CIA bị điều tra vì thủ tiêu băng ghi hình tra tấn nghi can khủng bố

Thứ Ba, 01/01/2008, 14:00
Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hiện đang là mục tiêu của 3 cuộc điều tra sơ bộ (1 của Bộ Tư pháp Mỹ, và 2 của Ủy ban Tình báo Hạ viện và Ủy ban Tình báo Thượng viện) để làm sáng tỏ những nghi vấn xung quanh việc cơ quan này thủ tiêu các cuộn băng video ghi hình các cuộc tra tấn nghi can khủng bố.

Vụ việc đã gây xôn xao dư luận suốt hơn một tuần qua. Nếu các nhà điều tra phát hiện bằng chứng xác đáng, một số nhân vật quan trọng của CIA có thể phải đối mặt với luật pháp.

Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp được Tổng thanh tra nội bộ CIA John Helgerson phối hợp hỗ trợ, đã bắt đầu khởi sự từ ngày 8/12. Ông Helgerson cho biết, các nhà điều tra đang xác định mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Nếu có đủ chứng cứ cấu thành tội phạm, ông sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Tư pháp để truy tố hình sự.

Các thông tin ban đầu về vụ việc cho thấy chủ mưu của việc thủ tiêu các cuộn băng video không ai khác hơn Jose Rodriguez - lúc đó là trưởng bộ phận các chiến dịch bí mật của CIA. (Rodriguez đã rời chức vụ vào cuối năm 2005, tức không lâu sau khi các cuộn băng được thủ tiêu). Sự việc xảy ra vào thời ông Porter Goss làm Giám đốc CIA và ông này cũng cho biết đã không nhận được báo cáo nào từ cấp dưới về sự việc kể trên.

Toàn bộ vụ việc tưởng chừng đã được “ém kỹ” nếu không có sự phanh phui của báo chí Mỹ. Mọi chuyện bắt đầu vào chiều tối ngày 5/12, khi ban biên tập tờ New York điện thoại báo cho CIA biết rằng tờ báo này chuẩn bị cho đăng bài báo về việc CIA từng tiêu hủy băng video ghi lại hình ảnh tra tấn tù nhân khủng bố.

Trước lời cảnh báo này, Giám đốc CIA Michael Hayden đã “đón đầu dư luận” bằng cách tung ra một loạt thông điệp nội bộ đội ngũ điệp viên CIA “do báo chí đã biết được vụ việc nên cần phải công khai về việc này".

Ngày 6/12, ngay sau khi báo chí (tờ International Herald Tribune và sau đó là New York Times) đăng loạt bài với lời thừa nhận của Giám đốc CIA Michael Hayden về việc CIA từng tiêu hủy các cuộn băng video, dư luận các tổ chức dân nguyện và Quốc hội Mỹ bắt đầu nổ ra cuộc tranh luận về tính hợp pháp của hành động ghi hình và thủ tiêu băng video, cũng như việc áp dụng các hình thức tra tấn dã man của CIA tiến hành.

Phần lớn ý kiến đều cho rằng việc CIA áp dụng các hình thức tra tấn, như “waterboarding” (dìm mặt xuống nước cho ngạt thở), bắt đứng liên tục trên 30 giờ là có thật.

Ngày 12/12, Giám đốc CIA Michael Hayden đã phải ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Và sau 4 tiếng đồng hồ giải trình, ông Hayden đã không làm hài lòng các nghị sĩ vì không thể giải đáp đầy đủ các câu hỏi chất vấn xoay quanh việc ghi hình và tại sao lại phải hủy hàng chục cuộn băng video.

Ông Hayden cũng không thể lý giải câu hỏi tại sao CIA không thông báo cho các Ủy ban Tình báo Quốc hội biết về việc đã ghi hình các cuộc tra tấn và việc thủ tiêu chúng.

Ông Hayden thừa nhận CIA đã không thông báo với các nghị sĩ của Ủy ban Tình báo về việc ghi hình vào năm 2002 và thủ tiêu các cuộn băng video 3 năm sau. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với phát biểu của chính Hayden cách đó đúng 1 tuần rằng “các lãnh đạo trong Quốc hội đã được thông báo đầy đủ về các cuộn băng và việc CIA có ý định thủ tiêu chúng”.

Ông Hayden cũng không lý giải được câu hỏi vì sao CIA đã không đáp ứng các yêu cầu của Ủy ban 11/9 và tòa án xét xử nghi can khủng bố Zacarias Moussaoui khi các cơ quan này gửi công văn yêu cầu CIA cung cấp bản ghi chép hoặc các tư liệu khác (băng ghi hình các cuộc khảo cung nghi can của CIA) để làm chứng cứ.

Ông chỉ biện hộ rằng, việc CIA tiêu hủy các cuộn băng video là một hành động “bảo vệ” nhằm bảo đảm an toàn cho các điệp viên bí mật tham gia trong chương trình đặc biệt nói trên. Nếu các cuộn băng không bị thủ tiêu và bị công khai hóa, e rằng các “điệp viên” ấy sẽ bị nhận diện và bị lộ, sự nghiệp và cả sinh mạng của họ có thể sẽ bị đe dọa.

Ông Hayden đã biện hộ cho việc CIA sử dụng các kỹ thuật tra tấn dã man (kể cả waterboarding) rằng chúng đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc truy lùng các nghi can khủng bố toàn cầu.

Theo các luật sư và cựu quan chức CIA, cơ quan này đã tiến hành ghi hình các cuộc tra tấn trong một chương trình khảo cung tù nhân nghi can khủng bố nhằm lấy lời khai phục vụ cho công tác điều tra chống khủng bố của chính quyền Mỹ. Có đến hàng trăm giờ băng video đã bị thủ tiêu.

Các cuộn băng video đã ghi hình cuộc hỏi cung các nghi can khủng bố đầu tiên bị CIA bắt giam hồi năm 2002, trong đó có Abu Zubaydah (một thủ lĩnh Al-Qaeda cao cấp, có quan hệ gần gũi với trùm khủng bố Osama bin Laden) và Abd al-Rahim al-Nashiri.

Sau vụ bắt giữ Abu Zubaydah hồi tháng 3/2002, CIA bắt đầu triển khai một chương trình đặc biệt bao gồm việc bắt giữ và tra tấn các nghi can khủng bố nhằm khai thác thông tin. Và một trong những thông tin từ các cuộc khảo cung đó đã giúp CIA lần ra manh mối và bắt được Khalid Sheikh Mohammed - kẻ được xem là chủ mưu vụ khủng bố 11/9/2003.

Vần đề không chỉ dừng lại ở việc ai và có bao nhiêu cuộn băng ghi hình bị thủ tiêu. Hiện tại các nhà điều tra còn mở rộng nghi vấn sang nhiều lĩnh vực khác, với câu hỏi rằng “liệu CIA còn che giấu Quốc hội và các cơ quan hành pháp bao nhiêu vụ việc mờ ám khác nữa?".

Đây sẽ là câu hỏi “chìa khóa” mở ra nhiều hướng điều tra mới sau khi các cuộc điều tra sơ bộ kết thúc (trong vài tháng tới). Sẽ có thêm nhiều vụ việc mà CIA đã ém nhẹm từ trước sẽ tiếp tục được phanh phui.

Daniel Marcus, người từng tham gia Ủy ban 11/9, cho rằng, việc CIA thủ tiêu các cuộn băng video là “chuyện lớn” chứ không đơn giản là một “sai sót nhỏ” như Giám đốc CIA Hayden thừa nhận tuần trước, bởi lẽ việc này có thể gây cản trở công lý hoặc làm lệch hướng tiến trình điều tra - những tội danh có thể truy tố hình sự

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.