Bí ẩn vụ nổ Tunguska

Thứ Năm, 31/07/2008, 10:00
Sự kiện kỳ lạ này xảy ra vào lúc 7 giờ 17 phút sáng ngày 30/6/1908 tại 60,55 độ vĩ Bắc, 101,57 độ kinh Đông gần sông Podkamennya vùng Tunguska hẻo lánh thuộc miền Trung Siberi nước Nga, nơi có độ cao so với mặt nước biển là 7.500m. Những người bản địa và người Nga sống trên những quả đồi phía bắc hồ Baican thấy một cột ánh sáng màu xanh di chuyển trên bầu trời.

Khoảng 10 phút sau, vùng trời bên trên cánh rừng phía bắc bị lửa bao trùm, hơi nóng đến mức như cảm giác lửa đang cháy lem lém quần áo, kèm theo là một tiếng nổ lớn, tiếng nổ này như có vẻ ngày một lan rộng ra. Sau những âm thanh này là một đợt sóng chấn động hất ngã mọi người và làm vỡ cửa sổ ở cách hàng trăm dặm, kèm theo là sự di chuyển của đất đá do gió nóng mạnh.

Một số người khác phát hiện ngay sau đó phía trên đường chân trời phía bắc bao phủ mây màu xám tro... Khoảng 60 triệu cây thông bị đốn đổ trên một vùng rộng 2.150km2 (khoảng 852 dặm vuông). Người và động vật bị ném xa tới 40 dặm. Những đám cháy còn tiếp tục nhiều tuần sau. Dao động địa chấn đo được có ảnh hưởng xa đến 600 dặm và các trạm địa chấn ở cả châu Âu và châu Á đều ghi được những dao động bất thường trong áp xuất khí quyển.

Những hiện tượng bất thường được ghi nhận: Đó là sự dao động của từ trường; những cơn bão từ khu vực; đất bị nhiễm từ tính; giao động điện từ có hiện tượng giống như nổ bom hạt nhân; động, thực vật bị biến đổi gien và tốc độ tăng trưởng bất thường của các loại thực vật....

Đặc biệt, trước và sau vụ nổ thấy có hiện tượng cực quang và những buổi đêm có ánh sáng đỏ rực bất thường đến mức có thể đọc được sách dù cho bầu trời u ám mây đen. Lúc đó, khoa học không mấy quan tâm đến sự kiện này. Những ghi chép về hiện trường đã thất lạc do Thế chiến I, Cách mạng tháng Mười... Mãi cho đến năm 1927, các nhà khoa học Nga mới có mặt tại hiện trường vụ nổ, đó là ngày 30/5/1927 nhà thám hiểm Leonid Kulik bước vào tâm vùng nổ...

Năm 1996 có khoảng 65 nhà khoa học mà phần đông là người Nga và người Mỹ gặp nhau ở hội thảo Bologna (Italia). Hội thảo kết thúc trong bất đồng về nguyên nhân vụ nổ với hai trường phái khác nhau là giả thuyết về thiên thạch và giả thuyết về sao Chổi.

Giả thuyết hàng đầu về nguyên nhân sự kiện là một thiên thạch nổ cách bề mặt trái đất khoảng 4 đến 6 dặm. Các thiên thạch lao vào bầu khí quyển trái đất với tốc độ rất lớn (khoảng 10 km/giây). Do khí bị nén lại nên nhiệt sinh ra rất lớn làm các thiên thạch bốc cháy hết hay nổ trước khi xuống đất.

Giả thuyết sao Chổi năm 1930 của nhà thiên văn người Anh, F.J.Whipple và năm 1978 của nhà Thiên văn người Slovakia, L. Kresak được nhiều người ủng hộ dựa trên căn cứ những mảnh vỡ của sao Chổi thường là hỗn hợp của băng và bụi nên khi va chạm với bầu khí quyển sẽ không để lại dấu vết rõ ràng nào; thứ hai là nhiều đêm sau vụ nổ, bầu trời toàn châu Âu sáng rực là do bụi phân tán trên tầng cao khí quyển; thứ ba là khi sao Chổi xuất hiện thường gây ra hiện tượng mưa sao băng, trong khi thời điểm xảy ra vụ nổ Tunguska trùng với đỉnh điểm trận mưa sao băng Beta Taurid; thứ tư là phân tích các mẫu ở vùng này thấy có nhiều vật chất sao Chổi.

Tuy nhiên, năm 1983 nhà thiên văn Zdenek Sekanina lại cho rằng, với cấu trúc vật chất sao Chổi khi đi qua khí quyển theo một quỹ đạo hẹp như vậy sẽ bị tan rã, nhưng người ta vẫn nhìn thấy vật thể lạ ở vùng khí quyển thấp? Ông cho rằng đó phải là vật thể đặc dạng đá và có thể có nguồn gốc thiên thạch. Vì thế giả thuyết sao Chổi va quệt với trái đất cũng không hoàn toàn thuyết phục.

Thường thì các sao băng chuyển động với vận tốc 100.000 - 125.000 dặm/giờ và mờ dần khi xuống đến độ cao 80 dặm. Tàu vũ trụ với vận tốc 15.000 dặm/giờ (cũng biến mất khi đạt độ cao 80 dặm) nên phải mất thời gian là 3 phút để xuyên qua mỗi tầng khí quyển. Với góc nghiêng 45O so với bề mặt trái đất sao Chổi xuyên qua tầng khí quyển chỉ mất 6 đến 7 giây. Từ đó nhận định rằng vật thể lạ phải có vận tốc 60.000 dặm/giờ và mất 40 giây để xuyên qua tầng khí quyển trái đất.

Tuy nhiên, những nhân chứng lại mô tả vật thể lạ chuyển động chậm hơn nhiều, nhiều người còn cho rằng họ nhìn thấy nó khoảng 10 phút. Nếu vật thể lạ là một ngôi sao băng lớn rơi với tốc độ 60.000 dặm/giờ thì nhiệt độ bề mặt của nó phải tương đương với nhiệt độ bề mặt mặt trời, sẽ gây ra hiện tượng tan vật liệu và bốc hơi liên tục cho tới lúc xảy ra va chạm. Không thấy những nhân chứng mô tả hiện tượng này.

Chẳng hạn như vật thể lạ để lại một luồng khói dày đặc và có những vệt nhiều màu sắc như những trường hợp sao băng lớn nổ.  Tháng 8-2004, cuốn sách “Sao băng xuất hiện ở Tunguska” được vợ nhà nghiên cứu Nikolai Vasiliep hoàn thành và công bố ở nước Nga sau khi ông mất (năm 2001) thì những tranh cãi mới lại nảy sinh. Những người phản đối lại dẫn ra các báo cáo của các nhân chứng rằng, họ nhìn thấy lửa phát ra từ đám mây màu đen và như thế không phù hợp với một vụ nổ sao băng. Nếu vật thể lạ có vận tốc 60.000 dặm/giờ như giả thuyết nổ sao băng thì không thể cùng một lúc vừa nhìn thấy nó vừa nghe thấy tiếng va chạm của nó...

Gần đây nhất các nhà khoa học ở hai Trường đại học Bologna và Trieste (Italia) sau khi thả các thiết bị tiên tiến nhất xuống lòng hồ Checko sâu 50m, đường kính 500m, cách tâm nổ 8km đã công bố vụ nổ Tunguska do một tiểu thiên thạch có chiều dài khoảng 50 đến 80m rơi xuống gây ra. Theo họ những lớp trầm tích mới ở lòng hồ cho thấy tuổi của hồ rất trẻ chứ không phải trên 5.000 năm tuổi như các nhà khoa học Nga - Mỹ tuyên bố trước đây. Họ cũng cho rằng lòng hồ hình phễu phù hợp với những hố do thiên thạch tạo ra? Nếu những công bố này được thừa nhận thì bí ẩn Tunguska đã được giải mã?

Nguyễn Văn (Tổng hợp)
.
.