Bồ Đào Nha dẫn độ cựu điệp viên CIA sang Italia

Thứ Sáu, 29/04/2016, 17:35
Vụ án các điệp viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bắt cóc nghi can khủng bố người Ai Cập diễn ra đã 10 năm, Tòa án Italia đã tuyên án và không có ai bị bắt giam hay ngồi tù. Tuy nhiên, các tòa án ở Bồ Đào Nha vừa làm một việc hiếm có: ra lệnh dẫn độ điệp viên cuối cùng sang Italia để thụ án.

Người bị dẫn độ là cựu điệp viên CIA Sabrina de Sousa. Theo lệnh tòa án, bà Sousa sẽ bị dẫn độ sang Italia sau ngày 4-5 tới. Các tòa án Bồ Đào Nha, trong đó có Tòa án Hiến pháp, đã yêu cầu tòa án ở Italia sau khi tiếp nhận bà Sousa nên cho bà quyền được xét xử lại, hoặc ít nhất là cơ hội được trình bày bằng chứng và nhân chứng mới trong một phiên tòa phúc thẩm.

Tuy nhiên, công tố viên Italia Arnando Spataro, một trong các công tố viên tham gia tố tụng vụ xét xử các điệp viên CIA, nói rằng không có cơ sở pháp lý nào cho việc mở lại phiên xét xử đối với bà Sousa, và bà sẽ phải được đưa thẳng đến nhà giam để thụ án tù theo án quyết của tòa án.

Cựu điệp viên CIA Sabrina de Sousa.

Bà Sabrina de Sousa là một trong 26 điệp viên CIA tham gia kế hoạch bắt cóc nghi can khủng bố người Ai Cập tên là Osama Moustafa Hassan Nasr, còn gọi là Abu Omar, vào vào tháng 2-2003. Vụ bắt cóc như phim Hollywood diễn ra giữa ban ngày trên đường phố Milan, Italia. Abu Omar bị giam giữ trong một nhà tù ở căn cứ quân sự Mỹ trên đất Đức một thời gian rồi sau đó luân chuyển sang Ai Cập. Tại đây, Abu Omar bị tra tấn nhưng không khai thác được gì và cuối cùng đã được trả tự do.

Trong quá trình bắt và luân chuyển Abu Omar, các điệp viên CIA đã liên lạc với nhau bằng điện thoại di động trên đất Italia, đồng thời sau đó còn liên tục gọi điện đến Lãnh sự quán Mỹ tại Milan. Nhưng sau khi thực hiện xong điệp vụ bắt cóc Abu Omar họ lại không tháo pin, tắt nguồn để điện thoại vẫn phát sóng di động.

Nhờ đó, cảnh sát thành phố Milan đã dễ dàng lần ra manh mối, ráp nối các vị trí, địa điểm hành động của các điệp viên và vạch trần toàn bộ kế hoạch bắt cóc Abu Omar của các điệp viên CIA. Tháng 7-2005, sau khi có kết luận điều tra của cảnh sát, thẩm phán Guido Salvini của Tòa án Milan phát lệnh bắt giam đối với 22 điệp viên CIA, kể cả  Jeffrey W. Castelli, Trưởng trạm CIA tại Italia giai đoạn từ năm 2003 trở về trước. Bà Sousa cũng nằm trong số đó. Tháng 11-2005, các công tố viên Italia yêu cầu Bộ Tư pháp Italia cho dẫn độ 22 điệp viên CIA sang Italia để xét xử nhưng Bộ này từ chối.

Abu Omar, người bị các điệp viên CIA bắt cóc vào tháng 2-2003.

Tháng 12-2005, EU ban hành lệnh bắt và tháng 6-2006, Tòa án Italia chính thức phát lệnh bắt đối với 22 điệp viên nói trên. Phiên tòa xét xử (vắng mặt) 22 điệp viên CIA cùng với một đại tá không quân Mỹ bắt đầu khởi sự vào tháng 12-2006. Đến  tháng 11-2009, Tòa tuyên vắng mặt các bị can có tội. Đến tháng 9-2012, Tòa án tối cao Italia tiếp tục giữ nguyên bản án của Tòa sơ thẩm. Và tháng 2-2013, Tòa chính thức tuyên án (vắng mặt) các bị can mức án tù từ 7 đến 10 năm, trong đó cựu Trưởng trạm CIA Jeffrey W. Castelli và một số điệp viên bị tuyên mức án 7 năm tù.

Vụ bắt cóc Abu Omar đã từng là đề tài gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao hai nước Mỹ và Italia xung quanh vấn đề tra tấn tù nhân nghi can khủng bố.

Trong thời gian diễn ra phiên tòa xét xử các điệp viên CIA, Chính quyền Mỹ đã từng gây sức ép yêu cầu Italia hủy án, dừng phiên tòa, viện lý do việc bắt giam không phải là một vụ bắt cóc mà là hoạt động bình thường trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Washington lập luận rằng, việc đưa ra xét xử các điệp viên CIA sẽ làm lộ ra nhiều bí mật liên quan cuộc chiến, và như thế sẽ không có lợi.

Tuy nhiên, Tòa án Italia đã bác bỏ yêu cầu của Washington, cho rằng hành vi bắt người trái phép diễn ra giữa ban ngày trên đường phố Milan là vi phạm pháp luật Italia, do đó tất cả những người có liên quan, kể cả công dân Italia tiếp tay cho các điệp viên CIA, đều phải bị xét xử. Trong số các bị can từng tham gia vụ bắt cóc Abu Omar có điệp viên hàng đầu Italia nhưng ông này đã được tòa tha bổng vì những chứng cứ buộc tội ông ta được xem là "bí mật an ninh quốc gia".

Sau khi tòa tuyên án, một số điệp viên đã được ân xá một phần hoặc hoàn toàn, số khác rời sang các quốc gia có ký hiệp định dẫn độ với Italia để tránh bị bắt. Vì vậy, không điệp viên CIA nào phải ngồi tù ở Italia kể từ khi bị tòa án Italia tuyên án. Ban đầu Sousa cũng lảng tránh Italia, sinh sống ở Mỹ để tránh bị bắt. Sousa là người mang hai quốc tịch, Bồ Đào Nha và Mỹ. Bà làm việc cho CIA tại Italia trong vỏ bọc ngoại giao.

Tuy nhiên, Tòa án Italia đã bác đơn kháng cáo của bà Sousa khi bà yêu cầu xem xét miễn trừ ngoại giao như một số người được hưởng. Năm 2009, bà đâm đơn kiện Bộ Tư pháp Mỹ và CIA để yêu cầu Bộ Tư pháp cấp miễn trừ ngoại giao cho bà để bà không bị bắt theo lệnh của Tòa án Italia và EU. Tuy nhiên, yêu cầu của Sousa không được Bộ Tư pháp đáp ứng. Bực tức, Sousa rời khỏi CIA.

Sau đó, bà quay về Bồ Đào Nha sinh sống để gần gia đình. Khi biết bà Sousa cư trú tại Bồ Đào Nha, Tòa án Italia đã yêu cầu Tòa án Bồ Đào Nha cho dẫn độ bà sang Italia. Tháng 10-2015, bà Sousa bị cơ quan chức năng Bồ Đào Nha bắt tạm giam rồi sau đó được thả, nhưng bị tịch thu hộ chiếu nhằm ngăn chặn bà rời khỏi Bồ Đào Nha. Ngày 22-4-2016, Tòa án Hiến pháp nước này tuyên dẫn độ bà Sousa sang Italia.

Dario Bolognesi, luật sư người Italia bào chữa cho bà Sousa, cho biết ông sẽ sớm gặp các thẩm phán Italia để thảo luận khả năng xin Tổng thống Italia Sergio Mattarella ân xá cho bà Sousa. Lý lẽ được ông Bolognesi đưa ra là các điệp viên CIA cùng bị tuyên án với bà Sousa đã được ân xá, vì thế bà cũng nên được hưởng điều tương tự để đảm bảo công bằng. Vả lại, vai trò của bà Sousa trong vụ bắt cóc Abu Omar không quan trọng lắm cho nên bà cũng có thể được ân xá, luật sư Bolognesi nói.

An Tôn (tổng hợp)
.
.