Biểu tượng thăng trầm của quan hệ Mỹ - Cuba

Thứ Năm, 29/01/2015, 11:25
Ở khu đất đẹp nhất thủ đô La Habana, trên đại lộ Malecon chạy dọc bờ biển, có một tòa nhà đồ sộ cao 6 tầng, được xây dựng rất lâu theo lối kiến trúc hiện đại. Thời kỳ đầu tiên, đây là Tòa đại sứ Mỹ, nhưng hiện tại nó đang là Tòa đại sứ Thụy Sĩ, còn bên trong người ta dành ra một khu riêng biệt cho phái đoàn ngoại giao đại diện lợi ích của nước Mỹ, thường được gọi là Khu vực lợi ích Mỹ (US Interests Section - USINT).

Chứng nhân lịch sử thăng trầm

Tòa nhà lần đầu mở cửa với chức năng Tòa đại sứ Mỹ vào năm 1953, dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower. Năm đó cũng là năm lãnh tụ Fidel Castro và đồng đội thực hiện một cuộc tấn công vào pháo đài Moncada ở Santiago, mở màn cho cuộc cách mạng giải phóng Cuba khỏi sự cai trị của nhà độc tài Fulgencio Batista.

Ngày 1/1/1959, Cách mạng Cuba thành công, nhà độc tài Batista bị phế truất. Đến giai đoạn này, Tòa đại sứ Mỹ tiếp tục tồn tại như một bằng chứng cho sự hậu thuẫn của Mỹ đối với chế độ độc tài Batista, và là một mối đe dọa tiềm tàng cho Cách mạng Cuba.

Chủ tịch Fidel Castro đã gọi Tòa đại sứ Mỹ khi đó là một "nơi sản sinh những âm mưu" chống lại ông và Cách mạng Cuba. Vì thế, khoảng cuối năm 1960, Chủ tịch Fidel Castro yêu cầu Tòa đại sứ Mỹ phải cắt giảm số nhân viên ngoại giao quá đông đảo tại đây. Hành động này đã khiến Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower tức giận và quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba vào đầu năm 1961.

Như vậy là từ đầu năm 1961, Mỹ và Cuba hoàn toàn không có đại diện ngoại giao ở mỗi nước. Đi kèm theo đó là chính sách bao vây cấm vận cũng được Mỹ áp đặt chống Cuba từ tháng 10/1960. Trong tình hình đó, Thụy Sĩ, một nước trung lập, đã nhảy vào, thay Mỹ quản lý tòa nhà Đại sứ quán và cả khu nhà riêng dành cho Đại sứ Mỹ ở La Habana.
Tòa đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô La Habana – Cuba.

Mãi đến năm 1977, ông Jimmy Carter lên làm Tổng thống Mỹ và bắt đầu có hướng cải thiện quan hệ với Cuba. Cái gọi là "Khu vực lợi ích Mỹ" (USINT) lần đầu tiên được mở tại Cuba, ngay bên trong tòa nhà Đại sứ quán cũ. Nhiệm vụ của USINT là cấp visa, tổ chức các sự kiện văn hóa và duy trì liên lạc giữa 2 nước.

Về kỹ thuật, phái đoàn đại diện Mỹ hoạt động bên trong Toà đại sứ dưới ô dù bảo hộ pháp lý của Đại sứ quán Thuỵ Sĩ. Tuy nhiên, các nỗ lực cải thiện quan hệ không đi đến đâu bởi vai trò của Cuba trong cuộc nội chiến ở Angola, trong đó Mỹ cáo buộc Cuba ủng hộ phe du kích cánh tả Phong trào Giải phóng nhân dân Angola (MPLA) giành chiến thắng trước phiến quân du kích UNITA do Nam Phi hậu thuẫn.

Không lâu sau khi Mỹ mở cửa USINT, Cuba cũng cho xây dựng một toà nhà ở kế bên Tòa đại sứ, được gọi là "Tòa cao ốc chống đế quốc" (Anti-Imperialist Plaza). Toà nhà này là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện yêu nước của người Cuba. Hàng vạn người dân Cuba đã tụ tập tại đây để nghe Chủ tịch Fidel Castro phát biểu vạch trần các chính sách bao vây cấm vận, chống phá cách mạng Cuba của Washington.
Các nhân viên đại sứ quán Mỹ cuốn cờ khi Tổng thống Mỹ ra lệnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba năm 1961.

Tòa nhà còn là nơi người Cuba tụ họp lại để phản đối, đòi Mỹ trả tự do cho những người bị cáo buộc làm gián điệp và bị bắt giam ở Mỹ. Đặc biệt là cuộc tuần hành lớn trước cửa USINT vào năm 2000 đòi chính quyền Mỹ phải trả Elian Gonzalez - em bé nổi tiếng vượt biển bằng bè - về Cuba.

Năm 1981, ông Carter thất cử, Ronald Reagan lên thay, tình hình quan hệ hai nước trở nên căng thẳng hơn. Chính sách bao vây cấm vận càng được siết chặt. Trong một thời gian dài, hoạt động chống phá Cuba đã được tiến hành có bài bản và hết sức thâm độc. Giai đoạn 2002-2005 được xem là cao điểm của các hoạt động thù địch, chống phá quyết liệt đó.

James Jason, người từng đứng đầu USINT giai đoạn đó kể lại việc ông đã nhiều lần thu hút sự chú ý của công chúng Cuba bằng nhiều cách khác nhau, kể cả việc khiêu khích, kích động bằng những hành động khác người.

Còn Vicki Huddleson, người từng đứng đầu USINT giai đoạn 1999-2002 cũng kể lại một trong những hoạt động của bà vào năm 2002 nhằm lôi kéo người dân Cuba chống phá chính quyền Nhà nước Cuba bằng cách công khai phân phát máy nghe radio tần số ngắn cho người dân Cuba để họ nghe những chương trình do Chính phủ Mỹ phát nhằm tạo sự "chuyển biến" từ trong lòng công chúng Cuba.

Năm 2006, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã cho lắp đặt một bảng chữ điện tử trên mặt tiền tòa nhà nhằm mục đích cung cấp từ thông tin kinh tế, xã hội cho đến các thông tin cổ xúy "nhân quyền", "dân chủ", và những lời bình luận chính trị nhằm thu hút, dụ dỗ, lôi kéo, làm "chuyển biến" tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của người dân Cuba về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, về vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Fidel Castro.
Tòa đại sứ quán Cuba ở Mỹ.

Việc làm này đã gây phản ứng quyết liệt từ phía chính quyền Cuba. Một hàng cờ màu đen đã được dựng lên ngay phía trước mặt tiền tòa nhà để che lấp đi bảng chữ. Đồng thời, kể từ năm 2006, người của USINT không được phép nhập khẩu bóng đèn cũng nhằm mục đích hạn chế hoạt động của bảng chữ điện tử. Năm 2009, bảng chữ điện tử đã phải ngưng hoạt động hoàn toàn, hàng cờ đen trước tòa nhà cũng được hạ xuống.

"Ổ gián điệp" giữa lòng La Habana

Chủ tịch Cuba Fidel Castro thường hay gọi tòa nhà Đại sứ quán Mỹ cũ là một "ổ gián điệp" vì nơi đây cũng thường xuyên là nơi phát xuất những hoạt động chống phá ngay tại Cuba, đặc biệt là nhiều vụ mưu sát Chủ tịch Fidel Castro do CIA triển khai.

Chủ tịch Fidel Castro đã không quá lời khi đưa ra cáo buộc nêu trên. Năm 1962, chính quyền Tổng thống Kennedy cử đặc phái viên James Donovan sang Cuba để thương thuyết việc trả tự do cho hàng chục nhân viên quân sự, điệp viên CIA bị bắt trong sự kiện Vịnh Con heo.

Trong năm 1963, Donovan tiếp tục nhiều chuyến du thuyết đến Cuba để xây dựng niềm tin. Và ông quả thực đã tạo được sự tin tưởng từ Chủ tịch Fidel Castro. Tuy nhiên, đến đây thì các quan chức trong chính quyền Kennedy bắt đầu "thò vòi" phá đám.

Biết được Donovan sẽ mang theo món quà "ra mắt" Chủ tịch Fidel Castro là một bộ đồ lặn vòi hơi chân vịt, các thành viên một đơn vị "sát thủ" chuyên thực hiện các vụ ám sát lãnh tụ đã tẩm vi trùng lao vào ống thở và vi nấm vào bộ áo lặn. May cho Donovan là các điệp viên Milan Miskovsky và Frank DeRosa của CIA đã đánh hơi thấy một trò chơi nguy hiểm có thể làm hỏng việc của chính phủ nên đã ra tay ngăn chặn kịp thời.
Đặc phái viên James Donovan.

Đối với nhiều người Cuba từ hơn nửa thế kỷ nay, những việc diễn ra một cách bí mật bên trong khối kiến trúc bê-tông cốt thép lạnh lùng ấy hoàn toàn đáng ngờ. Vào thập niên 80 thế kỷ XX, truyền hình Cuba đã cho chiếu một loạt phóng sự dài 6 kỳ nhan đề "CIA ở Cuba".

Phóng sự này đã tiết lộ nhiều vụ việc gián điệp trong đó các quan chức, nhân viên ngoại giao làm việc bên trong Tòa đại sứ đã vi phạm các quy định cam kết về việc không vượt quá giới hạn tòa nhà khi chưa được phép của chính quyền địa phương.

Nhiều người bị bắt giam vì tội làm gián điệp. Các điệp viên của tình báo Cuba đã trưng ra nhiều loại hiện vật như cặp đựng hồ sơ, thiết bị thu phát sóng vô tuyến, … mà họ cho là do các tuyển trạch viên của CIA trao cho họ để cố lôi kéo, mua chuộc họ.

Đã có nhiều vụ gián điệp đội lốt các nhà ngoại giao, các nhân viên nhân đạo, nhà truyền giáo bị cơ quan phản gián Cuba bắt giữ do có những hoạt động gián điệp, lôi kéo và xúi giục người dân Cuba nổi loạn, chống đối chính quyền nhằm gây bất ổn định cho “Hòn đảo tự do”.

Sau khi lãnh đạo 2 nước Mỹ và Cuba tuyên bố bắt đầu bình thường hóa quan hệ, trao đổi tù nhân, một số gián điệp Mỹ bị giam giữ ở Cuba mới có cơ hội được trả tự do, trở về Mỹ. Điển hình là vụ án gián điệp Alan Gross, một nhân viên hợp đồng của Chính phủ Mỹ làm việc cho dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) triển khai theo đạo luật Helms-Burton 1996 - đạo luật chống Cuba khét tiếng do các nghị sĩ Jesse Helms và Dan Burton thuộc đảng Cộng hòa đề xuất và được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1996.

Ông Gross năm nay 65 tuổi, bị cơ quan chức năng Cuba bắt giam vào năm 2009. Chính quyền Mỹ đã nhiều lần vận động dư luận gây sức ép để đòi Cuba thả Gross nhưng không thành công. Ngày 17/12/2014 vừa qua, Gross được thả theo thỏa thuận trao đổi tù nhân trong tiến trình bình thường hoá quan hệ 2 nước Mỹ-Cuba.

Lịch sử sang trang

Đầu năm 2015, khi quan hệ Mỹ - Cuba bắt đầu có bước tiến triển tốt đẹp, nhất là việc hai nước đang có nhiều động thái tích cực nhằm đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trung tuần tháng 1/2015, phái đoàn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ do bà Roberta Jacobson, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán cầu, đã đến Cuba và trong các ngày 21 và 22/1 đã có các cuộc làm việc, thảo luận với Bộ Ngoại giao Cuba xoay quanh những vấn đề còn vướng mắc.

Trong không khí hân hoan chung của người dân hai nước, tòa nhà đại sứ quán cũ một lần nữa lại gây chú ý, nhưng lần này "lịch sử đã sang trang". Người ta đang nói nhiều đến việc Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị khôi phục lại chức năng của tòa nhà - Tòa đại sứ Mỹ như đã từng như thế cách đây hơn nửa thế kỷ.

Hiện tại, nhân sự làm việc tại USINT gồm 50 nhân viên ngoại giao người Mỹ và khoảng 300 nhân viên người Cuba. Sắp tới, con số này chắc chắn sẽ gia tăng gấp bội để đáp ứng nhu cầu công việc cho toà đại sứ của cường quốc hàng đầu thế giới.

Nhiều người từng làm việc và đang làm việc tại USINT đang chờ đợi tiến trình chuyển tiếp sang trang sử mới của tòa nhà trong tâm trạng hồi hộp xen lẫn phấn khích, có cả sự bồn chồn, lo lắng. Nhưng cho dù như thế nào, lịch sử vẫn diễn ra theo đúng quy luật biện chứng của nó.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.