Bể phóng xạ khổng lồ dưới thành phố chết

Thứ Tư, 12/08/2015, 06:00
Chưa đầy 2km đằng sau chiến tuyến của phe ly khai ở miền Đông Ukraine là những căn nhà kho bỏ hoang của Nhà máy hóa chất Donetsk. Toàn bộ những khối nhà cháy nham nhở, còn những tòa nhà thấp không mái chi chít những lỗ đạn là vết tích của cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy. Những cư dân khốn khổ bám trụ lại nơi sinh trưởng lang thang trên những con đường hoang vắng đến thê lương ở quận Oktyabrsky của thành phố Donetsk nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy.

Nhưng điều nguy hiểm nhất mà người dân không được cảnh báo đang nằm yên bên dưới lòng đất của nhà máy hóa chất, đó là bể chứa ngầm bằng bê tông - dài 19,8m, rộng 10,5m và sâu 3m - từng được các nhà khoa học Liên Xô dày công thiết kế và xây dựng vào năm 1961 để chôn… 12 tấn chất thải phóng xạ.

Khu vực bể chứa ngầm nguy hiểm chết người

Từ năm 1961 đến 1966, các cơ sở y khoa, công nghiệp và nghiên cứu của Liên Xô đã chôn khối chất liệu phóng xạ nguy hiểm nhất tại bể chứa ngầm này và sau đó bịt kín lại. Vladimir Perevoznik cho biết: "Dữ liệu về các loại chất phóng xạ đã biến mất từ năm 1967. Nhưng chúng tôi biết đó là cesium, cobalt, strontium 90 và yttrium 90". Vladimir Perevoznik là Giám đốc kỹ thuật Radon, cơ sở chịu trách nhiệm về an ninh của bể chứa ngầm này cho đến khi khu vực rơi vào tay quân ly khai vào mùa xuân năm 2014.

Trụ sở SBU ở Kiev.

Perevoznik giải thích, phần lớn chất thải có lẽ là các chất đồng vị cesium. Chúng có thời hạn sử dụng từ 2 - 2,3 triệu năm và thường được dùng trong liệu pháp phóng xạ ngành y khoa hay trong ngành xây dựng để đo độ ẩm và độ dày của bức tường. Tuy nhiên, một lượng nhỏ cesium cũng có thể gây chết người nếu không có lớp vỏ bọc đặc biệt bảo vệ.

Giáo sư Konstantin Loganovsky, lãnh đạo Khoa Bệnh học tâm lý phóng xạ Trung tâm Quốc gia nghiên cứu Y học Phóng xạ của Ukraine, cho biết: "Một thiết bị cực nhỏ không lớn hơn cây bút chứa cesium đã bị đánh mất khi xây dựng một tòa nhà ở Kramatorsk (thị trấn trong khu vực Donetsk) hồi thập niên 80 thế kỷ trước". Theo một cuộc điều tra do Ủy ban Quốc gia Điều tiết hạt nhân Ukraine thực hiện năm 2002, mức độ phóng xạ ở khu vực bể chứa ngầm này cực cao - 725,2 tỉ Becquerel (Bq, đơn vị đo phóng xạ trong hệ thống đo lường quốc tế).

Cần nhắc lại rằng, sau trận sóng thần tấn công Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011, chính quyền nước này thông báo bức xạ cesium hơn 200 Bq/kg trong nước uống là không an toàn. Sự phơi nhiễm bức xạ gamma - cho dù trong khoảng thời gian cực ngắn - cũng có thể gây bệnh nhiễm xạ cấp tính vô cùng nguy hiểm. Nếu như rơi vào tay bọn bất lương, cesium 137 có thể gây suy cơ quan, ung thư hay dẫn đến cái chết cực kỳ nhanh.

Trong khi đó, có đến hàng tấn cesium 137 chôn dưới bể chứa nằm dưới sự kiểm soát của quân ly khai miền Đông Ukraine! Về mặt lý thuyết, bunker và lớp vỏ bọc bảo vệ giúp cho các hóa chất phóng xạ được an toàn, cho dù chúng có nằm gần chiến tuyến giữa quân đội Ukraine và quân ly khai. Nếu phải hứng chịu những quả đạn pháo nặng nhất, bể chứa cũng không dễ bị tác động. Theo Perevoznik: "Để chạm được đến chất liệu phóng xạ, người ta phải phá vỡ các tầng vỏ bọc bằng bê tông, thép và chì. Do đó, khu vực bể chứa không thể bị phá hủy một cách dễ dàng".

Nói cách khác, yếu tố an toàn nhất phải làm là để các chất phóng xạ nằm yên bên trong bể chứa ngầm. Tuy nhiên, vào đầu tháng 7 vừa qua, Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) đã trao cho tờ Newsweek của Mỹ tập hồ sơ tiết lộ việc quân ly khai đã bắt đầu hoạt động di chuyển chất thải phóng xạ. Theo thông tin tình báo mà SBU thu thập được, quân ly khai dường như bắt đầu tiến hành chế tạo vũ khí phóng xạ bẩn từ khối chất thải phóng xạ nằm trong bể ngầm này.

Hồ sơ do SBU cung cấp bao gồm 3 tài liệu mà tình báo Ukraine cho biết họ có được cùng với hàng trăm tài liệu khác sau khi xâm nhập thành công một tài khoản email của lực lượng ly khai. Các tài liệu này chứa đựng những mật lệnh quân sự của Cộng  hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR). Được viết bằng tiếng Nga, mật lệnh chỉ thị cho giới quan chức cho phép một nhóm chuyên gia hạt nhân từ bên ngoài được quyền tiếp cận khu vực bể chứa ngầm.

Được ký tên và đóng dấu bởi Thủ tướng DPR Alexander Zakharchenko, một tài liệu ra lệnh cho Tiểu đoàn Vostok bảo vệ nhóm nhà khoa học này, đồng thời chỉ thị cho Bộ Tình huống Khẩn cấp DPR cung cấp phương tiện vận chuyển chất thải phóng xạ cũng như tiến hành sơ tán người dân sống trong phạm vi 3km bên trong khu vực bể chứa kể từ ngày 2 cho đến 18-7. Theo các tài liệu, hành động di dời chất thải hạt nhân cần được tiến hành để "ngăn ngừa thảm họa sinh thái". SBU căn cứ vào nguồn thông tin thu thập được qua tình báo con người và tình báo tín hiệu nhận định: nhóm chuyên gia thật ra đã đến khu vực bể chứa để tiến hành di dời chất liệu phóng xạ đến một căn cứ quân sự từ tháng 6-2015.

SBU và mối lo sợ bom bẩn từ một báo cáo

Điệp viên ngầm của SBU thu thập thông tin từ một chiến binh ly khai và sau đó bí mật chuyển giao cho một sĩ quan SBU. Chỉ huy đơn vị của chiến binh ly khai này là Mikhail Tolstykh (biệt danh Givi) cho binh sĩ dưới quyền biết rằng, DPR "không bao lâu nữa sẽ có trong tay vũ khí hạt nhân". Trong quân đội phe ly khai, Tolstykh nổi tiếng là người không kín mồm kín miệng!

Khu vực nhà máy hóa chất Donetsk.

Tháng 1/2015, đơn vị của Tolstykh từng đưa lên Internet một đoạn video cho thấy ông ta đánh đập và đe dọa những tù binh chiến tranh Ukraine tại sân bay Donetsk. Trong chuyến thăm Donetsk vào trong tuần tháng 7 vừa qua, phóng viên Newsweek đã có cuộc gặp gỡ Thứ trưởng Quốc phòng DPR Eduard Basurin để phỏng vấn về các thông tin mà SBU có được. Basurin cho biết: "Những chuyện này là giả tạo. Bởi vì chúng đề cập đến những con người và đơn vị không hề tồn tại". Trong khi đó, Basurin lại có thái độ lẩn tránh khi phóng viên Newsweek đặt câu hỏi về chữ ký và con dấu của Thủ tướng DPR Alexander Zakharchenko.

Binh sĩ Ukraine bên bức rào chắn chống bắn tỉa ở Shyrokyne, Donetsk, ngày 29/6/2015.

Theo tờ Newsweek, vấn đề này đã được chuyển đến Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và sau đó được đưa ra trong cuộc đàm phán với Nga và 2 nhà nước tự xưng Donetsk và Lugansk diễn ra vào ngày 21/7 tại thành phố Minsk miền Bắc Belarus. Trong khi đó, OSCE - có sứ mạng ở Donetsk để giám sát cuộc xung đột - tuyên bố họ có biết về hồ sơ của SBU. Theo phóng viên Newsweek ở Donetsk, một vài người dân sống cách khu vực chứa chất thải phóng xạ gần 2km cho biết, họ thường ­được quân ly khai giúp sơ tán định kỳ trong cuộc xung đột, nhưng không hề bị ép buộc phải rời khỏi khu vực vào một thời điểm đặc biệt nào.

Bà Maria Stanova, một người dân ở Donetsk, nói: "Nếu một ai đó muốn rời đi, DPR sẽ giúp đỡ tìm nơi ở mới. Tôi ở lại đây trong suốt cuộc chiến tranh bởi không hề muốn đi nơi khác. Tôi cũng không biết bất cứ ai bị ép buộc di dời". Phóng viên Newsweek không thể đến gần khu vực nhà máy hóa chất có xây dựng bể chứa ngầm bởi vì an ninh được siết chặt tại các chốt kiểm soát. Nếu như thông tin tình báo của SBU là chính xác, kế hoạch phát triển bom bẩn của quân ly khai là tín hiệu cực kỳ nguy hiểm.

Bom bẩn giết người như thế nào?

Mặc dù bom bẩn không có sức tàn phá kinh hoàng như một quả bom nguyên tử, song mối đe dọa loại vũ khí đáng sợ như thế rơi vào tay một lực lượng không chính quy là viễn cảnh cực kỳ khủng khiếp. Phóng xạ sẽ lan truyền rất nhanh qua phương pháp tấn công và yếu tố gió. Mối đe dọa càng lớn hơn nếu các chất phóng xạ biến thành bụi và được phát tán ở độ cao lớn, hoặc phóng xạ làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước. Bom bẩn cũng được đánh giá là vũ khí cực kỳ hiệu quả của bọn khủng bố nếu chúng muốn thực hiện một cuộc tấn công mang tính hủy diệt.

Người dân sống tại Oktyabrsky, Donetsk nơm nớp lo sợ.

Loganovsky nhận định: "Hiện nay, mặc dù một quả bom bẩn chỉ có tác động phóng xạ giới hạn. Nhưng sau vụ nổ, sự hỗn loạn kinh hoàng sẽ diễn ra. Cuộc sống sẽ bị thay đổi vì nhiễm độc phóng xạ. Nói trắng ra, đó là mối đe dọa không thể xem thường". Tính khó dự đoán của một quả bom bẩn khiến cho nó thật sự là vũ khí nguy hiểm.

Xuyên suốt cuộc xung đột, cả 2 phe đều không mấy quan tâm đến cuộc sống của dân thường và đạn pháo rơi vào cả các khu dân cư đông đúc - theo Ole Solvang, nhà nghiên cứu của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW). Trong một vụ việc, 4 bệ phóng rocket đã bắn hàng chục quả đạn vào khu ngoại ô đông dân của thành phố cảng Mariuppol, giết chết 31 người và làm bị thương hơn 90 người. Một cuộc tấn công bằng rocket khác  đã xé nát một chiếc xe buýt chở khách tại một chốt kiểm soát, giết chết 12 dân thường và làm bị thương 18 người.

Bất chấp lệnh ngừng bắn, cuộc xung đột giữa 2 bên vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Một chiến binh phe ly khai tuyên bố: "Cuộc chiến này sẽ chưa kết thúc cho đến khi chúng tôi giành được toàn bộ các khu vực Donetsk và Lugansk".

Diên San (tổng hợp)
.
.