Bước ngoặt lịch sử của chính trường Pakistan

Thứ Bảy, 04/04/2009, 13:25
Tuy chỉ là cựu Chánh án Tòa án Tối cao, nhưng việc phục chức của ông Iftikhar Mohammed Chaudhry (21/3) sẽ tạo ra một bước ngoặt mới trong lịch sử chính trường Pakistan bởi dòng họ và người có tên Chaudhry từng làm tổng thống và thủ tướng tại quốc gia Nam Á đầy biến động này khá nhiều.

Có người còn lạc quan cho rằng, nếu tình hình biến chuyển theo chiều hướng có lợi thì cựu Chánh án Tòa án Tối cao Iftikhar Mohammed Chaudhry hoàn toàn có cơ hội nối nghiệp cha ông, lên nắm quyền trên cương vị tổng thống hoặc thủ tướng.

Những thân phận đặc biệt

Theo các sử gia, dòng họ Khan, Chaudhry và Bhutto là những người đã, đang và sẽ kiểm soát chính trường Pakistan. Có tới 3 trong tổng số 13 tổng thống mang họ Khan. Ông Liaquat Ali Khan là Thủ tướng đầu tiên của Pakistan (từ ngày 14/8/1947 đến 16/10/1951) và đã bị ám sát khi đương nhiệm. 2 phát đạn bắn vào ngực đã cướp đi sinh mạng của ông Liaquat Ali Khan cho dù Thủ tướng được đưa đi cấp cứu ngay sau khi bị ám sát tại một cuộc míttinh ở thành phố Rawalpindi vào ngày 16/10/1951. Sát thủ đã bị bắn hạ ngay sau đó. Hắn là một người Afghanistan.

Dòng họ và người có tên Chaudhry làm tổng thống và thủ tướng cũng khá nhiều. Ông Chaudhry Muhammad Ali là Thủ tướng thứ 4 (từ ngày 12/8/1955 đến 12/12/1956). Ông Fazal Ilahi Chaudhry là Tổng thống thứ 5 (từ ngày 13/8/1973 đến 16/9/1978). Ông Chaudhry Shujaat Hussain là Thủ tướng thứ 21 (từ ngày 30/6 đến 20/8/2004). Tuy chỉ làm Thủ tướng chưa đầy 2 tháng, nhưng trong những người mang dòng họ và tên Chaudhry, chỉ có ông Chaudhry Shujaat Hussain là còn sống, 2 người trước đều đã chết.

Dòng họ Bhutto không những có người làm tổng thống và thủ tướng (Tổng thống và Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto và Thủ tướng Benazir Bhutto), mà còn tạo dựng được một đương kim Tổng thống Asif Ali Zadari - con rể nhà Bhutto.

Có người nói rằng, Bhutto không chỉ là một trong những dòng họ danh giá, nổi tiếng và quyền lực nhất ở Pakistan, mà cả khu vực Nam Á, sánh ngang với gia tộc Nehru và Gandhi ở Ấn Độ. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong gia tộc Bhutto cũng đã và đang là nguy cơ tiềm ẩn nhiều bất ổn mới đối với các chính trị gia đang và sẽ tham chính trong thời gian tới.

Bà Benazir Bhutto là nữ Thủ tướng đầu tiên tại một quốc gia Hồi giáo, là nguyên thủ quốc gia duy nhất trên thế, giới sinh con khi đang tại nhiệm (năm 1988), là 1 trong 50 phụ nữ đẹp nhất thế giới là 1 trong 100 chính khách được hâm mộ nhất thế giới.

Bà Benazir Bhutto trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Pakistan (35 tuổi) và cái chết của thân phụ bà - Zulfikar Ali Bhutto - được coi là "bệ phóng" cho việc này. Ông Zulfikar Ali Bhutto là người duy nhất trong lịch sử Pakistan vừa làm Tổng thống (từ ngày 20/12/1971 đến 13/8/1973), vừa làm Thủ tướng (từ ngày 14/8/1973 đến 5/7/1977).

Có lẽ từng gây nghiệp chướng nên Tổng thống Muhammad Zia-ul-Haq mới có hồi kết không có hậu. Ngay sau khi lật đổ ông Zulfikar Ali Bhutto và trở thành Tổng thống, ông Muhammad Zia-ul-Haq đã ra lệnh điều tra những cáo buộc tham nhũng, gian lận trong bầu cử và mưu sát, và đó là nguyên nhân dẫn tới cái chết (bị treo cổ) của cựu Tổng thống và Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto hôm 4/4/1979.

Trong gần 10 năm cầm quyền (từ ngày 16/9/1978 đến 17/8/1988), Tổng thống Muhammad Zia-ul-Haq đã để lại cho hậu thế một câu hỏi chưa có lời giải về nguyên nhân dẫn tới cái chết của mình. Ông chết trong một tai nạn máy bay ngày 17/8/1988.

Tương lai khó tiên liệu

Kể từ khi tuyên bố độc lập (14/8/1947), Pakistan đã trải qua 34 năm sống dưới sự kiểm soát của giới quân sự. Chỉ riêng 3 năm (1956-1958), Chính phủ Pakistan đã thay đổi tới 9 lần và từ đó đến nay Pakistan đã trải qua 4 cuộc đảo chính quân sự (diễn ra vào các năm 1958, 1969, 1977 và 1999).

Việc "truyền ngôi" trong giới quân sự chấm dứt vào năm 1973 sau khi ông Zulfikar Ali Bhutto lên chấp chính. Tuy cuộc đảo chính quân sự tối ngày 12/10/1999 diễn ra không hỗn loạn và đổ máu như 3 lần trước, nhưng việc nắm quyền của Tổng thống Pervez Musharraf đã khiến Pakistan tiếp tục rơi vào bất ổn chính trị.

Trong 9 năm cầm quyền (1999-2008), Tổng thống Pervez Musharraf đã giúp dòng họ Bhutto có cơ hội tái xuất chính trường. Tuy không thể quay trở lại nắm quyền sau khi hồi hương, nhưng cái chết của bà Benazir Bhutto đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho chồng và con nắm quyền - giúp cựu Đệ nhất phu quân Asif Ali Zardari trở thành Tổng thống.

Ông Iftikhar Mohammed Chaudhry mất chức Chánh án Tòa án tối cao sau khi ký quyết định cho phép cựu Thủ tướng Nawaz Sharif hồi hương sau gần 8 năm bị đảo chính và sống lưu vong. Trong số 24 thủ tướng tại vị thì ông Nawaz Sharif là người nổi tiếng và tai tiếng nhất.

Kể từ khi trở thành Thủ tướng thứ 12 của Pakistan đến nay (từ ngày 6/11/1990), ông Nawaz Sharif luôn là "ngòi nổ" cho những cuộc tranh cãi trên chính trường. Ông Nawaz Sharif trở nên nổi tiếng sau khi ra lệnh thử hạt nhân (năm 1998), đưa Pakistan gia nhập Câu lạc bộ hạt nhân thế giới. Nhưng chính sự quay trở lại nắm quyền của ông Nawaz Sharif (từ ngày 17/2/1997 đến 12/10/1999) đã tạo điều kiện để tướng Pervez Musharraf trở thành Tổng thống thứ 12 từ ngày 20/6/2001 đến 18/8/2008.

Được biết, việc Liên Hiệp Quốc chính thức bắt tay điều tra và xét xử vụ ám sát Benazir Bhutto (1/3/2009) sẽ càng khiến cho chính trường Pakistan bất ổn bởi bất cứ kết luận nào được đưa ra cũng gây tranh cãi từ các bên hữu quan. Do những bài học lịch sử nên dư luận không thể bỏ qua vai trò của Tổng Tư lệnh quân đội Ashfaq Pervez Kiani, cựu chỉ huy tình báo.

Nhiều người cho rằng, ông Ashfaq Pervez Kiani là người nắm thực quyền tại Pakistan và điều này được chứng minh sau vụ khủng bố tại thành phố Mumbai, Ấn Độ vào tháng 11/2008 khiến gần 170 người chết và nhiều người khác bị thương. Điều này đồng nghĩa với việc, bất cứ tổng thống hay thủ tướng nào muốn có thực quyền đều phải "chơi thân" với quân đội, nhất là với tổng tư lệnh quân đội.

Việc chưa tìm ra hung thủ tiến hành vụ mưu sát nhằm vào Thủ tướng Yousuf Raza Gilani cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình hình chưa thể bình ổn cho dù Taliban đã đứng ra nhận trách nhiệm. Thủ tướng Yousuf Raza Gilani từng bị mưu sát (3/9/2008), nhưng ông may mắn thoát chết.

Vụ tấn công khủng bố tại khách sạn Marriott tối 20/9/2008 khiến hơn 300 người chết và bị thương cũng được coi là nhằm vào Thủ tướng Yousaf Raza Gilani và Tổng thống Asif Ali Zadari.

Nhiều người cho rằng, vì có vị trí địa - chính trị quan trọng, hơn nữa lại sở hữu vũ khí hạt nhân nên Pakistan luôn được Mỹ và những quốc gia hữu quan đặc biệt chú ý, nhất là tại thời điểm Taliban đang mở rộng khu vực ảnh hưởng kể từ khi bị lật đổ tại Afghanistan từ cuối năm 2001 đến nay

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.