Bí mật về công chúa đầu tiên của Monaco

Chủ Nhật, 26/06/2011, 17:35

Khi qua đời ở tuổi 90, người chị cả Antoinette của ông Hoàng Monaco Rainier đã mang trong mình những ký ức của dòng họ Grimaldi...

Ngày nữ minh tinh màn bạc Mỹ Grace Kelly bước vào gia đình Rainier, trở thành bà Hoàng của Công quốc Monaco, là ngày đánh dấu sự thất sủng của Antoinette, Công chúa của dòng họ Grimaldi đã trị vì đất nước cho đến ngày em trai bà thành gia thất. Thực ra thì hai người phụ nữ này đã mất một thời gian khá lâu mới có thể sống trong hòa khí.

Vào năm 1960, bà Antoinette tuyên bố: "Giữa em trai tôi và tôi không còn mối bất hòa nào nữa. Tất cả đều do âm mưu của yêu nữ màn bạc đó". Vào thời đó, Antoinette đang sống lưu vong. Khi bà mất vào rạng sáng ngày 18/3/2011, ít người dân Monaco  nào còn nhớ đến thời trẻ của người phụ nữ hay chống đối này. Cho dù có những đứa con ngoài giá thú, đã nhiều lần ly hôn, đã lấy một người đàn ông ít tuổi hơn mình, và thậm chí có những âm mưu đi nữa, thì Antoinette cũng chỉ nổi loạn giữa các bà công chúa mà thôi.

Grace, Rainier, Antoinette, Jean-Charles Rey.

Năm 1959, khi Rainier giải tán Hội đồng quốc gia, ông tuyên bố: "Có một người đàn ông, vì những lý do mà ta biết, đang muốn cầm đầu công quốc này". Người đàn ông đó chính là Jean-Charles Rey, người mà Antoinette cưới vào năm 1961 và ly hôn vào năm 1973. Cho dù có những sai lạc trong cách cư xử trong hoàng gia, nhưng những hoạt động từ thiện đã làm cho Antoinette trở thành một trong những người được lòng dân nhất tại xứ Monaco.

Nhiều giai thoại cho rằng, bà ngoại của Antoinette tên là Marie-Juliette là thợ giặt, một số khác quả quyết bà ấy là tiếp viên trong một quán rượu tại Montmartr. Ông Louis Honoré Charles Antoinette de Grimaldi, ông Hoàng xứ Monaco, Trung úy Trung đoàn 3 kị binh châu Phi, và là hiệp sĩ nhận huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh, đã phải lòng Marie vào năm 1897 lúc 27 tuổi. Albert I, quân vương xứ Monaco không muốn nhận vào hậu duệ của mình một cô bé Charlotte Louvet nào đó sinh năm 1898 tại Constantine tận bên Algérie. Tuy vậy, đứa bé cũng được che chở trong cung điện và lớn lên mang họ mẹ.

Xét theo hộ tịch thì Charlotte Louvet chỉ xuất hiện khi được 12 tuổi, khi nhận họ Grimaldi và tước hiệu Nữ công tước xứ Valentinois. Cha của Louvet không kết hôn, ông không có đứa con nào khác. Vì gặp tình trạng khẩn cấp nếu người ta không muốn Công quốc nằm dưới sự chia cắt của nền cộng hòa Pháp, ông đã nhận Louvet làm con nuôi khi cô được 20 tuổi, sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ I.

Rồi người ta tìm cho cô một ông chồng, Bá tước Pierre de Polignac là người được chọn. Cuộc hôn nhân gượng ép đó cũng cho ra đời 2 người con, đó là Antoinette sinh năm 1920, và Rainier sinh năm 1923. Sau đó họ ly hôn vào năm 1933. Cũng như mẹ mình, bà Charlotte giao con cái lại cho bố của chúng bởi bà là người thích săn bắn hơn con cái.

Khi Rainier trở về Monaco vào năm 1940, ông không còn nhận ra ai ngoài chị gái Antoinette, Công chúa đầu tiên của xứ Monaco. Thế nhưng, vị quân vương của Monaco rất thích tính nết của cô cháu gái Antoinette. Ông nhận thấy Rainier thiếu cá tính đặc biệt của Antoinette nên đã gửi Rainier sang Anh quốc ở trong một ký túc xá.

Trong tài liệu lưu trữ của Bộ Ngoại giao, ông Frédéric Laurent đã tìm thấy bức thư của lãnh sự pháp là Victor Jeannequin viết ngày 9/6/1942: "Chính Công chúa Antoinette sẽ thực sự nắm quyền hành ở Monaco và vì không phải là Quốc vương không biết những khuynh hướng thân Italia và chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi của cô cháu gái, nên ông dùng quyền hành của mình để sắp đặt mọi biện pháp phòng ngừa, để sau khi ông mất, Công quốc không lệch khỏi đường lối chính trị vốn luôn là đường lối của dòng họ Grimaldi". ("Le prince sur son rocher", Nhà xuất bản Fayard năm 1943). Bà Antoinette quá thân cận với lãnh sự Italia phát xít tên là San Felice.

Trong những hoạt động của Antoinette suốt thời kỳ nước Pháp bị chiếm đóng, người ta luôn giữ lại hình ảnh bà làm Chủ tịch Hội đồng cứu trợ và cấp cứu của Monaco, và sự tận tụy của bà đối với gia đình của các tù binh. Bà luôn luôn mang tình yêu trao cho mọi người. Bà rất thương người và cũng ngoan cường chống đối. Bà chống đối quyền lực, chống thời đại của bà. Chống đối em mình khi ông đến lượt làm quân vương. Bà không chấp nhận việc Rainier buộc bà từ bỏ người yêu của bà, nhà vô địch quần vợt - ông Aleco Noghès, dù ông đã có vợ con.

Antoinette dự lễ lên ngôi của Hoàng tử Albert.

Công chúa Antoinette là "bà mẹ độc thân", dù đạo Công giáo là quốc giáo, bà cũng bất chấp. Bà có 3 người con ngoài giá thú và sống trong tình trạng phạm tội... Cực chẳng đã, ông Hoàng Ranier phải ban cho bà một chức danh, đó là danh xưng nữ nam tước Massy.

Mọi sự dường như đã đi vào trật tự khi cuối cùng bà cũng có thể  kết hôn với nhà vô địch của bà tại Gênes vào năm 1951. Nhưng chẳng bao lâu sau, bà lại hướng sang một người đàn ông khác. Antoinette tạo thêm một vụ tai tiếng nữa khi chọn một trong những đối thủ chính trị cứng đầu nhất của ông Hoàng, đó là Jean-Charles Rey, vừa là luật sư vừa là công chứng viên, là người tuyên bố đòi lập một thể chế dân chủ độc lập.

Vào năm 1955, suýt nữa thì xảy ra đảo chính. Bà Antoinette muốn lợi dụng cơ hội khi một ngân hàng của Monaco bất ngờ bị phá sản và gây ra một cuộc biến động lớn. Báo Paris Presse viết: "Người ta bàn tán về một âm mưu chống lại Rainier III. Chính Công chúa Antoinette, chị của ông là người điều động cuộc âm mưu đó. Người ta nói là bà có dự định phế truất em mình để đưa con trai trẻ lên thay".

Báo Le Figaro loan tin là từ sau âm mưu bất thành ấy, Antoinette không còn được xuất hiện trong các buổi ra mắt chính thức nữa. Rainier ký kết hòa bình dựa trên lời hứa là Antoinette không bao giờ được kết hôn với Jean-Charles Rey. Đó là điều mà 6 năm sau bà thực hiện...

Nổi loạn chống lại quyền lực, chống lại nơi mình ở, chống lại thời đại của mình, chống cả em ruột, cựu đệ nhất phu nhân Antoinette bị xếp xuống hạng dưới của bục danh dự: hàng thứ 3 sau Grace Kelly, sau cả cô em của Grace... Phải đợi đến khi có cuộc khủng hoảng năm 1962, một bức tường lố bịch là cuộc "cấm vận" 24 giờ mà nước Pháp áp đặt cho Monaco, thì chị em Rainier mới giảng hòa với nhau. 

Năm 1983, 6 tháng sau ngày mất của em dâu Grace Kelly, bà đã tìm lại John, và tìm lại tuổi trẻ của mình. Bà cho làm lại chiếc áo đầm xanh gắn trang kim bằng bạc mà bà đã mặc khi hai người gặp nhau vào năm 1949. Cuối cùng, Antoinette cũng kết hôn tại cung điện, trước cả gia đình đoàn tụ: Antoinette 62 tuổi, John 53 tuổi, hai người tóc đã pha sương nhưng mang nụ cười tuổi 20. Hạnh phúc bên nhau được đúng 40 ngày thì John qua đời sau một cơn đau tim. Antoinette trở thành góa phụ. Bà vẫn mãi như thế cho đến khi trở thành người thiên cổ

Phan Linh (theo Paris Match)
.
.