Bộ Tài chính Mỹ và cuộc chiến bí mật chống Iran

Thứ Sáu, 22/11/2013, 14:45

Tháng 6/2013, Bộ Tài chính Mỹ (DOT) thông báo những biện pháp trừng phạt mới mạnh hơn chống lại một công ty bình phong cùng với chuỗi các công ty con của nó được cho là nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Iran. Trong cuộc chiến bí mật tấn công nền kinh tế Iran kéo dài một thập niên qua, DOT đã âm thầm giám sát hàng chục doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính quyền nước này như là Ngân hàng Trung ương Iran, nhưng sự việc không dừng lại ở đó.

Các chuyên gia phân tích của DOT đã trải qua nhiều năm “lao khổ” cố gắng tìm kiếm xác định các công ty bình phong của Iran trên khắp thế giới, từ các công ty xây dựng cho đến công ty bảo hiểm để sau đó ra những đòn trừng phạt nặng nề tước đoạt hàng tỉ USD của Tehran. Người Iran gọi hành động của DOT là “bất hợp pháp và vô đạo đức”.

Mới đây, khi các nhà đàm phán Mỹ ngồi lại với các đối tác Iran trong vòng đàm phán mới về vấn đề hạt nhân, Tehran tiếp tục yêu cầu Washington và đồng minh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã gây bế tắc cho nền kinh tế Iran và làm giảm giá trị đồng tiền nước này xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Đáp lại, chính quyền Tổng thống Barack Obama tỏ thiện ý tạm thời giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy một số sự nhượng bộ cụ thể từ Iran.

Những đòn trừng phạt nặng nề giáng xuống các công ty Iran

Theo Ryan Crocker, cựu Đại sứ Mỹ ở Iraq và Afghanistan, những đòn tấn công kinh tế nhằm vào Iran thường thành công như Washington mong muốn, bởi lẽ DOT và các đối tác của cơ quan này đã làm rất tốt nhiệm vụ truy tìm và đóng băng các tài sản của Iran ở hải ngoại. Crocker giải thích: "Họ miệt mài thu thập thông tin tình báo về những trường hợp vi phạm rồi sau đó tìm cách đánh gục đối phương".

DOT âm thầm theo dõi các công ty đơn lẻ - ít nhất là bề ngoài - có vẻ như đang hoạt động hợp pháp và không có gì nguy hiểm. Cách đây hơn 17 năm, DOT đã áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Công ty Vận tải hàng không Iran Air, và mới đây tiếp tục có thêm những đòn tấn công mới sau khi buộc tội công ty sử dụng những chiếc máy bay hành khách để lén lút chuyên chở vũ khí đến Syria cung cấp cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Các biện pháp của DOT cũng ngăn chặn được nỗ lực hiện đại hóa những chiếc máy bay của Iran Air.

DOT còn thành công hơn trong nỗ lực truy tìm những công ty bình phong của Iran mang những cái tên không rõ ràng với cơ cấu quản lý phức tạp và có chuỗi công ty con hoạt động “rất mờ ám”. Mỹ cho rằng, các công ty này do chính quyền Tehran thành lập nhằm tránh né những đòn trừng phạt nhưng DOT vẫn cách ly được các ngân hàng của chúng ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu đồng thời yêu cầu các ngân hàng của đồng minh đóng băng hơn 50 tỉ USD tài khoản của Iran.

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ (DOT) ở Washington DC.

Juan Zarate, Phó cố vấn An ninh quốc gia chống khủng bố dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush và hiện là cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington DC., cho biết các nỗ lực tìm kiếm và trừng phạt các công ty bình phong của Iran hiện nay của Mỹ bắt nguồn từ những sáng kiến chống các cartel ma túy Mỹ Latinh trong thập niên 80 thế kỷ trước.

Juan Zarate, tác giả một cuốn sách mới về những  nỗ lực trừng phạt của DOT, giải thích: "Lúc đó, ý tưởng là xác định các trùm ma túy và các mạng lưới của chúng, sau đó lật mặt các công ty bình phong được sử dụng để che đậy những hoạt động phi pháp". Nỗ lực hiện nay của DOT là tấn công hàng trăm mục tiêu Iran như là các công ty cá nhân, ngân hàng và những chiếc tàu biển mang tên gọi như "Songbird" và "Rainbow".

Một số công ty này bị Mỹ buộc tội vận chuyển vũ khí trái phép cho chính quyền Syria và chiến binh Hezbollah ở Liban. Trong khi đó, nhiều công ty được cho là có mối quan hệ trực tiếp đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Nhưng, phần lớn các công ty bị Mỹ trừng phạt đều phủ nhận cáo buộc họ có liên quan đến chính quyền Iran.

Theo DOT, Tehran đã sử dụng công ty có tên gọi "One Vision Investments 5" đặt trụ sở tại Cape Town (Nam Phi) để chuyển tiền thông qua Nam Phi nhằm tránh né sự trừng phạt của Mỹ và quốc tế.

Gholam Amouhadi, Giám đốc điều hành One Vision, phát biểu với một tờ báo của Nam Phi rằng, sự buộc tội của Mỹ là "hết sức vô lý" và khẳng định "chúng tôi không thực hiện bất cứ giao dịch nào với chính quyền Iran".

Các công ty như One Vision hiểu rõ họ luôn nằm trong tầm ngắm của Mỹ và riêng những đòn tấn công không thương tiếc mà DOT tiến hành hồi tháng 6/2013 đã giáng những đòn trừng phạt nặng nề đến One Vision cũng như 36 công ty khác nằm rải rác ở Iran, Đức, Nam Phi, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Croatia.

Mục tiêu đầu tiên của DOT là Công ty TEACO. Cục Quản lý tài sản nước ngoài (OFAC) của DOT báo cáo: TEACO là một trong hai công ty con chính yếu của Execution of Imam Khomeini's Order (EIKO) - tổ chức được giới lãnh đạo Tehran sử dụng nhằm che giấu những chương trình đầu tư và các cổ phần kinh doanh trên khắp thế giới của Iran.

Theo cáo buộc của DOT, TEACO có nhiệm vụ đặc biệt là giám sát đồng thời điều hành hàng chục công ty nước ngoài nằm dưới sự kiểm soát bí mật của Tehran. TEACO cố gắng duy trì bề ngoài như là một công ty tư nhân bằng cách liệt kê những người sở hữu bao gồm các doanh nhân và nhà đầu tư Iran. Tuy nhiên trên thực tế, toàn bộ các thành viên ban giám đốc đều được chính quyền Iran chọn ra.

Mục tiêu tiếp theo của DOT là 1 trong 3 công ty con hàng đầu của TEACO gọi là Rey Investment Company với hoạt động tuyên truyền quyên góp những số tiền khổng lồ từ các nhà hảo tâm trong các điện thờ và thánh đường Hồi giáo khắp Iran. Ban đầu, công ty nằm dưới sự điều hành của Ayatollah Mohammad Mohammadi Reyshari, cựu Bộ trưởng Tình báo và An ninh Iran.

Khi Reyshari dính líu đến vụ bê bối tham ô, ông bị chính quyền Tehran cách chức và chỉ định người khác làm giám đốc điều hành mới. Sau đó, DOT nhắm đến Reyco GmbH - công ty con quan trọng của Rey Investment Company đặt trụ sở tại Đức.

Ngoài ra, DOT còn trừng phạt hai công ty của Đức khác của Reyco là MCS International GmbH và MCS Engineering. Những người sở hữu hai công ty chỉ tồn tại trên danh nghĩa và cũng do Tehran chỉ định. Những đòn trừng phạt nhắm vào các công ty như thế này chính là những gì mà Tehran muốn Washington dỡ bỏ - hay chí ít cũng làm nhẹ bớt - trong cuộc đàm phán hạt nhân đôi bên.

Và mới đây, Wendy Sherman - nhà đàm phán hạt nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ - cũng đề nghị Quốc hội tạm ngưng áp đặt bất cứ liệnh trừng phạt mới nào khi cuộc đàm phán song phương đang diễn ra. Được biết, các nhà lập pháp ở Thượng viện Mỹ đang có đề xuất trừng phạt mới nhằm vào những công ty làm ăn với Iran trong các lĩnh vực như vận tải tàu biển, xây dựng và hóa dầu.--PageBreak--

“Những cây gậy lớn” của cơ quan tài chính quyền lực nhất thế giới

DOT là một trong những vũ khí đắc lực nhất trong cuộc chiến chống khủng bố và liên quan đến mỗi cuộc xung đột quốc tế mà nước Mỹ dính líu. DOT cũng đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở CHDCND Triều Tiên, Iran, Afghanistan và khắp khu vực Trung Đông. Bên trong trụ sở chính của DOT, nhiệm vụ thu thập thông tin khó khăn và phức tạp được giao cho một bộ phận khiêm tốn song lại có tác động rất quan trọng: Ban Tình báo tài chính và khủng bố (OTFI).

Matthew Levitt, người từng điều hành DOT và nay lãnh đạo Chương trình Stein về chống khủng bố và tình báo (SPCTI) của Viện Washington, cho biết: "Cách đây nhiều năm, DOT là trung tâm của mọi vấn đề an ninh quốc gia". DOT được đánh giá là cơ quan tài chính thuộc chính quyền duy nhất trên thế giới sở hữu một đơn vị tình báo riêng biệt. DOT  - có nhiệm vụ tịch thu hay đóng băng các tài khoản của những đối tượng bị nghi là khủng bố, buôn lậu ma túy. Cơ quan này có văn phòng chi nhánh ở các thủ đô khác như Riyadh (Arập Xêút), Islamabad (Pakistan), Kabul (Afghanistan) và Abu Dhabi (UAE).

DOT cũng là một bộ phận trong cộng đồng tình báo Mỹ, chia sẻ thông tin với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng như các cơ quan khác. Trong nhiều năm qua, OTFI đã gây sức ép đến các ngân hàng lớn trên thế giới yêu cầu ngưng giao dịch làm ăn với chính quyền Iran. Mục đích là cắt đứt nguồn tài chính giúp Tehran phát triển chương trình hạt nhân cũng như các nhóm vũ trang thế lực mạnh như Hezbollah và Hamas.

Những giao dịch tài chính liên quan đến Iran đều nằm trong sự giám sát chặt chẽ của DOT.

Stuart Levey, Thứ trưởng Tài chính phụ trách OFTI, nằm trong số những quan chức cao cấp của chính quyền George W. Bush được Tổng thống Barack Obama tiếp tục sử dụng trong nhiệm kỳ của ông. Quyết định giữ lại Levey của Obama được đánh giá là nhằm đánh tiếng với thế giới rằng, DOT là một cơ quan tài chính quyền lực bậc nhất - theo Michael Jaconson, cựu Cố vấn tình báo và chống khủng bố SPCTI.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế luôn là "cây gậy lớn" có lẽ rất hữu hiệu trong các chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng OTFI còn đi xa hơn nữa. OTFI có quyền gây sức ép buộc các ngân hàng quốc tế cắt đứt mọi quan hệ giao dịch làm ăn với các đối tác mà Washington tin rằng có liên quan đến khủng bố.

Hành động gây sức ép của DOT cũng thường gây ra phản ứng dây chuyền rất đáng sợ! Sau khi DOT đưa vào "danh sách đen" hai ngân hàng do nhà nước Iran sở hữu thì gần như ngay lập tức Anh, Australia và các quốc gia khác cũng lật đật hành động theo. Nhân lực của OFTI bao gồm hơn 700 luật sư, nhà điều tra, nhà phân tích và chuyên gia tài chính. Đơn vị tình báo tài chính làm việc trong cùng cơ sở với các đội ngũ khác của DOT, như là đơn vị chống tội phạm tài chính có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về các vụ giao dịch bằng tiền bẩn.

Ayatollah Mohammad Mohammadi Reyshari, cựu Bộ trưởng Tình báo và An ninh Iran.

Trong số các công việc của đơn vị chống tội phạm tài chính là điều hành nhóm gọi là "Đặc nhiệm tài chính bất hợp pháp" cùng hợp tác với giới chức Afghanistan và Pakistan phá vỡ các vụ giao dịch tài chính không hợp pháp, đồng thời giúp hai chính quyền xây dựng các đội chống tội phạm tài chính riêng của họ. Một trong những chiến công lớn mà đơn vị chống tội phạm tài chính lập được là vào tháng 12/2012, khi đó tổ chức tài chính Thụy Sĩ Credit Suisse Group chấp thuận nộp phạt 500 triệu USD vì vi phạm lệnh trừng phạt chống Iran của Mỹ. Credit Suisse Group là tổ chức lớn nhất bị đơn vị chống tội phạm tài chính của DOT sờ gáy.

Trong vụ án này, DOT hợp tác với Bộ Tư pháp Mỹ thu thập bằng chứng cho thấy Credit Suisse Group đã phân phát những tập sách nhỏ hướng dẫn cho các khách hàng cách soạn những thông điệp chuyển tiền để tránh bị Mỹ phát hiện.

Nhưng đôi khi các hoạt động của DOT cũng gây tranh cãi trên thế giới. Ví dụ, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, DOT đã truy cập một cơ sở dữ liệu chứa thông tin về những giao dịch tài chính trong nội bộ châu Âu, bất chấp sự phản đối về vi phạm quyền riêng tư của công dân.

Trước đó, Mỹ đã làm việc với Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) để tiến tới ký kết một hiệp định cuối cùng cho phép DOT truy cập thông tin mà vẫn tôn trọng quyền riêng tư. Trong khi đó, DOT lập luận rằng, họ chỉ sử dụng cơ sở dữ liệu khi có lý do để tin chắc rằng một đối tượng đang dính líu đến hoạt động khủng bố

Diên San (tổng hợp)
.
.