Brazil: FIAT từng dùng tình báo quân đội đàn áp công nhân

Thứ Ba, 19/03/2019, 15:13
FIAT là thương hiệu ô tô phổ biến nhất ở Brazil, và Brazil hiện cũng là quốc gia có nhiều nhà máy sản xuất xe FIAT nhất thế giới ngoài Italy. Nhưng ít ai biết rằng cách đây hơn 40 năm, hãng ô tô này từng bắt tay với cơ quan tình báo quân đội Brazil xây dựng một mạng lưới tình báo quy mô lớn để do thám, theo dõi và thẳng tay đàn áp những công nhân dám đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp mình.


Những cuộc đình công

Tại bang Minas Gerais thuộc miền duyên hải Đông Nam Brazil, một cuộc đình công lớn chưa từng có của công nhân, lao động xảy ra vào ngày 23-10-1978 khiến cho mọi hoạt động sản xuất tại nhà máy ô tô FIAT ở thành phố Betim bị đình trệ hoàn toàn. Cuộc đình công đã gây chấn động khắp đất nước Brazil dưới chế độ quân phiệt, và dư âm của nó còn vang vọng mãi vài chục năm sau này. 

Công nhân tại nhà máy FIAT Brazil đình công năm 1979.

Đối với giới thợ thuyền Brazil, cuộc đình công ở nhà máy ô tô FIAT đã mở ra một hy vọng mới về khả năng phản kháng chống lại những bất công, xung đột giữa giới chủ và thợ thuyền. Ngay tại công ty FIAT Brazil vốn có tiếng là có quan hệ mật thiết với quân đội Brazil mà công nhân vẫn có hy vọng đấu tranh thì ở những nơi khác sẽ càng thuận lợi hơn. 

Thế là hàng loạt vụ đình công đã xảy ra tại các công ty ô tô khác trên cả nước. Trong số các thủ lĩnh công nhân trong phong trào đình công đó có một người tên là Luiz Inacio Lula da Silva, người 25 năm sau (2003) trở thành Tổng thống thứ 35 của Brazil.

Brazil thời đó muốn mời gọi các nhà đầu tư lớn vào đất nước mình nên đưa ra những điều kiện bảo đảm an toàn cao cho giới chủ. Họ hứa hẹn một lực lượng lao động học vấn thấp, không có “văn hóa đấu tranh”, chỉ biết chăm chỉ làm việc. Lãnh đạo chính trị địa phương đã hợp tác với công ty FIAT Brazil đặt ra chỉ tiêu sản lượng rất cao, hầu như vượt quá năng lực sản xuất hiện hữu của công ty. 

Để không làm phá sản kế hoạch sản xuất, công ty FIAT Brazil đành phải cấp tốc mời các chuyên gia luyện kim giỏi từ Italy sang, đồng thời rước thêm nhiều công nhân sản xuất công cụ lành nghề từ các bang Santa Catarina và Sao Paulo về làm việc. Nhưng FIAT Brazil đã không ngờ rằng tại hai bang này, phong trào công nhân khá mạnh, tổ chức công đoàn hoạt động rất rầm rộ. 

Những người mới đến đã mau chóng khuấy động phong trào. Họ không chỉ ra yêu sách tăng lương mà còn đòi được phép thành lập một tổ chức đại diện cho công nhân. Trên hết, công nhân muốn công ty phải giảm bớt áp lực trong sản xuất vốn là nguyên nhân khiến cho nhiều công nhân bị kiệt sức.

Cuộc đình công kéo dài trong 5 ngày, sau đó tổ chức công đoàn đã có cuộc họp với công ty FIAT Brazil và hai bên đã ký kết một thỏa thuận. Nhưng công ty chỉ thực hiện một vài điều mà họ đã cam kết, vì thế tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng. 

Năm sau (1979), thêm một cuộc đình công nữa đã nổ ra. Như vậy là chỉ sau vài năm hoạt động, FIAT Brazil đã phải hứng chịu 2 cuộc đình công. Xung đột căng thẳng giữa công nhân và công ty khiến bộ sậu quản lý công ty cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Vì thế họ bắt đầu sử dụng biện pháp mạnh, tìm cách hạn chế tình trạng này.

Đại tá quân đội và mạng lưới tình báo

Joffre Mario Klein, đại tá quân đội, gia nhập hàng ngũ công ty FIAT Brazil từ năm 1975, trước cả khi công ty mở cửa nhà máy sản xuất tại bang Minas Gerais. Ông được các quan chức tại Cục Thông tin Quốc gia – cơ quan tình báo hàng đầu Brazil lúc bấy giờ - tiến cử. 

Cảnh sát bang Minas Gerais kiểm soát chặt chẽ nhà máy FIAT.

Sau khi được công ty tuyển dụng, Klein bắt tay vào việc lập ra một văn phòng bên trong công ty FIAT Brazil, đặt tên là Văn phòng An ninh và Thông tin. Theo các tài liệu lưu trữ của an ninh Brazil, nhiệm vụ chính của Klein khi đó là chỉ huy một guồng máy tình báo bên trong công ty FIAT Brazil nhằm phục vụ cho hoạt động trấn áp, đàn áp công nhân của nhà máy. Công việc của Văn phòng An ninh và Thông tin là thu thập, tập hợp thông tin để lập và lưu trữ hồ sơ về các công nhân trong nhà máy. Các công nhân trong nhà máy hoàn toàn không hay biết mình đã bị theo dõi, thu thập thông tin.

Một thời gian sau, Klein đã trở thành bạn thân của chủ tịch công ty FIAT Brazil Neves Martins da Costa. Mối quan hệ thân thiết với giới lãnh đạo cao cấp của công ty FIAT Brazil cho thấy Klein đã tạo được ảnh hưởng lớn trong công ty. Klein biết hết thông tin về mọi trường hợp tuyển dụng vào công ty. Dáng vẻ bề ngoài gầy yếu nhưng chải chuốt bảnh bao; rất hiếm khi mở miệng nói chuyện với công nhân, nhưng Klein có quyền lực cực mạnh đối với họ. Họ không biết ông ta là ai, chỉ biết rằng ông ta là kẻ rất đáng sợ.

Tại Văn phòng An ninh và Thông tin, dưới quyền lãnh đạo của Klein có 4 nhân viên, nhưng bộ máy do thám thì rất rộng. Tổng cộng có 141 người tham gia bộ máy tình báo này, và họ báo cáo trực tiếp cho Mauricio Neves, cánh tay phải của Klein và là chỉ huy thứ hai của hoạt động tình báo trong công ty FIAT Brazil. Đội quân tình báo này tận dụng tất cả mọi thứ có được để thu thập thông tin nhằm phá hoại các hoạt động chính trị của giới công nhân. 

Một trong những thủ thuật thường dùng là nghe lén công nhân nói chuyện qua chiếc điện thoại công cộng duy nhất trong công ty. Một thủ thuật khác là công ty cho các công nhân hiện hữu cơ hội giới thiệu nhân sự mới để tuyển vào công ty. Dụng ý của thủ thuật này là buộc các công nhân phải chịu trách nhiệm một phần về hạnh kiểm và thái độ làm việc của nhân viên mới. Chưa hết, thêm một hình thức đàn áp công nhân: các thành viên tổ chức công đoàn luôn bị trừng phạt bằng cách cắt mọi cơ hội thăng tiến trong công ty. Các công nhân nào bị chủ công ty xem là thành phần nguy hiểm sẽ bị bắt với bất kỳ lý do nào, như lấy cắp linh kiện,… và bị sa thải, mặc dù công nhân   đó không hề phạm tội.

Ezio Senta Cardoso đến công ty FIAT Brazil làm việc vào tháng 10-1976, khi đó đã có 14 năm kinh nghiệm làm thợ điện tại các công ty khác. Tại FIAT, Cardoso làm công việc kỹ thuật viên hệ thống điện cho máy móc chuyên dùng. Nhưng hồ sơ của Cardoso ghi rõ anh là một nhà hoạt động chính trị, từng 4 lần bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình phản đối các công ty bóc lột công nhân. Tại công ty FIAT, Cardoso tiếp tục hoạt động chính trị và vận động công nhân cùng tham gia. 

Rốt cuộc, Cardoso cùng một số công nhân được triệu tập đến Văn phòng của Klein. Cả nhóm được đề nghị đưa đi đào tạo chuyên môn một năm ở Đức, đổi lại họ phải dẹp bỏ hoạt động công đoàn. Cardoso từ chối lời đề nghị, và kết quả là anh bị trừng phạt bằng nhiều hình thức. Vài tháng sau, Cardoso lại được triệu tập lên Văn phòng của Klein, và lần này anh bị sa thải, với cáo buộc viết truyền đơn kích động công nhân biểu tình. Luật sư của Cardoso yêu cầu giám định chữ viết và đã chứng minh chữ viết trên truyền đơn không phải do Cardoso viết, nhưng quyết định sa thải không thay đổi.

Công nhân phản gián

Hoạt động do thám công nhân tại nhà máy FIAT Brazil được thực hiện bởi hai loại điệp viên: các điệp viên hai mang và các điệp viên nội gián của Cơ quan tình báo quốc gia (DOPS). Bộ máy tình báo của Klein sử dụng các điệp viên hai mang trà trộn trong đám công nhân khả nghi làm loạn. 

Các công nhân được chọn làm điệp viên được Văn phòng của Klein hứa hẹn thăng tiến hoặc được bảo đảm nghề nghiệp ổn định lâu dài, nếu họ chấp nhận phản bội các đồng nghiệp. Sau đó, các công nhân đã được chọn làm điệp viên sẽ quay trở lại nhà máy để làm việc. Họ giả vờ thân thiện với các nhà hoạt động công đoàn nhưng thực ra là để giúp Klein do thám họ.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất của FIAT Brazil luôn bị theo dõi sát, kể cả khi họ đang làm việc.

Riêng các điệp viên nội gián của DOPS thì có lẽ dễ dàng nhận ra hơn, bởi bề ngoài bộ trang phục công nhân của họ không giống như các công nhân bình thường. Những người này cũng mặc bộ quần áo công nhân, nhưng chúng sạch sẽ từ trên xuống dưới, không vấy một vết bẩn dầu nhớt nào, bởi họ không hề làm việc với máy móc như công nhân bình thường. Họ không có bạn bè, và cũng không cần kết bạn với bất cứ công nhân nào. Nhiệm vụ của họ là giám sát, theo dõi từng hành động, cử chỉ của công nhân. Các điệp viên nội gián này được bố trí khắp nhà máy, có mặt tại phân xưởng sản xuất cho đến các cuộc họp mặt của công nhân để theo dõi, thu thập thông tin và gửi đến Văn phòng của Klein. 

Ban đầu, họ hành động một cách âm thầm, lặng lẽ, ít ai chú ý tới. Nhưng dần dần các công nhân đã nhận ra họ. Một hôm, một nhóm công nhân trong một phân xưởng quyết định phải lật tẩy và tống khứ bọn giả dạng công nhân này ra khỏi nhà máy. Phát hiện một nhóm điệp viên nội gián đang ngồi uống cà phê trong căng-tin nhà máy, nhóm công nhân rón rén đến sau lưng giả giọng lãnh đạo hô khẩu hiệu “Nghiêm!”, lập tức cả bọn đứng lên chào theo kiểu nhà binh. Khi biết mình đã bị phát hiện, cả nhóm biến mất, không quay trở lại nữa.

Sau vụ việc đó, các công nhân lại bị trừng phạt. Một vài người bị mời đến Văn phòng an ninh của Klein để thẩm vấn. Sau đó, họ bị bắt đưa đến giam giữ tại Sở Điều tra của bang Minas Gerais. Dưới chế độ độc tài quân phiệt ở Brazil, Sở Điều tra là nơi giam giữ những người bị bắt bớ do chống đối hoặc có những hành động trái với quy định của chế độ. Có người sau đó được thả ra, nhưng cũng có người mất tích luôn. Người ta hiểu rằng họ đã bị thủ tiêu.

Mối liên hệ giữa Turin và Betim

Hoạt động do thám công nhân không chỉ diễn ra tại nhà máy FIAT ở Minas Gerais, Brazil, mà nó đã được thực hiện tại các nhà máy ở Italy từ trước đó rất lâu. Đầu thập niên 1970, công tố viên Raffaele Guariniello tại thành phố Turin, Italy, khi đó mở cuộc điều tra về những cáo buộc đàn áp công nhân của tập đoàn FIAT, và ông đã phát hiện công ty FIAT do thám công nhân trong thời gian dài, kể cả những người họ sẽ tuyển dụng trong tương lai. 

Tại trụ sở cũ của FIAT ở thành phố Turin, Guariniello đã tìm thấy một ngăn tủ hồ sơ chứa thông tin lưu trữ của 354.077 công nhân nhà máy FIAT. Guariniello củng cố hồ sơ làm chứng cứ truy tố 5 lãnh đạo cao cấp của FIAT ra tòa. Trong một nỗ lực nhằm nhấn chìm vụ án, các luật sư của FIAT đã tìm cách đưa vụ án đến Naples xét xử để lợi dụng các mafia ở đây giúp đỡ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của các luật sư FIAT không mang lại kết quả, và các lãnh đạo FIAT phải lĩnh án. Theo sau họ, những nhân viên khác trong công ty có tham gia hoạt động do thám và đàn áp công nhân cũng bị xét xử.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.