Bê bối ở Korean Air: Mặt trái của gia đình trị

Thứ Năm, 17/05/2018, 14:30
Cách đây một tuần, vào ngày 4-5, hàng trăm nhân viên của Hãng hàng không Korean Air (Hàn Quốc) đeo mặt nạ xuống các đường phố ở thủ đô Seoul biểu tình phản đối gia đình điều hành hãng này. Cả những người ở hãng này, cả những người không ở trong hãng này cùng hô khẩu hiệu yêu cầu Chủ tịch Korean Air, ông Cho Yang-ho từ chức.

Sự bức xúc của các nhân viên cũng như người dân Hàn Quốc xuất phát từ cách ứng xử của các thành viên trong gia đình quyền lực và giàu có này. Các cheabol từng là niềm tự hào của Hàn Quốc nay đang bộc lộ mặt trái.

Giọt nước tràn ly và chai nước "rời" tay

Một loạt vụ việc về cách cư xử tồi tệ đã đưa gia đình ông Cho Yang-ho, một gia đình thuộc vào nhóm những người siêu giàu tai tiếng nhất của Hàn Quốc.

Trong vụ việc mới nhất, con gái út Cho Hyun-min của gia đình ông Cho Yang-ho đã nổi nóng trong một cuộc họp đang để lại hậu quả và tiếng tăm tai hại. Cô này bị chỉ trích vì hất cốc nước vào mặt một nhân viên tham dự cuộc họp.

Chủ tịch Korean Air, ông Cho Yang-ho trả lời báo chí liên quan tới việc trốn thuế. Ảnh: LostBird.

Cô Cho Hyun Min, 35 tuổi, người thừa kế của hãng Hàng không quốc gia Korean Air Lines (KAL), đồng thời là giám đốc điều hành của hãng này đã bị buộc tội về hành vi này. Cụ thể, cô Cho vì không hài lòng với màn thuyết trình của một nhân viên về chiến dịch quảng bá của hãng này nên đã "ném một chai nước vào tường, sau đó ném thêm một chai nước vào mặt cấp dưới".

Theo nhiều tờ báo Hàn Quốc, người bị ném chai nước là giám đốc bộ phận quảng cáo của KAL. Tuy nhiên, KAL sau đó đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên. Phát ngôn viên của KAL trần tình, chai nước bị ném xuống sàn chứ không phải vào mặt của cấp dưới. Bà Cho nghĩ rằng câu trả lời của cấp dưới chưa thỏa đáng nên đã tức giận và có hành động như vậy.

Bất chấp việc gia đình ông Cho Yang-ho đã có lời xin lỗi về cách cư xử của gia đình mình, nhưng vụ tai tiếng này có vẻ vẫn ngày một lớn và "vận đen" dường như đang bủa vây gia đình này khi cảnh sát Hàn Quốc nói rằng họ cũng đang điều tra các cáo buộc mẹ của hai cô này, bà Lee Myung-hee, đã bạo hành về lời nói và hành động. Lực lượng hải quan cũng đã nhận được đơn tố giác rằng gia đình này trong nhiều năm đã dùng các chuyến bay của Korean Air để buôn lậu hàng xa xỉ phẩm vào Hàn Quốc mà không phải trả thuế.

Gia đình ông Cho bị chú ý nhiều từ hồi 2014 khi chị cả của  Hyun-min, cô Hyun-ah, đã ra lệnh cho một chuyến bay thương mại với khoảng 250 hành khách trở về cổng tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, sau khi nổi giận với một tiếp viên hàng không chỉ vì cô này phục vụ mình hạt macadamia để nguyên trong túi chứ không đổ ra đĩa. Sau vụ việc tai tiếng này, cô Hyun-ah bị cho nghỉ việc và phải ngồi tù 5 tháng. Hồi đầu năm nay, bà Hyun-ah được cử vào một vị trí giám đốc khác, sau đó lại xin từ chức cùng cô em út mới đây.

Sau bê bối của 2 cô con gái, bà Lee Myung-hee, vợ Chủ tịch Korean Air cũng bị điều tra vì nghi hành hung nhân viên. Cáo buộc mới nhất chống lại gia đình này được đưa ra chỉ vài tuần sau vụ việc cô con gái thứ 2 của Chủ tịch Cho Yang-ho bị buộc tội hắt nước vào mặt của một người quản lý quảng cáo trong một cuộc họp.

Báo cáo của các phương tiện truyền thông đưa tin bà Lee, đang ở độ tuổi 60 đã lạm dụng nhiều công nhân sửa chữa nhà và nhân viên Korean Air, bao gồm la hét, nguyền rủa, tát và đá. "Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát sơ bộ về những nghi ngờ rằng bà Lee tấn công và lạm dụng qua lời nói đối với nhiều người", hãng tin Yonhap dẫn lời một viên chức cảnh sát cho hay.

Ngoài ra ông Cho Yang-ho còn có một con trai là Cho Won Tae. Anh này được cho là đã tấn công một phụ nữ lớn tuổi vào năm 2005 sau khi bà trách cứ anh ta vì lái xe ẩu. Cho Won Tae vừa được thăng chức chủ tịch Korean Air năm 2017.

Mặt trái của gia đình trị

Các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc, được gọi là giới chaebol trước kia từng là niềm tự hào của Hàn Quốc khi nhiều ông chủ đã mang lại công ăn việc làm; giá trị kinh tế lớn thông qua cách quản lý nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cheabol phải đối mặt với sự dò xét ngày một chặt chẽ từ xã hội, giữa lo ngại về yếu kém trong quản trị doanh nghiệp và những cáo buộc về hành vi xấu của những người thừa kế thế hệ thứ ba, nhiều nhân vật trong số này đảm nhận vị trí cao cấp tại các công ty.

Gần đây nhất là vụ Lee Jae Yong - Phó chủ tịch và là người thừa kế tập đoàn Samsung, còn được gọi là "thái tử Samsung" - tập đoàn “gia đình trị” lớn nhất của Hàn Quốc, đang đóng góp tới hai phần ba Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, bị bắt trong vụ bê bối của cựu Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon Sil.

Rõ ràng, quyền lực không bị kiểm soát của các tập đoàn lớn và hố sâu ngăn cách giữa các gia đình tài phiệt với người bình thường từ lâu đã là một vấn đề trong xã hội Hàn Quốc. Nhiều người than phiền rằng có một bộ luật cho người giàu và một bộ luật cho những người còn lại.

Tờ Dong-A Ilbo cho rằng, hành động của gia đình ông Cho điển hình cho việc các gia đình đứng đầu các tập đoàn “gia đình trị” nước này tự cho mình có quyền được hưởng các “đặc ân”.

Một cuộc khảo sát gần đây của Thời báo Segye (Hàn Quốc) và Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho thấy, 92% thanh niên Hàn Quốc nghĩ rằng xã hội của họ không công bằng, và rằng "gia đình trị có gốc rễ sâu sẽ hủy hoại xã hội". Samsung đang trong quá trình chuyển đổi quyền lực khi chủ tịch lâu năm Lee Kun-hee phải nhập viện sau một cơn đau tim hồi đầu năm nay.

Ông Cho đã từng vướng scandal “gia đình trị”. Ông bị kết án trốn thuế và biển thủ quỹ vào năm 1999. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung khi đó cáo buộc rằng “gia đình trị” là một yếu tố chính dẫn đến hàng loạt sự cố của hãng hàng không này, khiến hơn 800 người thiệt mạng.

Huyền Hoa
.
.