Bí mật của dòng họ Kennedy

Thứ Bảy, 12/09/2015, 06:30
Hơn 7 thập niên sau khi cô em gái Rosemary của Tổng thống John F. Kennedy bị thiểu năng trí tuệ từ một ca phẫu thuật thùy não thất bại, hai cuốn sách vừa ra mắt độc giả đã tiết lộ những chi tiết gây sốc về bí mật đen tối nhất của dòng họ Kennedy liên quan tới Rosemary.

Con gái duy nhất cố Tổng thống Kennedy nối nghiệp nhà

Lời nguyền dòng họ Kenedy: Cháu dâu cố Tổng thống Kennedy treo cổ

Năm 1940, Rosemary Kennedy, 22 tuổi, đã viết cho bố là ông Joseph P. Kennedy khi đó là Đại sứ Mỹ tại Anh một bức thư: "Bố yêu quý. Con yêu bố. Và con yêu bố rất nhiều". Chỉ hơn một năm sau, cũng vẫn cô gái trẻ đó - xinh đẹp, chăm chỉ và luôn muốn làm hài lòng bố - đã không thể nói được một câu đúng nghĩa.

Điều khiến Rosemary bị khuyết tật trí tuệ và mất mọi thứ ở tuổi thanh xuân xảy ra sau khi bố cô quyết định cho cô phẫu thuật thùy não - ca phẫu thuật đã khiến cô gái 23 tuổi chỉ có trí tuệ như một đứa trẻ chập chững biết đi. Bí mật về Rosemary đã bị giấu kín và là nỗi hổ thẹn của gia tộc nổi tiếng nước Mỹ.

Bìa một cuốn sách viết về Rosemary.

Sau ca phẫu thuật bí mật, 20 năm sau, khi ông Joseph P. Kennedy bị đột quị nặng năm 1961, 8 anh chị em của Rosemary mới biết sự thật về lý do Rosemary biến mất. Cô gái lúc đó đang sống trong một nơi dành cho người thiểu năng trí tuệ ở Jefferson, bang Wisconsin, cách xa con mắt của dư luận.

Trong cuốn “Rosemary: The hidden Kennedy Daughter” (Rosemary: Cô con gái bị che giấu của nhà Kennedy) tác giả Kate Larson đã khắc họa lại chân dung của cô gái dễ thương, hoạt bát với nụ cười hoàn hảo nhưng bất hạnh. Cô đã phải chật vật tìm chỗ đứng trong một gia đình coi trọng thành công và danh vọng trên mọi thứ.

Ngày chào đời kinh hoàng

Cuốn sách đã lần đầu tiên kể về ngày 13/9/1918, ngày mà Rosemary chào đời. Khi đó, bà Rose lên cơn đau đẻ trong khi bên cạnh bà chỉ có một y tá chăm sóc vì bác sĩ đến muộn. Cô y tá này ngần ngại không dám đỡ bé gái thứ ba của nhà Kennedy mà không có bác sĩ bên cạnh. Mặc dù đã được đào tạo những kỹ năng cần thiết, nhưng cô y tá đã yêu cầu bà Rose khép chặt hai chân và không rặn với hy vọng giữ được đứa bé bên trong bụng lâu hơn để chờ bác sĩ.

Tuy nhiên, khi bà Rose không làm được điều đó, cô y tá đã thò tay vào cửa mình và giữ đầu bé trong bụng mẹ thêm hai tiếng đồng hồ nữa. Quá trình chào đời kinh hoàng này có thể đã khiến Rosemary bị thiếu ôxy và tổn hại đến não.

Rosemary (người ngồi thứ 2 từ phải qua cùng gia đình).

Khi Rosemary chập chững biết đi, bà Rose để ý thấy con gái không giống những đứa trẻ khác. Cô bé biết bò, biết đứng, biết đi và biết nói đều chậm hơn các bạn cùng tuổi. Rosemary gặp khó khăn khi làm những việc đơn giản như viết, chơi thể thao, điều khiển xe trượt. Cô bé cũng nhút nhát hơn và vụng về hơn các anh chị em của mình.

Lúc Rosemary đến tuổi đi học, bà Rose đã tìm đến các chuyên gia và được biết con gái bị chậm phát triển trí tuệ. Ông bà Joe đã cố gắng hết sức để che giấu tình trạng của con gái nhưng khi cô càng lớn, điều đó càng khó. Gia đình nỗ lực để cho cô bé hòa nhập với cuộc sống hàng ngày của họ. Rosemary được đưa đi bơi thuyền và lúc nào cũng đảm bảo cô bé được mời khiêu vũ tại các bữa tiệc. Nhưng khi Rosemary lớn hơn, cô bắt đầu dễ nổi cáu, đôi khi trở nên bạo lực với mọi người xung quanh.

Rosemary và bố ở London.

Lúc 11 tuổi, bố mẹ đưa Rosemary tới trường nội trú dành cho trẻ có vấn đề - khởi đầu cho chuỗi ngày sống triền miên trong hàng loạt trường nội trú mà cô bé sẽ ở trong cả quãng thời gian dài. Cô bé học không qua nổi lớp ba hay lớp bốn. Cô bé tội nghiệp thường viết những bức thư đau lòng cho bố, cảm ơn bố vì đã đến thăm mình và cầu xin ông đến nhiều hơn vì cô cảm thấy rất cô đơn.

Khi Rosemary 19 tuổi, ông Joe được chỉ định làm Đại sứ Mỹ tại Anh. Cả nhà Kennedy chuyển tới London và Rosemary sống ở một tu viện trong vùng. Cô gái bắt đầu tăng cân và điều đó đối với ông Joe là không thể chấp nhận được. Ông viết thư tới trường của con gái nói về vấn đề cân nặng của Rosemary, phàn nàn rằng cô quá béo.

Nhưng Rosemary vẫn trở thành một người con gái hấp dẫn. Cô gái vẫn được nhiều chàng trai để ý nhờ thân hình hấp dẫn, gợi cảm. Lúc đó, gia đình Kennedy đã trở về Mỹ khi Thế chiến II bùng nổ. Cả nhà lo lắng khi Rosemary thường rời trường nội trú ở Washington DC và lang thang khắp thành phố cả đêm.

Vào thời điểm này, ông Joe đang bận rộn xây dựng nền tảng sự nghiệp chính trị cho các con trai và sợ rằng đứa con gái mất kiểm soát của mình có thể gây tổn hại lớn đến danh tiếng của gia đình. Ông sợ con gái sẽ mang thai ngoài ý muốn và nếu điều đó xảy ra, tương lai chính trị của các con trai ông sẽ bị tổn hại. Cả gia đình tìm cách bảo vệ Rosemary nhưng tình hình với cô chẳng khác gì một quả bom hẹn giờ.

Ca phẫu thuật định mệnh

Tháng 11/1941, ông Joe đặt lịch phẫu thuật thùy não cho Rosemary mà không hỏi ý kiến bất kỳ ai, kể cả vợ. Đây là một quy trình phẫu thuật còn mang tính thử nghiệm để giúp các bệnh nhân có vấn đề về thần kinh trở nên dễ bảo hơn. Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ khoan lỗ ở cả hai bên đầu Rosemary khi cô vẫn còn tỉnh táo và chỉ dừng lại khi cô không thể giao tiếp được nữa. Ca phẫu thuật thất bại và Rosemary gần như bị khuyết tật não hoàn toàn. Cô không thể nói được nữa, quá trình vận động bị ảnh hưởng và mất sự tự chủ trong suốt cuộc đời.

Bị đè nặng bởi tâm lý tội lỗi, ông Joe không đến thăm con gái và để Rosemary sống trong một bệnh viện tâm thần ở New York sốt 7 năm. Sau đó, ông Joe ra lệnh đưa con gái đến Saint Coletta - một nơi chăm sóc người khuyết tật - và không bao giờ gặp lại cô một lần nào nữa. Các anh chị em của Rosemary cũng không được gặp cô trong suốt 20 năm sau đó.

Sau khi chồng bị đột quị năm 1961, bà Rose đến Wisconsin thăm con gái lần đầu sau ca phẫu thuật. Khi nhìn thấy mẹ, Rosemary lao tới đấm vào ngực và hét vào mặt bà. Các anh chị em còn lại cũng không ai biết số phận của Rosemary. Một số người cho rằng Rosemary muốn riêng tư và đã chuyển tới vùng Trung Tây làm giáo viên tại trường dành cho trẻ khuyết tật.

Về già, khi bệnh tình của Rosemary có tiến triển trong những năm 1970, họ hàng bắt đầu mời bà về nhà chơi. Một cháu trai của bà cho biết dù bà nói năng hạn chế nhưng bà thích đi dạo, bơi và chơi bài. Bà cũng thích người khác khen ngợi sắc đẹp của bà.

Rosemary (phải) lúc 19 tuổi cùng mẹ và em gái, năm 1938.

Còn trong cuốn “The Missing Kennedy” (Một người Kennedy mất tích), tác giả Elizabeth Koehler-Pentacoff đã viết về những lần đến thăm Rosemary tại Saint Coletta - nơi dì của bà là xơ Paulus là một trong những người chăm sóc Rosemary trong hơn 30 năm. Rosemary thường vui khi có khách tới chơi. Cô gái thích tiệc tùng, âm nhạc và kẹo. Nếu được tặng một hộp kẹo, mắt cô gái sáng rực lên. Mỗi khi có người đến thăm mình, Rosemary như ở trên thiên đường.

Rosemary qua đời vào ngày 7/1/2005, hưởng thọ 86 tuổi ở Saint Coletta. Bà Rose giữ bí mật về ca phẫu thuật của Rosemary cho đến khi qua đời năm 1995. Những người gần gũi bà nói rằng bà thường tự hỏi tại sao Chúa lại mang đi ba đứa con trai tài năng, thông minh và khỏe mạnh của bà (Joseph Jr, Tổng thống John F Kennedy và Robert Kennedy) mà chỉ để lại cho bà đứa con gái thiểu năng tội nghiệp?

Minh Nhật (tổng hợp)
.
.