Biển hồ Caspian “dậy sóng”

Thứ Năm, 16/12/2010, 18:45
Hàng loạt dự án ống dẫn dầu và khí xuyên Caspian cạnh tranh nhau quyết liệt để vận chuyển dầu thô và khí đốt thiên nhiên đến các thị trường tiêu thụ hàng đầu trên thế giới; và cuộc chiến pháp lý xung quanh việc phân định quyền lợi dưới đáy biển hồ của 5 nước giáp ranh đang góp phần làm cho biển hồ lớn nhất thế giới này luôn luôn dậy sóng.

Trung tâm dầu và khí đốt của thế giới

Trữ lượng dầu của vùng biển hồ Caspian là bao nhiêu? Câu hỏi này rất khó trả lời, bởi các nước xung quanh hồ vẫn chưa lượng định chính xác được trữ lượng từng vùng thềm lục địa mình quản lý. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã cố gắng và ước tính trữ lượng dầu thô trong vùng này có giá trị tương đương 12.000 tỉ USD.

Việc khai thác dầu, khí ở vùng biển hồ Caspian đã bắt đầu từ rất sớm, với những giếng dầu đầu tiên được ghi nhận đào bằng phương pháp thủ công vào thế kỷ thứ X. Đến thế kỷ thứ XVI, người châu Âu bắt đầu biết đến trữ lượng dầu khí dồi dào của vùng Caspian. Các nhà buôn người Anh, Thomas Bannister và Jaffrey Duckett sau khi đến vùng Baku (Azerbaijan) đã mô tả lại rằng: "Dầu phun trào từ lòng đất, phục vụ cho cả nước này thắp sáng". Hai ông còn mô tả dầu có màu đen và "một thứ dầu màu trắng dùng để thắp sáng", đó chính là dầu hỏa được chiết xuất từ dầu thô.

Giàn khoan dầu bằng máy móc và khoan trong lòng biển đầu tiên trên thế giới được ghi nhận tại vùng biển hồ Caspian, thuộc vỉa dầu trong Vịnh Bibi-Heybat, gần thủ đô Baku của Azerbaijan.

Năm 1873, các giếng khoan dầu bắt đầu được triển khai ở vùng bán đảo Absheron, gần các làng Balakhanli, Sabunchi, Ramana và Bibi-Heybat. Trữ lượng có thể khai thác được tính đến lúc đó là khoảng 500 triệu tấn.

Đến năm 1900, vùng Baku đã có khoảng 3.000 giếng dầu, 2/3 trong số đó là giếng khoan công nghiệp. Baku đến thời điểm đó đã được mệnh danh là "kinh đô vàng đen" của thế giới, thu hút rất đông kỹ sư và chuyên gia ngành hóa dầu trên thế giới đến làm việc.

Đến đầu thế kỷ XX, Baku đã là trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí thế giới. Năm 1920, tất cả tài sản tư nhân của Baku, trong đó có ngành dầu khí đã được chính quyền cách mạng Bolshevik quốc hữu hóa, và sau đó là tiếp quản của Nhà nước Liên Xô. Đến năm 1941, vùng Baku sản xuất 23,5 triệu tấn dầu mỗi năm, cung cấp gần 72% sản lượng dầu cho toàn Liên Xô.

Từ sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã tiến hành ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các nước trong vùng để cùng khai thác tài nguyên dầu và khí đốt trong vùng biển Caspian. Tháng 12/2007, Nga đã ký với Turkmenistan và Kazakhstan một thỏa thuận chung về việc khai thác Tuyến ống duyên hải Caspian (CCP) - một nhánh của tuyến ống CAC (Trung Á - Trung tâm) có từ thời Liên Xô. 

Cũng từ sau khi Liên Xô tan rã, những dự án lớn, tái hiện "cuộc chơi lớn" trong vùng biển hồ Caspian, đã được khởi động lại. Và "dự án thế kỷ" được ký kết năm 1994 đã đánh dấu sự khởi đầu mới cho các dự án khai thác dầu quốc tế đầu tiên thời kỳ hậu Xôviết.

Dự án ống dẫn dầu Baku - Tbilisi - Ceyhan từ Azerbaijan đi qua Gruzia ra cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ trong Biển Đen khai trương vào năm 2006 đánh dấu tuyến ống dẫn dầu đầu tiên từ vùng Caspian cung cấp cho thị trường phương Tây không thông qua Nga.

Nhìn thấy trữ lượng dầu và khí đốt quá lớn của vùng Caspian, Phó tổng thống Mỹ khi đó là Dick Cheney đã phải thèm thuồng thốt lên rằng: "Caspian sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai gần".

Hiện tại, đang có nhiều dự án xây dựng các tuyến ống dẫn dầu và khí xung quanh và xuyên qua biển Caspian không đi qua lãnh thổ Nga nhằm cạnh tranh ráo riết với các tuyến ống dẫn dầu và khí đốt của Nga cung cấp cho thị trường châu Âu và thế giới. Trong các dự án này, phương Tây quan tâm nhất tuyến ống dẫn khí Nabucco. Tuyến ống này dự kiến được xây dựng dọc bờ biển Caspian khởi đầu từ miền Nam Turkmenistan.

Bắt đầu hình thành từ tháng 6/2002, đến tháng 6/2005, 5 đối tác đã ký kết thỏa thuận thành lập tổ hợp xây dựng tuyến ống Nabucco. Và tháng 2/2008, thêm Cộng hòa liên bang Đức trở thành cổ đông của Nabucco. Theo thiết kế, mỗi năm tuyến ống Nabucco sẽ vận chuyển khoảng 33 tỉ m3 khí đến châu Âu, góp phần giúp Turkmenistan tăng cường sản lượng xuất khẩu khí đốt lên 180 tỉ m3 từ nay đến năm 2030.

Từ khi ra đời đến nay, Nabucco luôn được phương Tây xem là át chủ bài trong cuộc cạnh tranh phá thế độc quyền cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu. Dự án này đã bắt đầu "thông ống" vào tháng 7/2009. Tuy nhiên, việc Nabucco có phá được thế độc quyền cung cấp khí đốt của Nga hay không còn phải chờ xem.

Ngoài Nabucco, hàng loạt dự án tuyến ống khác cũng đã và đang được tiến hành xây dựng, như tuyến ống dẫn khí đốt TAPI bao gồm các nước Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ nhằm cung cấp khí đốt từ Turkmenistan cho các quốc gia Nam Á và xuất khẩu ra thế giới qua các cảng biển ở Ấn Độ và Pakistan.

Các dự án Nabucco và TAPI cùng với tuyến ống dẫn khí đến Trung Quốc với lưu lượng khoảng 10-12 tỉ m3/năm đã giúp Turkmenistan thể hiện vai trò ngày càng nổi bật của mình trên thị trường khí đốt thế giới. Với 24,6 nghìn tỉ m3, Turkmenistan là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ tư trên thế giới sau Nga, Iran và Qatar.

Một dự án khác cạnh tranh quyết liệt với các tuyến ống của Nga là Hành lang vận chuyển dầu Á - Âu (EAOTC) xuất phát từ thềm lục địa Azerbaijan trong biển Caspian đi ngang qua lãnh thổ Gruzia (không qua Nga) và men theo bờ Biển Đen đến Ukraina, sau đó đến Ba Lan và Tây Âu.

EAOTC được các đối tác Gruzia và châu Âu quan tâm thảo luận lần đầu vào năm 2007, đến tháng /2008, dự án được ký kết giữa 5 nước đối tác gồm Azerbaijan, Gruzia, Lithuania, Ba Lan và Ukraina. Một khi đưa vào vận hành, tuyến EAOTC sẽ làm giảm bớt một phần dầu chảy qua Tuyến ống Odessa-Brody (OBP) của Nga, và sẽ đạt lưu lượng tối đa khoảng 285.000 thùng dầu/ngày.

Mới đây nhất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất là dự án Tuyến ống dẫn khí xuyên Caspian (TCGP) được ký kết ngày 2/12/2010 giữa Azerbaijan và Turkmenistan. Đây là một dự án lớn khác ngoài dự án Nabucco được phương Tây quan tâm nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt ngoài Nga.

Ý tưởng về dự án này đã hình thành từ năm 2006 sau cuộc tranh cãi khí đốt đầu tiên giữa Nga và Ukraina khiến cho châu Âu lâm vào cảnh khốn đốn vì thiếu khí đốt. Song song với dự án này là Tuyến ống dẫn dầu xuyên Caspian (TCOP) dài 700km cũng đang dự kiến triển khai nhằm dẫn dầu thô từ thềm lục địa Kuryk, Kazakhstan đến Baku, Azerbaijan.

Khi đến Baku, TCOP sẽ hòa vào Hệ thống dẫn dầu xuyên Caspian của Azerbaijan xuất khẩu dầu ra thế giới. Hiện dự án này còn trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Khi hoàn thành giai đoạn 1, TCOP có thể vận chuyển khoảng 150.000 thùng dầu/ngày từ Kazakhstan đến Azerbaijan và có thể tăng lên 400.000 thùng/ngày khi hoàn chỉnh. Riêng tại Kazakhstan cũng có một hệ thống tương tự là KCTS dự kiến cung cấp 500.000 thùng dầu/ngày.

Cuộc chiến pháp lý

Một cuộc chiến khác còn gay cấn hơn gấp bội, đó là tìm cơ sở pháp lý cho việc phân định ranh giới các khu vực đặc quyền khai thác tài nguyên của từng quốc gia trong lòng biển Caspian. Cho đến năm 1991, 5 nước giáp ranh biển hồ Caspian (gồm: Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Turkmenistan và Nga) vẫn căn cứ theo các thỏa thuận đã ký từ đầu và giữa thế kỷ XX.

Cụ thể là một hiệp ước giữa Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết với Ba Tư vào năm 1921 (lúc này Liên Xô và Iran đều chưa được thành lập); tiếp sau đó là 2 hiệp ước được ký giữa Iran và Liên Xô vào các năm 1935 và 1940. Cả hai hiệp ước này đều chứa đựng các thỏa thuận giữa Liên Xô và Iran về việc đồng quản lý và khai thác vùng biển hồ Caspian.

Sau khi Liên Xô tan rã, nhất là kể từ khi Luật Biển quốc tế ra đời năm 1982, vùng biển hồ Caspian được quản lý theo 3 chế độ khác nhau: quy chế sử dụng chung (theo các hiệp ước đã ký giữa Liên Xô và Iran), quy chế về biển quốc tế (áp dụng theo Công ước Biển năm 1958 và Luật Biển quốc tế năm 1982) và quy chế về hồ nội địa. Chính những khác biệt về quy chế quản lý này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về pháp lý khi mỗi nước giáp ranh lại áp dụng theo những luật lệ quốc tế khác nhau để ký kết các thỏa thuận về phân định đường ranh giới biển.

Các quốc gia quanh biển hồ Caspian cũng đã tiến hành 3 cuộc hội nghị thượng đỉnh để bàn về các quy chế quản lý chung đối với biển hồ Caspian; lần đầu vào năm 2002 tại thủ đô Ashgabat của Turkmenistan, lần thứ hai vào năm 2007 tại Tehran, Iran và lần thứ 3 vừa diễn ra vào trung tuần tháng 11/2010 tại thủ đô Baku, Azerbaijan.

Cũng như các lần hội nghị trước, hội nghị lần thứ 3 này, với hàng loạt cuộc gặp song phương bên lề, nhưng cũng chỉ dừng lại ở các cam kết hợp tác an ninh vùng mà không đạt được thỏa thuận nào về quy chế cho biển hồ Caspian. Điều duy nhất mà các nước đạt được là văn kiện thỏa thuận chung về các vấn đề an ninh, từ đó tạo điều kiện dễ dàng cho việc đạt được các thỏa thuận phân định ranh giới sau này...

Vùng biển hồ Caspian “dậy sóng” với nhiều dự án tuyến ống dẫn dầu, khí đốt.
Giàn khoan dầu khí trong biển Caspian.

Theo thông lệ quốc tế thì việc phân định hải phận trong vùng biển Caspian phải tùy thuộc vào đường bờ biển của quốc gia đang xét. Chẳng hạn, với đường bờ biển của mình, Iran chỉ có thể được phân chia 13% hải phận và tài nguyên bên dưới thềm lục địa Caspian. Nhưng cách đây 10 năm, Iran bỗng thay đổi ý kiến, đòi được hưởng 20% bằng với các nước khác, và mới đây nhất, ngay trước thềm hội nghị Baku, Tehran lại tăng yêu cầu lên hơn 20%.

Vấn đề gây tranh cãi bắt đầu nảy sinh từ đây, vì ngoài tỉ lệ đường bờ biển 13% ra, Iran không thể tìm ra thêm một tỉ lệ phần trăm bờ biển nào khác để bổ sung cho đủ con số mình yêu cầu, ngoại trừ việc lấn sang lãnh thổ các nước láng giềng.

Tehran cho rằng, yêu cầu của họ là có căn cứ, dựa vào các hiệp ước đã ký với Liên bang CHXHCN Xôviết năm 1921 và Liên Xô năm 1940. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chuyên gia cho rằng, các hiệp ước này cũng chỉ phân định việc đánh bắt hải sản và luồng tuyến giao thông thủy, hoàn toàn không đề cập gì đến việc khai thác tài nguyên lòng biển và thềm lục địa. Đồng thời, cũng vì được ký kết giữa Liên Xô và Iran nên các hiệp ước đó cũng đã lỗi thời sau khi Liên Xô tan rã, phát sinh các quốc gia mới độc lập có đường bờ biển giáp ranh biển hồ Caspian.

Một khó khăn không nhỏ khác cho việc xúc tiến ký kết các thỏa thuận chung về biển hồ Caspian là việc quan hệ Nga - Iran đang có vẻ lạnh nhạt kể từ sau khi Moskva từ chối bán tên lửa phòng không S-300 cho Iran vì tuân thủ lệnh cấm vận của LHQ. Vì vấn đề này, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã từng cáo buộc Nga đã "bán mình cho kẻ thù" và về phe với "quỷ Satăng".

Nói gì thì nói, việc trì hoãn một quy chế cho biển hồ Caspian hoàn toàn không có lợi cho các nước xung quanh bờ, vì chỉ khi cùng nhau hợp tác thì việc khai thác tài nguyên trong lòng biển hồ này mới đạt hiệu quả và giảm thiểu những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn các tranh chấp giữa các nước giáp ranh

N.Khang - T.Bảo (tổng hợp)
.
.