CIA dính líu trong vụ đắm tàu trên sông Thames năm 1964?

Thứ Hai, 17/11/2008, 15:30

Sau khi tiếp cận các nguồn tài liệu cũ về các hoạt động chống phá Cuba của Mỹ, giới nghiên cứu khoa học tình báo Anh đã đặt nghi vấn về khả năng CIA đứng đằng sau vụ tai nạn còn nhiều bí ẩn này.

Vào một đêm tháng 10/1964, tin tức dự báo thời tiết hàng hải đã cảnh báo sẽ có sương mù trên sông Thames. Sau đó, khoảng nửa đêm, chiếc tàu hàng mang cờ hiệu Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức MV Magdeburg từ bến cảng Dagenham nhổ neo khởi hành và xuôi dòng sông Thames hướng ra cửa biển. Trên tàu chở 42 chiếc xe buýt do Hãng Leyland của Anh sản xuất, dự kiến được giao cho Cuba.

Thời gian đó, ở hướng ngược lại trên cùng đoạn sông Thames, một con tàu khác quốc tịch Nhật Bản mang tên Yamashiro Maru cũng đang di chuyển, trong khoang không chở hàng hóa gì cả. Lúc 1h52' sáng, 2 tàu gặp nhau. Tàu Magdeburg đang bẻ lái rẽ trái tại điểm Broadness Point thì bị chiếc Yamashiro Maru lao tới đâm thẳng vào mạn phải với vận tốc trên 10 hải lý. Cú va chạm làm cho tàu Magdeburg bị thủng phía dưới vạch mớn nước và bị đẩy dạt qua bên kia bờ sông. Sau đó, tàu Magdeburg cùng toàn bộ xe buýt trong khoang chìm xuống sông, nhưng may mắn không có thiệt hại về người. Kết luận của cảnh sát ngay sau đó cho rằng đây chỉ là một vụ tai nạn hàng hải thông thường như vẫn hay xảy ra. Không một cuộc điều tra nào được tiến hành, và tất nhiên cũng không ai phải chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn. Công ty Leyland chịu hoàn toàn thiệt hại và phải thay thế những chiếc xe buýt mới để giao hàng.

Thế nhưng 44 năm sau, vụ việc đã được giới nghiên cứu khoa học tình báo lật lại và đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng tàu MV Magdeburg đã bị đâm chìm theo "đặt hàng" của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Lý do được đưa ra là CIA thực hiện nhiệm vụ phá hoại bất cứ kẻ nào dám "xé rào" vi phạm lệnh cấm vận của chính quyền Mỹ chống Nhà nước Cuba.

Lo ngại việc bị Chính phủ Mỹ liệt vào "danh sách đen" vì phá vỡ lệnh cấm vận, Công ty Leyland Motors quyết định sử dụng tàu mang quốc tịch Đông Đức. Tàng thư hàng hải CHDC Đức chứa nhiều bằng chứng cho thấy tàu Yamashiro Maru đã vi phạm Luật Hàng hải quốc tế do đi không đúng đường. Hoa tiêu người Anh Gordon Greenfield của tàu Magdeburg đã bị tàu Yamashiro Maru đánh lừa bằng tín hiệu còi hụ một tiếng trước khi tàu bị đâm.

Sau này, cựu hoa tiêu Greenfield cho biết, tín hiệu còi và đèn của tàu Yamashiro Maru đã khiến ông lầm tưởng rằng tàu đó định rẽ phải và xuôi theo mạn tàu Magdeburg, nhưng không ngờ Yamashiro Maru đã di chuyển ngược lại. Greenfield khẳng định tình huống lúc đó hoàn toàn không thể xảy ra một vụ tai nạn nào ngoài tầm kiểm soát của lái tàu, trừ phi đó là một vụ cố ý va chạm. Ông cho biết, thời tiết lúc đó mặc dù có sương mù, song tầm nhìn trên đoạn sông đó vẫn tốt cho nên hoa tiêu 2 tàu hoàn toàn có thể quan sát thấy nhau.

Năm 1975, 2 nhà báo của tờ Washington Post là Jack Anderson (đã qua đời) và Les Whitten (nay đã 80 tuổi) dẫn 2 nguồn tin (một bên trong CIA, một ở NSA) tiết lộ rằng, tình báo Anh đã nghe lén các văn phòng đại diện của Cuba ở London và chuyển cho CIA thông tin về hoạt động của tàu Magdeburg bất chấp thương vụ mua bán xe buýt giữa Hãng Leyland với Chính phủ Cuba khi đó đã được các Thủ tướng Anh Alec Douglas-Home và Harold Wilson chấp thuận.

Thực tế cho thấy trước vụ đắm tàu Magdeburg, CIA đã từng thực hiện nhiều vụ phá hoại các chuyến hàng cung cấp cho Cuba, như vụ máy bay chở đường Newlane và vụ 14.135 bao đường Cuba chở trên tàu Streatham Hill của Anh bị CIA tẩm thuốc độc vào năm 1962... Chưa hết, do ủng hộ Hãng Leyland bán xe buýt cho Cuba nên Thủ tướng Anh Douglas-Home bị Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson cự tuyệt. Sau đó, Johnson còn dùng tiền để mua chuộc, dùng lời lẽ để đe dọa Chính phủ Anh nhằm bằng mọi giá ngăn cản không cho Hãng Leyland bán xe buýt cho Cuba

Quốc Vương (theo The Observer)
.
.