Bí mật về kho vũ khí hóa học của Syria

Thứ Hai, 23/04/2018, 23:31
Kho vũ khí hóa học của Syria được cho là đã có từ nhiều thập kỷ trước, thậm chí còn có quy mô lớn tại Trung Đông. Kể từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi thất bại trong các cuộc chiến chống lại Israel, Syria đã nỗ lực xây dựng và duy trì một kho vũ khí hóa học nhằm đối phó với khả năng Nhà nước Do Thái phát triển vũ khí hạt nhân.

Mặc dù tuyên bố ủng hộ một khu vực Trung Đông phi vũ khí hủy diệt hàng loạt, song Syria không thể đơn phương từ bỏ vũ khí hóa học chừng nào Israel còn là mối đe dọa an ninh đối với họ.

Từng là kho vũ khí lớn ở Trung Đông

Theo trang web Global Security - cơ quan chuyên tập hợp các dữ liệu tình báo, có 4 cơ sở vũ khí hóa học bị nghi ngờ tại Syria: một ở phía bắc thủ đô Damas, cơ sở thứ hai gần thành phố công nghiệp Homs, cơ sở thứ ba ở Hama. Cơ sở cuối cùng gần cảng Địa Trung Hải Latakia. Các nhà phân tích cũng cho rằng, thị trấn Cerin nằm bên bờ biển có khả năng là một cơ sở sản xuất vũ khí sinh học.

Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Đặc sứ Syria tại Liên hiệp quốc Lakhdar Brahimi, và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo kết quả thỏa thuận Nga-Mỹ về giải giáp vũ khí hóa học của Syria ngày 13-9-2013.

Các nhà phân tích nhận định rằng những vũ khí hóa học đầu tiên của Syria do Ai Cập cung cấp trước khi xảy ra cuộc chiến 1973 với Israel. Còn kể từ năm 1973, Syria gần như đã đạt được khả năng phát triển và sản xuất các chất độc dùng làm vũ khí hóa học, trong đó có chất độc dạng lỏng không màu, không mùi (sarin), chất hóa học tác động lên hệ thần kinh (VX) và khí mù tạt (mustard gas), vốn là khí độc có thể gây phồng rộp da. Tình báo Mỹ ước tính, quốc gia này có thể sở hữu hàng trăm lít vũ khí hóa học và hàng năm họ sản xuất hàng trăm tấn chất độc hóa học.

Năm 2012, Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc chính quyền Tổng thống Assad tấn công hóa học nhằm vào dân thường thuộc phe đối lập và đe dọa đánh sập chính quyền Damas bằng quân sự.

Sau nhiều cuộc đàm phán cam go, cuối cùng ngày 14-9-2013, Nga và Mỹ đã đi đến thỏa thuận, được ký kết tại Genève, Thụy Sĩ, theo đó: Washington và các nước phương Tây ngưng đánh Damas để đổi lấy chính quyền Syria phải gia nhập Tổ chức cấm vũ khí Hóa học (OPCW) và giải giáp vũ khí hóa học. OPCW thành lập năm 1997 và họ đã tiến hành nhiều cuộc thanh sát tại hơn 5.000 địa điểm liên quan đến vũ khí hóa học. Syria là nước đầu tiên đang trong tình trạng nội chiến mà OPCW tham gia xử lý. Tổng cộng hơn 580 tấn thiết bị để chế biến khí độc sarin và 19,8 tấn hoạt chất dùng để chế biến khí cay mù tạt đã bị hủy dưới sự giám sát của OPCW.

Tổng thống Mỹ nghi ngờ chính quyền Damas vẫn còn khí chlore như một loại vũ khí. Phải đợi đến vụ tấn công ngày 4-4-2017 nhắm vào vùng Khan Cheikhoun thì phương Tây mới quyết định hành động. Tại địa phương này do quân nổi dậy của tỉnh Idleb kiểm soát, nhiều triệu chứng hiện ra sau đợt oanh kích của Damas giống với những gì được ghi nhận từ các nạn nhân của một vụ tấn công trước đó. Ít nhất có 83 người đã chết trong vụ này.

Trong đêm 6 rạng sáng 7-4-2017, Tổng thống Donald Trump ra lệnh nã tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Chaayrate của Syria (miền trung). Các chuyên gia của OPCW và Liên Hiệp Quốc sau đó còn xác nhận rằng khí sarin đã được sử dụng và chính quyền Damas phải chịu trách nhiệm. Lời cáo buộc đã bị Damas bác bỏ.

Cần một cuộc điều tra khách quan

Cũng trong ngày 7-4-2018, một nhóm quân nổi dậy và phe đối lập tố cáo chính quyền Damas đã thực hiện một vụ tấn công hóa học mới tại đông Ghouta. Đây là lý do cho đợt tấn công của Anh, Pháp và Mỹ và Syria hôm 14-4. Nước Nga và chính quyền Damas luôn phủ nhận sự tồn tại của kho vũ khí hóa học ở Syria mà phương Tây cố tình gán ghép. Moskva tố cáo phe nổi dậy ở Syria tìm cách dàn dựng các vụ tấn công bằng chất hóa học nhằm mục đích tạo cớ để phương Tây tấn công.

Các kho vũ khí hóa học ở Syria trước khi bị tiêu hủy năm 2014.

Điều đáng nói là phương Tây khi cáo buộc thường không đưa ra bằng chứng cho bàn dân thiên hạ xem và kiểm chứng. Lần trước cũng vậy và lần này cũng thế, họ cứ “đánh” trước cái đã rồi mới điều tra. Và kết quả điều tra có thế nào thì mọi chuyện cũng đã rồi vả lại người điều tra là của họ nên tính minh bạch khó mà được đảm bảo 100%.

Ngày 16-4-2018, tức hai ngày sau khi Mỹ tấn công Syria, thanh tra viên của Tổ chức OPCW mới bắt tay điều tra xem liệu chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tại Douma - đông Ghouta trong đợt tấm công hôm 7-4-2017? Damas cam kết không gây áp lực, để các nhà điều tra công tác một cách "khách quan và không thiên vị".

Thứ trưởng Ngoại giao Syria, Ayman Soussan, tuyên bố, kết quả điều tra sẽ bác bỏ những luận điệu gian dối chống lại Syria. Tổng thống Bachar al Assad một lần nữa đã khẳng định là nhờ được Nga hỗ trợ, Syria đã hủy tất cả kho vũ khí hóa học hồi năm 2014.

Nhưng dù kết quả điều tra có đúng là Damas không dùng vũ khí hóa học thì đằng nào họ cũng đã bị tấn công rồi. Hẳn chúng ta còn nhớ những cáo buộc Mỹ tung ra nhắm vào Saddam Husein để biện minh cho quyết định đánh Iraq, những cáo buộc mà sau này được biết là không xác thực. Nhưng Saddam Husein không thể đội mồ sống dậy mà đòi công lý!

Tờ Le Monde (Pháp) cho biết, trong lịch sử thế giới, vũ khí hóa học đã được sử dụng trong chiến tranh ít nhất 10 lần, trong đó có đến 6 lần được sử dụng trong giai đoạn 1915-1988. Lần sử dụng đầu tiên của thế kỷ 20 là trong Thế chiến thứ nhất, vào năm 1915, khi đó quân đội Đức đã dùng vũ khí hóa học tấn công Pháp. Tờ báo cũng đề cập đến việc quân đội Nhật sử dụng vũ khí hóa học tấn công quân nhân và thường dân Trung Quốc trong cuộc chiến Nhật-Trung 1938-1942.

Le Monde cũng không quên trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng chất khai quang có nồng độ cực cao gây hậu quả nặng nề đến hiện tại. Còn trong thế kỷ 21 này, lần sử dụng vũ khí hóa học đầu tiên có lẽ là tại Syria.

Năm 1993, Công ước cấm vũ khí hóa học đã ra đời. Từ đó, có khoảng 80% kho vũ khí hóa học trên thế giới bị phá hủy. Trong lịch sử, Nga sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, ước tính lên đến 40.000 tấn. Xếp thứ hai là Mỹ với khoảng hơn 30.000 tấn. Nga tuyên bố đã phá hủy 70% vũ khí hóa học, còn Mỹ thì tuyên bố đã phá hủy đến 90%.

Tuy nhiên, hai bên vẫn đang nghi kị lẫn nhau về tính thành thật của những tuyên bố này. Iran cũng đã tuyên bố từ bỏ tất cả chương trình phát triển vũ khí hóa học và đã mở cửa cho các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra nhưng, Mỹ vẫn nghi ngờ Iran phát triển vũ khí hóa học. Đối với Triều Tiên, Mỹ cho rằng nước này có khả năng sản xuất 5.000 tấn vũ khí hóa học mỗi năm.

M.T. (tổng hợp)
.
.