Bí mật xung quanh nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân của Nga

Chủ Nhật, 04/07/2010, 05:20
Vào thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, công chúng Nga qua các phương tiện thông tin đại chúng đều biết được nhiều bí mật về mạng lưới công nghiệp quốc phòng của Nga: vũ khí bộ binh sản xuất tại Tula và Izevsk; xe tăng tại Ural; máy bay tại Irkutsk, Samara; tàu ngầm tại Severodvinsk v.v...

Người ta còn biết được về các địa điểm khai thác và làm giàu uranium, nơi sản xuất plutonium dùng cho vũ khí và hạt nhân cả nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, vị trí của các nhà máy sản xuất đầu đạn hạt nhân vẫn được coi là chuyện bí mật. Phóng viên tờ Izvestia của Nga vừa có dịp tới thăm một nhà máy bí mật với tên gọi "ElectroChimPribor" (ECP) tại thành phố Lesnom (Bắc Ural), được coi là nhà máy sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới.

Cách đây không lâu, hai Tổng thống Medvedev và Obama đã đạt được thỏa thuận về việc giảm bớt số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn khoảng 1.500. Hiện tại, nước Mỹ đang có 2.700 đầu đạn hạt nhân (trong đó có 2.200 đầu đạn chiến lược), chưa kể 2.500 đầu đạn dự trữ. Phía Nga đang có 4.830 đầu đạn (trong đó 2.780 đầu đạn chiến lược) và 3.500 đầu đạn dự trữ.

Mặt khác, người Mỹ lại chiếm ưu thế về số lượng các loại vũ khí mang đầu đạn hạt nhân - 750 so với 500, đặc biệt là các tên lửa hạt nhân đặt trên tàu ngầm. Tuy nhiên, con số trên vẫn chẳng thấm vào đâu nếu so sánh với thời điểm những năm 60-80 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và Mỹ có trong tay tới 35.000 đầu đạn mỗi bên.

Phần lớn số đầu đạn hạt nhân của Nga đã từng được sản xuất tại thành phố Lesnom. Trong đó ECP là nhà máy duy nhất có cả dây chuyền sản xuất vũ khí hạt nhân khép kín. Tuy nhiên vì những lý do an ninh quốc gia, ngay cả tại đây cũng rất hiếm khi có thể nghe thấy bất cứ một tiết lộ nào về loại sản phẩm đặc biệt trên. 

Một phân xưởng của ECP, nơi có nhiệm vụ sản xuất lá chắn hạt nhân của nước Nga.

Một địa điểm tuyệt mật như Lesnom có lẽ đã được lựa chọn từ một lý do quan trọng liên quan đến đặc điểm thời tiết. Thành phố này nằm tại một khu vực gần như quanh năm có mây che u ám, rất khó có thể quan sát và chụp ảnh từ máy bay hay vệ tinh. Người nước ngoài từ cả nửa thế kỷ nay luôn bị nghiêm cấm đặt chân tới đây. "Nhà máy ECP của chúng tôi cũng là nơi sản xuất các chất đồng vị ổn định dành cho y tế lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% thị trường toàn cầu - Giám đốc Andrey Novikov, được coi là chuyên gia sản xuất vũ khí hạt nhân thế hệ thứ hai của nhà máy, cho biết - Chúng tôi đang chế tạo bom nguyên tử, nhưng sinh sống không chỉ nhờ vào việc sản xuất bom".

Quay trở lại quá khứ, tại nơi đây vào năm 1947 đã hình thành nhà máy bí mật đầu tiên mang số hiệu N418 chuyên phân tách uranium bằng phương pháp điện từ. Những công việc đầu tiên được triển khai dưới sự chỉ đạo của Viện sĩ Vật lý Lev Arsimovich. Công trình đầu tiên được xây dựng quy mô tại đây không phải là nhà ở, mà là một máy nam châm siêu mạnh, được đánh giá là mạnh nhất thế giới vào thời điểm đó. Công suất của dàn máy này lên tới gần 4.000 Oersted (đơn vị đo cường độ từ trường), tức là mạnh hơn từ trường trái đất tới 40 lần. Đến khi những phương pháp phân tách uranium hiệu quả hơn được ứng dụng, nhà máy chuyển hoàn toàn sang việc lắp ráp bom nguyên tử và đổi sang mật danh mới là 814.

Với đặc thù công việc của mình, ECP đang sở hữu một lực lượng chuyên gia và công nhân có trình độ rất cao. Điển hình trong đội ngũ này có thể kể tới thợ tiện lão thành Mikhail Pomazkin. Cựu Tổng thống Boris Eltsin trong một lần đặt chân tới đây đã đích thân tới thăm nhà riêng của ông.

Trước khi tới Lesnom, Pomazkin đã có thời gian làm việc tại Moskva, tham gia vào dự án chế tạo loại máy bay vũ trụ Buran (một phiên bản tương tự như tàu con thoi của Mỹ), có mặt trong đội ngũ chế tạo tàu vũ trụ cho Yuri Gagarin. Cũng nhờ những đóng góp quan trọng trong việc chế tạo những sản phẩm có ý nghĩa đặc biệt trong quốc phòng tại Lesnom, Pomazkin đã được tặng thưởng Huân chương Lênin cao quý nhất của Liên Xô.

Theo Giám đốc Novikov, giai đoạn khó khăn nhất của nhà máy bắt đầu từ sau khi Liên Xô tan rã. Với những khoản nợ lớn, ông đã phải ba lần ra thuyết trình trước Ủy ban phụ trách về phá sản của nhà nước. Nhưng bất chấp sự thuyết phục của nhiều quan chức, Novikov vẫn kiên quyết không chịu giảm biên chế của nhà máy với lý do duy nhất - đó là những chuyên gia mà đất nước luôn rất cần. Cuối cùng, ban lãnh đạo cũng thoát ra khỏi tình trạng khó khăn bằng cách tìm kiếm được những bạn hàng mua chất đồng vị phóng xạ dùng trong y tế. Nhờ đó, nhà máy đã đảm bảo được đời sống ổn định cho công nhân, hoàn thành mọi đơn đặt hàng của nhà nước về sản xuất đầu đạn hạt nhân.

Năm 2002, Novikov đã được đích thân Tổng thống Putin trao tặng giải thưởng quốc gia tại Điện Kremlin vì những thành tích trên. Ngày nay, ngoài các đầu đạn hạt nhân, nhiều sản phẩm dân dụng đa dạng của ECP đang được sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, y tế, nông nghiệp v.v... Chúng còn được xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới

Linh Nga (theo Izvestia)
.
.