Buổi ban đầu của 5 cơ quan tình báo nổi tiếng Mỹ

Thứ Tư, 16/09/2020, 10:06
Phần lớn các cơ quan tình báo trong chính phủ Mỹ được lập ra nhằm giải quyết những vấn đề đặc biệt, hoặc tái phát triển từ những tổ chức tiền thân. Nhưng Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) lại là chuyện khác. Trước khi cơ quan này được thành lập thì đã có Cục điều tra với nhiều thành viên chủ chốt được chọn lọc từ Mật vụ Mỹ. Dưới đây là 5 cơ quan tình báo đầu tiên tại Hoa Kỳ được đăng tải trên báo New York Times.


Mật vụ Mỹ

Mặc dù trên danh nghĩa không được coi là một phần của cộng đồng tình báo, nhưng Mật vụ Mỹ thật sự là cơ quan tình báo đầu tiên hoạt động trên lãnh thổ Mỹ. Thời điểm đầu tiên đề cập đến cụm từ “Phòng mật vụ” của Bộ Ngân khố Mỹ là vào ngày 19 tháng 9 năm 1865. 

Mật vụ Mỹ.

Trong một loạt các công văn liên quan đến thủ tục phòng xử án đã có nhắc đến các khái niệm “kẻ nổi loạn”, cải cách vệ sinh, ân xá, “phòng mật vụ của Văn phòng luật sư”, kèm theo thông báo “đã bắt giữ một số người liên quan đến tội làm hàng giả”. (kẻ bị bắt giữ: Jokes, người đã thoát khỏi bị tóm bằng cách nhảy tàu (tàu hỏa); và Tobias C. Eckert, kẻ bị tóm). Chả ai biết gì về Mật vụ cho đến khi câu chuyện đầu tiên gây chú ý về nó đã xảy ra vào ngày 11 tháng 4 năm 1874.

Một tuyên bố của cơ quan Mật vụ vào thời kỳ đó viết: “Trong số hàng ngàn người hàng ngày ngược xuôi Broadway trong vùng phụ cận của phố Bleecker, ít ai để ý tới một tổ chức được phân nhánh, nằm trải dài từ Maine đến California, và từ Minnesota đến Texas; tổ chức đó tạo nên sự khiếp đảm và đánh bại bất kỳ hàng ngũ vô pháp, những bí mật gây ám ảnh mà không có bất kỳ tổ chức nào khác trong vùng đất đó có thể chạm tới hoặc phá vỡ”. 

Trong nghiệp vụ chuyên trách của mình, Mật vụ Mỹ đã sử dụng rất nhiều tiếng lóng lạ lẫm: người làm hàng giả gọi là “nghiệp vụ”; tổ chức làm hàng giả gọi là “các băng”; từ “kéo” có nghĩa là “bị tóm”; hóa đơn gian lận được gọi là “khả nghi”.

Những người làm hàng giả được chia thành 4 nhóm: “nhà cái”: những người thực hiện các giao dịch nhưng không bao giờ đem theo “hàng”; “Đám cửu vạn”, những người giữ tiền giả trên người mình; “chim mồi”, những người chuyển tiền giả từ “đám cửu vạn” sang người mua “hàng”; và “thợ chạm”, người tài năng nhất trong đám. Và ngay cả địa chỉ của trụ sở Mật vụ cũng rất mơ hồ: “Số 56 phố Bleecker, gần Crosby”.

Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA)

Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) là đơn vị kế thừa từ Cơ quan an ninh các lực lượng vũ trang (AFSA, Tướng Walter Bedell Smith, người đã giúp tái thiết và kiện toàn cho CIA, cũng là người chịu trách nhiệm cho việc tái cấu trúc và sáng tạo ra NSA). 

Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Thuở ban đầu NSA còn có cái tên lạ là Cục Tàu Bè khi cần phân bổ nguồn tiền, hay Cơ quan vô hình (bởi vì nó không tồn tại theo kiểu chính thức) và các thành viên “không hé môi lời nào”. Ngày 4 tháng 12 năm 1954, lần đầu tiên NSA được đề cập đến trên báo New York Times trong một mẫu lưu ý ngắn ngay trong phiên tòa sắp diễn ra của Joseph S. Petersen, một cựu nhân viên của NSA, người này bị cáo buộc đã ăn cắp các bí mật được phân loại.

Vài tuần sau đó, NSA lại được mô tả bằng vài từ ngắn ngủi “dịch vụ giám sát thông tin liên lạc”. Một tháng kế tiếp đó, khi cựu nhân viên bị kết án 7 năm tù, những gợi ý về mục đích hoạt động của NSA đã được đăng trên trang bìa của tờ Times. Tài liệu bị đánh cắp liên quan đến “các hoạt động tình báo thông tin liên lạc của Hoa Kỳ và các chính phủ hải ngoại”. 

Những tài liệu này bao gồm “mật mã của chính phủ Hà Lan, và một phân tích về đi lại của giới chức Bắc Triều Tiên”, cũng như “mã điện báo Trung Quốc”. Joseph S. Petersen tuyên bố đã lấy đi các tài liệu nhạy cảm nhằm làm giáo trình hiệu quả hơn để tham gia giảng dạy tại NSA.

Văn phòng do thám quốc gia (NRO)

Không lực Mỹ và Cục tình báo trung ương (C.I.A) đã cùng góp phần sáng lập nên Văn phòng do thám quốc gia (NRO) vào năm 1961. Sự tồn tại của nó hết sức bí ẩn, tên của cơ quan này mãi đến năm 1995 mới được phân loại. Năm 1977, NRO được đề cập lần đầu tiên trên báo New York Times ngay trong một bài viết mô tả cuộc đấu đá gay gắt thời Jimmy Carter cầm chịch Nhà Trắng về dự định sáng tạo ra cái gọi là “Sa hoàng tình báo”. 

Văn phòng do thám quốc gia (NRO).

NRO cùng với NSA thực hiện việc cung cấp thông tin liên lạc căn bản của quốc gia, tình báo vệ tinh và điện tử”. Cần lưu ý một điều rằng NRO đặt dưới sự chở che của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. 

Các độc giả của báo Washington Post được cung cấp tin tức tốt hơn từ NRO do cơ quan này đã tiết lộ đầu tiên trên tờ báo này vào năm 1973 dưới dòng “tít”: “Bí mật trên trời giá 1,5 tỷ USD”. Và cho mãi đến năm 1985, tờ New York Times lúc đó mới có cái nhìn nghiêm túc đối với NRO, khi nhà báo James Bamford mô tả về cơ quan này khá chi tiết.

Cơ quan tình báo địa không gian quốc gia Mỹ (NGA)

Cơ quan bản đồ và hình ảnh quốc gia Mỹ (NIMA) được sáng lập vào năm 1996 nhằm trao cho các điệp viên và binh lính Mỹ một cái nhìn tốt hơn về chiến trường. Cuối năm 1996, lần đầu tiên cơ quan này được nhắc đến trên tờ Times khi phóng viên Tim Wiener tiết lộ rằng NIMA “chụp nhiều bức ảnh và bản đồ từ vũ trụ”. Đến năm 2003, NIMA thay đổi sang tên mới để thể hiện tầm quan trọng của nó: Cơ quan tình báo địa không gian quốc gia (NGA). Giống như các cơ quan CIA, NSA và FBI, NGA trở thành “cơ quan 3 chữ cái”. 

Trụ sở Cơ quan tình báo địa không gian quốc gia Mỹ (NGA).

Cũng trong năm 2003, lần đầu tiên cái tên NGA xuất hiện trên tờ New York Times khi nó bao gồm một sứ mạng được mô tả: “Quân đội đang chuyển từ bản đồ giấy sang các dạng bản đồ kỹ thuật số có kết hợp tình báo, từ các đặc điểm vật lý như thành phần đất của sườn núi, cho đến vị trí chính xác của một cuộc điện đàm bị can thiệp”. Vai trò của NGA đã được ghi nhận trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, bao gồm khả năng cung cấp “những bản đồ không gian 3 chiều thời gian thực” của thủ đô Baghdad.

Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA)

Luật an ninh quốc gia năm 1947 là một cuộc tái tổ chức toàn diện về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Trong số đó còn liên quan đến việc thành lập ra Không lực Mỹ, Hội đồng An ninh quốc gia, (NSC), Bộ Quốc phòng và việc sáng lập ra Cục tình báo trung ương Mỹ.

Trụ sở Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Nhìn bề ngoài, CIA có vẻ là một tổ chức khá khiêm tốn: nó có nhiệm vụ làm cố vấn cho NSC và định giá thông tin tình báo. Luật năm 1947 đã ngăn CIA “không có quyền lực cảnh sát, trát hầu tòa, thi hành pháp luật, hoặc các chức năng an ninh nội bộ”.

Nhưng theo thời gian CIA đã vươn bàn tay ra xử lý bất kỳ vấn đề gì mà thông tin tình báo có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ. Hai cuộc đảo chính ở Guatemala và Iran đều do CIA đứng sau giật dây. Lần đầu tiên CIA “ra mắt” trên tờ New York Times vào năm 1949, trong một bài đánh giá của cuốn sách mang tiêu đề “Chiến lược tình báo cho chính sách thế giới Mỹ”.

Tác giả của cuốn sách đã mô tả nền tảng pháp lý của CIA và chỉ trích các nhà lập pháp đã không trao đủ quyền cho giám đốc Tình báo trung ương (DCI), đặc biệt liên quan đến việc giám sát các thành viên khác của cộng đồng tình báo. 

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.