Biệt kích Israel và chiến dịch Entebbe (bài 1)

Thứ Sáu, 06/05/2016, 22:30
8 giờ 30 phút sáng ngày 27-6-1976, chiếc máy bay Airbus A300 số hiệu 319 của Hãng Hàng không Pháp (Air France) với 98 người Israel cùng 12 thành viên phi hành đoàn cất cánh khỏi sân bay Tel Aviv, Israel, quá cảnh ở Athens, Hy Lạp để lấy thêm 58 khách rồi hướng đến sân bay Charles De Gaulle, Pháp.


Đang bay, bất ngờ một người đàn ông và một phụ nữ ngồi trong khoang hạng nhất đứng dậy, tay cầm khẩu tiểu liên nòng ngắn và quả lựu đạn. Họ ra lệnh: “Tất cả nghe đây. Bây giờ chúng tôi sẽ chỉ huy chuyến bay này. Nếu các người không có hành động chống đối thì sẽ chẳng có ai bị hại…”.

Diễn tiến vụ không tặc

Nhìn thấy khẩu súng cùng quả lựu đạn trên tay gã đàn ông và cô gái có nét mặt như người phương Tây (sau này được biết là Wilfried Bose và Brigitte Kuhlmann, thành viên của tổ chức khủng bố “Hạt nhân cánh mạng” ở CHLB Đức), tất cả hành khách trong khoang hạng nhất hầu như đông cứng vì sợ hãi. Vẫy tay gọi một nữ tiếp viên, Bose ra lệnh cho cô bấm chuông cửa buồng lái bởi lẽ nếu không bấm đúng quy ước, phi công sẽ hiểu ngay là sự cố đang xảy ra.

Hành khách trên chiếc Airbus 319 trước lúc bị không tặc tấn công.

Cùng lúc đó, ở khoang hạng phổ thông, hai gã đàn ông khác cũng bước ra khỏi chỗ ngồi, tay giơ cao hai khẩu súng ngắn rồi tuyên bố là họ cướp máy bay để buộc Chính phủ Israel phải trả tự do cho 40 chiến binh thuộc Mặt trận Nhân dân giải phóng Palestin (PFLP - là nhóm vũ trang khác hẳn với Tổ chức Giải phóng Palestin - PLO - do cố Chủ tịch Yatsser Arafat lãnh đạo) và 13 người ủng hộ mặt trận này đang bị Israel, CHLB Đức, cầm tù. 

Cecile, nữ tiếp viên ở khoang phổ thông kể: “Qua khuôn mặt, hình dạng và cách phát âm của họ, tôi đoán họ là người Arabia. Tất cả chúng tôi đều phải làm theo lệnh của họ là ngồi yên, không di chuyển và không được nói chuyện”.

Ở khoang hạng nhất, nữ tiếp viên Stephanie líu ríu bước đến buồng lái. Lúc cánh cửa vừa mở, gã đàn ông với khẩu tiểu liên lập tức lao vào, ra lệnh cho tổ lái ngắt tất cả hệ thống liên lạc với mặt đất rồi chuyển hướng bay đến châu Phi. Cơ trưởng Michel Bacos nhớ lại: “Tôi hỏi tên không tặc địa điểm cụ thể ở châu Phi thì gã trả lời “Uganda”. Tôi nói nếu muốn đi Uganda thì phải dừng lại một nơi nào dọc đường để tiếp thêm dầu vì máy bay không  đủ nhiên liệu bay đến đó”.

Chiếc Airbus 319 lúc hạ cánh xuống sân bay Banghazi, Libya.

20 phút sau, Bộ trưởng Giao thông vận tải Israel là ông Jacobi vội vã bước vào phòng làm việc của Thủ tướng Yitzhak Rabin ở thủ đô Tel Aviv rồi đưa cho ông Rabin bức điện đóng dấu tối khẩn: “8 giờ 30 phút sáng nay, một chiếc máy bay của Air France số hiệu 319 đã bị cướp khi đang trên đường từ Hy Lạp đến Paris. Trên máy bay có 98 công dân Israel. Hiện chưa rõ máy bay sẽ đi đâu và chưa có thông tin cụ thể về tính mạng hành khách cũng như yêu sách của bọn không tặc”.

Gần 5 tiếng sau, chiếc Airbus 319 được Đài kiểm soát không lưu sân bay Banghazi, Libya cho phép hạ cánh khẩn cấp. Một hành khách người Pháp là Jocelyne Monier kể: “Có lẽ nhân viên an ninh sân bay biết máy bay bị không tặc nên không ai được phép đến gần ngoại trừ xe tiếp dầu. Nhìn qua ô cửa kính, tôi thấy xa xa có mấy chiếc xe bọc thép cùng những người lính súng ống trên tay, tuyệt nhiên không thấy một người nào khác. Sau gần 7 tiếng nằm ở Banghazi, máy bay mới tiếp tục cất cánh”.

Một phụ nữ người Anh gốc Israel tên là Patricia Martell cho biết cô giả vờ bị sảy thai bằng cách lén tháo miếng băng vệ sinh rồi giấu vào chiếc túi đựng sách báo ở lưng ghế trước mặt. Patricia Martell kể: “Tôi ôm bụng rên la như rất đau đớn và nhờ người ngồi bên cạnh báo cho bọn không tặc biết là tôi có dấu hiệu sảy thai. Một lát Brigitte Kuhlmann đến, hỏi tôi có thai từ bao giờ. Tôi trả lời là gần 2 tháng. Cô ta bảo tôi kéo váy lên rồi lúc nhìn thấy chiếc quần lót loang lổ máu, cô ta chẳng nói chẳng rằng, quay lưng bước thẳng”.

20 phút trước khi chiếc Airbus 319 cất cánh đi Uganda, Wilfried Bose vẫy tay ra hiệu cho Patricia Martell bước xuống cầu thang, và đó cũng là người đầu tiên trong số 306 hành khách mà bọn không tặc phóng thích. Được máy bay của Libya đưa về Rome, Italia, Patricia Martell khai với cảnh sát Italia rằng cô trông thấy bọn không tặc lấy súng từ những chiếc hộp đựng trái cây. Bên cạnh đó, cô cũng cho biết: “Chúng dọa sẽ cho nổ tung tất cả nếu bị tấn công vì ở một số nơi trong khoang hành khách, chúng đã gài chất nổ”.

Trong suốt thời gian nằm ở sân bay Banghazi, bọn không tặc chẳng đưa ra một yêu sách gì. Mọi liên lạc của Israel và của Hãng Air France với phi hành đoàn đều không mang lại kết quả vì hệ thống thông tin trong buồng lái đã bị ngắt.

Cơ trưởng Michel Bacos cho biết: “Nó chỉ được mở một lần duy nhất khi Wilfried Bose đề nghị Đài kiểm soát không lưu Banghazi cho phép hạ cánh khẩn cấp để lấy thêm dầu sau khi đã tự giới thiệu mình thuộc Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine - PFLP, cướp máy bay để buộc Chính phủ Israel phải trả tự do cho các chiến hữu”.

Một điệp viên CIA người Lybia ở Banghazi gửi qua đại sứ quán của một quốc gia thân Mỹ bản tin, nội dung “máy bay 319 bị PFLP cướp, không có ai thương vong, đang lấy thêm nhiên liệu, chưa rõ mục đích và chưa biết sẽ đi đâu”.

3 giờ 30 phút chiều cùng ngày, nội các Israel tổ chức cuộc họp bất thường dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Rabin. Một “Ủy ban tình huống khẩn cấp” được thành lập do ông Rabin làm tổng chỉ huy với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, giao thông, tư pháp, ngoại giao và nội vụ. Một số đại sứ quán cũng như các nhân viên của Cơ quan tình báo Mossad, Israel, ở Lybia, Algeria, Ai Cập, Tunisia, Niger, Tchad, Sudan… được lệnh bằng mọi cách thăm dò xem chiếc Airbus 319 sẽ tiếp tục bay đến nơi nào.

PFLP là gì?

Được thành lập vào năm 1967 bởi George Habash, một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc cuồng tín, cực đoan, Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP) là nhóm chính trị, vũ trang lớn thứ hai ở Palestin - chỉ sau Tổ chức Giải phóng Palestin (PLO) do cố Chủ tịch Yatsser Arafat lãnh đạo (sau này PLO đổi tên thành Fatah).

Tên không tặc chĩa súng vào một nữ tu Thiên Chúa giáo bắt bà phải ngồi yên tại chỗ khi bà định đến giúp một hành khách bị hoảng loạn.

PFLP có quan hệ mật thiết với những nhóm khủng bố ở Syria, Yemen, Lybia, Iraq cũng như với đảng Công nhân người Kurd (PKK), Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) và với cả Đội quân Đỏ, Nhật Bản. Bị Mỹ, Canada, Australia và Cộng đồng chung châu  Âu (EU) liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, PFLP nổi tiếng với những vụ cướp máy bay trong gần 2 thập niên từ cuối 1968 đến giữa năm 1970, do Lữ đoàn Abu Ali Mustapha thực hiện.

Ngày 23-7-1968, PFLP cướp một máy bay của Hãng Hàng không El Al, Israel, từ Rome, Italia đến sân bay Lod, Israel vì cho rằng trên máy bay có Yitzhak Rabin, lúc ấy là Đại sứ Israel ở Mỹ. Sau khi hạ cánh xuống thủ đô Algiers của Algeria, PFLP giam giữ 21 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn 39 ngày rồi trả tự do cho họ.

5 tháng sau, các tay súng PFLP bắn vào một máy bay chở khách cũng của Hãng El Al ở Athens khi nó sắp cất cánh đi New York, giết chết một công dân Israel. Đến hôm 18-2-1969, bốn thành viên PFLP xông lên một máy bay El Al đang đỗ ở sân bay Zurich, giết chết hai phi công và làm bị thương hơn 10 người. Ba ngày sau, một quả bom phát nổ trong siêu thị Jerusalem Super Sol khiến hai sinh viên Israel thiệt mạng

Trong suốt hai năm 1969, 1970, PFLP còn thực hiện nhiều vụ khủng bố khác như vụ cướp máy bay của Hãng Hàng không Mỹ TWA khi nó đang trên đường từ Los Angeles đến Damascus, ném lựu đạn vào đại sứ quán Israel ở Hague (Hà Lan) và Bonn (Đức) cùng văn phòng Hãng hàng không El Al ở Brussels, (Bỉ) trong cùng một ngày.

Tấn công một xe bus chở hành khách Israel ở sân bay Munich, giết chết một người và làm bị thương 11 người, cướp 4 máy bay của các hãng hàng không Pan Am, TWA, Mỹ,  Swissair, Thụy Sĩ, BOAC, Anh Quốc trên các chuyến bay từ Bahrain, Brussels, Frankfurt và Zurich đến London, New York. Trong cả 4 vụ này, 1 thành viên PFLP bị bắn chết, 1 máy bay của Hãng BOAC nổ tung nhưng hành khách không ai thiệt mạng.

Ngày 30-5-1972, các thành viên của Đội quân Đỏ, Nhật Bản phối hợp với PFLP đã bắn chết 28 hành khách tại sân bay quốc tế Ben Gurion, Israel. Ngày 13-10-1977, PFLP cướp chiếc máy bay Boeing 737 của Hãng Lufthansa, Đức, trên đường  từ Palma de Mallorca tới Frankfurt. Được Lực lượng chống khủng bố Đức giải cứu, tất cả hành khách đều an toàn nhưng hai phi công thiệt mạng.

Không chỉ cướp máy bay, PFLP còn thực nhiện nhiều cuộc tấn công nhắm vào người Israel. Ngày 27-8-2001, ông Meir Lixenberg, ủy viên hội đồng của 4 khu định cư Do Thái bị bắn chết khi đang ngồi trên xe ở khu bờ Tây. Ngày 21-10-2001, PFLP ám sát tướng Israel Rehavam Zeevi. Đến hôm 16-2, PFLP đánh bom tự sát tại một quán pizza ở Karnei Shomron, bờ Tây, giết chết ba thiếu niên Israel.

Từ năm 2002 đến 2009, PFLP thực hiện thêm 5 vụ đánh bom nữa, giết 10 người Israel. Ngày 23-10-2012, một quả bom do PFLP cài bên đường gần Kibbutz Kissufim, miền Nam Israel, nhằm vào một đội tuần tra thuộc Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) phát nổ khiến một chỉ huy IDF bị thương nặng. Ngày 10-11- 2012, các chiến binh PFLP bắn một quả tên lửa chống tăng vào khu vực Karni Crossing gần Dải Gaza làm một chiếc xe Jeep nổ tung, bị thương 4 người lính.

Đến ngày 18-11-2014, PFLP tấn công một thánh đường Do Thái ở Jerusalem, giết 4 người dân và 1 cảnh sát Israel bằng  dao và rìu, làm bị thương 7 người khác. Gần đây nhất, ngày 29-6-2015, PFLP nhận trách nhiệm về cuộc tấn công vào một chiếc xe du lịch chở 5 người Israel kiến 4 người bị thương và 1 người thiệt mạng.

Từ năm 1990, PFLP có thêm đồng minh mới là những nhóm Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và Bắc Phi. Trong nhiều năm và cả bây giờ, PFLP tẩy chay tham gia ban lãnh đạo Fatah và cho rằng việc cầm quyền của Fatah ở bờ Tây và lực lượng Hamas ở Dải Gaza là bất hợp pháp.

Với một lực lượng gần 3.000 người, Lữ đoàn Abu Ali Mustapha của PFLP thu hút được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức sinh viên trong các trường đại học như Đại học Al-Quds, phía đông Jerusalem, Đại học Zeit Bir - khu vực Ramallah, Đại học An-Najah và Đại học Arab-America. Ở bờ Tây, hàng nghìn người hoạt động tích cực cho PFLP. Tháng 12-2009, khoảng 70.000 người đã tụ tập ở dải Gaza để chào mừng kỷ niệm lần thứ 42 ngày PFLP ra đời.

Trở lại vụ PFLP cướp chiếc máy bay Airbus A300 số hiệu 319 của Hãng Hàng không Pháp, 3 giờ sáng ngày 28-6-1976, nó hạ cánh xuống sân bay Entebbe, thủ đô Kampala của Uganda, miền trung châu Phi, lúc ấy do Tổng thống Amin nắm quyền lãnh đạo.

Thông tin này đã khiến “Ủy ban tình huống khẩn cấp” của Israel hy vọng bởi lẽ trong nhiều năm, Israel đã dành nhiều khoản viện trợ cho chính phủ của Tổng thống Amin, trong đó có cả việc huấn luyện quân sự. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel là ông Shimon Peres, có thể giải quyết vụ không tặc bằng biện pháp hòa bình với sự trung gian giúp đỡ của Tổng thống Amin…

(Còn tiếp)

Cao Trí (theo “Flight 319 and Popular Front for the Liberation of Palestine”)
.
.