Bí mật ít người biết đến về Ninja

Thứ Năm, 21/02/2019, 11:50
Ninja - những “thích khách” bí ẩn đôi khi còn được gọi là “Shinobi”, có một đời sống cực kỳ khó hiểu nằm ở lằn ranh giữa lịch sử và tiểu thuyết. Dù thế họ vẫn truyền cảm hứng cho hàng thế hệ người Nhật Bản và thậm chí tiếng tăm còn vang xa tận nước ngoài.


Xuất thân nông dân

Dù có nhiều tài liệu có đôi chút khác nhau về Nhẫn giả (Ninja), song các chuyên gia về lĩnh vực này thường đi đến thống nhất ở một vài khía cạnh phổ biến: Lực lượng chiến binh du kích mật này từng sống tại những vùng núi non trong địa giới tỉnh Mie (Nhật Bản) trong khoảng giữa thời gian năm 1487 và 1603.

Trong suốt một thế kỷ của xung đột quân sự khốc liệt, các Nhẫn giả được cho là “những sát thủ hợp đồng”, họ giết người bằng những kỹ năng võ công điêu luyện, khó hiểu, hành tung biến hóa xuất quỷ nhập thần.

Tư thế luyện kiếm thuật, một món võ khí trong pho Nhẫn thuật mà các Nhẫn giả bắt buộc phải luyện thành thục. Ảnh: ArabsMMA.

Nhưng với những chi tiết này thì với học giả kiêm sử gia quân sự Stephen Turnbull, người từng xuất bản nhiều cuốn sách về văn hóa và lịch sử Ninja, cũng khẳng định rằng thật khó để chứng minh. Mặc dù vậy, ông Turnbull vẫn cho rằng có ít nhiều về Ninja là sự thật. Học giả sử gia Stephen Turnbull viết: “Tất cả những truyền thống được tạo ra đều phải dựa trên những căn bản thực tế nào đó, không quan trọng về các liên kết giữa truyền thống được sinh ra và lịch sử ghi lại”.

Vài thập niên sau khi Ninja được cho là đã từng sinh sống, giới sử gia và những người kể chuyện dân gian đã bắt đầu viết nhiều về đối tượng này: họ là ai, họ đã làm gì, họ ăn uống ra sao. Nhiều tài liệu mô tả làm thế nào mà Ninja rất sợ ăn thực phẩm có mùi (dễ bị kẻ thù phát hiện ra), ăn uống kiêng khem để giữ cho cơ thể luôn nhanh nhẹn, hay thậm chí truyền đi các tín hiệu mật bằng cách sử dụng thực phẩm.

Những mô tả hiện đại về Ninja thường khắc họa họ như một thế lực huyền thoại, vận một bộ y phục dạng Pyjama cổ xưa, có tài ẩn thân trong bóng tối. Tuy nhiên, những tài liệu sơ khai có vẻ là chân thực nhất về Ninja thì nói rằng họ như những nông dân – nửa nông dân nửa võ sĩ đạo, họ hay ăn những nông sản tự trồng được.

Học giả sử gia Stephen Turnbull viết trong một cuốn sách phát hành không lâu: “Nhiều Nhẫn giả được cho rằng họ có nguồn gốc xuất thân từ tầng lớp thấp kém trong xã hội. Các phương pháp hành động của họ thường trái lại với lý tưởng của các võ sĩ đạo cao quý”.

Trở thành một nhẫn giả

Rất nhiều người nghĩ rằng Nhẫn giả là những cỗ máy tàng hình giết người, nhưng ông Toshinobu Watanabe (một chuyên gia Nhẫn giả ngoài 70 tuổi, sống tại thành phố Koka, tỉnh Shiga, Nhật Bản) lại khẳng định rằng mục tiêu cao nhất mà các nhẫn giả muốn đạt tới là “tâm an”. Ông Toshinobu quả quyết: “Nhẫn giả không phải là ác quỷ. Họ tin vào hòa bình. Họ thu thập thông tin nhằm tránh chiến tranh càng nhiều càng tốt. Họ luôn nghĩ rằng chỉ giết người khi cần thiết và cũng để sống sót”.

Tâm an bao gồm cả trạng thái không sợ chết, vì “không sợ chết sẽ giúp tìm thấy lối thoát” và cũng tìm ra cách để không đại bại vào tay kẻ thù, và quan trọng là “nắm được suy nghĩ của kẻ thù”. Muốn được “tâm an”, các Nhẫn giả phải trải qua những điều kiện tôi luyện ngặt nghèo về cả thể chất và tinh thần. Trong hình thức tu hành Tu Nghiệm Đạo (Shugendo), các Nhẫn giả phải đi chân trần ở những chốn linh thiêng, thả lỏng tinh thần để cuối cùng có thể đi trong vạc nước đang sôi sùng sục, hay đi trên lưỡi kiếm..

Ngoài việc sở hữu khả năng sử dụng binh khí, các Nhẫn giả còn là những bậc thầy hóa trang ảo diệu, không ai biết ngoại hình thật của họ ra sao khi họ có thể “chỉnh cặp lông mày, làm đen răng bằng gỉ sắt, thay đổi hình dạng chân tóc, thoa mực tàu lên mặt”.

Trái ngược với niềm tin dân gian cho rằng các Nhẫn giả thường là hắc y nhân (vận toàn đồ đen), nhưng sự thực thì họ là các Thanh y nhân (bận đồ màu xanh đậm) vì “không để lộ hành tung khi ánh trăng chiếu vào). Và niềm tin dân gian cho rằng các Nhẫn giả thường mang móc và dây thừng khi muốn đột nhập vào lâu đài vào đêm không trăng sao, nhưng sự thật thì các nhẫn giả thường giả cách ngã bệnh ngay trước cổng lâu đài, như ngộ độc thức ăn chẳng hạn, rồi giả cách trao quà cho người chủ lâu đài và thân nhân của họ. Khi cá đã cắn câu cũng là lúc các Nhẫn giả ra tay hành động.

Tuyệt kỹ nhẫn thuật của Ninja

Nhẫn thuật (Ninjutsu) hay thỉnh thoảng còn được gọi là ninpô (Nhẫn pháp) theo thuật ngữ hiện đại, đó là sự hợp nhất của chiến lược và chiến thuật dùng trong trận chiến, chiến tranh du kích và gián điệp được thực hiện nhuần nhuyễn bởi các nhẫn giả. Nhẫn thuật là một môn võ thuật độc đáo so với các môn phái võ thuật truyền thống ở Nhật Bản.

Ninja luyện leo vách tường đá ở tỉnh Mie, Nhật Bản. Ảnh: All About Japan.

Nó là sự tích hợp của võ thuật phổ quát (taijutsu) cùng với Thủ Lý Kiếm (Shurikenjutsu, ném phi tiêu), Kiếm thuật (Kenjutsu), Thương thuật (Sojutsu), Bổng thuật (Bojutsu) và những món binh khí lợi hại khác.

Trong khi tổ chức võ thuật quốc tế đã chính thức công nhận một số phiên bản Nhẫn thuật hiện đại, thì nguồn gốc đích thực của môn võ này vẫn còn đang gây tranh cãi. Một số hệ phái Nhẫn thuật tự tuyên bố họ là đích chân truyền của môn võ công này, mặt khác Nhẫn thuật không mang tính tập trung như Judo hay Karate. Togakure-ryu được xem là tài liệu đầu tiên viết về Nhẫn thuật và được cho là nó ra đời vào thế kỷ 16.

Hoạt động gián điệp ở Nhật Bản đã ra đời dưới thời Thành Đức Thái Tử (Shotoku, 572–622). Theo trước tác Shoninki, nhu cầu sử dụng Nhẫn thuật đã diễn ra trong một chiến dịch quân sự ngay trong thời kỳ diễn ra Chiến tranh Genpei khi Nguyên Nghĩa Kinh (Minamoto no Kuro Yoshitsune) chọn các chiến binh để trở thành Nhẫn giả (Shinobi) dùng để đánh trận.

Tài liệu này cũng nói rằng trong suốt thời đại Tân Chính (1333-1336), dũng sĩ Nam Mộc Chính Thành (Kusunoki Masashige) được cho là biết cách sử dụng Nhẫn thuật. Theo các dòng chú thích trong bản thảo Shoninki thì chiến tranh Genpei đã kéo dài từ năm 1180 đến năm 1185, và Phong trào Tân Chính (1333 và 1336).

Nhẫn thuật đã được phát triển mạnh bởi các võ sĩ đạo trong thời kỳ Nam - Bắc Triều (1336-1392), kỳ thuật này được chế tấu xảo diệu bởi các toán võ sĩ đạo đến từ Koka và tỉnh Iga của Nhật Bản vào các thời kỳ cuối. Trong suốt chiều dài lịch sử, Nhẫn giả được cho là “thích khách” hay gián điệp, họ thường được các lãnh chúa phong kiến thuê để thực hiện các hợp đồng giết người.

Vai trò hoạt động của các Nhẫn giả chủ yếu nhắm vào 2 thuật chính là tàng hình và do thám. Họ sử dụng 2 tuyệt kỹ này nhằm tránh đối đầu trực diện nếu đối thủ có võ công cao hơn. Trong trạng thái chiến tranh thời phong kiến ở Nhật Bản, Nhẫn thuật đã ra đời như một dạng võ công đối phó. Các nhẫn giả sử dụng tài nghệ của họ để có thể sinh tồn trong một thời gian với đầy bất ổn chính trị. Nhẫn thuật bao gồm rất nhiều kỹ năng thu thập thông tin, cùng các kỹ năng tránh bị phát giác, lẩn tránh hay đánh lạc hướng kẻ thù. Mỗi Nhẫn giả là một cao thủ khi họ có thể trốn thoát kẻ thù, ngụy trang tài tình, bắn cung điêu luyện, phóng phi tiêu thần sầu, am hiểu dược thảo chữa bệnh cùng những kỹ năng khác thường khác. Các kỹ năng liên quan đến gián điệp và ám sát tỏ ra rất hữu dụng nhất là trong thời phong kiến ly loạn.

Ăn uống tránh mùi hôi

Các tài liệu xưa mô tả, họ luôn biết cách ẩn mình nhiều ngày, xâm nhập vào lãnh thổ địch, có thể hoạt động gián điệp hoặc “thích khách”. Tạp chí Aera dẫn lời nhà nghiên cứu Makato Hisamatsu đến từ trung tâm nghiên cứu Ninja mới mở của Đại học Mie, cho biết: “Nếu Ninja ăn uống như nông dân thì họ sẽ ăn đúng 2 bữa mỗi ngày, phần lớn là kê, cám gạo, miso, rau và cây dại. Họ ăn nhiều châu chấu, rắn và cả ếch. Đó là chế độ ăn uống cân bằng nhất so với thời đại ngày nay”.

Chắc chắn là những lợi ích dinh dưỡng của gạo lứt đã được ghi lại rõ ràng, mặc dù những loài côn trùng, loài bò sát và loài lưỡng cư thường xuất hiện trong các chế độ ăn uống ngày hôm nay có lẽ lấy cảm hứng từ cách ăn uống lành mạnh của Ninja.

Nhưng một số tài liệu gốc có từ cuối thế kỷ 17 và thế kỷ 18 đã cho thấy có một số đặc trưng giữa chế độ ăn uống của Ninja và giới nông dân nói chung. Tờ Health Press của Nhật Bản dẫn lời giải thích của nhà nghiên cứu Makato Hisamatsu: “Các Nhẫn giả được cho là tránh ăn các loại thực phẩm có mùi nồng vì sợ bị kẻ thù phát giác. Các loại tỏi và những loài gia vị khác thuộc họ hành đều không đưa vào thực đơn của Nhẫn giả (các loại thịt đỏ cũng bị kiêng, hầu hết người sống vào thời kỳ Trung Cổ ở Nhật Bản là người theo đạo Phật hoặc Thần Đạo và đều ăn chay là chủ yếu).

Ngoài ra còn có những lý do khác. Nhẫn giả được cho rằng luôn chú ý đến vòng eo của họ để giúp cho dáng vẻ và hành động của họ luôn nhanh nhẹn. Nhà nghiên cứu Hisamatsu khẳng định điều này. Ông Hisamatsu mô tả rằng giới Nhẫn giả luôn áp dụng một thứ gọi là “quy luật sắt”, theo đó các Nhẫn giả không cho phép trọng lượng họ nặng quá 60kg: bằng trọng lượng tiêu chuẩn của một bao gạo.

Cách giữ eo này là một chế độ ăn uống dinh dưỡng nhưng thanh nhã giúp cho các Nhẫn giả có thể “tàng hình” (và dễ dàng đu mình trên trần nhà hoặc vách tường), cơ thể họ nhẹ bẫng đủ để làm những việc leo trèo. Tác phẩm Bansenshukai là một trong những nguồn tài liệu tốt nhất viết về các Nhẫn giả mặc dù có niên đại từ năm 1676, tức một thời gian dài sau thời hoàng kim của các Nhẫn giả. Bansenshukai là một tổng tập tài liệu mà nhiều tài liệu trong đó có đúc kết các triết lý quân sự Trung Hoa, và nó cũng như một dạng bí kíp nói về Ninjutsu làm nên nền tảng hư ảo của các Nhẫn giả.

Bansenshukai còn bao gồm công thức để chế ra “thuốc no” giúp cho Nhẫn giả có thể thực hiện các sứ mạng dài ngày mà không sợ mất sức trong những hoàn cảnh khan hiếm thức ăn. Viên thuốc no diệu dụng này được chế từ những loại mứt, quế, gạo nếp và hoa sen; còn có một cách thức chống đói khác của Nhẫn giả đó là họ sẽ tạo ra một viên đồ ăn làm từ vỏ cây thông, nhân sâm, gạo, rồi trộn lẫn các nguyên liệu này trong một cái giỏ.

“Viên thực phẩm này đủ dùng cho 15 người và họ sẽ sống thoải mái dù không ăn uống thêm gì trong suốt 3 ngày”. Các tính toán hiện đại cho rằng mỗi viên thực phẩm sẽ cung cấp khoảng 300 calori năng lượng – dù không đủ cho một bữa ăn nhưng chí ít nó sẽ là một thứ bánh cô đặc lại dùng cho chặng đường dài. Bảo tàng Iga-ryu, một bảo tàng chuyên về Ninja và lịch sử của họ, cũng mô tả về “viên thực phẩm” tương tự nhằm giúp Nhẫn giả tránh bị mất nước.

Truyền tin bằng thực phẩm

Công thức cho “viên thực phẩm” ở bảo tàng Iga-ryu được làm từ bột dưa muối nghiền, nấm lúa mạch đen và đường tinh luyện, sự kết hợp của 3 nguyên liệu này trong một món ăn mà ngày nay có thể được dùng để chữa chứng nôn nao khó chịu.

Tác giả Antony Cummins trong tác phẩm “Samurai và Ninja: Câu chuyện thực sự đằng sau huyền thoại chiến binh Nhật Bản” đã viết rằng: “Những viên thuốc này quả tuyệt vời cho “các trinh sát đường dài. Họ phải trải qua những khoảng thời gian dài mà chỉ cần ăn ít hoặc không ăn gì, và sức khỏe họ sẽ giảm dần dần chứ không tắp lự”. Các tác phẩm của nhà văn quân sự Nhật Bản sống vào thế kỷ 18 là Chikamatsu Shigenori đã mô tả một cách dùng thức ăn khác trong văn hóa Nhẫn giả: một cách dùng thực phẩm để truyền tin mật. Để biểu thị ngày, các Nhẫn giả sẽ gửi đi những mẫu cá, số lượng và kích thước các mẫu cá sẽ tương ứng với ngày và tháng.

Nhà văn quân sự Chikamatsu Shigenori viết: “Để biểu thị về sự phản bội, các Nhẫn giả sẽ gửi đi cá ướp muối. Muốn đốt phá, phóng hỏa nơi nào đó, Nhẫn giả sẽ gửi đi 1 con cá khô; bánh ngọt là lời kêu gọi quân cứu viện; bánh mì cuộn là lời kêu gọi tập hợp lực lượng để đánh tập hậu kẻ thù; bánh gạo dùng thay cho một số cam kết điều khoản, các Nhẫn giả sẽ gửi nó khi họ cảm thấy có lợi cho mình. Các Nhẫn giả cũng sẽ gửi đi một lá thư an ủi nhằm bảo vệ sứ giả nếu họ rơi vào tay kẻ xấu. Vẫn đang có những tranh luận sôi nổi về sự tồn tại của các Nhẫn giả. Một tài liệu từ thập niên 1670 cho thấy rằng Nhẫn giả “nhẹ hơn không khí, có thể xâm nhập bất kỳ nơi đâu, và không thể phát hiện ra họ”.

Nguyễn Thanh Hải
.
.