Bí ẩn vụ tai nạn máy bay siêu thanh Tu-144S của Liên Xô
10 giờ sáng ngày 3/6/1973, ngày thứ hai của Hội chợ Hàng không quốc tế tổ chức tại sân bay Le Bourget ở thủ đô Paris, Pháp, chiếc máy bay siêu thanh chở khách Tu-144S mang số hiệu 77-102 của Liên Xô cất cánh khỏi phi đạo để thực hiện chuyến bay biểu diễn dưới sự điều khiển của Mikhail Kozlov, một phi công bay thử nghiệm giàu kinh nghiệm của Không quân Liên Xô. Trước đó, vào lúc 9 giờ, đối thủ của chiếc Tu-144S, một chiếc máy bay siêu thanh Concorde, cũng đã hoàn thành xuất sắc chuyến bay biểu diễn của mình.
Sau hai vòng bay chậm ngay trên không phận sân bay Le Bourget, Cơ trưởng Kozlov quyết định tăng tốc chiếc Tu-144S để bay lên cao độ 1.500m, nhưng không hiểu vì sao, khi thực hiện bay vòng lần thứ 3, chiếc Tu-144S đâm sầm xuống mặt đất rồi nổ tung gần ngôi trường Goussainville. Vụ tai nạn bất ngờ đã làm thiệt mạng toàn bộ phi hành đoàn của chiếc Tu-144S gồm 6 người và làm 6 dân thường dưới mặt đất bị thiệt mạng cùng 60 người bị thương, 15 ngôi nhà bị phá sập hoàn toàn.
Lập tức, một Ủy ban điều tra hỗn hợp Pháp - Liên Xô được thành lập để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Chiếc hộp đen sau khi tìm thấy được đưa ngay về Liên Xô để giải mã. Kết luận của Ủy ban Điều tra đưa ra sau đó, rằng vụ tai nạn của chiếc Tu-144S do nguyên nhân sự cố kỹ thuật. Hai chiếc cánh nhỏ, được gọi là “con vịt”, thiết kế hai bên phần đầu của máy bay, có chức năng làm giảm tốc độ bay và giữ ổn định cân bằng cho máy bay đã không bung ra khi máy bay chúc mũi xuống mặt đất khiến tai nạn xảy ra.
Thế nhưng, chính việc Liên Xô không công bố những bí mật được giải mã từ chiếc hộp đen của máy bay bị nạn và sự kiện Ủy ban Điều tra hỗn hợp bị giải thể nhanh chóng đã đặt ra nhiều nghi vấn như: có thực là chiếc Tu-144S gặp tai nạn do sự cố kỹ thuật hay không? Hay đã bị phá hoại? Nhiều cuộc điều tra độc lập sau đó đã được tiến hành và các kết luận đều nghiêng về giả thuyết là chiếc Tu-144S đã bị phá hoại mà thủ phạm không ai khác hơn là tình báo Pháp.
Máy bay siêu thanh chở khách loại Tu-144 của Liên Xô được phương Tây đánh giá là một bản sao của loại máy bay siêu thanh Concorde, sản phẩm hàng không hợp tác giữa Anh và Pháp ra đời từ một hiệp ước được ký kết giữa chính phủ hai quốc gia vào ngày 29/11/1962. Chiếc Concorde đầu tiên được lắp ráp vào tháng 4/1966 và bay thử nghiệm vào ngày 2/3/1969. Thế nhưng, 3 tháng trước đó, Liên Xô đã thành công trong tổ chức chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của một chiếc Tu-144S và đã khiến phương Tây phải sửng sốt vì loại máy bay này quá giống với loại Concorde, chỉ khác ở phần thiết kế động cơ (động cơ của loại Tu-144S được thiết kế ở phần thân, còn động cơ của loại Concorde được thiết kế ở hai cánh) và hai cánh phụ kiểu “con vịt”.
Trước đó, dư luận phương Tây từng đồn đại về sự kiện phản gián Pháp bắt giữ được 2 điệp viên Liên Xô là Sergei Pavlov vào năm 1965 và Sergei Fabiew vào năm 1967 về tội đánh cắp tài liệu chế tạo máy bay Concorde. Nhiều người cho rằng chính việc tình báo Liên Xô đánh cắp được các tài liệu chế tạo máy bay Concorde là tiền đề để phía Liên Xô chế tạo loại máy bay siêu thanh Tu-144S với những tính năng vượt trội loại Concorde như chở được nhiều khách hơn, tiết kiệm được nhiên liệu và bay nhanh hơn. Quả thật việc chế tạo máy bay Tu-144S là mối đe dọa lớn đối với sự ra đời của máy bay Concorde.
30 năm sau sự kiện xảy ra tai nạn của chiếc Tu-144S tại Hội chợ Hàng không quốc tế Le Bourget, kết luận điều tra của Jean Forrestier, một chuyên viên điều tra tai nạn hàng không giàu kinh nghiệm của Pháp, từng tham gia Ủy ban hỗn hợp Pháp - Liên Xô điều tra tai nạn của chiếc Tu-144S vào năm 1973, cho rằng chính tình báo Pháp là thủ phạm gây ra vụ tai nạn. Theo Forrestier thì động cơ khiến tình báo Pháp ra tay là nhằm khẳng định ưu thế kỹ thuật tuyệt đối của máy bay Concorde so với máy bay Tu-144S và làm mất uy tín của ngành Hàng không Liên Xô tại Hội chợ Hàng không quốc tế Le Bourget.
Jean Forrestier và Mikhail Kozlev. |
Hành động phá hoại của tình báo Pháp chẳng khác nào cho rằng máy bay Tu-144S chỉ là một sản phẩm hàng nhái của loại Concorde và được chế tạo từ các vụ đánh cắp tài liệu máy bay Concorde của tình báo Liên Xô. Biết là trong các cuộc bay biểu diễn tại Hội chợ Hàng không quốc tế Le Bourget, máy bay Tu-144S phải bay ở tốc độ chậm và ở độ cao vừa phải mà chính tác dụng của các cánh phụ “con vịt” là vô cùng quan trọng trong việc làm giảm tốc độ cũng như ổn định cho máy bay nên tình báo Pháp đã bí mật vô hiệu hóa các hệ thống điều khiển các cánh phụ “con vịt”. Chỉ cần hai cánh phụ “con vịt” không bung ra hay gấp lại đúng lúc theo lệnh của phi công điều khiển máy bay thì tai nạn sẽ xảy ra.
Tiếp tay cho hoạt động phá hoại ở mặt đất, tình báo Pháp còn sử dụng một chiến đấu cơ phản lực loại Mirage để áp sát chiếc Tu-144S trong lúc đang bay biểu diễn. Cho dù trong báo cáo của Ủy ban Điều tra hỗn hợp Pháp - Liên Xô vào năm 1973 không đề cập đến sự xuất hiện của một chiếc Mirage bí mật theo dõi và có khi còn áp sát khiêu khích chiếc Tu-144S, do trời hôm đó có nhiều mây và chiếc Mirage luôn nấp trên các đám mây. Theo Jean Forrestier thì phi hành đoàn của chiếc Tu-144S đã không được thông báo là có sự hiện diện của một chiếc Mirage trên không phận của sân bay Le Bourget vào thời điểm đó nên sự xuất hiện của chiếc Mirage đã khiến phi hành đoàn của chiếc Tu-144S bất ngờ và lúng túng trong cách xử lý, nhất là khi chiếc Mirage cố tình áp sát vào chiếc Tu-144S để khiêu khích.
Cách xử lý của Cơ trưởng Kozlov là cho máy bay hạ độ cao bất thình lình bằng cách cho chiếc Tu-144S bay chúc mũi xuống mặt đất với ý đồ là để thoát khỏi sự áp sát của chiếc Mirage rồi sau đó nâng máy bay lên bay vòng để đáp xuống đường băng. Thế nhưng, cách xử lý của cơ trưởng Koxlov đã vô tình gây ra tai nạn cho chiếc Tu-144S khi hai cánh phụ “con vịt” do bị phá hoại đã không bung ra để làm giảm tốc độ khi bay chúc mũi xuống mặt đất, khiến máy bay đâm sầm xuống mặt đất.
Theo nhận định của Jean Forrestier thì việc tổ chức phá hoại chiếc Tu-144S tại Hội chợ Hàng không quốc tế Le Bourget vào năm 1973 không chỉ là một đòn trả thù của tình báo Pháp với tình báo Liên Xô vì họ cho là tình báo Liên Xô đã tổ chức đánh cắp tài liệu thiết kế loại máy bay Concorde mà còn khẳng định trước dư luận quốc tế về tính năng vượt trội của máy bay Concorde so với máy bay Tu-144S. Có thể phía Liên Xô đã biết được việc phá hoại này qua việc giải mã chiếc hộp đen.
Tuy nhiên, những nỗ lực phá hoại của tình báo Pháp nhắm vào máy bay Tu-144S vẫn không ngăn cản được phía Liên Xô đưa loại máy bay này thực hiện các chuyến bay chở khách bắt đầu từ tháng 12/1975, trong khi mãi đến tháng 3-1976, loại Concorde mới thực hiện chuyến bay chở khách đầu tiên. Và cuộc chiến tình báo quanh việc chế tạo máy bay siêu thanh Concorde và Tu-144S đã góp phần thúc đẩy loại hình tình báo công nghiệp gia tăng