Bí mật công nghệ in tiền ở Nga

Thứ Hai, 24/04/2006, 09:30

Ở Nga, tiền sau khi sản xuất ra được thử nghiệm ở những điều kiện khắc nghiệt nhất: quay trong máy ly tâm, giặt bằng bột giặt trong máy giặt, gập hàng ngàn lần vào các hướng khác nhau, ngâm lâu trong nước, phơi ở độ nóng 500oC hoặc độ lạnh âm 600oC và không sợ 19 loại chất hóa học mạnh, trong số đó có cồn, acetol, các dung môi Clo, dầu nhựa thông...

Tại “Goznak”, nơi sản xuất ra tiền, ngay cả các nhà khoa học của viện nghiên cứu chuyên ngành cũng bị kiểm tra rất kỹ lưỡng, mặc dù các bí mật quan trọng nhất nằm trong đầu của họ.

Nơi lưu giữ bí mật quốc gia

Trong tất cả các cơ sở của liên hiệp “Goznak”, viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành – nơi chế ra công thức làm giấy và màu để in tiền, hợp kim để làm tiền kim loại, các giấy tờ có giá trị, tem thuế và các huân, huy chương, thuộc loại bí mật nhất.

Người ta không bao giờ thấy tên các nhân viên của viện này trên bất kỳ tuyển tập công trình khoa học nào, họ hiếm khi tham gia hội thảo khoa học, hầu như không bao giờ ra nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm và không gặp gỡ các nhà báo.

Các sáng chế mới được áp dụng hầu như là kết quả của sự sáng tạo tập thể và chủ yếu liên quan tới công nghệ bảo vệ. Tất cả là sở hữu trí tuệ của các nhân viên, nhưng bằng sáng chế, nếu có, lại thuộc về “Goznak”. Không ai có quyền công bố các phát minh này vì đó là bí mật quốc gia.

Do chế độ bảo mật nghiêm ngặt, ở viện rất hiếm có chuyện bảo vệ luận án. Chỉ trong các cuộc họp kín của hội đồng khoa học, người ta mới có thể tiết lộ nội dung công việc. Nếu có ai đó là nhân viên của viện chuyển chỗ làm việc, họ phải ký cam đoan không làm lộ bí mật. Viện này được thành lập ngay sau chiến tranh, khi người ta bắt đầu cần tiền mặt thay tem phiếu.

Đồng rúp - một trong những đồng tiền bền vững nhất

Nga là một trong số các nước không mua giấy làm tiền ở nước ngoài mà tự sản xuất lấy. Thành phần và tỉ lệ vật liệu làm giấy này là điều bí mật. Mỗi quốc gia có công thức làm giấy in tiền riêng và giữ bí mật về chúng rất nghiêm ngặt. Quá trình làm giấy in tiền là bí quyết của bất kỳ nước nào vì bản thân giấy cũng có những tính chất bảo vệ.

Điều được nhiều người biết đến là ở châu Âu người ta sử dụng 100% xêlulôz làm giấy tiền, còn ở Nga người ta sử dụng bông, cho thêm chất gỗ, có khi thêm cả sợi gai dầu. Mới đây, các nhà khoa học Nga đã đưa ra một phương pháp hóa học mang tính bảo vệ: thêm vào giấy một chất dễ xác định khi kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng. Sáng chế mới này đã được sử dụng để sản xuất tem thuế.

Giá thành sản xuất giấy làm tiền cũng là điều bí mật. Đó là giá không rẻ. Các nhà khoa học Nga cố gắng làm ra giấy sao cho tuổi thọ của đồng tiền là cao nhất. Tiền sau khi sản xuất ra được thử nghiệm ở những điều kiện khắc nghiệt nhất: Quay trong máy ly tâm, giặt bằng bột giặt trong máy giặt, gập hàng ngàn lần vào các hướng khác nhau, ngâm lâu trong nước, phơi ở độ nóng 500oC hoặc độ lạnh âm 600oC và không sợ 19 loại chất hóa học mạnh, trong số đó có cồn, dấm, acetol, các dung môi Clo, dầu nhựa thông...

Vào năm 1961, người ta đã áp dụng mực in chịu được nhiệt. Cơ sở của tất cả các loại mực in tiền là 4 loại màu. Để in 1.000 tờ tiền (khi các đồng tiền giấy chưa được cắt ra), người ta cần dùng 2 - 3kg màu. Một nửa số đó trở thành chất thải. Nhất là khi in bằng ống kim loại, người ta sử dụng thành phần có hàm lượng phấn cao. Mỗi ngày trong các khuôn in đọng lại hàng trăm kilôgam dung dịch phấn, xử lý chất thải này là cả một vấn đề”.

Một kết quả nghiên cứu khoa học nữa là “màu biến đổi về quang học”. Trên các đồng tiền 500 và 1.000 rúp của Nga hiện nay, nếu nhìn bình thường sẽ thấy ở góc trên bên trái có một vòng màu ánh vàng, nhưng khi để đồng tiền xéo về phía ánh sáng sẽ thấy vòng đó có màu hơi xanh lục. Ngoài ra, trên các đồng tiền của Nga còn có các dấu hiệu mà máy đọc được. Ví dụ khi đặt một con tem thuế vào chiếc máy đọc, có thể nhận biết được ngay tem đó thật hay giả.

lCông nghệ sản xuất tiền trong tương lai

Sau 10, 20 hoặc 50 năm, các chuyên gia dự đoán sẽ có những công nghệ đột phá trong lĩnh vực in tiền. Một số chuyên gia cho rằng trong tương lai sẽ xuất hiện những khả năng kỹ thuật để cho ra đời đồng tiền biết nói. Khi chạm vào đồng tiền, một giọng nói sẽ vang lên báo cho người sử dụng biết đồng tiền mệnh giá bao nhiêu. Loại tiền như vậy rất có ích đối với người mù và người lớn tuổi.

Một ý tưởng khác: đồng tiền chiếu sáng, khi có người đụng vào, đồng tiền lập tức phát sáng. Điều đó giúp đủ để nhìn thấy trong bóng đêm bên trong chiếc ví có gì hoặc đồng tiền mệnh giá bao nhiêu. Còn một ý tưởng nữa là gắn chip điện tử vào đồng tiền để chống làm giả

Hoàng Thương (Theo Lao động, Nga)
.
.