Bước thăng trầm của ông trùm dầu IS

Thứ Sáu, 13/05/2016, 13:00
Cách đây chừng một năm, Abu Sayyaf, kẻ được coi là ông trùm dầu mỏ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đang phất to. Với chút ít kinh nghiệm về ngành dầu mỏ, hắn đã xây dựng được một mạng lưới người buôn kẻ bán dầu tấp nập ở Syria. Mạng lưới này có thời điểm đã giúp IS tăng gấp ba doanh thu từ dầu.

Ngày 16/5/2015, Lực lượng Đặc biệt Mỹ đã tiêu diệt Abu Sayyaf tại tỉnh Deir Ezzour ở Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gọi cuộc đột kích này là một cú giáng mạnh nhằm vào IS. Cuộc đột kích cũng giúp phía Mỹ thu được một mớ dữ liệu quan trọng.

Còn trong tài liệu mà tờ The Wall Street Journal có được đã cho thấy Abu Sayyaf đã giúp IS phát triển hoạt động dầu mỏ đa quốc gia như thế nào. Khu vực do Abu Sayyaf quản lý đóng góp tới 72% trong tổng 289,5 triệu USD doanh thu từ tài nguyên thiên nhiên của IS trong 6 tháng kết thúc vào cuối tháng 2/2015.

Đế chế dầu của IS

Abu Sayyaf sinh ra trong một gia đình lao động ở thủ đô Tunis của Tunisia đầu những năm 1980 dưới cái tên Fathi Ben Awn al-Murad al Tunisi. Hiện chưa rõ hắn trở thành một kẻ cực đoan như thế nào. Hắn tới Iraq sau khi nhà lãnh đạo Saddam Hussein bị lực lượng Mỹ lật đổ năm 2003 và gia nhập mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Iraq.

Năm 2010, Abu Sayyaf kết hôn với một phụ nữ Iraq xuất thân từ một gia đình dính líu tới hoạt động thánh chiến chống Mỹ. Hắn sử dụng tên Abu Sayyaf - từ trong tiếng Ả rập nghĩa là "người mang kiếm", để phản ánh mối quan hệ gần gũi của hắn với phong trào thánh chiến ở Iraq và giới lãnh đạo nhóm phiến quân dòng Sunni ở Iraq, trong đó có Abu Bakr al-Badhdadi - kẻ sáng lập IS.

Tên Abu Sayyaf.

IS đã chiếm nhiều mỏ dầu sản lượng lớn nhất của Syria và lập ra một bộ dầu mỏ riêng vào tháng 6/2014 - thời điểm al-Badhdadi tuyên bố lập vương quốc Hồi giáo. Đà tiến nhanh như chớp của IS đã lấn lướt các nhóm phiến quân kiểm soát vùng lãnh thổ có dầu ở Syria. IS đã đè bẹp quân đội Iraq để chiếm các mỏ dầu và lãnh thổ quanh Mosul - thành phố lớn thứ hai Iraq.

"Bộ trưởng Dầu mỏ" IS, một tên phiến quân người Iraq tên là Haji Hamid, đã giao cho Abu Sayyaf nhiệm vụ quản lý các tỉnh có nhiều dầu nhất của Syria là Deir Ezzour và al-Hakasah. Dưới trướng Abu Sayyaf là 152 người giúp việc, trong đó có các quản lý tới từ các quốc gia Arab: một tên người Saudi Arabia quản lý các mỏ dầu sản lượng hàng đầu, một tên người Iraq phụ trách bảo trì mỏ dầu, một tên người Algeria phụ trách phát triển lọc dầu và một tên người Tunisia phụ trách hoạt động lọc dầu. Abu Sayyaf thành lập trụ sở tại mỏ dầu al-Omar ở Deir Ezzour, mỏ dầu từng do tập đoàn hoàng gia Hà Lan Shell quản lý.

Từ đó, IS nhanh chóng mở rộng bán dầu cho các thương lái Iraq và Syria. IS bắt đầu nhận đồng USD thay vì đồng pound Syria để thuận tiện chuyển tiền ra nước ngoài và thanh toán hàng hóa nhập khẩu thông qua mạng lưới quốc tế. Syria thường dùng đường ống và tàu chở dầu để tiếp thị dầu tới khách hàng quốc tế. Còn dưới tay Abu Sayyaf, hắn sử dụng một mạng lưới thủ công gồm các tay buôn lậu dầu nhỏ lẻ chuyên mua dầu từ các mỏ và vận chuyển bằng xe tải.

IS giữ lại nhiều người có kinh nghiệm trong ngành dầu mỏ ở Syria bằng cách trả lương cao hơn cho họ. Hai công nhân từng làm việc cho Abu Sayyaf cho biết trong các cuộc phỏng vấn, người có kinh nghiệm được trả hậu hĩnh, từ 160 USD/tháng đối với kế toán, cho tới 400 USD đối với kỹ thuật viên khoan dầu. Trong khi đó, lương trung bình tháng của Syria chỉ là 50 USD. Kho bạc của IS (hay còn gọi là Beit al-Mal) thanh toán tiền dựa trên số người phụ thuộc và nô lệ mà một công nhân có. Ibrahim, người từng là công nhân ngành dầu, cho biết ai cũng sợ IS, các bộ lạc địa phương từng đánh nhau giành mỏ dầu nay đều quy phục IS.

Các quản lý dầu mỏ của IS yêu cầu thương lái trả tiền mặt khi mua dầu thô. Người mua dầu được yêu cầu không chuyển tiền qua các ngân hàng vì sợ tình báo phương Tây sẽ lấy được thông tin tài chính. Các giám sát an ninh sẽ là người quyết định ai đủ tin cậy để được đếm tiền. Công việc kế toán được giao cho hai nhân vật IS từ bên ngoài khu vực nhằm ngăn chặn tình trạng biển thủ.

Abu Sayyaf đã tạo ra một môi trường làm việc bất bình thường cho cả khu vực. Công nhân Syria từ lâu luôn phụ thuộc vào mối quan hệ gia đình và xã hội để duy trì được những vị trí làm việc béo bở. Còn dưới sự cai trị của IS, họ bị người nước ngoài giám sát công việc.

Theo lời kể của công nhân tên Ibrahim vừa trốn khỏi Syria năm 2015, Abu Sayyaf là một quản lý nghiêm khắc. Người dưới quyền thường bị hắn dọa đưa tới Iraq - nơi mà quản lý ở đó còn cực đoan hơn. Các khu vực quanh các mỏ dầu trở thành nơi kinh hoàng. Ibrahim kể: "Có ngày bạn đi làm và phát hiện ra một người nào đó bị chặt đầu".

Công việc của Abu Sayyaf mang lại kết quả. Theo ngân sách tháng của IS từ 25/10 đến 23/11/2014, khu vực do hắn quản lý mang về 40,7 triệu USD doanh thu, tăng 59% so với tháng trước. Trong hai tháng tiếp theo, tổng doanh thu mỗi tháng đều trên 40 triệu USD.

Hết thời hoàng kim

Tại một cuộc họp ngày 19-9-2014, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi triệt phá hoạt động buôn bán dầu của IS. 5 ngày sau, chiến đấu cơ Mỹ đã bắt đầu dội bom các nhà máy lọc dầu tạm bợ của IS ở Syria. Giữa tháng 10, liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu thực hiện hàng trăm cuộc không kích mỗi ngày nhằm vào IS lúc đó vốn đang siết chặt tỉnh Anbar của Iraq và giành giật thành phố Kobani ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cơ sở lọc dầu tạm bợ mọc lên như nấm ở Deir Ezzour.

Một số cuộc không kích nhằm vào các giếng dầu của Abu Sayyaf. Ngày 13/10, Lầu Năm Góc cho biết chiến đấu cơ đã không kích trúng một điểm tập kết dầu ở Deir Ezzour. Abu Sayyaf đã ra lệnh cho đội sửa chữa làm việc ngay để khắc phục hậu quả.

Theo thông tin ghi chép đề ngày 17/10 do Abu Sarah al-Zahrani - cấp phó người Saudi Arabia của Abu Sayyaf - ghi lại, vụ không kích đó khiến IS thiệt hại 500.000 USD tại một số cơ sở dầu. Abu Sarah al-Zahrani cam kết các nhóm sửa chữa sẽ khôi phục và hoạt động trở lại các giếng dầu trong vòng 4 đến 14 ngày. Công nhân phải gia cố giàn khoan, sửa các đường ống và van bị vỡ. Trong biên bản sau đó, Zahrani đã cung cấp ảnh về các vị trí bị hỏng đã được sửa xong.

Các cuộc dội bom của liên quân chống IS khiến lực lượng này buộc phải để ý tới an ninh cho các mỏ dầu. Giới chóp bu IS ở "thủ phủ" Raqqa lệnh cho các phiến quân không dùng thiết bị liên lạc có hệ thống theo dõi định vị GPS để tránh bị phát hiện.

Đến cuối năm 2014, Abu Sayyaf đối mặt với áp lực từ nội bộ IS lúc đó đang chật vật xây dựng một xã hội tôn giáo hứa hẹn. Người dân sống trong vùng bị IS kiểm soát kêu ca về tình trạng giá nhiên liệu cao. Trong khi đó, Abu Sayyaf được lệnh kiểm soát giá và tăng cường lợi nhuận bán dầu - nguồn thu nhập lớn nhất của IS thời điểm bấy giờ.

Trong một biên bản, Ủy ban quản lý chung của IS đòi thu 10% lợi nhuận của thương lái nhiên liệu. Một biên bản khác từ chỉ huy trung tâm đòi "Bộ Dầu mỏ" IS phối hợp với giới chức địa phương để thiết lập giá dầu ở al-Hasakah - một khu vực do Abu Sayyaf kiểm soát.

Trong thực tế, Abu Sayyaf đã đặt các mức giá dầu thô khác nhau cho từng mỏ dầu tùy vào chất lượng. Ví dụ, giá trung bình một thùng dầu tháng 11/2014 ở mỏ al-Tanak ở Deir Ezzour là từ 32 đến 41 USD. Trong khi đó, giá ở mỏ al-Omar và al-Milh dao động từ 50 đến 70 USD/thùng cùng thời điểm.

Trước tình trạng bị bắt nộp quá nhiều tiền, thương lái nổi loạn, cáo buộc giới chóp bu IS, trong đó có Abu Sayyaf, là đòi hỏi quá nhiều lợi nhuận và biển thủ tiền. Người mua dầu cho rằng IS thiên vị một số thương lái và cáo buộc này tới tai giới chóp bu IS. Theo biên bản đề ngày 22/12/2014, "Bộ Dầu mỏ" IS đã yêu cầu thuộc hạ ở các mỏ dầu duy trì quy tắc buôn bán công bằng, không cho một số thương lái hưởng ưu đãi hơn.

Các đoạn video thu được sau cuộc đột kích của Mỹ dường như là một phần trong cuộc điều tra của IS về Abu Sayyaf thời điểm đó. Video có vài đoạn phỏng vấn các lái tàu chở dầu tại mỏ al-Omar và al-Milh, vài đoạn giới chức IS nói về quy trình định giá và mua bán dầu. Trong một video ghi tháng 1-2015, có chừng 500 xe tải chờ mua dầu thô ở mỏ al-Omar. Một video có ghi hình tên Abu Ubaydah - lãnh đạo cao cấp của IS - nói chuyện với lái xe tải, thương lái. Lái xe trong video phàn nàn rằng quản lý IS địa phương điều hành một hệ thống giá hai lớp: Lái xe nào sẵn sàng trả giá cao hơn - từ 60 đến 70 USD/thùng - được đứng ở hàng ưu tiên mà không phải chờ đợi. Ai chỉ muốn trả 50 USD/thùng thì phải đứng ở hàng chờ lâu hơn.

Lúc đó, IS đang bán dầu với giá thấp hơn so với giá quốc tế vốn ở mức 80 USD/thùng. Các xe tải chở đầy dầu rời mỏ dầu về các cơ sở lọc dầu tạm, hoặc tới nơi có người mua ở lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát hay thành phố Mosul ở Iraq. Người mua dầu từ IS kiếm lời lớn nhờ chênh lệch giữa giá mua thấp và giá thị trường cao.

Theo đoạn video, tên Ubaydah trấn an các lái xe tải là không có tham nhũng và IS không đẩy giá lên. Theo báo cáo từ Ủy ban quản lý chung của IS đề ngày 24/2/2015, tên Abu Sayyaf sau đó được kết luận không tham nhũng.

Tuy nhiên, hắn không có thời gian để gặm nhấm niềm vui. Giá dầu giảm thảm hại. Trong tháng kết thúc ngày 20/2/2015, doanh thu dầu trong khu vực của hắn giảm 24% so với tháng trước, xuống còn 33 triệu USD.

Bị tiêu diệt

Abu Sayyaf và thuộc hạ buộc phải tập trung vào nhiệm vụ mới: tìm vốn đầu tư để mở hoạt động khai thác dầu tại những giếng dầu bị bỏ không vì thiếu lao động. Biên bản số 156 đề ngày 11/2/2015 từ kho bạc của IS gửi cho cấp trên của Abu Sayyaf đề nghị hướng dẫn về thiết lập quan hệ đầu tư với thương lái liên quan tới chính quyền Syria. Biên bản nói rằng IS đã có các thỏa thuận đồng ý để xe tải và đường ống trung chuyển dầu từ các mỏ do chính phủ kiểm soát thông qua lãnh thổ IS chiếm đóng.

Một cơ sở lọc dầu của IS bị chiến đấu cơ Mỹ phá hủy.

Rạng sáng ngày 16/5, Lực lượng Đặc biệt Mỹ đã bay từ một căn cứ quân sự ở Iraq tới al-Omar. Họ đã tiêu diệt một số tay súng IS đứng gác bên ngoài khu nhà của Abu Sayyaf và bắn chết hắn. Tháng 9/2015, Bộ Tài chính Mỹ đưa cấp trên của Abu Sayyaf là tên Haji Hamid vào danh sách trừng phạt. Bốn tháng sau, cấp phó người Saudi Arabia của Aby Sayyaf cũng có tên trong danh sách.

Hơn 11 tháng kể từ ngày Abu Sayyaf bị tiêu diệt, Mỹ và lực lượng đồng minh đã thực hiện thêm hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các cơ sở dầu do khủng bố kiểm soát, tiêu diệt hàng chục phiến quân hoạt động trong ngành tài chính và dầu mỏ của IS. Giới chức Mỹ ước tính ít nhất 30% cơ sở hạ tầng dầu mỏ của IS đã bị phá hủy, khiến dầu không còn mang về lợi nhuận lớn nhất cho IS, thay vào đó là thuế.

Tháng 3-2016, một tay thánh chiến người Pháp tên là Abu Mohammad al-Fransi đã tiếp quản một số nhiệm vụ của Abu Sayyaf, làm kế toán cấp cao cho các mỏ dầu ở Syria.

Minh Thùy (tổng hợp)
.
.