Bê bối gián điệp lớn nhất ở Đức thời hậu chiến

Thứ Tư, 12/09/2018, 07:58
Một ngày tháng 4-1974, khu phố Ubierstrasse ở Bonn, thủ đô của Tây Đức, trở nên náo động khi một đoàn xe của cảnh sát bao vây ngôi nhà số 107. Cư dân càng ngạc nhiên hơn khi hay biết, viên cố vấn Günter Guillaume của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt lại là một điệp viên nằm vùng… Hơn 40 năm qua, vụ việc Guillaume vẫn là scandal gián điệp lớn nhất ở Đức thời hậu chiến.


Sụp đổ

Năm 1974, Pierre Guillaume là một chàng trai 17 tuổi, rất vui nhộn và sống hạnh phúc trong ngôi nhà của mình trên phố Ubierstrasse ở Bonn, thủ đô của Tây Đức. Mẹ anh, bà Christel Guillaume, là một thư ký tại văn phòng đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ở bang Hesse. Cha anh, Günter Guillaume, làm việc ở phủ Thủ tướng. Ông là người thân cận của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt. Bản thân Pierre cũng tham gia với tổ chức Thanh niên xã hội trẻ vì nhà lãnh đạo dân chủ xã hội.

Điệp viên Günter Guillaume (đeo kính đen), ngồi sau Thủ tướng Willy Brandt. Ảnh: daserste.de.

Thế nhưng, 6 giờ 32 phút sáng 24-4-1974, thế giới của chàng trai trẻ Pierre Guillaume sụp đổ. Một nhóm cảnh sát đã bao vây ngôi nhà số 107 trên phố Ubierstrasse, lùng sục, tìm kiếm và lấy đi tất cả tài liệu, băng đĩa. Pierre không hiểu điều gì đang xảy ra trước mắt cậu. Cảnh sát bắt bố mẹ của cậu đi. Bà Christel Guillaume đang khóc. Còn ông Günter Guillaume biến mất đằng sau thùng xe tải.

Trước đó vài phút, ông Guillaume đã làm sửng sốt các sĩ quan cảnh sát bắt giữ ông khi thú nhận: “Tôi là sĩ quan Quân đội Quốc gia và cán bộ của Bộ An ninh Quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức. Tôi yêu cầu tôn trọng danh dự của tôi như một sĩ quan”.

Pierre Guillaume, người đã đổi tên năm 1988 thành Pierre Boom, sau này đã hiểu ra lý do vì sao cha mẹ ông bị bắt. "Tôi cho rằng họ là những nhân chứng lịch sử. Đó là một cú sốc đối với tôi và có nhiều vùng tối tôi chưa được biết. Nhưng mẹ không kể với tôi. Bà ấy đã mang tất cả bí mật xuống mồ”, Pierre đau khổ nói.

Thế nhưng, hơn 40 năm đã trôi qua, vụ việc liên quan tới cặp vợ chồng điệp viên Günter Guillaume và Christel Guillaume vẫn là vụ bê bối gián điệp lớn nhất ở Đức thời hậu chiến. Chính vì vụ này mà Thủ tướng CHLB Đức khi đó là ông Willy Brandt đã phải từ chức vào ngày 7-5-1974, vài ngày sau khi cảnh sát bắt giữ Günter Guillaume - cộng sự của ông, đồng thời là gián điệp cho Bộ An ninh Quốc gia (Stasi) của Cộng hòa Dân chủ Đức.

Nhiệm vụ vượt biên

Khi rời Đông Đức năm 1956, vợ chồng Günter Guillaume có nhiệm vụ xâm nhập vào lãnh thổ Tây  Đức. Thời kỳ đó, rất khó khăn để vượt qua biên giới. Giống như nhiều người di cư khác, vợ chồng Günter Guillaume khăn gói lên đường.

Cặp vợ chồng điệp viên nổi tiếng Günter và Christel Guillaume. Ảnh: Getty images.

“Christel Guillaume nghĩ rằng, cô được chính quyền lựa chọn bởi nguồn gốc Hà Lan của mình. Đây là cái cớ để vợ chồng cô có thể vượt biên thành công”, Gerhard Haase-Hindenberg, một nhà báo và là đồng tác giả cuốn tiểu sử “Pierre Boom-Le Père étranger”, cho hay. Cũng theo ông Gerhard Haase-Hindenber, Christel - người mà ông có dịp gặp đầu những năm 2000 trong một căn phòng nhỏ ở Berlin - rất thông minh.

Ngay khi tới Frankfurt, hai vợ chồng đã mở một quán café và bán thuốc lá lấy tên là “Boom am Dom”.  Đây là cơ sở của họ để bắt đầu hoạt động vào năm 1957: theo dõi hoạt động của của đảng Xã hội dân chủ Đức (SPD). Christel Guillaume được nhận làm thư ký tại SPD, sau đó làm trợ lý cho Ngoại trưởng Willi Birkelbach. Trong vai trò này, Christel được tiếp cận nhiều hồ sơ mật, trong đó có những tài liệu về NATO.

Nhưng vai trò của cô chỉ để hỗ trợ chồng. Günter Guillaume có một sự nghiệp rực rỡ hơn. Trong một thập kỷ, Günter Guillaume đã có bước tiến lớn trong sự nghiệp nhờ sự “trả ơn” của ông Willy Brandt - người sau này trở thành Thủ tướng Tây Đức. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, cha của Guillaume đã che chở và cho ông Willy Brandt trốn ở nhà mình để tránh sự đàn áp bắt bớ của Đức Quốc xã. Nhờ vậy, năm 1970, sau khi đảng SPD lên nắm quyền, ông Günter Guillaume được bổ nhiệm là người điều hành phủ Thủ tướng của Thủ tướng Willy Brandt, chịu trách nhiệm về các vấn đề nội bộ đảng.

“Khi Günter Guillaume nộp đơn tuyển dụng vào Văn phòng Thủ tướng, hồ sơ của ông phủ đầy bóng tối. Các cơ quan tình báo Tây Đức biết rằng, Günter Guillaume trong những năm 1950 đã làm việc cho các cơ quan tuyên truyền của Đông Đức. Nhưng ông đã tự bảo vệ mình bằng lập luận đó là công việc mà ông phải làm dưới chế độ cộng sản”, Eckard Michels, Giáo sư sử học Trường Đại học Birkbeck ở London (Anh) cho biết. Tại SPD, Günter Guillaume là thành viên của cánh hữu. Ông phản đối việc sáp nhập với Đông Đức và lấy được lòng tin của nhiều người.

Từ ngày 28-1-1970, Guillaume bắt đầu làm việc tại bộ máy Văn phòng Thủ tướng Liên bang và từ năm 1972 đã leo lên đến chức vụ một trong 3 trợ lý riêng của Thủ tướng Willy Brandt. Kể từ thời điểm đó, toàn bộ hoạt động của Thủ tướng CHLB Đức, kể cả những ý đồ, thực chất và nội dung của “chính sách phía Đông” (Ostpolitik) của ông cũng chẳng còn là bí mật đối với ban lãnh đạo CHDC Đức.

Lộ diện vì sai lầm ngớ ngẩn

Tuy nhiên, Cơ quan phản gián Đức (Bundesamt für Verfassungsschutz-BfV) vẫn cảm thấy bất an mỗi khi nhắc tới Günter Guillaume. Từ lâu, họ đã nhận được nhiều thông tin tình báo cho thấy, có những bức điện gửi từ Tây Đức sang Đông Đức và ký mật danh “G.”. Nhưng mặc dù theo dõi Guillaume liên tục 11 tháng liền, BfV cũng không thể bắt quả tang Günter hoạt động tình báo. Do thiếu chứng cứ chống lại ông Günter, nên Bộ trưởng Nội vụ FDP Hans-Dietrich Genscher tuyên bố, cứ từ từ để ông “cất mẻ lưới lớn”.

Thủ tướng Willy Brandt và vợ, đi theo sau là Günter Guillaume, ở Bonn năm 1973. Ảnh: DPA.

Tuy nhiên, dù được Bộ trưởng Nội vụ cảnh báo về sự đáng ngờ của Günter Guillaume song Thủ tướng Willy Brandt bỏ ngoài tai vì ông tin vào sự trung thành của viên cố vấn. Thậm chí, Thủ tướng còn yêu cầu gia đình Guillaume cùng đi nghỉ với mình ở Na Uy. Tận dụng cơ hội hiếm có này, Günter Guillaume đã đánh cắp bức thư của Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi Thủ tướng Đức. Đây chính là vũ khí của Guillame.

“Thực tế, các báo cáo mà Günter Guillaume gửi về Stasi vô hại", nhà sử học Eckard Michels nói. “Nếu tính điểm sao cho các tài liệu gửi về, các báo cáo của Günter thường ở mức từ hai đến bốn sao trên thang điểm năm", ông Michels tiếp tục nói. Hầu hết báo cáo của điệp viên Günter Guillaume chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ của SPD, của công đoàn, hoạt động thương mại quốc tế. Còn bệnh nghiện rượu, quan hệ nam nữ của ông Willy Brandt thì Günter Guillaume không bao giờ đề cập tới trong các tài liệu gửi về Stasi.

“Theo quan điểm của tôi, Guillaume, trong mười tám năm ở Tây Đức, đã dần thay đổi, từ gián điệp để trở thành một công dân Tây Đức gần như bình thường. Anh ta đã tiếp tục hoạt động của mình vì anh ta sợ bị Stasi trả thù", Eckard Michels nói. “Điều đó chẳng có gì bất ngờ bởi giữa một hình ảnh của Đông Đức với một thực tế ở Tây Đức, rõ ràng ông Günter Guillaume sẽ có sự lựa chọn riêng. Günter Guillaume thực sự rất thích Willy Brandt, song không bao giờ muốn xác nhận điều đó", nhà báo Gerhard Haase - Hindenberg nhận định.

Tuy nhiên, vỏ bọc điệp viên của Günter Guillaume tưởng  như hoàn hảo lại bị lật tẩy bởi một sai lầm ngớ ngẩn của các nhân viên Stasi. Theo BfV, hồi đó, Stasi sử dụng mật mã để gửi các bức mật điện một chiều thông báo các chỉ thị và giao nhiệm vụ cho các điệp viên... Stasi rất chu đáo nên thường chúc mừng các điệp viên của mình và thân nhân họ. Đôi khi, họ đã dùng điện mã để chúc mừng ngày lễ, ngày vui của họ.

“Chào mừng người đàn ông thứ hai”, bức điện viết năm 1957 mà BfV giải mã được. BfV đã so sánh các bức điện chúc mừng với ngày sinh của con trai và vợ Guillaume, ngay lập tức, mọi chuyện trở nên rõ ràng.

Tháng 4-1973, Giám đốc BfV đã biết chính xác Guillaume và vợ anh là điệp viên của Stasi. Vụ việc ngay lập tức được báo cáo lên Bộ trưởng Nội vụ CHLB Đức Dieter Genscher. Nhưng do không có bằng chứng để đưa ra tòa, họ đã quyết định cứ để Günther ở bên cạnh Willy Brandt để tiếp tục theo dõi và thu thập chứng cớ hoạt động gián điệp. Họ đã để Guillaume tiếp tục làm cố vấn cho Thủ tướng cả năm nữa.

Khi Guillaume và em trai đi nghỉ ở Sandinavia, họ đã bắt quả tang Günther Guillaume cùng các tài liệu mật. Các tài liệu này đã được đưa ra làm bằng chứng tại phiên tòa xử Guillaume sau này.

Ngày 15-12-1975, Guillaume bị kết án 13 năm tù. Christel, vợ ông và là cộng sự của ông bị kết án 8 năm tù vì tội phản quốc, làm gián điệp và đồng lõa làm gián điệp. Sự nguy hại của vợ chồng Guillaume được thể hiện qua tuyên bố của quan tòa Herman Muller: “Bằng những hành động có tính toán, tên gián điệp này (Guillaume) đã đặt toàn bộ liên minh phòng thủ phương Tây trước sự đe dọa”.

Trong hồi ký của mình, cựu Thủ tướng Willy Brandt cho biết, ông được tin cộng sự của mình bị bắt giữ khi ông vừa kết thúc chuyến thăm Bắc Phi. Ông biết, đó cũng chính là thời điểm kết thúc sự nghiệp chính trị của mình.

Tháng 10-1981, Guillaume đã được thả để đánh đổi lấy 8 điệp viên Tây Đức bị kết án ở CHDC Đức, còn Christel đã được thả trước đó để đổi lấy 6 điệp viên bị bại lộ của CHLB Đức. Trở về CHDC Đức, Guillaume được phong hàm Đại tá, Christel được phong hàm Trung tá và cả hai đều vinh dự được trao tặng Huân chương Karl Marx. Tuy nhiên, vài tháng sau đó, cặp đôi Günter và Christel Guillaume đã kết thúc bằng một vụ ly hôn.

Sau này, Günter Guillaume làm công tác giảng dạy tại trường tình báo của Stasi cho đến khi về hưu. Ngày 10-4-1995, ông qua đời ở Berlin sau một cơn nhồi máu cơ tim. Còn bà Christel thì mất trong căn hộ nhỏ khác ở Berlin năm 2000.

Yên Phúc
.
.