Bí mật phía sau vách đá

Thứ Tư, 27/12/2017, 06:41
Một bài báo gây chấn động đăng trên tờ báo Helsingin Sanomat hôm 16-12 vừa qua đã khiến chính phủ Phần Lan phản ứng dữ dội vì những bí mật tình báo đã bị phanh phui trước công chúng.

Theo tờ báo Helsingin Sanomat, những thông tin mà tờ báo này đăng có liên quan đến một trung tâm tình báo bí mật của chính phủ Phần Lan, và hoạt động chủ yếu của trung tâm này là giám sát, theo dõi mọi động tĩnh của các đơn vị quân đội Nga đóng quanh vùng St. Petersburg.

Phía sau một cuộc khám xét

Helsingin Sanomat là tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất Phần Lan, và thông tin tiết lộ trên tờ báo này tác động mạnh đến công chúng. Chính vì thế bài báo đã khiến chính phủ Phần Lan hết sức lo lắng vì chúng có thể làm cho công chúng bất bình.

Hơn nữa, bài báo trên tờ Helsingin Sanomat còn làm lộ ra nhiều thông tin nhạy cảm về hoạt động tình báo của Phần Lan nhắm vào các mục tiêu trên đất Nga, có thể khiến cho quan hệ giữa Phần Lan với nước Nga xấu đi. Chính phủ Phần Lan cáo buộc phóng viên và tòa soạn của tờ báo này xâm phạm an ninh quốc gia.

Trong khi đó, lãnh đạo tờ báo cho rằng công nghệ mà cơ quan tình báo Phần Lan sử dụng để theo dõi nước Nga cũng có thể được sử dụng để theo dõi mọi hoạt động của công dân trong nước Phần Lan, cho nên tờ báo cho rằng người dân Phần Lan có quyền được biết đến hoạt động của trung tâm thông tin này.

Cảnh sát lục soát nhà riêng của phóng viên Laura Halminen.

Cuộc tranh cãi giữa chính phủ Phần Lan và lãnh đạo tờ báo Helsingin Sanomat leo thang vào ngày chủ nhật 17-12 khi một toán cảnh sát đến nhà của phóng viên Laura Halminen, tác giả bài báo, lục soát.

Theo Chính phủ Phần Lan, cần phải tiến hành điều tra để làm rõ ai đã tuồn thông tin bí mật về cơ sở tình báo ở Jyvaskyla cho phóng viên Halminen của tờ báo Helsingin Sanomat. Luật pháp về an ninh quốc gia Phần Lan quy định cảnh sát có quyền lục soát nhà phóng viên Halminen để phục vụ cuộc điều tra về an ninh quốc gia mà không cần trát của tòa án hay lệnh khám xét cơ quan an ninh điều tra.

Nhận thức được tình hình nguy hiểm, Halminen ngay lập tức dùng búa đập nát chiếc máy tính cá nhân trong nhà mình nhằm phá hủy cơ sở dữ liệu lưu trong máy. Halminen cho biết cô làm thế là để bảo vệ nguồn cung cấp tài liệu mật để cô viết bài báo.

Rốt cuộc sau vài giờ lục soát, cảnh sát đã rời nhà Halminen với chiếc máy tính bị đập vỡ nát và một số thiết bị điện tử như điện thoại di động thông minh, iPad, hàng chục chiếc USB. Theo tờ báo Helsingin Sanomat, vụ việc lục soát nhà phóng viên Halminen là vụ việc đầu tiên trong lịch sử ngành báo chí Phần Lan.

Phóng viên Laura Halminen của tờ báo Helsingin Sanomat.

Cơ sở tình báo mật mà tờ báo Helsingin Sanomat phanh phui là một đơn vị nhỏ có tên gọi là Trung tâm Truyền tin (Message Center). Từ rất lâu, đã có nhiều người ở Phần Lan muốn tìm hiểu thông tin về hoạt động bên trong cơ sở tình báo này.

Thế nhưng, vì muốn giữ bí mật mọi hoạt động của Message Center, chính phủ Phần Lan đã dùng mọi biện pháp, kể cả pháp lý, để giữ bí mật. Mọi công nhân, nhân viên làm việc tại trung tâm này đều phải tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối, không được tiết lộ cho bất cứ ai biết về công việc cũng như nơi làm việc của mình.

Năm 2007, chương trình Truyền hình Báo chí điều tra MOT của Phần Lan đã nộp đơn lên tòa án để yêu cầu được tiếp cận tài liệu về Message Center, nhưng Tòa án Hành chính tối cao đã tuyên bác yêu cầu của chương trình, theo đó cơ cấu tổ chức, kế hoạch hành động, mục tiêu đối tượng và hoạt động hợp tác quốc tế của cơ sở này đều được xem là “bí mật quốc gia”, vì thế báo chí không được tiếp cận thông tin.

Quân đội Phần Lan (Message Center trực thuộc tình báo quân đội) đã dùng quyền lực của mình để yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giữ bí mật tuyệt đối về Message Center. Năm 1987, phóng viên tờ báo Helsingin Sanimat từng tiếp cận Bộ Tổng tham mưu quân đội để tìm hiểu về trung tâm nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng Message Center “tiến hành các nghiên cứu và thí nghiệm không được tiết lộ”.

Tên cũ của Trung tâm là Post Office, đến năm 2014 sáp nhập vào Đơn vị Tình báo Quốc phòng (DFIU) và đổi tên thành Message Center. Ở Phần Lan, các trung tâm, viện, cục thay tên đổi họ liên tục, khiến cho người ở bên ngoài không thể nắm biết được hoạt động cũng như cơ cấu tổ chức của các cơ quan này. Có lẽ đây cũng là một cách để đánh lạc hướng của tình báo nước ngoài chăng?

Theo Helsingin Sanomat, Message Center là một đơn vị tình báo tín hiệu và thám thính. Cơ quan này chuyên nghe lén các thông tin giao tiếp truyền qua đường vô tuyến và can thiệp, thu thập dữ liệu truyền thông trên môi trường mạng điện tử.

Dữ liệu sau khi thu thập được chuyển về Tổng hành dinh tình báo để phân tích, tổng hợp và cuối cùng là chuyển giao cho các cơ quan, định chế có nhu cầu sử dụng, như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, lãnh đạo quân đội Phần Lan, Bộ Ngoại giao, cảnh sát quốc gia,…

Theo các tài liệu mật Helsingin Sanomat có được, Message Center còn phối hợp với CIA trong một số nhiệm vụ. Các thông tin về hoạt động quân sự ở Nga sau khi phân tích, tổng hợp được chuyển cho CIA. Những thông tin chuyển cho CIA bao gồm thông tin hình ảnh, các phân tích chiến lược và hoạt động chuyển quân trên bộ…

Tính từ năm 2010 đến nay, luôn luôn có khoảng 150 người thường xuyên làm việc tại cơ sở tình báo ở Jyvaskyla. Nhân viên trong đơn vị này chia thành nhiều nhóm, trong đó nhóm đông nhất có khoảng 70 người.

Một tài liệu mật cho biết, so với các cơ quan tình báo khác trong quân đội Phần Lan như Cục tình báo Quốc phòng (DFIC), Cơ quan Tình báo An ninh Phần Lan (SUPO), quân số của Message Center có vẻ khiêm tốn hơn nhiều. Trong khi đó, theo kế hoạch phát triển tình báo tín hiệu Phần Lan trong 10 năm tới thì Message Center cần gấp đôi số nhân sự hiện có, cụ thể là phải tuyển thêm khoảng 200 nhân viên để đáp ứng nhu cầu phát triển tình báo kỹ thuật số.

Mọi con đường đều dẫn đến nước Nga

Tiếng là theo dõi mọi đối tượng, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của Message Center là tập trung vào nước Nga. Một tài liệu phóng viên Halminen thu thập được cho biết vào năm 2008, Hội đồng cố vấn Quân đội Phần Lan đã xác định Message Center là “một phần của tình báo quân đội nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát các lực lượng vũ trang Nga”.

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mục tiêu của trung tâm chuyển sang theo dõi ít nhất là các hoạt động quân sự tại Quân khu Leningrad (cũ). Message Center thu thập, phân tích và lưu trữ bí mật dữ liệu bức xạ điện từ phát ra từ lực lượng quân sự Nga. Vì thế, đơn vị này được trang bị thiết bị công nghệ thu thập tín hiệu kỹ thuật số cực nhạy nhằm theo dõi mọi hoạt động của lãnh đạo, binh sĩ, khí tài và các đối tượng khác trên lãnh thổ Nga.

Từ những dữ liệu thu thập được, Message Center sẽ xây dựng một “bản đồ tình báo điện tử” của đối phương. Bản đồ thể hiện đầy đủ những thông tin về kế hoạch, sự chuẩn bị, vị trí lãnh đạo, sự chuyển quân, trinh sát mục tiêu, các vị trí phòng không và các vị trí ra đa, trạm truyền tin, từ đó hỗ trợ tích cực cho công tác hoạch định chiến lược đối phó.

Một trong những quả cầu thám thính của Trung tâm tình báo Message Center.

Hàng năm, Message Center đều đưa ra các báo cáo về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến nước Nga. Một tài liệu mật năm 2008 cho biết Message Center đã thực hiện các báo cáo chuyên đề như báo cáo “Hoạt động của các lực lượng vũ trang Nga”, Đánh giá mối đe dọa Nga”, “Đánh giá mối đe dọa chiến tranh điện tử”, và “Đánh giá về mối đe dọa tội phạm mạng”. Message Center thu thập thông tin, dữ liệu thông qua hoạt động quan sát thực tế có mục tiêu như phát triển các hệ thống lãnh đạo quân sự, tập trận lãnh đạo, tập trận quân sự,…

Một trong những vấn đề các cơ quan chức năng Phần Lan quan tâm nhiều nhất là tuyến ống dẫn khí North Stream chạy dọc đáy biển Baltic (thuộc hải phận Nga) từ Nga đến Greifswld, Đức.

Cả quân đội và cảnh sát Phần Lan đều quan tâm theo dõi việc triển khai dự án này. SUPO đã đặt vấn đề về dự án này trong một phân tích tình báo mật “Nga chuyển biến thành mối đe dọa” vào cuối năm 2006, mặc dù mãi đến năm 2010 tuyến ống mới bắt đầu khởi công xây dựng. SUPO ước lượng rằng tuyến ống dẫn khí dài 1.100 km này và toàn bộ hệ thống vận hành và bảo trì kèm theo nó đặt ra mối bận tâm cho quân đội: về mặt kỹ thuật người Nga có thể lắp đặt các hệ thống thiết bị tình báo dọc theo tuyến ống.

Mặt khác, tháp bảo trì tuyến ống có thể trở thành một “đài quan sát” được sử dụng cho mục đích tình báo nhằm giám sát cả một khu vực rộng lớn xung quanh. Tuy nhiên, SUPO kết luận rằng hệ thống này không nguy hiểm về mặt quân sự cũng như kinh tế, vì để triển khai được các hệ thống tình báo như vừa phân tích cần phải có sự “hợp tác” của người Đức. Lắp đặt một hệ thống tình báo như thế có nguy cơ làm tổn hại quan hệ và làm suy giảm lòng tin của người Đức, SUPO đánh giá.

Ngoài ra, SUPO còn lo ngại việc lắp đặt tuyến ống dẫn khí có thể đặt ra nguy cơ thám thính. SUPO cho rằng các quốc gia lân cận tuyến ống, đặc biệt là Estonia nằm trong tầm giám sát, theo dõi của hệ thống tình báo đi kèm theo tuyến ống. Mối bận tâm của SUPO có vẻ trùng khớp với sự quan tâm của tình báo phương Tây đối với tuyến ống North Stream.

Bên cạnh các báo cáo về tuyến ống North Stream, Message Center còn cung cấp khoảng 70-120 báo cáo tình báo hàng năm liên quan đến nước Nga. Một tài liệu mật năm 2008 cho biết, Message Center thực hiện các báo cáo về những vấn đề như “Các dự án lắp đặt Hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm của Nga”, “Những nguy cơ về tên lửa Buk” và “Đánh giá về lực lượng vũ trang Nga ở Georgia”.

Một nhiệm vụ ít được biết đến của Message là xây dựng và duy trì cái gọi là “Thư viện tín hiệu” và những cẩm nang về phương pháp quấy rối. “Thư viện tín hiệu” (Signal Library) về cơ bản là một cơ sở dữ liệu điện tử trong đó quân đội Phần Lan lưu trữ các tín hiệu bức xạ điện từ thu được từ Nga. Các hệ thống rađa và trang thiết bị vô tuyến đều phát ra bức xạ điện từ, và đó được xem là “dấu vân tay” của chúng.

Nhờ có “Thư viện tín hiệu” mà Message cũng như các lực lượng chiến đấu đều có thể xác định được các thiết bị, khí tài được triển khai trên lãnh thổ Nga.

Bên cạnh đó, Message Center còn tạo một “thư viện hình ảnh” để phục vụ cho công tác xác định sa hình, và “thư viện sóng âm” để tầm soát, định vị tàu ngầm. Tài liệu mật nhận định, các “thư viện” đóng vai trò then chốt trong năng lực chiến đấu của quân đội Phần Lan, thiếu chúng, các loại khí tài hiện đại như máy bay chiến đấu F-18 Hornet, trực thăng NH-90, tàu chiến và các hệ thống phòng không,… sẽ không thể hoạt động hiệu quả.

Xây dựng bản đồ tình báo là một nhiệm vụ đặc biệt khác của Message Center. Tờ báo Helsingin Sanomat dẫn các tài liệu mật cho biết hệ thống “bản đồ tình báo” của Message Center cho phép “xác định các mục tiêu tấn công dựa vào tầm quan trọng của mục tiêu” và mức độ thiệt hại gây ra.

Năm 2008, Message Center đã cho ra lò một loạt “bản đồ tình báo” đầu tiên. Phương pháp xác định mục tiêu của “bản đồ tình báo” là dựa vào năng lực nghe và đo đạc điện tử, thực hiện bởi vô số thiết bị cảm ứng cực nhạy được lắp đặt trên mặt đất cũng như trên các máy bay thám thính.

Trong giai đoạn hiện nay, Message Center còn có thêm một nhiệm vụ mới hết sức đặc biệt nữa, đó là phát triển công cụ chiến tranh mạng. Để tham gia hiệu quả vào cuộc chiến điện tử, Message Center được trang bị những hệ thống thiết bị công nghệ cao hiện đại, nhưng hiệu quả hoạt động của các hệ thống này cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.