu sắc giữa cộng đồng tình báo Mỹ và giới chỉ huy quân sự về sự tiến bộ của cuộc chiến kéo dài một thập niên của Mỹ.

Tài liệu chi tiết NIE dài hơn 100 trang thể hiện quan điểm nhất trí của CIA và 15 cơ quan tình báo Mỹ. Tương tự như báo cáo NIE năm 2010, báo cáo năm 2011 thách thức tuyên bố của Lầu Năm Góc rằng, quân đội Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ về an ninh tại miền Nam Afghanistan, nơi đặt pháo đài kiên cố của Taliban.

Trong phần phác thảo về những kịch bản tương lai, NIE cũng quả quyết rằng chính quyền ở Kabul của Afghanistan có thể sẽ không tồn tại nổi khi Mỹ rút phần lớn binh sĩ ra khỏi nước này đồng thời cắt giảm số lượng chuyên gia cố vấn quân sự và dân sự.

Mặc dù quân đội Mỹ và đồng minh tin là họ đã quét sạch chiến binh Taliban ra khỏi một số khu vực của Afghanistan trong năm 2011, song NIE cho rằng, thành quả đó vẫn chưa đủ để củng cố chính quyền trung ương hết sức yếu kém ở Kabul, hay làm giảm bớt được những cuộc tấn công của Taliban và cũng không gây được lòng tin của người dân Afghanistan vào chính quyền.

Chiến binh Taliban đầu hàng tại thành phố Herat của Afghanistan trong chương trình ân xá của chính quyền nước này được Mỹ hỗ trợ.

Do đó, NIE cảnh báo tình hình có thể gây khó khăn cực kỳ cho kế hoạch rút hết quân và trao trách nhiệm chiến đấu lại cho chính quyền Afghanistan vào năm 2014 của Tổng thống Barack Obama.

NIE 2011 đã nhận được phản ứng gay gắt từ phía tướng John Allen, chỉ huy lực lượng phương Tây ở Afghanistan, và đại sứ Mỹ Ryan Crocker ở Afghanistan. Quân đội và Lầu Năm Góc lập luận rằng, những đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ là sai lầm và coi nhẹ mọi nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ chính quyền Afghanistan.

Một số người trong Quốc hội Mỹ và chính phủ Obama tỏ ra hết sức lo ngại trước những nhận định của NIE, khi mà trong năm qua Mỹ đã tiêu tốn hơn 100 tỉ USD và đã có 1.873 lính Mỹ bị giết chết ở Afghanistan kể từ khi quân đội Mỹ xâm lược nước này năm 2001, theo trang web icasualties.org.

Khi còn giữ chức vụ chỉ huy cuộc chiến ở Afghanistan, tướng David H. Petraeus cũng bày tỏ sự bất đồng quan điểm với NIE. Nhưng hiện nay với trách nhiệm lãnh đạo CIA, tướng Petraeus không được phép dùng quan điểm của một cựu chỉ huy quân đội để chỉ trích những phân tích của cơ quan tình báo.

Tuy nhiên, NIE đồng ý với quân đội ở một điểm là chiến binh Taliban hiện đã tìm thấy thiên đường an toàn tại các khu vực bộ tộc ở Pakistan. Sau thời gian yên tĩnh kéo dài 6 tuần, những chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái của CIA tiếp tục trở lại ở Bắc Waziristan và giết chết 4 người, song giới quan chức Mỹ cảnh báo chỉ riêng những cuộc tấn công bằng drone không thể ngăn chặn phiến quân tập hợp lực lượng trở lại trong khu vực này. Còn quan chức quân đội Mỹ thừa nhận không dễ chiến thắng hoàn toàn, và một hiệp ước hòa bình là khả năng đáng xem xét nhất.

Taliban chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhất là ở miền Nam Afghanistan, song phiến quân cũng giành được mảnh đất ở miền Đông nước này, gần Pakistan. Cộng đồng tình báo Mỹ không tin những kết quả đạt được ở miền Nam Afghanistan có thể duy trì được sau khi một lượng lớn binh sĩ Mỹ rút khỏi nước này.

Và nếu thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội và nhất là lực lượng cảnh sát Afghanistan sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng trong cuộc chiến chống Taliban. NIE cũng nghi ngờ việc chính quyền dân sự Afghanistan có khả năng cai quản thành công miền Nam đất nước cũng như các khu vực khác.

Vào cuối năm 2009, Tổng thống Barack Obama đồng ý cho triển khai 33.000 quân bổ sung cho chiến trường Afghanistan, và vào mùa hè năm 2011 tổng quân số của Mỹ ở nước này lên đến khoảng 100.000 quân. Theo kế hoạch, mọi lực lượng chiến đấu sẽ rút đi vào năm 2014. Lầu Năm Góc quyết định lực lượng Mỹ còn lại sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện cho Afghanistan nhưng Nhà Trắng chưa phê duyệt.

Trong khi đó, chính quyền Obama đang thương lượng về một liên minh quân sự dài hạn với chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai. Trong cuộc nói chuyện với binh lính tại căn cứ Sharana ở tỉnh Paktika miền Đông Afghanistan vào ngày 14/12/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta nhấn mạnh quân đội Mỹ đang đi đúng hướng và nhất định sẽ chiến thắng trong cuộc chiến vô cùng gay go này.

NIE thường có ảnh hưởng đáng kể đến mọi chính sách của Mỹ, dù nó khó thoát khỏi những sai lầm. Ví dụ nổi tiếng nhất là trong báo cáo năm 2002 về tình hình Iraq. NIE hết sức tự tin khi nhận định rằng Saddam Hussein đã bí mật sở hữu vũ khí sinh học và hóa học và đang cố chế tạo một quả bom hạt nhân.

Chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cũng đã nhiều lần viện dẫn đến NIE trước khi xâm lược Iraq vào năm 2003 để rồi cuối cùng mới thấy rõ NIE đã sai lầm! Mặc dù từ chối bình luận về nội dung của NIE năm 2011 song một số thành viên Quốc hội cũng cho biết họ rất lo ngại về sự thiếu tiến bộ ở Afghanistan.

Dân biểu Jan Schakowsky, thành viên của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, đề nghị chính quyền Obama nên tiết lộ một phiên bản NIE không được xếp loại mật để bàn luận công khai, và người dân Mỹ cũng cần được nhìn thấy một số kết luận quan trọng của NIE

Diên San (tổng hợp)
.
.