Bội tín với người dùng, Facebook bị điều tra

Thứ Hai, 02/04/2018, 10:57
Mạng xã hội lớn nhất toàn cầu Facebook bị Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) chính thức điều tra với cáo buộc bán đứng thông tin của hàng chục triệu người dùng.


Lung lay niềm tin

Cuộc khủng hoảng xảy ra với Facebook từ ngày 16-3 sau khi có thông tin Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica thu thập dữ liệu trái phép từ 50 triệu tài khoản người dùng Facebook.

Từ đó đến nay, cổ phiếu của Facebook đã giảm liên tục và tính đến hết ngày 29-3 thì giảm 18%. Nhiều nhà đầu tư lo ngại mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ phải đối mặt với mức án phạt khổng lồ, đồng thời đánh mất danh tiếng với người dùng. Nếu vậy, quảng cáo của trang mạng xã hội này sẽ bị giảm sút và giá trị của cổ phiếu Facebook trên thị trường chứng khoán sẽ càng lao đao.

Vì bê bối, tổng giá trị tài sản của CEO Mark Zuckerberg đã giảm từ 75 tỷ USD xuống mức 62 tỷ USD. Ảnh: Getty.

Tờ Financial Times cho hay, đà giảm giá trị vốn hóa của Facebook sẽ không dừng lại nếu bê bối nói trên chưa được giải quyết triệt để. Riêng CEO Mark Zuckerberg thì chịu tổn thất nặng nề khi giảm khoảng 14 tỷ USD và giá trị tài sản của tỷ phú này đã giảm từ 75 tỷ USD xuống mức 62 tỷ USD.

Theo tin từ tờ Business, Mark Zuckerberf hiện đang nắm giữ khoảng 400 triệu cổ phiếu Facebook nhưng từ đầu năm 2018 đến nay đã bán tổng cộng 5,4 triệu cổ phiếu với giá trị gần 100 triệu USD. Đáng chú ý là vụ việc của Facebook cũng khiến YouTube, Google, Twitter bị vạ lây. Cổ phiếu của Alphabet, công ty mẹ của Google đã giảm gần 10% trong khi Twitter bị giảm tới 20%. Nguyên do là các nhà đầu tư lo ngại Facebook, Google và Twitter sẽ phải đối mặt với những quy định khắt khe hơn ở Mỹ và trên toàn thế giới sau vụ Cambridge Analytica.

Đó là trên thị trường chứng khoán, còn trong xã hội, các cuộc thăm dò ý kiến thực hiện vào cuối tuần trước ở Mỹ và Đức đều cho thấy, phần đông công chúng đang mất niềm tin vào Facebook trong vấn đề bảo mật cho dù CEO Mark Zuckerberg đã gửi lời xin lỗi trên nhiều tờ báo lớn của Mỹ.

Hãng Reuters của Anh cùng với tờ Bild am Sonntag của Đức đã khảo sát và cho thấy, 60% người Đức lo ngại Facebook và các mạng xã hội khác có ảnh hưởng tiêu cực đến nền dân chủ. Thậm chí, trên một số trang mạng xã hội khác, người ta thấy xuất hiện ngày càng nhiều dòng hagtag #Delete Facebook kêu gọi tẩy chay Facebook...

Các cơ quan chức năng của Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng bắt đầu chú ý nhiều hơn tới hoạt động của Facebook. Chưa hết, nhiều cơ quan thông tấn báo chí của châu Âu còn tập hợp nhau lại để gửi đơn khiếu nại, tiếp tục yêu cầu Facebook phải trả tiền bản quyền cho những nội dung tin tức của họ đã bị sử dụng trên mạng Facebook.

Hãng AP đưa tin, hồi tháng 12 năm ngoái, 9 cơ quan thông tin báo chí châu Âu cũng đã khiếu nại lên Liên minh châu Âu, yêu cầu Facebook, Google và Twitter phải trả nhiều triệu USD tiền bản quyền sử dụng các nội dụng tin tức trên nền tảng này hoặc cung cấp các đường dẫn liên kết tới những nội dung thông tin. Khi đó, các cơ quan báo chí này lập luận rằng, sau mục đích kết nối thông tin với gia đình, bạn bè thì tiếp cận tin tức chính là lý do thứ 2 mà cộng đồng sử dụng mạng.

Chiến dịch điều tra

Đài CNN của Mỹ cho hay, đêm 26-3, FTC đã chính thức xác nhận vào cuộc điều tra kín các nghi vấn Facebook sử dụng thông tin người dùng sai mục đích và vi phạm cam kết về quyền riêng tư mà công ty này đã ký với FTC hồi năm 2011. Nếu FTC kết luận Facebook thực sự đã phá vỡ thỏa thuận này, công ty có thể bị phạt tới 40.000 USD cho mỗi lần vi phạm, tức là tổng mức phạt có thể lên tới hàng tỷ USD.

Bản hợp đồng Facebook ký cam kết bảo mật thông tin người dùng. Ảnh: The Verge.

"FTC cam kết sẽ sử dụng tất cả công cụ của mình để bảo vệ sự riêng tư của người tiêu dùng. Một trong những công cụ này là có hành động cưỡng chế đối với những công ty không thực hiện đúng cam kết về bảo mật, bao gồm không tuân đúng thỏa thuận Privacy Shield. Hay có những hành động không công bằng gây tổn hại đến người tiêu dùng và vi phạm vào luật của FTC. Chúng tôi quan ngại về vấn đề này nhưng chưa thể bình luận gì sâu về cuộc điều tra. Chúng tôi làm việc nghiêm túc trước bất cứ trường hợp vi phạm chính sách nào, giống như trường hợp của Google năm 2012”, phát ngôn viên của FTC cho biết.

Cùng với cuộc điều tra này, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã đề nghị các lãnh đạo chủ chốt trong Facebook và Twitter tham gia phiên điều trần vào ngày 10-4 với vấn đề bảo mật thông tin người dùng. Riêng CEO Facebook Mark Zuckerberg thì được mời “làm chứng tại phiên điều trần về thỏa thuận các chính sách trong quá khứ và tương lai liên quan đến việc bảo vệ và giám sát thông tin của người tiêu dùng Facebook”.

Mark Zuckerberg còn bị Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện cùng Ủy ban Thương mại Thượng viện yêu cầu tham dự 2 phiên điều trần khác. Ở 37 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ, các tổng chưởng lý cũng đồng loạt yêu cầu lãnh đạo Facebook giải trình rõ về quy trình xử lý liên quan dữ liệu cá nhân người dùng. Cuộc chiến này của các bang nhằm vào Facebook bắt nguồn từ lời kêu gọi của ông George Jepsen, Tổng chưởng lý bang Connecticut.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đang hối thúc Facebook nhanh chóng xác minh liệu thông tin cá nhân của các công dân Liên minh châu Âu (EU) có bị Cambridge Analytica khai thác không đúng với quy định hay không. Hạn chót mà ủy viên tư pháp của Liên minh châu Âu (EU) Vera Jourova đưa ra đối với Facebook là ngày 15-4.

Còn Bộ trưởng Tư pháp Đức Katarina Barley trong cuộc gặp với đại diện của Facebook ở châu Âu cũng nêu rõ, những xin lỗi và cam kết mà hãng này đưa ra là chưa đủ và trong tương lai các chính phủ cần giám sát chặt chẽ hơn các mạng xã hội cũng như có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và nhanh chóng hơn các trường hợp vi phạm bảo vệ thông tin người dùng.

Tại Anh, Ủy ban Thông tin đã xin giấy bảo lãnh từ thẩm phán để khám xét văn phòng của Cambridge Analytica tại thủ đô London. Hôm 20-3, nhiều người đã ra vào tòa nhà nơi Cambridge Analytica làm trụ sở, mang theo những thùng nhựa đựng tài liệu.

Một Ủy ban nghị viện Anh thì yêu cầu CEO Mark Zuckerberg phải đứng ra làm chứng khi cổ phiếu Facebook tiếp tục lao dốc khiến công ty này mất hàng tỷ USD và Facebook tiếp tục mất lòng tin của người dùng. Nhưng Mark Zuckerberg đã từ chối xuất hiện và cử 2 người phó đại diện thay mình. Và thật bất ngờ, trong phiên điều trần hôm 27-3, người tiết lộ thông tin bê bối của Facebook đồng thời là cựu Giám đốc Nghiên cứu trong 1,5 năm tại Cambridge Analytica, Christopher Wylie (người Canada, 28 tuổi) đã tiết lộ rằng, Cambridge Analytica và công ty phát triển phần mềm AggregateIQ (AIQ) của Canada đã thông đồng trong sự kiện trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016.

Theo Wylie, AIQ đã truy cập kho dữ liệu của Cambridge Analytica để tác động các cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Alexander Nix, cựu CEO của Cambridge Analytica thì thừa nhận chiến dịch trực tuyến của công ty phân tích dữ liệu này đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2016. Alexander Nix mô tả rằng, phương thức can thiệp bầu cử Cambridge Analytica là thực hiện mọi nghiên cứu, phân tích nhằm vào đối tượng đi bỏ phiếu cho ứng viên Donald Trump.

Facebook đang đối mặt với scandal bảo mật lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: The Verge.

Tờ Telegraph của Anh cho hay, đây không phải lần đầu Facebook gặp rắc rối về pháp lý trên thế giới. Từ 3 năm nay, các nước châu Âu và Facebook đã có nhiều cuộc đối đầu, kiện tụng xung quanh nhiều vấn đề về bảo mật, quảng cáo và thương mại. Mới đây nhất, Facebook còn bị cáo buộc lợi dụng nút Like để theo dõi hoạt động của người dùng Facebook. Cáo buộc này dựa trên báo cáo của 2 trường đại học tại châu Âu. Facebook cũng bị cáo buộc lợi dụng người sử dụng để dùng chiêu trò quảng cáo.

Chưa hết, Facebook còn bị tố cáo bí mật thu thập lịch sử cuộc gọi và dữ liệu tin nhắn thoại SMS trên thiết bị Android trong nhiều năm qua. Việc thu thập này được cho là thực hiện thông qua ứng dụng Messenger. Năm 2011, Facebook cũng đã bị khiếu nại tại Đức về việc không quan tâm đến quyền riêng tư của người sử dụng.

Và nỗ lực sửa sai

Rõ ràng, những vụ kiện trước đây và bê bối mới này đang cản trở con đường phát triển của Facebook, làm mất uy tín của công ty này với cộng đồng người sử dụng Internet trên thế giới. Khó khăn gia tăng khi ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp nổi tiếng thông báo ngừng quảng cáo trên các nền tảng của Facebook.

Cụ thể, Mozilla, công ty chủ quản của trình duyệt Firefox cũng nhiều phần mềm khác, đã thông báo sẽ ngừng quảng cáo trên Facebook vô thời hạn. Tiếp đó là Sonos, đơn vị chuyên sản xuất loa thông minh. Sonos ngừng toàn bộ quảng cáo trên các mạng xã hội trong vòng một tuần, bao gồm các nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter và Google.

Ngân hàng lớn thứ hai của Đức là Commerzbank thì khẳng định sẽ không tiếp tục quảng cáo trên Facebook cho tới khi có thông báo chi tiết hơn. Tạp chí “người lớn” Playboy hôm 28-3 cũng quyết định rút khỏi Facebook và đóng tất cả các tài khoản đã mở trên Facebook. Bản thân Facebook cũng phải tạm dừng các kế hoạch phát triển của mình.

Theo Bloomberg, mạng xã hội lớn nhất thế giới đang ấp ủ tham vọng trong lĩnh vực sản xuất phần cứng và cho ra mắt các bộ loa thông minh (smart speaker) đầu tiên mang thương hiệu Facebook vào ngày 1-5 tới. Loa thông minh đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu của Facebook là muốn thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống của con người. Nhưng vì bê bối này, phần công bố sản phẩm đã bị tạm dừng.

Hiện Facebook đã gửi lời xin lỗi tới toàn thể người dùng và phát đi thông điệp hợp tác chặt chẽ với các cơ quan điều tra của Mỹ và châu Âu. Đồng thời, Facebook cũng tuyên bố thay đổi giao diện để người dùng dễ truy cập phần cài đặt bảo mật và quản lý thông tin cá nhân.

Ngày 20-3, Ủy ban Thông tin của Anh đã khám xét trụ sở của Cambridge Analytica tại London. Ảnh: Reuters.

Hãng BBC của Anh cho hay, thông báo cải tổ của Facebook được phát đi trùng với thời điểm cơ quan giám sát quyền riêng tư của New Zealand cáo buộc Facebook vi phạm luật pháp địa phương và diễn ra trước khi Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU có hiệu lực vào 25-5. GDPR quy định chặt hơn về cách các công ty xử lý dữ liệu của công chúng và phạt nặng hơn các vi phạm tại châu Âu. Đồng thời, hãng BBC cũng chỉ ra rằng, có 3 thay đổi chính mà Facebook đang triển khai gồm. Thứ nhất là đơn giản hóa sự cài đặt.

Hiện tại, người dùng di động phải đối mặt với danh sách khoảng 17 chọn lựa khác nhau, mỗi tùy chọn có một tên gọi ngắn. Phiên bản mới sẽ nhóm chúng lại và mô tả rõ hơn mỗi nhóm có chức năng gì. Thứ hai là thành lập một bảng quyền riêng tư ngắn gọn. Bảng tùy chọn mới tập hợp những gì mà Facebook tin là quan trọng nhất với người dùng.

Ví dụ họ có thể xem lại các bài đã chia sẻ hoặc tương tác, đồng thời hạn chế các quảng cáo nhắm vào bài viết của họ. Cuối cùng là nâng cấp việc tải dữ liệu và công cụ chỉnh sửa. Một trang mới “Truy cập thông tin của bạn” cho phép người dùng xem lại các tương tác trên Facebook của họ trong quá khứ - bao gồm các “Like” và “Comment” - và có thể xóa chúng.

Ngoài ra, người dùng Facebook cũng được phép tải các tập hợp dữ liệu chuyên biệt bao gồm cả ảnh của họ trong một khoảng thời gian tùy chọn, chứ không phải mất hàng giờ để tải một file duy nhất rất nặng.

Ngọc Khuê
.
.