Black Mail - Cuộc chiến “tin giả” của OSS

Thứ Sáu, 31/08/2018, 08:41
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhằm làm suy yếu tinh thần của quân đội Nhật Bản, một chiến dịch mang tên “Black Mail” đã được Văn phòng Vụ Chiến thuật (OSS), tiền thân của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tổ chức thực hiện. Người được giao thực hiện nhiệm vụ này là nữ điệp viên trẻ tuổi Elizabeth McIntosh - một phóng viên đến từ Washington.

Nhân chứng của trận chiến Trân Châu Cảng

Tháng 6-1942, 6 tháng sau trận chiến Trân Châu Cảng, nước Mỹ bắt đầu tham gia cuộc chiến. Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin Roosevelt cho rằng, cần phải phối hợp tất cả các nguồn lực tình báo quân sự. Ông giao nhiệm vụ này cho Tướng William J. Donovan, người có biệt danh "Wild Bill", mặc dù ông này là luật sư và nhà ngoại giao. Tướng William J. Donovan đã khởi đầu công việc từ con số 0 và không có thời gian tuyển dụng nhân lực một cách rộng rãi.

“Tại trụ sở của OSS, ông Donovan đã tập hợp được những người có lòng trung thành với mình”, Elizabeth McIntosh kể lại trong cuốn sách “Sisterhood of Spies”. “Đó là những người bạn thân, khách hàng, các thành viên của cùng một câu lạc bộ, giáo sư đại học, nhà ngôn ngữ học, nhà văn”, Elizabeth cho biết.

Hạt nhân của tổ chức tình báo này thuộc về những người trong tầng lớp cao trong xã hội. Họ được tuyển dụng thông qua các mối quan hệ. Đó cũng là cách nói về tổ chức OSS tinh hoa sau này. Đã có thời điểm OSS còn được hiểu là “Oh So Social”.

Elizabeth McIntosh, ngày còn nhỏ gọi là Peet, 28 tuổi và rất ưa mạo hiểm. Sinh ra ở Washington song lớn lên ở Hawai, Elizabeth McIntosh là con gái một cặp vợ chồng đều là nhà báo. Chính vì vậy, lớn lên Elizabeth nối nghiệp bố mẹ trở thành phóng viên.

Bà Elizabeth Mcintosh sau khi về hưu. Ảnh: parth.com.

Sáng 7-12-1941, Elizabeth McIntosh là một trong những phóng viên chứng kiến vụ không kích từ tuần dương hạm Thái Bình Dương của quân đội Nhật Bản vào Trân Châu Cảng. Bài viết của cô được đăng tải ngay ngày hôm sau mà không phải qua bất cứ sự kiểm duyệt nào, kể cả của quân đội.

Trong bài viết, cô mô tả các bong bóng khí trồi lên trên bề mặt của xác tàu của USS Arizona bị đánh chìm cùng với 2.000 thủy thủ trên tàu cùng với xác chết của hàng trăm con chim rải rác trên mặt đất, do bị tác động bởi vụ nổ.

Thế nhưng, phải đến năm 2012, Elizabeth mới được đọc bài viết đó trên tờ Washington Post. Bởi lẽ, ngay khi tờ báo đăng tải, Elizabeth McIntosh còn có mật danh khác là Elizabeth "Betty" đã chuyển sang tờ báo khác: Tờ Tin tức Scripps Howard News. Cô được đưa tới Washington, phụ trách thông tin từ Nhà Trắng.

Tại Washington mùa xuân năm 1943,  Elizabeth làm việc tại Washington dưới vỏ bọc mới được Đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt tạo ra. Tại đây, bà được giao nhiệm vụ làm việc bí mật cho Tướng William Donovan để thu thập tin tức, đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ kháng chiến. Tướng Donovan đã tuyển dụng nữ gián điệp Elizabeth McIntosh làm việc cho OSS và sử dụng nghệ thuật gián điệp để đánh lừa quân đội Nhật Bản và phát xít Đức.

Một ngày, Tướng Donovan đề nghị Elizabeth McIntosh học thêm tiếng Nhật nếu muốn trở thành một phóng viên phụ trách khu vực châu Á. "Cô đã cân nhắc làm việc cho chính phủ chưa? Cô có thể rất hữu ích. Tôi không thể nói cho cô biết công việc là gì, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng cô sẽ được đi đây đi đó”, Tướng Donovan nói. Đó là tất cả lý do để nữ phóng viên trẻ Elizabeth quyết định theo học lớp tiếng Nhật của bà Keiko Watanabe ở Hawai. Có lúc, cô sống ngay trong nhà của cô giáo.

Elizabeth "Betty" đã được tuyển dụng như vậy vào Bộ phận Viễn Đông của "Hoạt động tinh thần" (MO), thực chất là Phòng thí nghiệm về chiến tranh tâm lý. Cô làm việc cùng với một nhóm người, trong đó có nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế, một người vẽ bản đồ, nhà nghiên cứu về loài chim từng tốt nghiệp Đại học Harvard... Những người này phần nhiều lớn lên ở Trung Quốc với bố mẹ mình là những nhà truyền giáo Mỹ. Do vậy, họ có những hiểu biết rộng về khu vực rộng lớn CBI (Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ).

"Công việc của họ là huy động năng lượng sáng tạo để làm suy kiệt tinh thần của binh sĩ Nhật Bản, cũng như gia đình họ ở quê nhà, bằng cách tiêm nhiễm vào họ ý nghĩ về chủ nghĩa bại trận và mong muốn chấm dứt chiến tranh. Mục đích là đánh lừa đối phương khiến họ đầu hàng”, Elizabeth "Betty" cho hay.

Bìa cuốn sách “Sisterhood of Spies”.

Sau khi được đào tạo kỹ năng tình báo cũng như võ thuật, sử dụng súng, ngày 17-7-1944, Elizabeth "Betty" lên tàu tới Ấn Độ. Trong suốt 14 tháng cuối của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cho đến khi người Nhật đầu hàng ngày 2-9-1945, Elizabeth "Betty" được cử đến New Delhi, đến Calcutta, cuối cùng đến Côn Minh (Trung Quốc), đứng sau hàng ngũ của địch.

Tác giả của “tin giả”

Trước khi thành lập OSS, quân đội Mỹ chủ yếu sử dụng thông điệp "thư trắng" (White Mail), chẳng hạn như phát tờ rơi của Lầu Năm Góc kêu gọi đối phương đầu hàng hoặc kêu gọi dân chúng nổi dậy. Với người Nhật, do phải tuân theo quy tắc danh dự cuồng tín - thay vì “seppuku” hơn là thất bại nên các nhân viên Mỹ coi nỗ lực “thư trắng” đó là vô ích.

“Có báo cáo cho biết, những người lính Nhật tham gia vào các điệu nhảy điên cuồng dưới mưa bom, hô vang tên của hoàng đế hay những lời lăng mạ bằng tiếng Anh. Họ đề nghị đầu hàng nhằm dụ dỗ người Mỹ rơi vào ổ phục kích. Vì thế không ai chắc rằng một người lính Nhật có thể đầu hàng.

“Giết hoặc bị giết” là bản chất của cuộc chiến này. Nhưng tuyên truyền của "thư đen" (Black Mail) mang lại hy vọng. Trong một chiến dịch, OSS thu được một túi bưu kiện, trong đó có chứa 500 bưu thiếp mà binh lính Nhật gửi về. Những bưu thiếp này viết bằng bút chì nên có thể bị giả mạo.

Elizabeth "Betty" và nhóm của cô sẽ chèn tin giả vào bức thư với nội dung binh sĩ đột nhiên phàn nàn về việc thiếu đạn dược, kêu gọi máy bay liên tục ném bom, hay cho thấy có dấu hiệu Nhật Bản sẽ tiến hành đợt pháo kích mới… nhằm gây ra sự lo lắng cho những người thân yêu của họ ở nhà.

Tướng William J. Donovan, người sáng lập OSS, tiền thân của CIA ngày nay. Ảnh: wbfo.org.

Phương pháp này được thực hiện theo cả hai chiều. Giao liên sẽ nhắm mục tiêu cụ thể để ngăn chặn thư binh lính lại, sau đó gửi ra tiền tuyến những câu chuyện đau khổ ở nhà: Ví dụ như người vợ trách móc vì chỉ nhận được 4 bức thư của chồng trong 5 năm, hay cô vợ mang thai khi chồng ở ngoài mặt trận, con cái ốm đau… Mục đích để làm suy yếu tinh thần của binh lính.

“Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ xâm nhập vào Nhật Bản”, Đại tá Ray Peers, chỉ huy Phân đội 101 của OSS đóng tại miền bắc Ấn Độ cho biết.

Sau khi những bức thư được gửi đi, nữ điệp viên trẻ sẽ khai thác những điểm yếu của đối phương. Một trong những thông tin hài hước nhất mà cô đọc được từ những bức thư hay nhật ký bị thu giữ của binh lính Nhật Bản, đó là "nỗi sợ nước Nga", sợ hãi khi thấy những người đàn ông đến để trả thù cho cuộc thảm sát trong chiến tranh Nga-Nhật năm 1905.

Elizabeth "Betty" cũng phát hiện ra binh lính Nhật rất mê tín. Họ tin vào lời tiên đoán của một đạo sư Ấn Độ có tên là Pundit Inbramunyum Rao, và một nhà hiền triết Trung Quốc Wua Yan Chu-he, còn gọi là “ẩn sĩ của mây”. Đầu tháng 8-1945, nhà hiền triết tiên đoán một thảm họa sắp xảy ra: "Một cái gì đó chúng ta thậm chí không thể đặt tên để nó khủng khiếp, nó sẽ tiêu diệt toàn bộ khu vực của Nhật Bản".

Nữ điệp viên Elizabeth Mcintosh khi còn trẻ. Ảnh: theclio.com.

Ngày 6-8, quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống Hiroshima. Elizabeth "Betty” khi đó đã cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp rằng cô không hề biết về hoạt động cực kỳ tối mật này...

Trong thời gian làm nhiệm vụ ở Ấn Độ, bà Elizabeth McIntosh đã làm giả mệnh lệnh của Chính phủ Nhật Bản với mục đích thông báo cho quân đội nước này đầu hàng - một hành động từ lâu được xem là không thể chấp nhận và đáng xấu hổ. Để làm được điều đó, nữ gián điệp Elizabeth McIntosh đã cùng nữ gián điệp người Miến Điện thuộc OSS giết một người đưa thư của Nhật Bản khi người này đi qua rừng và đổi tài liệu giả mạo vào trong balô của người đó.

Khi quân đội Nhật Bản phát hiện thi thể của người đưa thư đó, họ đã tìm mệnh lệnh giả mạo do nữ gián điệp McIntosh tạo ra trên và cho rằng văn bản đó là thật. Chính vì vậy, nhiều binh sĩ Nhật Bản sau đó đã đầu hàng quân đội Mỹ.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nữ gián điệp McIntosh trở về quê nhà và kết hôn. Sau đó, bà làm việc cho Đài phát thanh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bà cảm thấy công việc đó khá buồn tẻ và đã thuyết phục CIA tiếp tục tuyển dụng bà và làm việc tại đây đến năm 1973.

Mặc dù nữ gián điệp này đã viết nhiều cuốn sách nói về khoảng thời gian làm việc cho OSS nhưng những câu chuyện trong những năm bà làm việc cho CIA vẫn chưa được tiết lộ. Elizabeth Mcintosh qua đời năm 2015 khi tròn 100 tuổi. 

Yên Bình (theo Le Figaro)
.
.