Bí quyết hôn nhân của Nữ hoàng Elizabeth

Thứ Tư, 30/03/2016, 07:25
Cô gái trẻ la hét và cười to, chạy rầm rập lên cầu thang. Phía sau cô là anh chồng cười đuổi theo sau trêu chọc. Tiếng ồn chỉ chấm dứt khi họ đuổi nhau hết 80 bậc cầu thang và lao vào phòng. Đó là vợ chồng Nữ hoàng Anh Elizabeth và Hoàng thân Philip trong những năm 1960. Dù đã có với nhau ba mặt con, đã lấy nhau 15 năm và bà Elizabeth đã trị vì gần 10 năm nhưng họ lúc nào cũng như mới yêu.


Mật ngọt thuở ban đầu

Cuộc sống vui vẻ đó của Nữ hoàng Elizabeth khó thần dân nào có thể tưởng tượng được, đặc biệt là khi có quá nhiều đồn đoán về việc Hoàng thân Philip hay nay đây mai đó, có khi rong ruổi trong những chuyến đi kéo dài hàng tuần lễ, rất xa nước Anh. Có hẳn một danh sách dài những phụ nữ được cho là có quan hệ tình ái với Hoàng thân Philip, từ các diễn viên, nữ bá tước cho tới những cô công chúa.

Hai vợ chồng Nữ hoàng vui vẻ trong một trận polo năm 1966.

Cho dù Hoàng thân Philip dính nhiều tin đồn nhưng ngay cả Kitty Kelley, nhà viết tiểu sử người Mỹ nổi tiếng, cũng không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào khi bà tới London để tìm cách chứng minh những tin đồn này là thật. Chắc chắn là những năm trước khi kết hôn với Nữ hoàng, ông Philip nổi danh là người của các quý cô. Khi ông kết hôn với Nữ hoàng, dư luận tại Điện Buckingham dự báo rằng ông quá đẹp trai và hấp dẫn đến mức bản thân ông cũng sẽ gần như không thể chung thủy được.

Khi Nữ hoàng Elizabeth mới là cô công chúa nhỏ 13 tuổi, lúc được giới thiệu với chàng học viên trường sĩ quan 18 tuổi Philip trong chuyến đi cùng cha là Vua George VI tới trường Đại học Hải quân Dartmouth, cô bé sau này đã kể với bạn bè là chàng ta trông như “một nam thần Viking”.

Cuộc gặp gỡ giữa Elizabeth và Philip – con trai Hoàng thân Andrew của Hy Lạp - là do ông bác của Philip tức Bá tước Mountbatten sắp xếp. Bá tước Mountbatten luôn mong ước Hoàng gia Anh có một phần tên tuổi của dòng tộc ông. Philip đã bị ông bác thúc giục đến mức cậu đã hỏi Vua George VI là liệu mình có thể liên lạc với Elizabeth. Đây là một đề nghị bất ngờ vì Công chúa mới ở tuổi thiếu niên và Vua George có thể từ chối thẳng thừng.

Philip vốn là một trong số các hoàng tử mà hôn nhân của họ đã được sắp đặt, không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Philip tin tưởng vào một cuộc hôn nhân của trái tim, như cuộc hôn nhân của ông với Nữ hoàng Elizabeth – cuộc hôn nhân mà một thư ký Hoàng gia Anh cho là một thành công lớn mặc dù lúc đầu Nữ hoàng Elizabeth khước từ Philip.

Thế nhưng, khi Vua George VI nhận ra chàng thanh niên trẻ này có thể có ảnh hưởng với con gái mình, ông đã đồng ý. Tám năm sau, cho dù Philip bị mang tiếng “sát gái” nhưng sự táo bạo của Philip và tình cảm đắm đuối của Elizabeth đã kết duyên hai người trong một đám cưới tại tu viện Westminster ngày 20/11/1947.

Sau đám cưới, người lo lắng cho Elizabeth nhất là thư ký riêng của Vua George VI, ông Tommy Lascelles – người luôn cho rằng Philip là một gã “thô kệch, cục cằn, thiếu giáo dục và có thể sẽ không chung thủy”. Mẹ của Elizabeth đã viết thư ngay cho con rể mới, muốn chàng rể đảm bảo rằng sẽ trân trọng con gái bà. Philip, khi đó 26 tuổi, phúc đáp: “Trân trọng Lilibet? Con tự hỏi liệu từ đó có đủ để diễn tả những gì trong con không”. Trong thư, Philip còn viết mình đã yêu Elizabeth đắm đuối: “Thứ duy nhất trên thế giới này hoàn toàn đúng với con và tham vọng của con là hàn chặt hai chúng con thành một thực thể mới để chúng con sẽ không chỉ chống chọi được với những cơn sốc nhằm vào chúng con mà còn là để tồn tại tích cực vĩnh viễn”.

Về phần mình, Elizabeth viết thư cho cha mẹ một cách hạnh phúc khi đang nghỉ tuần trăng mật ở Balmoral, nói rằng mình và chồng mới cưới “cư xử như thể chúng con đã thuộc về nhau hàng trăm năm trời rồi. Philip là một thiên thần”.

Ngôi nhà đầu tiên cặp vợ chồng ở trong những ngày đầu là Clarence House. Công chúa Elizabeth trang trí phòng ngủ màu hồng và xanh. Một căn phòng được bài trí làm rạp chiếu phim và khi họ xem một bộ phim nào đó, toàn bộ nhân viên trong tòa nhà đều được mời xem cùng. Nữ hoàng đặc biệt yêu thích bộ phim thời chiến In Which We Serve.

Rồi Philip được điều đến Malta. Công chúa Elizabeth sống một cuộc sống vô lo vô nghĩ với tư cách là vợ một sĩ quan hải quân trẻ ở Malta. Họ sống trong tòa nhà Villa Guardamangia với gia đình ông bác của Philip là Bá tước Mountbatten. Nhưng không lâu sau đó, Elizabeth nhận ra rằng có một điều gì đó cô sẽ phải đối mặt suốt cuộc hôn nhân của mình.

Làm chồng của Nữ hoàng Anh

Một ngày ở Malta, khi họ ra ngoài và về nhà muộn giờ ăn tối. Trong xã hội lịch thiệp, đặc biệt là khi một người là khách trong nhà một người khác, điều này là không ổn. Ông Mountbatten đã gọi Philip ra nói chuyện.

Họ đã sống với nhau đến đầu bạc răng long.

Elizabeth Pule từng ở với mẹ mình khi đó là người quản gia của nhà Mountbatten còn nhớ rõ ngày đó. Ông Mountbatten la lên: “Philip, Philip, ta muốn nói chuyện với cháu. Đến văn phòng ta NGAY BÂY GIỜ”. Theo bà Pule, ai cũng nghe thấy tiếng la của ông Mountbatten. Ông nói: “Đừng bao giờ dám lặp lại lần nữa. Hãy nhớ đấy, cô bé sẽ là Nữ hoàng của ngày mai và làm ơn đừng bao giờ quên điều đó”. Với ông Mountbatten, đó chỉ là một lần uốn nắn phép tắc cho Philip. Nhưng với Philip, lần uốn nắn đó tác động mạnh tới anh. Liệu có phải cuộc đời anh sẽ sống như thế?

Mọi chuyện thay đổi bất ngờ khi hai vợ chồng đang ở Kenya thì Vua George VI qua đời. Đột nhiên, vợ của Philip giờ không còn là nữ hoàng của ngày mai nữa mà là nữ hoàng của ngày hôm nay. Trở về Clarence House rồi họ nhanh chóng dọn vào Điện Buckingham. John Dean, người hầu của Philip, hỏi anh xem có nên cất bộ đồng phục Hải quân đi không. Philip đáp: “Anh cất chúng đi. Sẽ còn lâu tôi mới cần đến chúng”.

Buộc phải từ bỏ sự nghiệp trong Hải quân Hoàng gia mà mình yêu thích, Philip đã trở thành “một người ngày càng dễ cáu kỉnh trong cung điện khi anh tìm chỗ đứng trong một cung điện không trao cho anh địa vị gì và luôn tìm cách vượt mặt anh mọi lúc”.

Trước lễ cưới, Philip đã phải bỏ thuốc lá vì Elizabeth không thích. Philip rầu rĩ khi nghĩ sau này, con cái họ sẽ không mang họ Mountabatten của gia đình mình mà mang họ của vợ - Windsor. Nữ hoàng bật khóc khi chồng tức tối la lên: “Anh là người đàn ông duy nhất ở cái đất nước này mà không được truyền họ cho con. Anh chẳng là cái gì ngoài một con trùng amip”.

Khi bị cuốn vào một loạt nhiệm vụ chính thức và phải học để đảm nhiệm, tân Nữ hoàng thất vọng khi thấy người chồng mà mình yêu quý phải chịu biết bao hạn chế. Tuy nhiên, một người thư ký quen thuộc trong Hoàng gia Anh cho biết: “Nữ hoàng học rất nhanh cách cân bằng giữa việc làm một người vợ biết nghe lời và làm bổn phận với đất nước. Là một người vợ, bà đã hứa nghe lời chồng, người đàn ông duy nhất bà từng gần gũi trong suốt 90 năm qua”.

Nữ hoàng Elizabeth không thể làm gì về việc chồng đột ngột phải từ bỏ sự nghiệp hải quân mà ông lẽ ra có thể leo lên các vị trí cao. Hàng thập kỷ sau này, khi biết sự nghiệp trong hải quân có ý nghĩa thế nào với chồng, Nữ hoàng đã từ bỏ một trong những tước hiệu cao quý của chính mình là Tổng trưởng Hải quân và cảm động thay, bà đã ban tặng tước hiệu đó cho chồng mình khi ông tròn 90 tuổi. Hoàng thân Philip lúc đó xúc động gần rơi lệ.

Lúc mới kết hôn, khi Elizabeth nhận ra rằng chồng luôn cảm thấy năng lượng tràn trề bị lãng phí, rằng chồng luôn tức giận khi có cấp bậc thấp hơn vợ, bà đã không thể làm gì để xoa dịu vấn đề. Hồi đó, cặp vợ chồng hoàng gia thường nghỉ cuối tuần tại điền trang ở nông thôn của bạn bè thân thiết. Theo thông lệ, khách thường cho người giúp việc ít tiền bo và thường là người đàn ông cho tiền, đặc biệt là nếu họ tham gia một bữa tiệc săn bắn. Một người giúp việc nhớ lại: “Tôi lúc nào cũng nhận được tờ 2 bảng trong một phong bì có dấu hoàng gia trên đó. Người quản gia thì được tờ 20 bảng. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là tiền luôn đến từ Nữ hoàng, chứ không phải Công tước”. Đó chỉ là một ví dụ về việc Hoàng thân Philip luôn có vai trò thứ cấp so với Nữ hoàng.

Với bạn bè Hoàng thân, vai trò này là điều giải thích đơn giản nhất lý do tại sao hết lần này đến lần khác, Philip phải thoát ra ngoài. Philip bắt đầu vô số chuyến đi vòng quanh thế giới với bạn bè, thường là trên du thuyền Hoàng gia Britannia. Một người thân cận với Nữ hoàng kể: “Bà nhớ chồng khủng khiếp và đôi khi những chuyến đi của chồng kéo dài hàng tuần, hàng tuần liền. Bà yêu ông quá nhiều và phải chấp nhận rằng ông cần phải đi. Dường như bà cho phép ông có một kiểu tự do trong kiểm soát để bù đắp cho chồng cuộc sống giam hãm của hoàng gia. Thoát khỏi hoạt động hàng ngày của hoàng gia là thời gian duy nhất ông có thể thực sự độc lập”.

Tuy nhiên, tính thích xê dịch của Hoàng thân Philip có thể có một nguyên nhân nữa, bắt nguồn từ tuổi thơ đơn độc và nay đây mai đó. Sinh ra ở Corfu, khi mới là đứa trẻ nhỏ, bố mẹ Hoàng thân đã ly hôn. Mẹ ông trở thành một bà xơ, còn bố ông là một tay nghiện cờ bạc. Từ bé, ông đã vất vưởng từ nhà người họ hàng này đến nhà người họ hàng khác.

Trong nhiều chục năm làm vợ chồng, Nữ hoàng chỉ sống với chồng gần 6 tháng mỗi năm. Điều này chỉ thay đổi khi Hoàng thân Philip tuổi cao không thể đi nhiều như trước. Khi chồng đi vắng, Broadlands là nơi Nữ hoàng thường xuyên lui tới. Ở đó, bà sẽ trút mọi gánh nặng, nói chuyện không ngớt khi đi dạo dọc bờ sông Test với bác Mountbatten và cô cháu gái của ông là Patricia. Patricia là người đầu tiên Nữ hoàng kể về việc Philip từng dọa cho bà xuống xe khi bà kêu ca là ông lái xe quá nhanh. Patricia đáp: “Ông ấy sẽ không dám dừng xe và cho bà ra đâu”. Nữ hoàng đáp: “Ồ, có đấy, ông ấy sẽ làm thế”.

Một trong những giám mã phục vụ Nữ hoàng 3 năm kể: “Khi Hoàng thân Philip nổi giận thì bạn đừng xen vào. Tôi thỉnh thoảng nghe ông và Nữ hoàng cũng hay cãi nhau.

“Lạt mềm buộc chặt”

Trong cuộc hôn nhân của họ, dù có nhiều tin đồn vây quanh chồng mình, nhưng chỉ duy nhất một lần Nữ hoàng bị ảnh hưởng. Đó là khi Công tước Philip cùng một anh bạn thân cũ trong hải quân và viên giám ngựa Mike Parker lên du thuyền Britannia ngày 15/10/1956. Đến tháng 2/1957 họ vẫn chưa về. Điều khiến Nữ hoàng tổn thương là tin đồn về rạn vỡ hôn nhân xuất hiện trên báo chí Mỹ. Thậm chí trong Hạ viện Anh và cả ở Mỹ, người ta đưa ra những câu hỏi về việc một số phụ nữ bị lén đưa lên du thuyền hoàng gia. Bà đã cho phát ra một lời bác bỏ chính thức bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống hôn nhân. Tuyên bố cộc lốc mấy từ: “Việc có rạn nứt giữa Nữ hoàng và Công tước là không đúng”.

Sau đó, Nữ hoàng Elizabeth bay tới Bồ Đào Nha để gặp chồng. Họ đã xa nhau 124 ngày. Trước khi gặp chồng, Nữ hoàng thường nhìn thấy ảnh ông trên báo chí, râu ria xồm xoàm. Để khiến chồng ngạc nhiên, bà quyết định đeo một bộ râu giả khi gặp ông. Thế nhưng, khi gặp nhau, trong khi Nữ hoàng gắn râu thì chồng bà râu ria nhẵn nhụi.

Những cuộc gặp như vậy không có tác dụng dập tắt tin đồn. Hàng chục năm trôi qua, dù không có một chút bằng chứng xác thực, nhưng cả nước Anh dường như vẫn đồn đoán về những người phụ nữ khác của Hoàng thân Philip. Tất cả những người từng bị cho là có quan hệ với Hoàng thân đều nói họ chỉ có quan hệ đơn thuần là tình bạn thân thiết, không có tình dục.

Bà Margaret Rhodes, em họ của Nữ hoàng, nói: “Nữ hoàng rất tổn thương khi nghe và đọc tin về Philip và những phụ nữ nào đó. Tôi nghĩ rằng bà hẳn phải đau đớn khủng khiếp, đặc biệt là khi bà là phụ nữ chỉ biết có một người đàn ông, không bao giờ nhìn sang bất kỳ ai khác”. Theo bà Rhodes, cuộc hôn nhân của họ là bền vững.

Về phần mình, Nữ hoàng đã vượt qua tin đồn một cách kiêu hãnh. Bạn bè lâu năm thường học quan điểm kiên nhẫn của bà: "Philip cần nhiều niềm vui". Bà luôn chấp nhận rằng người chồng đẹp trai của mình không chỉ hấp dẫn phụ nữ mà còn thích bầu bạn cùng họ. Bà luôn đảm bảo rằng cái tên Penny Brabourne - người bị thiên hạ đồn đoán có quan hệ với Hoàng thân Philip lâu nhất - luôn có trong danh sách khách mời dự tiệc tại Điện Buckingham. Bà luôn nhớ một triết lý hôn nhân của ông bác Mountbatten: "Một số người đàn ông có những nhu cầu nhất định, điều đó không có nghĩa là họ bớt yêu vợ".

Nhật Minh
.
.