Bom bẩn và hoạt động khủng bố

Chủ Nhật, 26/07/2020, 11:48
Sau sự kiện “11-9”, tổ chức Al-Qaeda của Bin Laden đã không ngừng tăng cường các hoạt động khủng bố. Truyền thông phương Tây tiết lộ rằng các tổ chức khủng bố có thể dùng “bom bẩn” làm vũ khí cho các cuộc tấn công khủng bố tiếp theo.

Giám đốc FBI Miller tiết lộ với Associated Press rằng kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ và các đồng minh đã ngăn chặn thành công gần một trăm cuộc tấn công khủng bố, trong đó có cả một  kế hoạch dùng "bom bẩn" ở Hoa Kỳ. Thời gian gần đây, "bom bẩn" đã trở thành chủ đề thường xuyên của người phương Tây.

“Bom bẩn” thực sự không có gì bí ẩn

“Bom bẩn” tiếng Anh gọi là “Dirty bomb” một loại bom phóng xạ.  Một báo cáo của Associated Press vào tháng 3 năm 2002 đã gọi "bom bẩn" là "thiết bị phân tán bức xạ (RDD)". Loại bom này sử dụng chất nổ thông thường, sau khi phát nổ nó phân tán chất phóng xạ trong một phạm vi rộng và thông qua sự phá hoại của chất phóng xạ làm ô nhiễm và sát thương vì vậy nó được đặt tên "bom bẩn".

Theo các chuyên gia về vũ khí thì "bom bẩn" không phải là vũ khí hạt nhân bởi vì nó không thể được tạo ra được đám mây hình nấm sau vụ nổ.

Quả “bom bẩn” của một tổ chức cực đoan trong một bộ phim.

Không giống như vũ khí hạt nhân, "bom bẩn" chỉ là vũ khí phá hoại với quy mô rộng mà không phải là vũ khí sát thương với quy mô lớn. Vũ khí hạt nhân liên quan đến những phản ứng phức tạp, tính hủy diệt không thể tính được. Steven Kuning, trưởng khoa Công nghệ,  Học viện California mô tả “bom bẩn” là vũ khí phá hoại tính quy mô lớn gieo rắc nỗi sợ hãi và làm nhiễu loạn cuộc sống đời thường. Để mọi người hiểu rõ hơn về “bom bẩn”, sự miêu tả sau đây có thể chuẩn xác hơn.

“Bom bẩn” được chế tạo bằng chất nổ thông thường nhưng có ghép thêm những gói bột nguyên liệu có tính phóng xạ cao, khi bị kích nổ, chất phóng xạ sẽ phát tán ra xung quanh gây ô nhiễm phóng xạ trong một khu vực rộng, do vậy “bom bẩn” so với bom thông thường thì việc chế tạo đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao hơn.

Không đánh giá thấp tính nguy hiểm của “bom bẩn”

“Bom bẩn” có kết cấu đơn giản, sức mạnh của nó kém nhiều so với bom hạt nhân nhưng khi được kích nổ sẽ giải phóng một lượng lớn chất phóng xạ nên nó không chỉ gây thương vong cho người mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng một khu vực rộng lớn. Trong cuốn sách “Vũ khí sát thương quy mô lớn” có nói: “Nếu được lên kế hoạch cẩn thận thì một quả bom bẩn loại nhỏ cũng có thể gây ô nhiễm hàng chục khu phố, thậm chí làm cho khu vực đó không thể ở được”.

Quân đội Mỹ luyện tập kỹ năng chống lại “bom bẩn”.

Ngày 12 tháng 3 năm 2002, một số chuyên gia Hoa Kỳ đã chứng minh trước Quốc hội rằng: “Bom bẩn” tuy sát thương không lớn nhưng đủ để tạo ra bức xạ hạt nhân làm ô nhiễm môi trường và gây nên sự hoảng loạn, đây là vũ khí của các phần tử khủng bố”. 

Tác hại của "bom bẩn" đã để lại ấn tượng sâu sắc với một số người. Năm 1987, chỉ có 3,5 ounce (khoảng 99 gram) bột có tính phóng xạ của một thiết bị y tế bị bỏ rơi ở Brazil rò rỉ ra đã giết chết 4 người và làm cho hơn 60 người phải đến bệnh viện điều trị và hàng ngàn người khác phải chịu phóng xạ ở mức độ khác nhau.

Năm 1997 một cậu bé 16 tuổi ở New Jersey mang về nhà cái biển báo giao thông có nội dung "Exit", khi làm vỡ nó thì chỉ 30 phút sau cậu bé đã bị nhiễm xạ. Cậu bé đã phải chịu mức phóng xạ tương đương với một người lớn làm việc trong môi trường phóng xạ hơn ba tháng. Cậu phải cách ly gia đình để điều trị với chi phí mất 200.000 đô la, và phải mất 2 tuần để sức khỏe dần hồi phục.

Gần đây, Tiến sĩ Henry Collie ở Princeton đã tiến hành một thí nghiệm mô phỏng. Ông đã kích nổ hỗn hợp 10.000 pound chất nổ và một lượng nhỏ Caesium bên ngoài phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington. Vụ nổ mô phỏng cho thấy chất phóng xạ có thể xâm nhập vào các tòa nhà của Quốc hội, thư viện Quốc hội và Tòa án tối cao.

Ông nói rằng nếu xảy ra một vụ nổ như vậy thì những "đám mây" do chất nổ này tạo ra sẽ từ từ tiếp cận tòa nhà và các hạt phóng xạ sẽ từ từ thấm vào trong các tòa nhà. Các hạt phóng xạ này có thể tồn tại hàng ngàn năm và chỉ có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp vật lý. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn bởi vì tòa nhà sẽ không bao giờ được sử dụng nữa và tác phẩm nghệ thuật trong tòa nhà cũng có thể bị hỏng.

Chủ tịch Ủy ban quản lý hạt nhân Hoa Kỳ Richard Misef nói rằng "bom bẩn" ảnh hưởng đến sức khỏe con người không lớn nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến tâm lý và xã hội. John Parker, chủ tịch của Tổ chức An ninh toàn cầu cho biết: "Bom bẩn” gây ra những mối nguy hiểm lâu dài cho sức khỏe và tạo nên những cú sốc tâm lý, xã hội và chính trị, cú sốc này kéo dài hàng tuần, hàng tháng và thậm chí nhiều năm sau".

Không nên quá lo sợ “bom bẩn”

Các chuyên gia cho biết nếu ta còn sống sót sau vụ nổ "bom bẩn" thì đừng hoảng sợ, hãy bình tĩnh làm theo hướng dẫn của nhân viên cứu hộ và nhanh chóng rời khỏi khu vực phóng xạ, đây là cách tốt nhất để tránh bị nhiễm phóng xạ. Khi đã nuốt phải hoặc hít phải chất phóng xạ nên uống một viên thuốc kali iodua và muối tinh để được bảo vệ hiệu quả.

Tổ chức khủng bố IS và nguy cơ sử dụng bom bẩn.

Thuốc kali iodua và muối tinh được sử dụng như một phương pháp sơ cứu phóng xạ, chức năng chính của nó là ngăn chặn một số chất phóng xạ đi vào cơ thể. Tuy nhiên, kali iodide không phải là thuốc ma thuật hay "thuốc giải độc". Tác dụng phòng ngừa của kali iodide chủ yếu được phản ánh trong việc ức chế bức xạ của các đồng vị iốt đến các cơ quan nội tạng nhưng không ngăn chặn được bức xạ phơi nhiễm từ bên ngoài.

Khi những kẻ khủng bố chế tạo và kích nổ "bom bẩn", chúng cũng bị nhiễm phóng xạ và an toàn bản thân bị đe dọa. Chúng cũng biết rằng các loại thuốc bao gồm cả kali iodide sẽ không có tác dụng nhiều trong trạng thái bị phơi nhiễm phóng xạ.  Nếu sử dụng một lượng lớn vật liệu năng lượng cao nhằm tạo ra bức xạ lớn thì vũ khí này phải được bao phủ bằng vật liệu bảo vệ như chì hoặc thép.

Điều này làm tăng khả năng bảo vệ của bom nhưng cũng sẽ làm cho nó khó kiểm soát, nặng nề khó vận chuyển, khó cất giấu và còn phải sử dụng thiết bị điều khiển từ xa. Nếu khi chế tạo không chú ý vấn đề bảo hộ thì ngay người chế tạo có thể chết trước khi quả bom được hoàn thành.

Ai sử dụng “bom bẩn”?

Do dễ chế tạo nên những kẻ khủng bố đang hướng tầm mắt vào “bom bẩn”. Năm 1995, phiến quân Chechen đã nạp caesium-137 vào chai chứa chất nổ và đặt trong một thùng rác ở trung tâm Moscow nhưng bọn chúng lại không kích nổ chai chất nổ này, mục đích của chúng là mượn phương tiện truyền thông để biểu thị uy lực của mình.

Một cuộc báo động bom bẩn xảy ra trong huấn luyện.

Gần đây một phương tiện truyền thông Anh đã tiết lộ một vụ bê bối động trời:  Quân khủng bố gần như đã tạo ra một quả bom bẩn. Khi những người lính Anh thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Kabul thủ đô Afghanistan, họ đã  phát hiện một gian phòng trong căn nhà nhỏ hai tầng, dưới mặt đất ngổn ngang hơn 50 quả mìn chống tăng do Pakistan sản xuất, trong đó nhiều quả mìn đã được tháo dỡ, họ còn thấy một số bột màu xanh để trong các hộp nhỏ sau khi kiểm tra kỹ họ phát hiện đây là phòng thí nghiệm chế tạo “bom bẩn” của  quân khủng bố.

CIA cũng tìm thấy bản vẽ thiết kế "bom bẩn" của các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan. Nhân viên CIA nói rằng khủng bố cũng đang cố tìm kiếm vật liệu phóng xạ từ các nhà máy và thậm chí cả trong các bệnh viện. Tuy nhiên, từ bản vẽ thiết kế của “bom bẩn" được tìm thấy, công nghệ của chúng vẫn còn rất thô sơ. Các quan chức Mỹ nói: "Họ (khủng bố) rất quan tâm đến “bom bẩn” nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã làm chủ được công nghệ sản xuất nó".

Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết: "Theo tin tình báo của chúng tôi, khủng bố đã sử dụng máy móc nhét nguyên liệu bột có tính phóng xạ cao vào những quả đạn pháo”. Một số chuyên gia hạt nhân hàng đầu còn cho rằng  họ đã biết nguồn gốc của những quả bom bẩn này, rằng chúng (quân khủng bố) đã lắp đặt uranium dạng bột có tính phóng xạ mạnh trong lõi của quả bom.

Thành viên của tổ chức này bao gồm một số nhà khoa học hạt nhân đã nghỉ hưu, sĩ quan quân đội cao cấp và một số nhà công nghiệp. Một trong những nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng được cho là hỗ trợ khủng bố là Tiến sĩ Bashruddin Mahmud. Điều khiến các nhân viên tình báo phương Tây lo lắng là Mahmud và một nhà khoa học khác là Abdul Majid hiểu bí mật hạt nhân của một quốc gia Hồi giáo sở hữu vũ khí hạt nhân như lòng bàn tay và có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu dự án hạt nhân. 

Nguyên liệu của “bom bẩn” ở đâu?

Làm thế nào mà những kẻ khủng bố có được chất phóng xạ? Phương tiện truyền thông phương Tây tuyên bố rằng có hàng ngàn đường dây để những kẻ khủng bố có được vật liệu này.

Mọi người biết rằng, ngoài để dùng trong lò phản ứng của các nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng của các tổ chức nghiên cứu hạt nhân, vật liệu phóng xạ cũng được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống như điều trị bệnh nhân ung thư, bảo quản thực phẩm, thiết bị khử trùng và trong thiết bị thăm dò địa chất… Tại Hoa Kỳ, hơn 2 triệu tổ chức đã có được giấy phép sử dụng chất phóng xạ do Ủy ban quản lý hạt nhân cấp.   

Tháng 11 năm 2001, một báo cáo từ Ủy ban quản lý hạt nhân Hoa Kỳ nói rằng có hơn 300 vụ án liên quan đến việc để mất, mất tích, bỏ quên hoặc trộm cắp các chất phóng xạ. Tháng 2 năm 2002, có người phát hiện một thùng chứa caesium trong một bãi thải kim loại. Tháng 4 năm 2002, ABC News Thomas đã báo cáo rằng kể từ năm 1997, không dưới 1.500 thiết bị phóng xạ đã bị đánh cắp, bị mất hoặc bị bỏ quên nhưng chính phủ liên bang chỉ có thể giải thích được 660 trường hợp liên quan.      

Kể từ khi vụ "buôn lậu hạt nhân" đầu tiên xảy ra trên thế giới vào đầu những năm 1990, các hoạt động buôn lậu nguyên liệu hạt nhân ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Chỉ riêng năm 1998, có ba trường hợp buôn lậu nguyên liệu hạt nhân đã được ngăn chặn trên khắp thế giới.

Tháng 2 năm 1998, mafia Ý đang mưu toan bán một thanh nhiên liệu hạt nhân uranium với giá cao. Khi bọn chúng giao dịch với người mua thì cảnh sát Ý đã bắt giữ khẩn cấp 14 thành viên và thu giữ các vật liệu hạt nhân. 

Vụ buôn lậu hạt nhân nghiêm trọng nhất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1998. Một nhóm buôn lậu xuyên quốc gia đã thu được tới 5,5 kg uranium235 và khoảng 7 gram plutonium nhưng bị đặc vụ Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện khi đi qua biên giới nước này. Cảnh sát đã bắt giữ những tên tội phạm và thu giữ số nguyên liệu hạt nhân với độ tinh khiết rất cao.   

Việc buôn lậu vật liệu hạt nhân ở mức đáng báo động đã phơi bày sự lỏng lẻo trong quản lý quốc tế về chất phóng xạ, đây là cơ hội cho các tổ chức khủng bố dễ dàng có được những nguyên liệu này, sự xuất hiện của "bom bẩn" chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Nguyễn Đình Thiêm (theo “Xinhuanet.com”)
.
.