Bộ chỉ huy Đặc nhiệm liên quân Mỹ và đặc quyền “tiền trảm hậu tấu”

Thứ Hai, 10/10/2011, 08:20

Cùng tiến hành các hoạt động chiến tranh bí mật như nhau, nhưng Bộ chỉ huy Đặc nhiệm liên quân (JSOC) đã tạo ra những hiệu quả tác chiến lớn hơn rất nhiều lần so với Cục Tình báo trung ương (CIA): tiêu diệt nhiều phần tử Al-Qaeda hơn, bắt giam và thẩm vấn nhiều nghi can khủng bố hơn. Chiến công nhiều, nhưng những hệ lụy cũng không ít.

Từ đội giải cứu con tin đến "quân đội trong quân đội"

JSOC ra đời vào năm 1980, ban đầu chỉ là một đơn vị giải cứu con tin rất ít khi được sử dụng đến. Trụ sở của JSOC đặt tại Fayetteville, bang North Carolina. Trước sự kiện 11/9/2001, tức 20 năm sau khi ra đời, JSOC chỉ có quân số ít ỏi khoảng 1.800 binh sĩ. Từ sau sự kiện 11/9, JSOC bỗng vụt lớn "nhanh như thổi", tăng quân số đến 25.000 quân, tức 14 lần.

Trước 11/9, JSOC là một lực lượng vô danh, hầu như chẳng ai biết nó ở đâu, thậm chí người ta còn không biết nó có một bộ chỉ huy. Vậy mà nay, JSOC là con cưng, là lực lượng hành động bí mật số 1 của nước Mỹ. JSOC tiêu diệt Al-Qaeda và bắt giam, thẩm vấn nghi can khủng bố nhiều gấp 10 lần CIA.

"CIA không có được quy mô và quyền hạn để làm được những thứ như chúng tôi đã làm" - một sĩ quan JSOC tự hào tuyên bố như vậy. Quả thực thế, JSOC được Tổng thống Mỹ (W. Bush và nay là Obama) cho phép toàn quyền "tiền trảm hậu tấu", tự lên danh sách những đối tượng nào cần phải "xử" và tự thực thi quyền hành quyết, săn lùng, ám sát, thủ tiêu… toàn những việc mà luật pháp Mỹ cấm, CIA không được phép làm nhưng JSOC được "đặc quyền".

Lính đặc nhiệm JSOC.

JSOC ngày nay không khác nào một "quân đội bên trong quân đội", với cơ cấu tổ chức bài bản, có đơn vị tình báo riêng, sử dụng máy bay không người lái và máy bay thám thính, thậm chí cả vệ tinh riêng, đơn vị "chiến binh mạng", với chiến tích đầu tiên vào ngày 11/9/2008 là đánh sập một trang web thánh chiến của bọn khủng bố. JSOC nhận lệnh trực tiếp từ Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Trong 10 năm qua JSOC đã thực hiện các sứ mệnh gián điệp và bố ráp không chỉ ở Iraq, Afghanistan mà lan sang cả Yemen, Pakistan, Somalia, Philippines, Nigeria, Syria…

Bí mật là "thương hiệu" của JSOC, thậm chí còn bí mật hơn cả CIA, nhưng nhiều người vẫn biết đến tiếng tăm lừng lẫy của những đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ như Navy SEAL Team 6, Đội quân bí mật Bắc Virginia, Đặc nhiệm Xanh (Task Force Green), Delta Force, Đặc nhiệm 11 (Task Force 11), Đặc nhiệm 121 (Task Force 121), Trung đoàn Đặc nhiệm không kị 160 của Bộ binh, Trung đoàn 75, Đội chiến thuật đặc biệt số 24 của Không quân… Khi tham chiến, các đặc nhiệm JSOC không mang phù hiệu, cấp hàm. Các chỉ huy JSOC không bao giờ phát biểu trước báo chí, và bộ chỉ huy này cũng không có cả trang web riêng.

Sự lớn mạnh của JSOC

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden hồi đầu tháng 5/2011 tại thị trấn Abbottabad, Pakistan. Đó là một trong những chiến tích quan trọng nhất của đặc nhiệm JSOC.

Mặc dù CIA được giao "chủ xị" chiến dịch phối hợp đặc biệt và hết sức bí mật này, nhưng đơn vị đặc nhiệm Navy SEAL của JSOC lại là những người đóng vai trò chính. Bất chấp CIA tìm cách nhận công đầu về mình, ai cũng ngầm hiểu rằng không có người của JSOC thì không thể có được chiến tích đó. Điều đó khiến các chỉ huy của JSOC rất đỗi tự hào.

Nhưng để có được danh tiếng hôm nay, JSOC từng trải qua giai đoạn đầu đầy khó khăn. Sứ mệnh hải ngoại đầu tiên của JSOC là Chiến dịch Móng vuốt đại bàng (Operation Eagle Claw) được thực hiện ngay sau khi được thành lập vào năm 1980. Đó là chiến dịch giải cứu con tin là các nhà ngoại giao bị sinh viên Iran bắt giữ tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Chiến dịch đó kết thúc bằng một cú đâm máy bay trực thăng trên sa mạc làm chết 8 thành viên JSOC.

Sự cố đó khiến JSOC không nhận được sự tin tưởng ở các cấp lãnh đạo Mỹ thời bấy giờ. Và đó là lý do khiến mãi 20 năm sau khi ra đời, JSOC bị đối xử như "con ghẻ", mọi ưu ái chỉ dành cho CIA và cộng đồng tình báo nói chung.

Sau sự kiện 11/9, Mỹ mở chiến dịch tấn công vào Afghanistan. Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld không thích sự triển khai chậm chạp của quân đội, chỉ khoái năng lực và kinh nghiệm làm việc bí mật của CIA vì thế đã giao cho CIA nhiệm vụ lĩnh ấn tiên phong vào Afghanistan.

Tuy nhiên, từ tháng 12/2001, các đơn vị của JSOC bắt đầu thể hiện năng lực tác chiến hiệu quả và tính "sát thủ" của mình tại mặt trận vùng núi Tora Bora. Sau trận chiến đêm 13 và 14/12/2001, mặc dù ông trùm Osama bin Laden trốn thoát sang Pakistan, nhưng đám bộ hạ của y đã bị đặc nhiệm JSOC tiêu diệt rất nhiều, xác chất đầy cả xe tải.

Từ chiến tích ban đầu đó, JSOC bắt đầu được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chú ý đến. Ngày 16/9/2003, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld đã ký sắc lệnh đặt JSOC vào vị trí trung tâm trong cộng đồng chống khủng bố của Mỹ. Sắc lệnh liệt kê ra danh sách 15 quốc gia và những hoạt động mà JSOC được phép triển khai trong nhiều kịch bản khác nhau, và yêu cầu JSOC xin phép trước khi hành động.

IraqAfghanistan, những hành động sát thương của JSOC được mặc nhiên cho phép. Ở những nước khác, như Algeria, Iran, Mali, Malaysia, Nigeria, Pakistan, Philippines, Somalia và Syria, JSOC cần phải được sự đồng ý "chiến thuật" của quốc gia sở tại hoặc được sự cho phép của chỉ huy cấp cao.

Chẳng hạn ở Philippines, JSOC có thể tự do thực hiện tâm lý chiến nhằm đánh lạc hướng các phần tử Al-Qaeda, nhưng với hành động sát thương thì phải được Nhà Trắng chấp thuận. Để tấn công các mục tiêu khủng bố ở Somalia, JSOC cần được sự phê chuẩn của Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng ở Pakistan và Syria thì phải là chữ ký của Tổng thống.

Từ mùa thu 2003, tướng Stanley A. McChrystal - vị chỉ huy mới của JSOC, đã tiến hành cải tổ mạnh mẽ, biến JSOC thành một công cụ vô cùng hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. McChrystal tin rằng ở Washington đang tồn tại tình trạng quan liêu quá lớn khiến cho quá trình ra quyết định chiến lược bị trì trệ, làm cho việc triển khai các kế hoạch, chiến dịch bị chậm trễ, vuột mất cơ hội giành thắng lợi.

Vì thế McChrystal quyết định "chạy" khỏi guồng máy quan liêu đó, bằng cách dời trụ sở chỉ huy tác chiến về Căn cứ Không quân Balad, đông bắc Baghdad. McChrystal cho đặt các bộ phận phân nhánh của JSOC chung trong một tòa nhà nhằm dễ bề chỉ huy. Ông khéo léo lôi kéo các đơn vị tình báo, như CIA, FBI, NSA tham gia giúp đỡ JSOC triển khai các chiến dịch. McChrystal trang bị các tiện nghi hiện đại để tạo điều kiện chia sẻ thông tin tình báo, hình ảnh, dữ liệu phục vụ công tác thu thập, phân tích tình báo.

Với McChrystal, JSOC đã trở thành lực lượng mạnh nhất trong cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ. Không chỉ thực hiện các chiến dịch đơn lẻ trên chiến trường, McChrystal còn cử hàng trăm sĩ quan cao cấp của JSOC đến phối hợp hoạt động tại các cơ quan tình báo của Mỹ như CIA, FBI, NSA, và tại nhiều nước trên thế giới. Cứ 4 tháng một lần, các sĩ quan hợp tác này được luân chuyển nhằm giữ cho họ luôn trên tinh thần sẵn sàng chiến đấu.

Tác chiến thời công nghệ cao

Sự lớn mạnh của JSOC đi cùng diễn biến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ kể từ sau sự kiện khủng bố 11/9/2011. Và đó đồng thời cũng là khoảng thời gian bùng nổ công nghệ cao, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet băng thông rộng và công nghệ không dây. Sự phát triển này hoàn toàn tạo ra lợi thế cho JSOC và các đối tác tình báo dựa vào công nghệ kỹ thuật cao, như NSA.

Đặc nhiệm Navy SEAL Team 6 tham gia chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tháng 5/2011.

Nhờ công nghệ cao, khả năng thu thập tin tình báo của JSOC đã được nâng lên rất nhiều. Công nghệ cao giúp mở rộng kênh thu thập tin tình báo, tăng cường tốc độ và trình độ chia sẻ thông tin tình báo, liên lạc, trao đổi công tác giữa các trạm liên lạc.

Chỉ trong vòng một năm sau khi ông McChrystal làm “chủ xị”, JSOC đã kết nối khép kín với 65 trạm liên lạc trực tuyến trên toàn cầu, tạo điều kiện để các chuyên gia phân tích tình báo của JSOC tổ chức hội nghị trực tuyến từ xa 2 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài 45 phút. Năm 2006, 3 năm sau khi bắt đầu tiến hành cải tổ, JSOC đã gia tăng năng lực băng thông rộng lên gấp 100 lần.

Mùa xuân năm 2006, bằng cách sử dụng băng thông rộng và do thám bằng máy bay không người lái, JSOC đã thực hiện hàng loạt cuộc tập kích trong Chiến dịch Arcadia, thu thập và phân tích 662 giờ ghi hình video liên tục trong 17 ngày.

Cuộc tập kích đã thu được 92 đĩa CD và nhiều thùng tài liệu dẫn đến một loạt cuộc tập kích tại 14 địa điểm mới. Các cuộc tập kích đó giúp JSOC tịch thu được hơn 7.600 đĩa CD, trong đó chứa đựng những thông tin về chiến lược quảng bá của Al-Qaeda. Chiến dịch Arcadia đã dẫn đến việc tiêu diệt được thủ lĩnh khủng bố Al-Qaeda tại Iraq Abu Musab al-Zarqawi vào ngày 7/6/2006.

Mặt trái của tấm huy chương

Hiệu quả chiến đấu của JSOC gia tăng mạnh là điều đã được chứng minh bằng những con số cụ thể từ chiến trường. Năm 2008, chỉ riêng ở Afghanistan, các biệt kích của JSOC đã đánh trúng 550 mục tiêu và giết chết khoảng 1.000 người. Năm 2009, JSOC thực hiện 464 chiến dịch và giết 500 lực lượng "địch". Trong thời kỳ Iraq rơi vào hỗn loạn, đỉnh điểm là năm 2005, mỗi tháng JSOC thực hiện đến 300 cuộc tập kích. Ngày nay, hơn một nửa thành viên lực lượng Delta Force của JSOC được nhận huy chương chiến công Trái tim Màu tím.

Tuy nhiên, tấm huy chương luôn có mặt trái, và chiến công nào cũng có những tổn thất ngoài ý muốn. Đó là những cái chết oan uổng của thường dân (Afghanistan) do những sai sót trong các chiến dịch tập kích "nhầm địa chỉ" của JSOC. Hầu như mọi chiến dịch, mọi cuộc tập kích của JSOC đều mang lại thương vong cho dân thường.

Vụ bắn nhầm được xem là nghiêm trọng nhất trong toàn bộ cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan xảy ra vào ngày 1/7/2002. Một đội thám báo JSOC truy lùng Taliban bị tấn công và một chiếc trực thăng chiến đấu AC-130 đã xả súng máy xuống 6 vị trí trong làng Kakarak, trúng vào một đám cưới làm chết 48 người đang ăn cưới. "Sự cố tiệc cưới" đó khiến cho quân đội Mỹ bị công kích dữ dội, bị tố cáo là xem thường mạng sống thường dân Afghanistan.

Ở Pakistan, những vụ bắn nhầm của JSOC (và cả CIA) là nguyên nhân châm ngòi cho làn sóng chống Mỹ lan rộng và dâng cao, dẫn đến quan hệ giữa Mỹ với "đồng minh" Pakistan căng thẳng cho đến ngày hôm nay.

JSOC cũng tham gia sử dụng các hình thức tra tấn dã man nhằm thu thập thông tin tình báo từ các nghi can bị bắt giữ. Ngay cả trước khi những hình ảnh nhục hình tại nhà tù Abu Ghraib, Iraq, được tung lên báo chí năm 2004, một báo cáo nội bộ đã cảnh báo hiện tượng một số thành viên JSOC sử dụng nhục hình và tấn công tù nhân, giấu họ trong các nhà giam bí mật.

Sau khi những hình ảnh nhục hình tại nhà tù Abu Ghraib bị phanh phui, một cuộc điều tra đối với các cơ sở giam giữ tù nhân do JSOC quản lý đã được tiến hành, làm lộ ra rất nhiều hình thức tra tấn dã man, ngược đãi tù nhân Iraq. Kết quả, 34 lính đặc nhiệm của JSOC bị kỷ luật.

Sau vụ đó, JSOC lại trải qua một đợt cải tổ. Ông McChrystal yêu cầu chỉ huy tình báo của mình là ông Michael Flynn thay đổi toàn bộ hệ thống hỏi cung, sử dụng Cẩm nang chiến trường của quân đội (Army Field Manual) để hỏi cung nghi can

An Tôn - Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.